Friday, December 27, 2024
Trang chủQuân sựTruyền thông Mỹ truy tìm nguồn gốc chip Mỹ có trong tên...

Truyền thông Mỹ truy tìm nguồn gốc chip Mỹ có trong tên lửa Nga

Giới truyền thông Mỹ gần đây đưa tin, bất chấp việc Mỹ áp đặt các hạn chế xuất khẩu chip nghiêm ngặt đối với Nga, nước này vẫn sử dụng một số lượng lớn chip của các công ty Mỹ và phương Tây trong các hệ thống tên lửa của họ.

Một số loại chip của Mỹ có trong tên lửa hành trình Klub-M của Nga

Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine đang tiếp diễn, thông tin Nga sử dụng chip Mỹ trong thiết bị quân sự của họ đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Tờ New York Times gần đây đưa tin rằng bất chấp việc Mỹ áp đặt các hạn chế xuất khẩu chip nghiêm ngặt đối với Nga, Nga vẫn sử dụng một số lượng lớn chip từ các công ty Mỹ như AMD, Texas Instruments, Micron và Intel trong các hệ thống tên lửa của mình.

Hiện tượng này không chỉ đặt ra thách thức đối với chính sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ mà còn bộc lộ sự phức tạp của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chip Mỹ có trong hầu hết vũ khí Nga
Theo một báo cáo năm 2022 của Viện Nghiên cứu Dịch vụ liên hợp Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute, RUSI), hơn 450 linh kiện điện tử do nước ngoài sản xuất đã được tìm thấy trong tên lửa Iskander 9M727 của Nga được phát hiện trên chiến trường Ukraine, phần lớn chip trên bo mạch chính tên lửa đều là sản phẩm của Mỹ.

Thống kê của RUSI cho thấy, căn cứ vào số vũ khí Nga thu được từ Ukraine, khoảng 2/3 linh kiện do các công ty Mỹ sản xuất. Trong số đó, các sản phẩm do các công ty Mỹ ADI và Texas Instruments sản xuất chiếm gần 1/4 tổng số linh kiện của phương Tây có trong vũ khí Nga.

Một bức ảnh chi tiết cho thấy vào ngày 19/7/2022, quân đội Ukraine đã phát hiện ra chip của Cypress trong máy tính tên lửa Iskander 9M727 của Nga trên chiến trường. Cypress là công ty con của Công ty công nghệ Infineon. Là một trong những vũ khí tiên tiến nhất của Nga, tên lửa Iskander 9M727 có thể cơ động ở độ cao thấp để tránh radar và tấn công các mục tiêu cách xa hàng trăm dặm. Khi tháo dỡ nó để giải mã, người ta phát hiện nó chứa 31 linh kiện của nước ngoài.

Tờ New York Times lưu ý rằng các con chip được nhiều nhà cung cấp chuyển đến các công ty Nga, trong số đó nhiều nhà cung cấp có địa chỉ tại một quốc gia ở Đông Á. Chỉ trong ba tháng cuối năm 2023, Nga đã nhập khẩu nhiều chip hơn cùng kỳ năm 2021 trước khi các biện pháp kiểm soát nhập khẩu chưa từng có được áp dụng đối với Sân bay Quốc tế Sheremetyevo ở Moscow.

Theo các chuyên gia, trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Nga được cho là đã chi 600 triệu USD để mua chip nước ngoài từ hơn 4 nhà sản xuất. Ngoài việc sử dụng trong tên lửa, những con chip này còn được sử dụng với số lượng lớn trong các máy bay không người lái (UAV).

Nhóm công tác quốc tế về các lệnh trừng phạt của Nga ở Ukraine (The International Working Group on Russian Sanctions, IWGRS) năm 2023 đã báo cáo nói Nga phụ thuộc rất nhiều vào các bộ phận và linh kiện do nước ngoài sản xuất, đặc biệt là chip dùng trong ba mẫu UAV dùng để tấn công Ukraine.

Nghiên cứu của IWGRS cho thấy 67% linh kiện, phụ kiện UAV đến từ một quốc gia châu Á, trong đó 17% ​​được vận chuyển đến Nga thông qua các thành phố cảng của nước này; 5% bộ phận UAV khác đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và 2% đến từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Các linh kiện sản xuất tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và các nước khác cũng được tìm thấy trong máy bay không người lái, trong đó có bộ xử lý, chip, bóng bán dẫn và các thành phần quan trọng khác.

Một trang web của chính phủ Ukraine có tên “War and Sanctions” (Chiến tranh và trừng phạt) duy trì một cơ sở dữ liệu ghi lại các bộ phận và linh kiện của hơn 30 quốc gia được tìm thấy trong vũ khí và thiết bị của Nga.

Tên lửa cũ của Nga cũng chứa chip Mỹ
Các chuyên gia Ukraine cho rằng độ chính xác của các cuộc tấn công tên lửa gần đây của Nga dường như đã giảm sút. Viện nghiên cứu giám sát khoa học Kiev nói về việc sản xuất vũ khí của Nga: “Nhưng nếu họ quy định độ chính xác là bán kính từ 7-10 m, nhưng thực tế khi tấn công là 50-100 m, điều đó có nghĩa là có vấn đề với sản xuất công nghiệp của Nga, chất lượng tên lửa không tốt”.

Sau khi tháo dỡ và phân tích tên lửa, đạn pháo và UAV của Nga, họ tìm thấy bộ chế hòa khí của động cơ máy bay không người lái của Nga có khắc dòng chữ “Made in Ireland”, cũng như camera của Nhật Bản trên UAV trinh sát Catograf của Nga.

Quân đội Ukraine tuyên bố rằng hệ thống dẫn đường và thiết bị điện tử của loại tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-101 của Nga sử dụng ở Ukraine được phát triển từ những năm 1960 và 1970. Mặc dù vậy, Kh-101 dường như phụ thuộc rất nhiều vào các con chip do nước ngoài sản xuất, vì các cơ quan tình báo Ukraine tuyên bố đã phát hiện ra nó mang ít nhất 35 con chip do Mỹ sản xuất, trong đó có cả những con chip do Texas Instruments và Atmel sản xuất.

Nhà sản xuất bất lực
Báo cáo phân tích nói nhiều linh kiện nước ngoài sử dụng trong vũ khí chỉ có giá vài USD và trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, các công ty Nga có thể mua chúng qua mạng thông qua các nhà phân phối trong nước hoặc quốc tế vì chúng có thể được sử dụng cho các sản phẩm phi quân sự.

Các nhà sản xuất cũng đã đưa ra ý kiến ​​của mình. Công ty Analog Devices (ADI) cho biết họ đã chấm dứt các hoạt động kinh doanh tại Nga và chỉ đạo các nhà phân phối ngừng chuyển hàng đến nước này. Texas Instruments cho biết họ tuân thủ tất cả luật pháp của các quốc gia nơi họ kinh doanh và các linh, phụ kiện của họ có trong vũ khí của Nga được thiết kế cho các sản phẩm thương mại.

Intel cho biết “không ủng hộ hoặc dung thứ cho việc sử dụng các sản phẩm của chúng tôi để xâm phạm nhân quyền”. Infineon cho biết họ “quan ngại sâu sắc” nếu các sản phẩm của họ được sử dụng cho các mục đích không như thiết kế. AMD cho biết họ tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các luật kiểm soát xuất khẩu toàn cầu.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo trước đó đã tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn CBS rằng Mỹ đã ngừng bán tất cả các chip bán dẫn cho Nga và biện pháp này đã có tác động đến Nga chỉ sau thời gian ngắn. Bà đề cập rằng hành động của Bộ Thương mại Mỹ khiến Nga phải tái chế chip từ các sản phẩm dân sự như tủ lạnh và máy rửa bát để đáp ứng nhu cầu quân sự. Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt mà Mỹ áp đặt đối với Nga, Nga dường như vẫn có thể có được số chip họ cần thông qua nhiều kênh khác nhau.

Thông tin cho rằng Nga sử dụng chip của Mỹ trong các hệ thống tên lửa của mình rõ ràng đã giáng đòn vào chính sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Một mặt, điều này cho thấy các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ có thể chưa hoàn toàn đạt được hiệu quả như mong muốn và Nga vẫn có thể có được số chip mình cần thông qua nhiều kênh khác nhau. Mặt khác, nó cũng bộc lộ sự phức tạp của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngay cả khi được kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt, các công nghệ then chốt và sản phẩm quan trọng vẫn có thể đến được những nơi ngoài ý muốn vì các nhà sản xuất không chịu trách nhiệm về cách các nhà phân phối xử lý sản phẩm của họ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới