Đã hơn bảy thập niên trôi qua, mối “căm thù Mỹ” của người Triều Tiên vẫn chưa hạ nhiệt. Khi có lời khuyên hãy khép lại quá khứ để xây dựng đất nước phát triển, câu trả lời của Bình Nhưỡng là: không bao giờ!
Trong khi đó, Hàn Quốc và một số quốc gia khác cũng từng hứng chịu bom đạn Mỹ, từng chịu hậu quả chiến tranh rất nặng nề nhưng đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ, coi đó là một chương buồn trong lịch sử, để cùng nhau hợp tác, phát triển trong thế giới hiện đại.
Theo các nhà nghiên cứu, vì sao Bình Nhưỡng không “nghĩ lại” trong khi thời cơ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đang diễn ra nhanh chóng và đem lại thành tựu lớn cho loài người. Khoét sâu thù hận chỉ kéo dài đau khổ, thiệt hại nặng về kinh tế và hậu quả ấy người dân phải gánh chịu.
Một tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng được Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin: “Mỹ là một quốc gia không đáng tin cậy và dễ dàng vi phạm các hiệp ước, thỏa thuận giữa các nước. Cộng hòa Dân chủ Nhân Dân Triều Tiên không cần kiểu đối thoại theo hướng đối đầu và với ý đồ không trong sạch như vậy”.
Vậy là sau ngót trăm năm, mối thù giữa chính quyền Mỹ-Triều vẫn chưa hề nguôi ngoai. Một nhà lãnh đạo Triều Tiên nói: “Chúng tôi cảm nhận được một cách đầy đủ đến tận xương tủy những gì các cuộc đối thoại đã mang lại và những gì nó đã tước đi của chúng tôi”.
“Nói có sách mách có chứng”, Bình Nhưỡng trích dẫn một thí dụ: Dưới thời chính quyền Bill Clinton nhờ kết quả đối thoại Mỹ – Triều Tiên cho nên các thỏa thuận cơ bản đã được ký kết giữa hai nước, thế nhưng chúng “chưa bao giờ được thực hiện và đã bị chính quyền George W. Bush hủy bỏ hoàn toàn”.
Trong những năm gần đây và cho đến hiện tại, theo Hãng KCNA, Bầu không khí chính trị ngột ngạt ở Mỹ khiến người ta có thể dễ dàng bỏ qua các Hiệp định quốc tế. Nhà Trắng thay đổi chúng tùy theo “khẩu vị” và “tâm trạng” của mỗi đời tổng thống mới. Những sự thật trần trụi này cho thấy Mỹ là một con hổ giấy, là một “quốc gia lạc hậu về chính trị” và là kẻ “côn đồ chính trị” (!)
Triều Tiên luôn nhớ về dấu mốc đau buồn, ngày 25/6/1950, sau khi Thế chiến thứ II kết thúc 5 năm, Mỹ đã đem bom dội xuống đất nước xinh đẹp của họ. Máy bay Mỹ đã nép khoảng 635 nghìn tấn thiết bị nổ xuống Triều Tiên, trong đó có 3.200 tấn napalm.
Phải ba năm sau, vào ngày 27/7/1953, Lệnh ngừng bắn mới được thực hiện. Khi ấy 1,3 triệu người đã bị thương vong (trong khi dân số nước này lúc đó chỉ có 9,6 triệu người). Kết thúc chiến tranh, người dân Triều Tiên vẫn phải sống trong đống đổ nát, với cơ sở hạ tầng bị phá hủy hoàn toàn, các thị trấn, thành phố đổ nát, hoang tàn.
Kể từ đó, Hiến pháp Triều Tiên quy định: “Quốc phòng là nhiệm vụ tối cao và là vinh dự của các công dân”. Đất nước vận hành theo chính sách quân sự trước hết, đưa các lực lượng vũ trang lên vị trí số 1. Triều Tiên đã đưa Chính sách vũ khí hạt nhân vào Hiến pháp nước này. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc sản xuất vũ khí hạt nhân để bảo vệ quyền sinh tồn và phát triển đất nước, ngăn chặn chiến tranh, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.
Đủ thấy chủ trương và những lời kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên rất khó thực thi. Tình hình trên bán đảo vẫn tiếp tục căng như dây đàn, khi gần đây Triều Tiên- Hàn Quốc liên tục “trả đũa” nhau bằng những đòn trừng phạt… vớ vẩn. Chẳng hạn Bình Nhưỡng tiếp tụcthar bóng bay khổng lồ chứa rác bẩn sang Hàn Quốc.
Hôm 24/7, vào khoảng 7 giờ 30 phút sáng (giờ địa phương), bóng bay rác từ Triều Tiên lại “hỏi thăm” nhiều khu vực ở Seoul. Seoul bực mình nhất là rác bẩn mặc sức rơi xuống khuôn viên dinh Tổng thống Hàn Quốc và gần dinh thự Đại sứ Mỹ. Ngoài ra còn có nhiều quả bóng bay rác đã rơi xuống khu vực bên trong khuôn viên khu phức hợp Yongsan, là khu vực trung tấm của dinh Tổng thống.
Chả biết có phải để trả đũa “mưu hèn kế bẩn” của Bình Nhưỡng, Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận không quân chung vào ngày 23/7 với sự tham gia của máy bay chiến đấu F/A-18C/D và F-35B của Thủy quân Lục chiến Mỹ và các máy bay F-16, FA-50, KA-1, F-15K của Hàn Quốc. Cuộc tập trận nhằm mục đích “tăng cường năng lực tác chiến chung”. Cuộc tập trận kéo dài đến ngày 8/8 tại căn cứ không quân Suwon, phía nam Seoul.
Cuối tháng 6/2024, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tổ chức cuộc tập trận quân sự ba bên đầu tiên mang tên Freedom Edge, tại vùng biển quốc tế phía nam đảo Jeju của Hàn Quốc. Tại đây có sự tham gia của máy bay, trực thăng và tàu chiến, bao gồm cả tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ, tàu khu trục ROKS Seoae Ryu Seong-ryong của Hàn Quốc và tàu khu trục trực thăng JS Ise của Nhật Bản.
Vậy là, theo giới phân tích, các cuộc chạy đua vũ trang vẫn tiếp diễn căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Một mình Triều Tiên khó mà chống đỡ với liên minh Mỹ, Nhật, Hàn. Dù có “căm thù Mỹ” đến đâu Triều Tiên cũng nên bình tĩnh xem lại đường lối ngoại giao trong thời đại ngày nay. Mọi tuyên bố chính thức hay không chính thức, mọi hành động trả đũa, giải tỏa tâm lý nhất thời dễ trở thành chuyện “rước lửa vào nhà”.
H.Đ