Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTừ vương quốc Phù Nam đến vương quốc Campuchia

Từ vương quốc Phù Nam đến vương quốc Campuchia

Lịch sử của Campuchia đã bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, với việc ra đời của Vương Quốc Phù Nam, được cho là quốc gia đầu tiên ảnh hưởng bởi văn hóa Ấn Độ tại vùng Đông Nam Á. Ngày nay, văn hóa các phong tục truyền thống và cả ngôn ngữ của người Khmer hầu hết đều bắt nguồn từ giai đoạn này. Chữ Phạn là ngôn ngữ được sử dụng để giao tiếp và viết trong thời kỳ đó. Đạo Hindu đã thống trị một thời gian rất dài trước khi đạo Phật được phổ biến tại đây. Các chứng tích về sự giao thoa văn hóa và tôn giáo này ngày nay vẫn còn tồn tại rất nhiều tại Campuchia, thể hiện qua các công trình kiến trúc cổ, cách thức làm nông nghiệp của người nông dân và cả thông qua các trang phục truyền thống.

Vương Quốc Phù Nam tồn tại trên 500 năm, triều đại này dần suy sụp vào thế kỷ thứ 7 và bị vương quốc Chân Lạp, một tiểu quốc chư hầu của Phù Nam, xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ vào năm 622. Sau năm 707, Chân Lạp xảy ra nội chiến tranh giành quyền lực, tách ra thành hai quốc gia là Thượng Chân Lạp chiếm giữ vùng núi phía Bắc và Thủy Chân Lạp chiếm cứ vùng đồng bằng sông Mê Kông, bao gồm các tỉnh phía Nam Campuchia và Tây Nam Việt Nam ngày nay. Đến năm 715, một số nước nhỏ hơn tiếp tục tách ra khỏi hai nước trên, làm cho Chân Lạp càng thêm suy yếu. Trong khi đó, ở phía nam, đế chế Srivijaya đã phát triển nhanh chóng, thống nhất rất nhiều hòn đảo của Indonesia ngày nay. Nhân cơ hội Chân Lạp nội bộ lục đục, năm 777, Srivijaya đã tiến công tiêu diệt Chân Lạp và áp đặt sự cai trị của mình tại đây.

Các thành viên hoàng tộc của Chân Lạp đã bị bắt đi lưu đày ở Indonesia, trong số đó có một cậu bé tên là Jayavarman II. Năm 790, sau 13 năm nếm mật nằm gai ở Indonesia, Hoàng tử Jayavarman II lấy lý do quay trở về Chân Lạp để tìm thuốc trường sinh cho nhà vua Srivijaya. Nhưng vua Srivijaya đâu biết, họ đã thả hổ về rừng. Ngay sau khi trở về cố hương, Jayavarman II đã nhanh chóng liên hệ với các thuộc hạ cũ tập trung lại thành một đội quân.

Năm 802, Jayavarman II và môn hạ đã đánh bại toàn bộ các chúa địa phương để thành lập nên đế chế Khmer. Về phần mình – vua của Srivijaya đã không chờ được thuốc trường sinh của Jayavarman II nên đã chết. Sau khi ông chết, Srivijaya cũng xảy ra một cuộc chiến tranh tranh giành quyền lực, không hơi đâu mà quản chuyện của đất nước Khmer mới thành lập.

Sau khi vua Jayavarman II qua đời năm 835, những người con và cháu của ông tiếp tục là những lãnh đạo kiệt xuất, đã phát triển đế chế Khmer ngày càng thịnh vượng, trở thành một đế chế rực rỡ và hùng mạnh bậc nhất Đông Nam Á lục địa.

Năm 1.113, Suryavarman II lên ngôi hoàng đế của Khmer. Ông đã cho xây dựng Angkor Wat, quần thể kiến trúc đền thờ hoành tráng và lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Cùng với đó, Suryavarman II đã 5 lần liên tiếp đánh Đại Việt dưới thời nhà Lý, nhưng cả 5 lần đều bị Đại Việt đánh bại. Đó là vào các năm 1128, 1129, 1132, 1138 và 1150.

Việc xâm lược không thành công, cùng với việc chi quá nhiều sức người, sức của để xây dựng Angkor Wat đã làm cho đế chế Khmer bị suy yếu. Sau khi Suryavarman VII qua đời năm 1177, Champa, một vương quốc ở miền Nam Việt Nam ngày nay, đã nhân cơ hội Khmer suy yếu và tranh giành quyền lực, đã đưa một đạo thuyền chiến ngược sông Mê Kông đến hồ Tolen Sap, đánh úp chớp nhoáng Angkor. Angkor Wat bị tàn phá nặng nề, đế chế Khmer bị Champa đô hộ trong một thời gian ngắn.

Năm 1182, Đế chế Khmer lại sản sinh ra một vị vua kiệt xuất, đó chính là Jayavarman VII. Ông này lãnh đạo quân đội Khmer đánh đuổi quân Chăm Pa, thậm chí ông có đánh chiếm luôn cả Chăm Pa, biến Chăm Pa thành một tỉnh của Đế chế Khmer trong một thời gian dài. Ông đã cho xây dựng Angkor Thom ngay bên cạnh Angkor Wat.

Đế chế Khmer đã phát triển cực thịnh, lãnh thổ được mở rộng nhất dưới thời Jayavarman VII. Tuy nhiên, Jayavarman VII chính là vị vua kiệt xuất cuối cùng mà Campuchia có thể sản sinh ra, bởi sau khi ông chết vào năm 1218, những người con của ông không ai có đủ khả năng để cai trị đế chế nữa.

Đế chế tiếp tục rơi vào các cuộc tranh giành quyền lực, đấu đá nội bộ, điều đó khiến Đế chế Khmer trở nên suy yếu. Nhân cơ hội đó, người Thái đã vùng lên và thoát khỏi sự cai trị của Khmer để thành lập nên Vương quốc Sukhothai năm 1238. Năm 1253, quân Mông Cổ tiến đánh Khmer và bắt Khmer phải triều cống. Khmer ngày càng suy yếu, nhân cơ hội đó, người Lào cũng đã đứng lên thoát khỏi sự cai trị của Khmer và thành lập nên Vương quốc Vạn Tượng. Những năm sau đó, Khmer mất dần đất đai vào tay người Thái và Lào.

Năm 1431, Đế chế Khmer sụp đổ sau cuộc tấn công của người Thái từ Vương quốc Ayutthaya. Thủ đô Angkor bị tàn phá nặng nề, nó cũng dần bị lãng quên khi những người Campuchia còn sót lại đã dời đô về Phnom Penh. Trong hơn một thế kỷ sau đó, Campuchia dần lấy lại sự ổn định. Nhiều lần đã tổ chức phản công Ayutthayaxx1. Khi Ayutthaya đang bị người Miến tấn công nhưng tất cả đều không thành công. Năm 1591, người Xiêm lấy lại được sức mạnh của mình sau khi đánh đuổi quân xâm lược của Miến Điện, Ayutthaya bắt đầu trả thù Campuchia bằng những cuộc tấn công trên quy mô lớn.

Năm 1594, thủ đô Longvek của Campuchia bị Xiêm tàn phá thêm một lần nữa. Campuchia trở thành chư hầu của Ayutthaya. Quân Ayutthaya bắt gần như toàn bộ gia quyến Hoàng gia và hàng nghìn thợ thủ công, học giả, nghệ sĩ và tu sĩ Khmer đem về kinh đô Ayutthaya.

Campuchia suy thoái nghiêm trọng, các thế lực của người Chăm, các quốc gia Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan tranh giành nhau ảnh hưởng ở Campuchia. Ở phía đông Campuchia, Đại Việt bắt đầu chia tách Đàng Trong – Đàng Ngoài. Từ những năm 1600, người Việt bắt đầu tiến trình Nam Tiến, thôn tính dần và cuối cùng tiêu diệt Vương quốc Chăm Pa, quốc gia từng là kiểm định của Campuchia trong suốt hàng thế kỷ. Từ giai đoạn này, Campuchia phải chịu thêm một sức ép lớn nữa từ Đàng Trong ở phía đông, bên cạnh Ayutthaya ở phía tây. Những năm sau đó, Campuchia không có lúc nào được ổn định, liên tục xảy ra các cuộc đấu đá nội bộ để tranh giành quyền lực. Có phe phái chạy sang nhờ Chúa Nguyễn, có phái thì chạy sang nhờ Xiêm La. Mỗi lần nhờ có phải nhờ không đâu, lâu lâu lại cắt một ít đất cho Chúa Nguyễn, lâu lâu lại cắt một ít đất cho Xiêm La. Lãnh thổ đất nước cứ vì thế mà thu hẹp dần.

Năm 1757, Nặc Tôn được được chúa Nguyễn giúp lên làm vua, Nặc Tôn dâng đất để tạ ơn chúa Nguyễn . Đến đây, có thể nói như toàn bộ vùng đất Nam Bộ ngày nay đã thuộc về Chúa Nguyễn. Cũng trong thời gian đó, thì Battambang và Xiem Reap đã bị người Thái thu lấy.

Năm 1835, vua Minh Mạng thu toàn bộ đất Cao Miên, thành lập Trấn Tây Thành. Trong thời gian này, người dân Campuchia bị điều đi đào kênh Vĩnh Tế, phải học nhiều phong tục của người Việt nên đã sinh ra lòng oán hận rất cao. Những cuộc nổi dậy của nông dân đã nổ ra chống lại Đại Nam.

Năm 1841, thấy việc binh tốn kém, vua Thiệu Trị đã xóa bỏ Trấn Tây Thành. Campuchia một lần nữa được độc lập nhưng phải chịu sự bảo hộ của cả Đại Nam và Xiêm La. Năm 1861, người Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông của Đại Nam. Campuchia đã ký hiệp ước công nhận sự bảo hộ của Pháp. Đất đai bị mất vào tay Xiêm La đã được người Pháp đòi về và vẽ lại bản đồ.

Lúc này, Campuchia là một nước quân chủ dưới sự đô hộ của Pháp và gia nhập Liên bang Đông Dương. Vua Sihanouk đã lên ngôi vào năm 1941 khi đó ông mới 18 tuổi. Không lâu sau đó, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai lan đến Campuchia khi quân Nhật đánh bại lực lượng Pháp và Đông Dương. Vua Sihanouk đã tận dụng thời cơ để đưa đất nước thoát khỏi sự cai trị của ngoại bang. Năm 1953, Campuchia tuyên bố độc lập.

Năm 1970, nhân dịp khi Vua Sihanouk đang có chuyến thăm đến Pháp, Mỹ đã hậu thuẫn cho Thủ tướng Lon Nol đảo chính, xóa bỏ chế độ quân chủ và thành lập nước Cộng hòa Khmer. Trước tình hình đó, vua Sihanouk đã lưu vong đến Bắc Kinh và quân đội miền Bắc Việt Nam đã ủng hộ Pol Pot và lực lượng Khmer Đỏ một lực lượng cộng sản nhằm chống lại quân chính phủ. Chính vì vậy Khmer Đỏ đã lớn mạnh nhanh chóng. Năm 1975, khi Việt Nam thống nhất đất nước, Khmer Đỏ cũng đã đánh bại quân Chính phủ và thành lập nước Campuchia Dân chủ.

Pol Pot, lãnh đạo Khmer Đỏ, là một kẻ hết sức cực đoan, muốn xây dựng lại một đế chế Khmer huy hoàng của thuở nào. Ông ta đã đuổi hết những người dân ra khỏi thành phố, cho về quê làm ruộng, xóa bỏ mọi tri thức, gây ra nạn diệt chủng làm hai triệu người chết. Năm 1977, một thanh niên 25 tuổi tên là Hun Sen, là thành viên của Khmer Đỏ đào ngũ, đã rất cố gắng để chạy thoát ra khỏi Campuchia sang Việt Nam tìm kiếm sự giúp đỡ. Cũng thời gian đó, dưới sự hậu thuẫn của Trung Quốc, Khmer Đỏ đã tấn công Việt Nam. Năm 1978, quân Việt Nam đã sang đánh dẹp Khmer Đỏ và giúp lực lượng Hun Sen thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia.

Năm 1985, dưới sự ủng hộ của Việt Nam, Hun Sen đã được đưa lên làm Thủ tướng. Tuy nhiên, Khmer Đỏ và Đảng Bảo Hoàng của Sihanouk không chấp nhận chính quyền thân Việt Nam này. Khmer Đỏ đánh bại thì dễ nhưng để tiêu diệt thì rất khó. Chúng trốn vào vùng rừng rậm giáp biên giới với Thái Lan để đánh du kích chống lại quân Việt Nam. Tại đây, nhiều lần, Việt Nam đã đụng độ với quân Thái Lan, khiến Thái Lan phải đặt mình trong tình trạng báo động cấp cao nhất. Lúc này, Việt Nam bị cấm vận kinh tế, suy thoái nặng nề. Năm 1989, Việt Nam rút toàn bộ quân ra khỏi Campuchia.

Năm 1993, dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, Campuchia đã tổ chức Tổng tuyển cử tự do. Theo kết quả bầu cử, thì Campuchia sẽ đi theo chế độ quân chủ lập hiến với cựu Hoàng Norodom Sihanouk làm Quốc vương, Norodom Ranariddh, con trai cả của Vua Sihanouk, làm Thủ tướng thứ nhất, Hun Sen làm Thủ tướng thứ hai.

Tuy nhiên, một núi không thể có hai hổ. Năm 1997, Campuchia đã xảy ra chính biến. Đảng Nhân dân CPP, tiền thân là Đảng Cộng sản Campuchia của Hun Sen, và Đảng Funcinpec của Norodom Ranariddh đã đánh nhau. Kết quả là Hun Sen đã giành chiến thắng và trở thành Thủ tướng duy nhất của Campuchia đến tận ngày nay. Về phần Khmer Đỏ, Pol Pot đã già yếu và chết trong rừng. Ta Mok lên thay và đã đầu hàng Quân Chính phủ từ năm 1999. Kể từ đây, Campuchia bước vào thời kỳ mới, hòa bình và phát triển kinh tế.

Năm 2021, GDP của Campuchia là 26 tỷ đôla. GDP theo PPP bình quân đầu người là 4441 đôla. Đây là con số thuộc hàng thấp nhất châu Á, chỉ bằng 1/2 của Lào và bằng gần 1/3 so với Việt Nam. Liên Hợp Quốc chỉ định Campuchia là một trong những quốc gia thuộc hạng kém phát triển nhất. Hầu hết các hộ gia đình nông thôn, người dân phụ thuộc vào nông nghiệp và các ngành phụ liên quan. Gạo, cá, gỗ, hàng may mặc và cao su là những mặt hàng xuất khẩu chính của Campuchia.

Hầu hết người dân Campuchia sống bằng nghề trồng lúa. Cơ sở hạ tầng và đường giao thông ở Campuchia chưa được phát triển nhiều. Đồng tiền của Campuchia là Riel. Tỷ giá hiện tại là một Riel đổi được khoảng 5,6 Việt Nam đồng. Số liệu mới nhất cho thấy 17,8% dân số nước này đang sống dưới mức nghèo khổ, trong đó người dân ở nông thôn có tỷ lệ nghèo cao nhất. Cụ thể, tiêu chuẩn áp dụng đối với từng khu vực, mức thu nhập trung bình của một người nghèo trên/ngày tại thủ đô Phnom Penh là 10,95 Riel, tương đương khoảng 57 nghìn Việt Nam đồng. Tại các khu đô thị, mức thu nhập là 9,571 Riel, tương đương khoảng 52.000 Việt Nam đồng và ở các khu vực nông thôn, người nghèo có mức thu nhập là 8,9 Riel, tương đương với 48.000₫.

Hiện nay Campuchia là một trong những nước có tốc độ phát triển kinh tế vào hàng nhanh nhất thế giới, với tốc độ trung bình hơn 7%/năm. Việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài được chính phủ chú trọng. Nhưng nếu nhìn chung thì công nghiệp của Campuchia vẫn chưa có gì đáng kể, chủ yếu vẫn là gia công các sản phẩm may mặc và giày dép. Các mặt hàng dệt may chiếm tỷ trọng trong xuất khẩu lên đến 80%. Mấy năm gần đây, du lịch Campuchia đã có sự phát triển vượt bậc. Năm 2019 đã có hơn 6 triệu lượt du khách đến với Campuchia, doanh thu từ du lịch đạt hơn 4,4 tỷ đôla.

Campuchia có khu đền Angkor rất thu hút khách. Riêng khu kiến trúc này hàng năm thu hút gần 2,6 triệu lượt du khách. Ban đầu, Angkor Wat được xây dựng như một ngôi đền Hindu và sau đó được chuyển đổi thành thánh địa Phật giáo vào cuối thế kỷ thứ 12. Nơi đây chứa đựng kiến trúc Khmer điển hình của Campuchia. Mặc dù ban đầu nó thờ cúng thần Vishnu của Hindu, nhưng sau khi trở thành ngôi đền Phật giáo, nơi đây đóng vai trò trong việc chuyển đổi Campuchia trở thành quốc gia Phật giáo.

Ngành du lịch sử dụng tới 26% lực lượng lao động của cả đất nước, tạo ra khoảng 2,5 triệu việc làm cho người Campuchia. Các bãi biển ở Sihanoukville, Thủ đô Pnompenh và 150 sòng bạc Campuchia là những điểm đến thu hút khách du lịch nước ngoài.

Quan hệ với Trung Quốc

Campuchia đã thu được 3,6 tỷ đô-la vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2019, trong đó có đến 43% đến từ Trung Quốc. Năm đó, thương mại song phương giữa hai nước đạt 9 tỷ đôla. Trung Quốc đã tài trợ khoảng 70% các dự án xây đường và cầu của Campuchia. Các nhà đầu tư Trung Quốc là nền tảng trong ngành công nghiệp may mặc của Campuchia tạo ra cỡ 750.000 việc làm. Ngoài ra, trong chính sách ngoại giao Covid, Trung Quốc đã hỗ trợ Campuchia bằng cách tặng các vật tư y tế, vắc-xin. Chủ tịch Tập Cận Bình mô tả quan hệ Trung Quốc – Campuchia là không thể phá vỡ.

Ngược lại, phía Hun Sen cũng đã bày tỏ tấm lòng của mình với Trung Quốc bằng phát biểu: “Nếu không dựa vào Trung Quốc thì tôi biết dựa vào ai”. Hiện tại Trung Quốc đang là nhà đầu tư kiêm chủ nợ lớn nhất của Campuchia. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào Trung Quốc đã đặt ra những thách thức ngoại giao cho Campuchia.

Ví dụ: năm 2009, theo yêu cầu của phía Trung Quốc, Campuchia đã trục xuất 20 người Duy ngô Nhĩ tị nạn sang Trung Quốc, bất chấp sự phản đối kịch liệt của quốc tế. Năm 2012, Campuchia đã ngăn ASEAN đưa ra thông cáo chung về hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Năm 2016, Campuchia kiến nghị với các quan chức ASEAN loại bỏ nội dung đề cập đến vấn đề tranh chấp Biển Đông trong thông cáo chung của Liên Nghị viện ASEAN. Đúng là Campuchia có thể vì Trung Quốc mà chống lại cả ASEAN.

Những động thái này đã gây áp lực lên quan hệ của Campuchia với các thành viên ASEAN, thậm chí Singapore còn kêu gọi ASEAN thu hồi tư cách thành viên của Campuchia. Tính lũy kế Trung Quốc ném vào Campuchia khoảng 10 tỷ đôla, nhưng khoan hãy xem chúng đầu tư vào đâu. Hầu hết là tập trung vào các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên và bất động sản. Có lẽ Campuchia nên hướng nguồn vốn đó vào đầu tư sản xuất kỹ thuật cao như hàng điện tử, ô tô sẽ hay hơn.

Quan hệ với Việt Nam

Thời trung cổ, lúc đấy Đế chế Khmer hùng mạnh nhất có tiến đánh Việt Nam nhiều lần sau không thành công. Thế sự xoay vần, khi Khmer ngày càng suy yếu Việt Nam ngày càng mạnh thêm. Trong một thời gian dài, người Campuchia đã phải chịu của người Việt và người Thái. Đỉnh điểm là vào năm 1835 khi Vương Quốc Cao Miên đã bị xóa sổ, biến thành Trấn Tây Thành của Đại Nam.

Thời Pháp thuộc, người Pháp đưa rất nhiều người Việt đến Campuchia làm các công việc viên chức, hay thậm chí là cảnh sát, khiến cho giới trí thức Campuchia càng thêm bất mãn. Nhiều thế hệ các nhà lãnh đạo Campuchia sau này, dù là Cộng Hòa hay Cộng Sản, Bảo Hoàng hay Bảo Thủ, đều luôn coi Việt Nam là đối thủ đáng gờm. Họ luôn có tư tưởng chống Việt Nam, nhiều đảng phái đã lợi dụng tư tưởng bài Việt này để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri. Một bộ phận giới trẻ Campuchia bây giờ cũng vậy, họ thường lên các mạng xã hội để đòi lại đảo Phú Quốc. Cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia, nếu không có cả bố lẫn mẹ sinh ra tại Campuchia, sẽ không được làm giấy tờ pháp lý, trẻ em không được đến trường, người dân không được bồi thường khi bị thu hồi đất.

Việt Nam là nước ASEAN đầu tư lớn nhất vào Campuchia. Cụ thể, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 8,6 tỷ đôla. Metfone, thương hiệu của Viettel tại Campuchia, là công ty viễn thông công nghệ số lớn nhất tại Campuchia, với hơn 9 triệu khách hàng, phủ sóng tới 95% lãnh thổ nước này. Nhiều công ty Việt sang thuê đất Campuchia trồng cây, chăn bò… Chính phủ Việt Nam cũng đã chú ý cho người Việt ở biển hồ đến làm việc tại các dự án với mức thu nhập từ 250, 350 đôla/tháng, cũng như quan tâm tới việc xây dựng khu nhà ở tập trung, đầy đủ tiện ích và hạ tầng.

Văn hóa Campuchia

Năm 2021, dân số Campuchia đạt 17 triệu người, với tổng diện tích đất nước là 176.446 km2. 20,67% dân số sống ở thành thị, Campuchia là nước có tỷ lệ nữ nhiều hơn nam. Trong dân số Campuchia trên 65 tuổi tỷ lệ nữ trên nam là 1,6/1, đây là hậu quả của Khmer Đỏ. Tỉ suất sinh ở Campuchia là 2,5 con / phụ nữ vào năm 2018. 95% dân số Campuchia là người gốc Khmer, nói tiếng Khmer, ngôn ngữ chính thức và duy nhất của đất nước.

Các nhóm dân tộc thiểu số, bao gồm người Chăm (1,2%), người Việt (0,1%) và người Trung Quốc (0,1%). Phật giáo nguyên thủy là tôn giáo chính thức của Campuchia, được hơn 95% dân số thực hành, với ước tính khoảng 4.392 ngôi chùa, tu viện trên khắp đất nước. Phật giáo Campuchia chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ấn Độ giáo và thuyết Vật Linh bản địa. Phụ nữ Khmer theo truyền thống là khiêm tốn, ăn nói nhẹ nhàng, cư xử tốt, cần cù, đóng vai trò là người chăm sóc và nuôi dưỡng gia đình, kiểm soát tài chính.

Người dân Campuchia ở nông thôn đội khăn Krama, là một khía cạnh độc đáo của trang phục Campuchia. Sampeah là một cách chào truyền thống của Campuchia hoặc là một cách thể hiện sự tôn trọng đối với người khác. Văn hóa Khmer được phát triển và truyền bá bởi Đế chế Khmer, có những phong cách khiêu vũ, kiến trúc và điêu khắc rất đặc biệt. Cuộc thi chèo thuyền hàng năm là lễ hội ở Campuchia được nhiều người tham gia nhất, được tổ chức vào cuối mùa mưa khi sông Mê Kông bắt đầu chìm trở lại mức bình thường cho phép sông Tonle Sap chảy ngược. Khoảng 10% dân số Campuchia dự sự kiện này mỗi năm để chơi trò chơi tạ ơn Mặt Trăng, xem pháo hoa, dùng bữa và tham dự cuộc thi đua thuyền trong bầu không khí lễ hội.

Bóng đá là một trong những môn thể thao phổ biến nhất ở Campuchia. Đội tuyển bóng đá quốc gia Campuchia đã đứng thứ tư tại Asian Cup vào năm 1972, nhưng sự phát triển đã chậm lại kể từ sau cuộc nội chiến. Sân vận động quốc gia Campuchia có tên là Morodok Techo National Stadium, trị giá 150 triệu đô la, ở Phnom Penh, với sức chứa lên đến hơn 60.000 người. Sân vận động được khởi công vào năm 2013, hoàn thành sau 8 năm. Đây là công trình được Trung Quốc xây tặng nhằm giúp Campuchia tổ chức SEA Games 32 vào năm 2023.

Múa Campuchia có thể được chia thành 3 loại chính: múa cổ điển Khmer, múa dân gian và múa xã hội. Múa cổ điển Khmer là nghệ thuật trình diễn cách điệu được thiết lập trong các cung đình của Campuchia, được đặc trưng cho cả mục đích giải trí và nghi lễ. Các điệu múa được biểu diễn bởi những người đàn ông và phụ nữ mặc trang phục tinh xảo, được đào tạo bài bản. Ngoài ra, còn có các điệu nhảy giao lưu, là những điệu múa được thực hiện bởi các hành khách trong các bữa tiệc hoặc các cuộc họp mặt xã hội không chính thức khác, ví dụ như điệu múa vòng tròn Ramvong và Ramvach, Saravan và Lam Leav.

Trên quốc kỳ của Campuchia có hình ảnh của Angkor Wat, đây là quốc kỳ duy nhất trên thế giới có hình ảnh kiến trúc. Điều này là để nhắc nhở người Campuchia về một quá khứ huy hoàng.

Mại dâm là bất hợp pháp ở Campuchia, nhưng dường như nó vẫn còn rất phổ biến. Ước tính có khoảng 100.000 cô gái hành nghề bán dâm ở Campuchia, chủ yếu phục vụ cho lượng lớn khách du lịch và các khu sòng bài.

Hồ Tonlé Sap của Campuchia là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông, có tầm quan trọng rất to lớn đối với Campuchia. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới vào năm 1997. Vào mùa khô, hồ có diện tích là 10.000 km2, còn mùa mưa thì diện tích hồ tăng lên thành 16.000 km2.

Xe tuk-tuk của Campuchia bao gồm xe máy kéo rơ-moóc dành riêng cho hành khách. Cũng giống như Thái Lan, việc di chuyển bằng xe tuk-tuk cũng là một cách thú vị và an toàn để khám phá các điểm đến. Đối với những người chưa bao giờ đến Campuchia, bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi người dân chấp nhận thanh toán bằng đồng đô la Mỹ. Một số cửa hàng thậm chí còn báo giá bán của họ bằng đô la và tất cả các máy ATM đều phân phối tiền đô la Mỹ. Tuy nhiên, thường thì tiền lẻ sẽ được giao dịch bằng đồng nội tệ.

Nền kinh tế Campuchia dù gần đây đã có những bước tiến rất lớn, nhưng vẫn tiếp tục phải gánh chịu những di sản của chiến tranh và nội chiến. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng nhanh nhưng vẫn còn thấp nếu so với các quốc gia láng giềng. Sự phát triển kinh tế dài hạn sau nhiều thập kỷ chiến tranh vẫn còn là một thách thức rất lớn. Dân cư thiếu giáo dục và các kỹ năng sản xuất, đặc biệt là ở vùng thôn quê chịu cảnh nghèo, nơi hầu như như phải chịu sự thiếu hụt của cơ sở hạ tầng cơ bản. Nhìn về phía tích cực hơn, chính phủ đang chú tâm đến những vấn đề này với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ song phương và đa phương.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới