Nền kinh tế Trung Quốc đã từng phát triển với tốc độ thần kỳ. Chỉ trong vòng 3 thập kỷ, Trung Quốc đã vượt qua Nhật trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Cho đến gần đây nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng trong tương lai không xa, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn thứ nhất thế giới. Nhờ kinh tế phát triển, Trung Quốc cũng đã gia tăng đầu tư cho quốc phòng, các loại vũ khí, phương tiện từ tàu thuyền, cả tàu sân bay, máy bay, tên lửa, xe tăng thường được Trung Quốc phô diễn. Vì vậy về quân sự người ta cũng cho rằng Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ và Nga, Trung Quốc cũng có thể trở thành cường quốc số một về quân sự.
Nhưng gần đây các chuyên gia đã có sự nghi hoặc và đánh giá lại tiềm lực, sức mạng thực sự về kinh tế và quân sự đang ở mức nào?
Trước tiên, người ta cho rằng các nhà lãnh đạo và truyền thông Trung Quốc thường hay thổi phồng về các thành tựu mà Trung Quốc đạt được, Trung Quốc thường che dấu số liệu, chỉ số kinh tế, quân sự và các số liệu công bố là không đáng tin cậy.
Hiện tại, về kinh tế: Sau một thời gian phát triển nóng, kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại, đặc biệt là trong 3 năm thực hiện cách ly, cô lập các vùng để chống Covid-19, làm cho sản xuất và tiêu dùng đình trệ.
Bất động sản thường chiếm tỷ trọng tới 30% GDP thì đang lâm vào khủng hoảng. Năm 2023 Trung Quốc đã tung ra ba gói tài chính lớn để cứu bất động sản nhưng không có kết quả, hàng triệu căn hộ không bán được, hàng triệu căn hộ xây dựng dở dang nhà đầu tư không thể đầu tư hoàn thiện.
Hàng hóa Trung Quốc rất dồi dào nhưng là hàng hóa giá rẻ, chất lượng không cao. Nhiều nước đã tìm cách ngăn chặn loại hàng hóa này. Vừa qua Pháp và lãnh đạo EU đã cảnh báo Trung Quốc về thực trạng trên và yêu cầu Trung Quốc không xuất khẩu loại hàng hóa này.
Mỹ đã trừng phạt bằng các biện pháp đánh thuế cao các loại hàng hóa Trung Quốc từ nhiều năm nay. Vừa qua Mỹ đã quyết định đánh thuế 100% xe điện Trung Quốc. Xe điện là sản phẩm mà Trung Quốc đang đứng đầu thế giới. Malaysia cũng vừa tuyên bố sẽ đánh thuế từ 100% đến 200% một số hàng hóa Trung Quốc.
Ở trong nước, các nhà sản xuất nước ngoài ồ ạt chạy khỏi Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng lâm vào khó khăn, phá sản hàng loạt. Tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng, sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Mức độ tiêu dùng nội địa giảm sút nghiêm trọng dù lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng vào tiêu dùng nội địa.
Về quân sự, người ta thường thấy Trung Quốc phô trương các loại vũ khí, khí tài và quân số. Nhưng thực tế các loại vũ khí ấy chưa được kiểm nghiệm trên một chiến trường nào như của Mỹ, Nga và NATO. Cuộc chiến gần đây nhất của Trung Quốc là cuộc chiến ở biên giới Việt Nam năm 1979 đã cho thấy sự yếu kém của quân đội Trung Quốc.
Chính lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra thực tế của nền kinh tế và quốc phòng của đất nước này đã đang tìm cách thay đổi. Hội nghị Trung ương 3 khóa 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch “Đại cải cách”, công bố hơn 300 cải cách kinh tế – xã hội trong năm năm tới.
Kế hoạch công bố ngày 21-7 nhấn mạnh đầu tư vào sản xuất công nghệ cao và đổi mới khoa học, hướng tới một mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ và phát triển bền vững hơn.
Hệ thống công nghiệp tuy có quy mô lớn nhưng chưa đủ mạnh và còn phụ thuộc quá mức vào công nghệ then chốt và cốt lõi do nước khác kiểm soát.
Để làm được cải cách, trước hết phải cải cách hệ thống giáo dục để nuôi dưỡng nhân tài tốt hơn trong các ngành chiến lược. Cải thiện kế hoạch thu hút nhân tài ở nước ngoài và tăng cường liên tục các cơ sở đào tạo.
Cải cách tài chính và thuế, giải tỏa khó khăn cho doanh nghiệp, cho các địa phương, cải thiện hệ thống thu nhập, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, tạo nhiều phục lợi hơn…
Khuyến khích sinh đẻ, cải thiện chính sách thai sản để khắc phục tình trạng dân số.
Có thể nói đứng trước nhiều nguy cơ, khó khăn nên Hội nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc lâu nay đã thể hiện quyết tâm cải cách toàn diện, sâu rộng để có thể đưa đất nước vào quỹ đạo phát triển cao.
H.L