Tuesday, November 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCỏ Mây: yên ổn rồi chăng?

Cỏ Mây: yên ổn rồi chăng?

Câu hỏi trên được nêu ra trước một thông tin tích cực vừa được Manila loan báo: Philippines ngày thứ Bảy hoàn tất chuyến tiếp tế không bị cản trở cho binh sĩ của họ tại bãi cạn Cỏ Mây.

Tàu Sierra Madre mà Philippines để mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây từ năm 1999

Được biết, đây là chuyến chở tiếp tế đầu tiên sau một thỏa thuận mới mà Philippines và Trung Quốc đạt được nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại một khu vực tranh chấp nhiều bên, trong đó căng thẳng nhất là giữa Philippines và Trung Quốc. Cỏ Mây đặc biệt nóng lên từ năm 1999, khi Philippines cố tình biến con tàu cũ nát BRP Sierra Madre thành một tiền đồn nhằm khẳng định chủ quyền trước sự nhòm ngó của Trung Quốc.

Thông tin về thỏa thuận giữa Philippines và Trung Quốc được phát ra từ ngày 24/7 bởi một quan chức an ninh Philippines được coi là “hàng đầu”. Văn bản chi tiết của thỏa thuận không được tiết lộ, nhưng quan chức này cũng hé ra một điều quan trọng nhất, rằng: “Hai bên nhất trí căng thẳng sẽ giảm… để ngăn xung đột, bất cứ điều gì có thể gây thương tích, gây hại cho binh lính hay bất kỳ ai”.

Để có kết quả được diễn đạt trong mấy dòng có thể nói là ngắn ngủi trên, là một chặng đường dài trước đó, với sự tham gia của của những nhà ngoại giao hàng đầu hai bên. Còn nhớ, từ đầu tháng 8/2023, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong chuyến công du đến Singapore và Malaysia, từng đưa ra lời kêu gọi Philippines hợp tác với Trung Quốc để “tìm kiếm một biện pháp hiệu quả” nhằm xoa dịu căng thẳng tại khu vực này.

Thời điểm đó, nhìn bề ngoài, vẻ như Bắc Kinh là bên “thiện chí” muốn giải quyết vấn đề một cách khẩn trương, triệt để. Tuy nhiên, liền sau lời kêu gọi của ông Vương Nghị, các tàu hải cảnh khổng lồ của Trung Quốc vẫn ngăn cản, hành hạ các tàu tiếp tế của Philippines thực hiện tiếp hậu cần cho nhóm lính đồn trú trên con tàu cũ. Và điều không thể khác, “chuyện thường ngày” (hàm ý chỉ những xung đột mà Trung Quốc chủ động thực hiện như đâm húc, xịt vòi rồng, chạy cắt mặt…các tàu tiếp tế và hải cảnh của Philippines) vẫn xảy ra. Thực tế phũ phàng đó cộng với việc Manila giận dữ la toáng lên trước thiên hạ rằng: cái gọi là “sự đồng thuận đã đạt được trong quá khứ giữa Bắc Kinh và Manila” mà ông Vương Nghị đề cập chỉ là trò tung hỏa mù, đã làm tan biến chút lạc quan vừa được nhen lên, đẩy dư luận trở lại với những hoài nghi vốn thường trực lâu nay, về sự chân thành trong lời nói của Bắc Kinh.

Tiếp theo, tới ngày 17/6, mọi thứ gần như sụp đổ với vụ được gọi là “va chạm nguy hiểm” khiến một thủy thủ Philippines trên chiếc xuồng làm nhiệm vụ tiếp tế cho nhóm lính đồn trú mất một ngón tay, và làm một số binh sĩ khác xây sát…

Cả Trung Quốc và Philippines đều tố nhau là bên gây hấn. Chẳng biết có phải tâm lý “bênh kẻ yếu” hay không, khi được hỏi, nhiều nhà quan sát quốc tế đều cho rằng, Trung Quốc mới là bên chủ động gây ra. Một số chuyên gia quốc tế còn bồi thêm tội cho Bắc Kinh bằng sự phân tích khá thuyết phục: cùng với mục tiêu cản trở Philippines tiếp tế, khiến họ bỏ cuộc, động cơ của Bắc Kinh lần này là thử xem, Washington – đồng minh có Hiệp ước phòng thủ chung với Manila – sẽ phản ứng ra sao để hỗ trợ Philippines; đồng thời, để các đồng minh khác còn “nhòm vào” mà đánh giá trách nhiệm, nghĩa vụ với đồng minh của Mỹ…

Xem ra, nhận định trên là thực tế nhất khi việc thăm dò phản ứng của Mỹ đã có kết quả. Ngày 21/6, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố coi vụ 17/6 như hành động “leo thang và vô trách nhiệm” của Bắc Kinh, kèm theo đó là lời cảnh báo rằng: “Hiệp ước phòng thủ chung giữa Washington và Manila được áp dụng cho bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của Philippines trên Biển Đông”.

Cộng động quốc tế nín thở nghĩ tới một cuộc khủng hoảng giữa hai siêu cường vốn đã hậm hực với nhau từ lâu, đang cạnh tranh nhau quyết liệt. Chính vào lúc đấy, “quả bom” thiếu chút nữa bị kích hoạt, được tháo ngòi nổ bằng tuyên bố của tuyên bố phát ra từ văn phòng tổng thống Philippines: “xô xát giữa thủy thủ hải quân Philippines với thành viên hải cảnh Trung Quốc hôm 17/6 nhiều khả năng là “hiểu nhầm hoặc sự cố”.

Kiểu tuyên bố nước đôi này hóa giải được căng thẳng; đặc biệt nó gỡ được “thể diện” cho Mỹ, theo cái ý: may nhé, chứ nếu là thật, Washington đã kích hoạt Hiệp ước phòng thủ để hỗ trợ đồng minh Philippines rồi.

Còn Bắc Kinh: họ cũng có lý do mà hể hả và tự phỉnh nịnh mình rằng: Mỹ thật sự chỉ là “hổ giấy” trước sự thách thức của Trung Quốc…

Tới lúc này, vẻ như đều đã mệt bởi những cuộc ăn miếng trả miếng, Bắc Kinh và Manila như đều cần ngưng lại. Và rất có thể , đó mới chính là lý do để hai bên đạt được cái gọi là “thỏa thuận” nhằm hạ nhiệt căng thẳng nêu trên để mở ra ngày thứ bảy tuần vừa qua Philippines thực hiện tiếp tế hậu cần suôn sẻ cho nhóm lính đồn trú trong khu vực bãi cạn.

Tuy nhiên, chỉ những ai lạc quan tếu mới có thể nhìn vào đó mà tin câu chuyện căng thẳng Cỏ Mây đã kết thúc. Nên nhớ rằng, liên quan Thỏa thuận mới chỉ được tiết lộ nội dung một cách nhỏ giọt trên, ông Eduardo Ano, cố vấn an ninh quốc gia Philippines có nhấn mạnh răngf: “Chúng tôi (Philippines) không đồng ý bất cứ điều gì làm suy yếu vị thế của chúng tôi”.

Manila đã thế, liệu rằng, Trung Quốc, trong tư cách một siêu cường đầy ngạo mạn, lại có thể dễ dàng từ bỏ vị thế và những lợi ích mà lâu nay họ cho là “chính đáng” (?) của họ tại bãi cạn Cỏ Mây hay sao?

Nói cách khác, căng thẳng tại khu vực bãi cạn Cỏ Mây còn…tiềm năng lắm!

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới