Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ chỉnh đốn bộ chỉ huy các lực lượng đồn trú tại...

Mỹ chỉnh đốn bộ chỉ huy các lực lượng đồn trú tại Nhật Bản

Cuộc cải tổ diễn ra khi Nhật Bản muốn có một bộ chỉ huy liên hợp mới để phối hợp tốt hơn với Mỹ, trước những gì họ xem là mối đe dọa từ Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.

Thông tin về cuộc cải tổ bộ máy chỉ huy các lực lượng đồn trú tại Nhật Bản được một quan chức Mỹ đưa ra hôm 27-7, theo Hãng tin Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến có cuộc gặp chung với hai người đồng cấp Nhật Bản trong hôm nay 28-7.

“Bộ trưởng Austin có kế hoạch công bố việc Mỹ có ý định tái lập Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản vào một bộ chỉ huy liên hợp, báo cáo với tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ”, quan chức Mỹ tiết lộ trong cuộc họp báo trước cuộc gặp ngày 28-7.

Một vị tướng ba sao sẽ là người đứng đầu bộ chỉ huy mới, dù trước đó Nhật Bản yêu cầu phải do một tướng bốn sao đảm nhận.

Nhật Bản có nhiều căn cứ của Mỹ, là nơi đồn trú của 54.000 quân nhân, hàng trăm máy bay chiến đấu các loại của Mỹ. Đây cũng là nước có nhóm tác chiến tàu sân bay tiền phương duy nhất của Washington.

Dự kiến trong cuộc gặp hôm nay 28-7, các bộ trưởng Mỹ và Nhật Bản cũng sẽ lần đầu tiên đề cập đến “răn đe mở rộng”, một thuật ngữ được sử dụng để mô tả cam kết của Mỹ trong việc sử dụng lực lượng hạt nhân để ngăn chặn các cuộc tấn công vào đồng minh của mình.

Trước đó ba bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã gặp nhau tại Tokyo, nơi họ ký một bản ghi nhớ “thể chế hóa” hợp tác ba bên. Trong đó ba bên cam kết chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa của Triều Tiên theo thời gian thực và tổ chức các cuộc tập trận chung.

“Bản ghi nhớ này củng cố sự hợp tác giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc, giúp quan hệ đối tác của chúng ta không thể lay chuyển bất kể tình hình quốc tế thay đổi như thế nào”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kihara Minoru nói với các phóng viên sau cuộc gặp.

Theo Reuters, Washington được cho là cũng muốn khai thác ngành công nghiệp Nhật Bản để giúp giảm bớt áp lực lên các công ty quốc phòng trong nước, vốn đang căng thẳng do nhu cầu phát sinh từ các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông.

Viện dẫn sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và các cuộc thử tên lửa thường xuyên của Triều Tiên, Nhật Bản đã từng bước từ bỏ các điều khoản hòa bình trong hiến pháp.

Chẳng hạn vào năm 2022, Tokyo công bố kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội.
T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới