Nhiều du khách quốc tế đến Hà Nội “than ngắn thở dài” vì khó tìm được chỗ vui chơi, ăn uống vào ban đêm. Trong khi đó, Hà Nội cho biết, đang đẩy mạnh phát triển loại hình kinh tế này, tuy nhiên, vẫn thiếu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư sản phẩm du lịch về đêm.
Khó tìm chỗ tiêu tiền
Sau khi kết thúc chuyến tham quan đền Ngọc Sơn – Hồ Hoàn Kiếm lúc 21h, Sila Groove (người Thái Lan) hỏi hướng dẫn viên về các địa điểm chơi đêm tại Hà Nội, tuy nhiên chỉ nhận về cái lắc đầu.
Sila Groove có chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm tại Hà Nội hồi đầu tháng 7. Trong những ngày này, cô được hướng dẫn viên đưa đến nhiều địa danh nổi tiếng tại Hà Nội. Sila Groove cho biết cảm thấy ấn tượng về danh lam thắng cảnh, ẩm thực và con người Thủ đô Hà Nội.
Cô nói, chuyến đi sẽ rất tuyệt nếu ban đêm không phải ngồi trong phòng khách sạn ăn đồ ăn vặt, uống bia và xem phim. “Tôi đã cố đi lang thang để tìm địa điểm vui chơi nhưng dường như Hà Nội đã đi ngủ lúc 2h sáng. Khi đó, tôi đành vào một cửa hàng tiện lợi còn sáng đèn để mua ít đồ ăn vặt và về phòng xem phim” – Sila Groove kể lại.
Nguyễn Ngọc Thảo – hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội – cho biết, có tới 80% khách du lịch đặt câu hỏi với cô về địa điểm ăn uống, vui chơi vào ban đêm ở Hà Nội. Dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đã theo nghề hướng dẫn viên được 6 năm, song chính Ngọc Thảo cũng không biết phải tư vấn cho du khách như thế nào, bởi hầu hết các địa điểm đều đóng cửa quá sớm. Trong khi đó, rất nhiều du khách quốc tế có nhu cầu vui chơi vào ban đêm.
“Kathleen Lackey – một du khách người Mỹ – từng chia sẻ với tôi rằng, thật khó để tìm chỗ tiêu tiền ở Hà Nội vào ban đêm, những cuộc vui dường như bị đứt đoạn” – Ngọc Thảo kể lại.
Thiếu cơ chế, chính sách
Đầu năm 2024, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức lễ ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm Hà Nội, là sự kiện thuộc chuỗi hoạt động định hướng phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn thành phố, nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm. Hà Nội tổ chức các không gian phố đi bộ – chợ đêm dịp cuối tuần tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ; cho phép một số quán bar, nhà hàng trong khu phố cổ mở cửa đến 2 giờ sáng. Một số doanh nghiệp kết hợp với điểm đến tổ chức các tour du lịch đêm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học Hà Nội…
Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, phát triển du lịch đêm là một trong những hoạt động trọng điểm được Thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã có chỉ đạo về việc phát triển loại hình kinh tế này trở thành một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế – xã hội.
Mặc dù kinh tế đêm của Hà Nội đã có sự tăng trưởng gần đây, tuy nhiên, chưa thực sự bứt phá. Các dịch vụ kinh tế đêm tại Hà Nội chưa phong phú, đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. Doanh thu du lịch và mức chi tiêu của du khách tại Hà Nội còn thấp, do vẫn còn khoảng trống khai thác các dịch vụ sau 24 giờ.
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, bà Đặng Hương Giang phân tích: “Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư sản phẩm du lịch về đêm, chưa quy hoạch không gian để xây dựng các tổ hợp du lịch đêm riêng biệt”.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty Golden Smile Travel, Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch xã hội – cho biết, kinh tế đêm có thể đem lại nguồn lợi cho cả cộng đồng địa phương. Kinh tế đêm không chỉ thông qua các hoạt động mua sắm, ăn uống mà còn có chụp hình, tham quan, trải nghiệm đêm. “Hầu hết những dịch vụ này là dịch vụ đắt nhất trong một tour du lịch” – Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch xã hội cho hay.
Ông Phương dẫn chứng, một du khách thường chi ra khoảng 7-8 triệu đồng cho một tour du lịch 5 ngày 4 đêm tại Thái Lan (bao gồm tiền ăn uống, đi lại, khách sạn…). Thế nhưng, họ sẵn sàng chi từ 3-5 triệu đồng/ đêm để trải nghiệm các hoạt động vui chơi, ăn uống tại đất nước này.
“Khi đi du lịch, khách hàng sẽ đem rất nhiều tiền. Thế nhưng vào ban ngày, họ phải đi tham quan theo lịch trình có sẵn của tour, không có thời gian tiêu tiền. Chỉ đến khi vào ban đêm, khi tự do tham quan, lúc đó mọi người sẽ cùng nhau đi chơi, đi mua sắm. Có những nhóm khách du lịch thì ban ngày ở khách sạn ngủ, đến chiều tối, đến đêm, khi trời mát mẻ họ mới đi chơi” – ông Phương phân tích.
Theo ông Phương, sau khi ăn tối xong, khách hàng sẽ đổ ra đường – đây chính là thời điểm vàng để kinh tế Việt Nam, kinh tế địa phương phát triển. Thế nhưng hiện nay, do chính sách của từng địa phương, do thiếu doanh nghiệp đầu tư và do quan điểm đã ăn sâu nhiều năm nên kinh tế đêm của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn chưa thể phát triển vượt bậc.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch xã hội phân tích, nhiều người dân địa phương hiện vẫn đang có suy nghĩ “ban đêm thì bán thêm được gì đâu”, du lịch đêm bị cho là nguy hiểm, khó đi lại. Thế nhưng, đây lại là suy nghĩ hoàn toàn sai lệch. Bởi hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều đang đẩy mạnh du lịch đêm, đây cũng là trào lưu du lịch ở các quốc gia châu Á.
Theo ông Phương, để phát triển kinh tế đêm ở Hà Nội, cần có “hiệu triệu từ trên xuống”, cần có lời khẳng định rằng “Hà Nội sẽ mở cửa về đêm để đón khách du lịch”.
T.P