Slovakia sẽ ngừng cung cấp dầu diesel cho Ukraina trừ khi nước này khôi phục vận chuyển dầu của Nga.
RT đưa tin, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cảnh báo rằng quốc gia EU này sẽ ngừng cung cấp dầu diesel cho Ukraina nếu Kiev không khôi phục vận chuyển dầu của công ty năng lượng khổng lồ Lukoil Nga qua lãnh thổ của mình.
Vào tháng 6, Kiev đã chặn đường ống vận chuyển dầu thô của Nga do Lukoil bán cho Trung Âu. Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech được Liên minh châu Âu (EU) miễn trừ lệnh trừng phạt để các quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga này có thêm thời gian tìm giải pháp thay thế.
“Nếu việc vận chuyển dầu thô của Nga qua Ukraina không được khôi phục trong thời gian ngắn, nhà máy lọc dầu Slovnaft của Slovakia sẽ không tiếp tục cung cấp dầu diesel cho Ukraina” – Thủ tướng Robert Fico tuyên bố trong video trên Facebook hôm 29.7, lưu ý rằng lượng diesel của Slovakia chiếm một phần mười lượng dầu diesel tiêu thụ của Ukraina.
Thủ tướng Fico cho biết, hôm 26.7 ông đã đề xuất với người đồng cấp Ukraina Denis Shmygal một giải pháp kỹ thuật để khôi phục dòng dầu thô đã bị dừng. Ông không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về đề xuất của mình nhưng cho biết sẽ phải liên quan đến nhiều quốc gia.
“Tôi hoan nghênh thông tin rằng các công ty thương mại có liên quan đã suy nghĩ về cách triển khai giải pháp kỹ thuật này trong thời gian ngắn nhất có thể” – Thủ tướng Fico tuyên bố.
Theo bài báo trước đó của hãng thông tấn Xinhua, trích dẫn nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng Fico, việc khôi phục ít nhất một phần quyền tiếp cận dầu của Nga là cực kỳ quan trọng đối với nhà máy lọc dầu Slovnaft ở Bratislava, vì các nguồn dầu thay thế đắt hơn và có thể không tương thích về mặt công nghệ.
Ukraina đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Lukoil vào ngày 24.6, bao gồm đóng băng tài sản, hạn chế hoạt động thương mại và áp dụng “lệnh ngừng một phần hoặc toàn bộ trung chuyển tài nguyên”. Theo tập đoàn MOL của Hungary – công ty cũng sở hữu Slovnaft, dầu của Nga đã ngừng chảy vào ngày 17.7.
Về mặt chính thức, Kiev đang tìm cách tước đoạt doanh thu từ dầu của Mátxcơva – nguồn doanh thu này có thể được sử dụng để trả cho quân đội Nga – mặc dù bản thân Ukraina đang nhận được chi phí trung chuyển dầu.
Nghị sĩ Ukraina Inna Sovsun trước đó đã gợi ý với Politico rằng lệnh cấm vận có mục đích thứ cấp là gây áp lực lên Hungary.
Chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã lên tiếng phản đối chính sách của EU về việc gửi tiền và vũ khí cho Ukraina, đồng thời cũng tuyên bố sẽ chặn đơn của Ukraina gia nhập NATO và EU.
Động thái của Ukraina đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở Hungary, nước phụ thuộc vào Nga tới 70% lượng dầu nhập khẩu và Lukoil cung cấp một nửa số lượng đó.
Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc Ukraina đã đưa ra “quyết định chính trị” và tuyên bố tình trạng “nghiêm trọng” đối với những người vẫn đang mua dầu của Nga.
T.P