Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhía sau vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump

Phía sau vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị bắn vào chiều ngày 13 tháng 7 khi tham gia cuộc mít tinh ở thành phố Butler thuộc bang Pennsylvania. Đây là sự kiện vận động tranh cử cuối cùng của ông trước khi diễn ra đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa nơi ông được đề cử là ứng viên tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giơ cao nắm tay sau khi bị ám sát hụt tại cuộc vận động tranh cử ở Butler, bang Pennsylvania ngày 13/7/2024.

Theo thông tin từ truyền thông Mỹ, nghi phạm đã bắn 8 phát đạn về phía Trump, trong đó một viên sượt qua tai phải khiến ông mất nhiều máu. Cựu Tổng thống đã an toàn, nhưng một người trên khán đài thiệt mạng và hai người khác trọng thương. Nghi phạm bị lính bắn tỉa của mật vụ Mỹ tiêu diệt trong khoảng 20 giây sau khi nổ súng.

Cảnh sát Mỹ đã xác định nghi phạm là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi. Nhân vật này đã dùng khẩu súng trường bán tự động kiểu AR-15 để ngắm bắn cựu Tổng thống. Crooks đã mua 50 viên đạn tại một cửa hàng súng địa phương, vài giờ trước khi thực hiện vụ tấn công. Nguồn thạo tin cho biết bố của Crooks sở hữu hơn 20 khẩu súng, tất cả đều được mua hợp pháp. Khi các điều tra viên khám thi thể của Crooks, họ còn phát hiện một thiết bị phát tín hiệu. Khi khám xe của tay súng, điều tra viên tìm thấy bộ thu tín hiệu có dây nối với chiếc hộp kim loại có thể chứa chất nổ, được đặt trong cốp. Một giả thuyết đang được xem xét là nghi phạm có ý định kích nổ để đánh lạc hướng lực lượng an ninh. Nhưng khi bị người dân phát giác, nghi phạm đã đẩy nhanh kế hoạch, nổ súng bắn ông Trump và bỏ qua bước đánh lạc hướng.

Dù ông Trump an toàn, vụ ám sát này đang làm dấy lên trong dư luận Mỹ câu hỏi, tại sao một thanh niên trẻ tuổi thế lại có thể dễ dàng trèo lên mái nhà đối diện để nhắm bắn một ứng viên Tổng thống công khai như vậy? Quy trình bảo vệ yếu nhân chính trị ở Hoa Kỳ như thế nào mà để xảy ra sai sót nghiêm trọng này? Liệu đây là sự mất cảnh giác tình cờ, hay sự cố tình thiếu trách nhiệm, hay thậm chí là môt âm mưu được dàn dựng kỹ lưỡng?

Diễn biến của sự việc cho thấy rất nhiều điểm đáng ngờ, dưới góc nhìn của những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh.

Thứ nhất, về phía trách nhiệm của lực lượng cảnh sát, các nhân chứng đã báo cho cảnh sát về nghi phạm Crooks trên mái nhà trước khi tay súng khai hỏa nhằm vào ông Trump, nhưng không có nỗ lực đủ mạnh để ngăn cản.

Tờ Washington Post công bố cả một video cho thấy người dân ở đó đã báo trước với cảnh sát về nghi phạm trên nóc nhà, khi cựu Tổng thống Trump đang diễn thuyết ở sân khấu cách đó khoảng 120 mét. Video cho thấy một người đã nói: “Này sĩ quan! Có tội phạm!”. Một phụ nữ khác hét lên: “Đằng này. Có người đàn ông ở trên mái nhà kìa!”. Theo phân tích của Washington Post, cảnh sát Mỹ đã được báo trước 86 giây nhưng không ngăn cản kịp thời.

Thậm chí, Crooks dường như đã mặc đồng phục của sở cảnh sát thành phố Butler, chính là đơn vị bố trí nhân sự đảm bảo an ninh vòng ngoài tại buổi diễn thuyết của Trump. Sở cảnh sát Butler không phản hồi yêu cầu bình luận về video của tờ báo Washington Post, cũng như không giải thích được tại sao không rà soát nóc nhà máy nơi nghi phạm đã trèo lên bằng một chiếc thang dựng sẵn.

Thứ hai, về trách nhiệm của lực lượng mật vụ, trong cuộc vận động tranh cử ở Butler, các tay súng của Đội Chống bắn tỉa hiện diện trên nóc nhà kho phía sau sân khấu. Họ sử dụng kính ngắm và ống nhòm quan sát các vị trí xung quanh, nhưng đã không rà soát phần mái nhà máy cách sân khấu diễn thuyết không xa.

Nhiều cựu đặc vụ FBI từng làm nhiệm vụ chống bắn tỉa trong hai năm, cho rằng mật vụ Mỹ đáng lẽ phải cử người rà soát và canh gác phần mái nhà máy này. Tại sao nơi gần nhất có thể quan sát rõ sân khấu và để tay súng ra tay lại không được canh gác. Nhiều cựu mật vụ cho rằng nếu không hiện diện ở đó, ít nhất các đặc vụ đáng lẽ phải dùng ống nhòm, kính ngắm kiểm tra toàn bộ mái nhà xung quanh, nhưng họ không làm vậy. Các nhân vật có kinh nghiệm bảo vệ an ninh đều “sốc” khi biết lực lượng an ninh lại “bỏ lơ” nơi hiểm yếu như vậy, một địa điểm hoàn toàn nằm trong tầm bắn hiệu quả của súng trường. Họ cũng “rất ngạc nhiên” khi nghi phạm có thể bắn 4-5 phát súng liên tiếp về phía ông Trump trước khi lực lượng mật vụ tại hiện trường có phản ứng. Tại sao một lực lượng được đào tạo đặc biệt đến vậy chỉ biết về tay súng trên nóc nhà sau khi tiếng súng vang lên. Đây là những câu hỏi chưa có lời giải đáp thoả đáng từ cơ quan mật vụ Hoa Kỳ.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas thừa nhận vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Trump là một thất bại an ninh. Trong khi đó, bà Kimberly Cheatle, Giám đốc Sở Mật vụ Mỹ, thừa nhận trong cuộc phỏng vấn của đài ABC rằng công tác bảo vệ cựu Tổng thống Donald Trump tại Pennsylvania là “không thể chấp nhận được”. Giám đốc Sở Mật vụ Mỹ thừa nhận cơ quan đã thất bại khi để lọt tay súng đe dọa ông Trump ở Pennsylvania và đã xin từ chức. Bà này giải thích rằng Mật vụ Mỹ chỉ có trách nhiệm bảo vệ ở “vành đai trong”, tức khu vực tiếp cận cựu Tổng thống Trump. Tòa nhà mà nghi phạm sử dụng làm điểm ngắm bắn thuộc phạm vi trách nhiệm của cảnh sát địa phương. Việc đổ lỗi cho cảnh sát địa phương đang bị dư luận Mỹ chỉ trích và một lần nữa làm dấy lên câu hỏi đây là sai sót trong sự phối hợp bảo vệ an ninh nội bộ hay một lỗi cố tình của cơ quan hành pháp.

Thứ ba, cơ quan FBI đã bước đầu cho rằng Crooks hành động một mình theo kiểu “sói đơn độc” nhưng các nhà phân tích khác vẫn đang tìm cách xác định động cơ nổ súng của anh ta. Nhân thân của nghi phạm hoàn toàn trong sạch và ngây thơ cũng cho thấy những điểm rất đáng ngờ.

Crooks được đánh giá là một học sinh trầm tính, cô độc, không bao giờ bày tỏ quan điểm chính trị. Các quan chức không tìm thấy bất kỳ loại văn bản hay bản tuyên ngôn nào của kẻ tấn công cho thấy lập trường tư tưởng hay khuynh hướng chính trị của anh ta. Đặc vụ FBI truy cập vào điện thoại di động của Crooks nhưng những dữ liệu hạn chế mà họ thu thập được từ những thông tin liên lạc gần đây của anh ta không tiết lộ bất cứ điều gì về động cơ.

Trước vụ nổ súng, nghi phạm cũng không nằm trong danh sách những mối đe dọa tiềm tàng của FBI và không phát hiện dấu hiệu cho thấy anh ta gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Crooks cũng ít hiện diện trên mạng xã hội và không có nhiều hoạt động chính trị. Thậm chí, hồ sơ bỏ phiếu của bang Pennsylvania lại cho thấy anh ta đã đăng ký là một đảng viên Cộng hòa, cũng như chưa bao giờ phát biểu công khai về quan điểm chính trị hay nói rằng anh ta ghét ông Trump.

Một nhân vật sạch sẽ và hiền lành như vậy nhưng nhà chức trách lại tìm thấy thiết bị nổ trong xe của Crooks đậu gần hiện trường, đồng thời phát hiện vật liệu chế tạo bom tại nhà của anh ta. Các cựu mật vụ Mỹ nhận định tay súng đã bắn khá tốt ở khoảng cách 120m và kể cả nếu có kính ngắm, chỉ những người được huấn luyện mới có thể bắn vào đầu mục tiêu ở khoảng cách như vậy. Đạn của nghi phạm bắn sượt qua tai ông Trump và đó không phải phát bắn cầu may. Nghi phạm phải là người từng luyện tập bắn súng.

Với tất cả những thực tế như đã nói ở trên, dù cơ quan điều tra Hoa Kỳ đang công bố các thông tin hướng tới nhận định rằng Crooks đã hành động đơn lẻ, không chịu sự chi phối hay theo một kế hoạch của phe nhóm nào, các nhà phân tích an ninh vẫn đặt những dấu hỏi lớn. Có hay không một lực lượng đứng sau vụ việc vẫn là một khả năng cần tiếp tục được điều tra làm rõ, để xác định chính xác âm mưu trực tiếp đã dẫn tới vụ việc.

Thứ nhất, chính trị phương Tây với những mâu thuẫn và xung đột nặng nề đang có xu hướng đẩy tới bạo lực, và vụ việc này cũng chỉ là một trong nhiều vụ ám sát chính trị xảy ra gần đây ở các nước phương Tây. Nền chính trị đã khủng hoảng và chia rẽ tới mức mọi cuộc tranh luận hoà bình cũng chỉ dẫn tới kích động nói xấu nhau thay vì thảo luận về các giải pháp. Báo chí cũng kích động dư luận tạo thêm tính phức tạp của cuộc khủng hoảng chính trị. Thực tế này dẫn đến quan niệm súng đạn là cách thức ngắn nhất và nhanh nhất để giải quyết vấn đề.

Thậm chí, loạt nghị sĩ Cộng hòa và người ủng hộ Trump cho rằng ông Biden và đảng Dân chủ là nguyên nhân dẫn tới vụ ám sát hụt. Thượng nghị sĩ J.D.Vance, người được đề cử làm phó tướng cho Trump cho rằng, nguyên nhân gián tiếp chính là việc “chiến dịch tranh cử của Biden luôn hô hào rằng ông Trump là kẻ phát xít độc tài và phải bị ngăn chặn bằng mọi giá. Những lời lẽ này đã trực tiếp dẫn tới vụ ám sát ông Trump”, Thượng nghị sĩ Tim Scott, đồng minh của ông Trump, cũng chung quan điểm, rằng “đây là một âm mưu ám sát được hỗ trợ và tiếp tay bởi phe cánh tả cực đoan và giới truyền thông khi liên tục gọi ông Trump là mối đe dọa với nền dân chủ, là kẻ phát xít, thậm chí dùng những lời lẽ nghiêm trọng hơn”. Những người ủng hộ Trump cho rằng phe đối lập đã tìm cách loại ông ấy khỏi lá phiếu, cố gắng đưa ông ấy vào tù và giờ là vụ ám sát.

Tổng thống Mỹ Biden cũng thừa nhận đã phạm sai lầm khi phát biểu ẩn dụ “đưa Trump vào hồng tâm”. Ông đã nói nguyên văn công khai rằng: “Nhiệm vụ duy nhất của tôi là đánh bại Donald Trump. Chúng ta không nói về cuộc tranh luận nữa. Đã đến lúc đưa Trump vào hồng tâm”. Sau khi Trump bị ám sát hụt, nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã tăng cường chỉ trích Tổng thống Biden, cho rằng tuyên bố “đưa Trump vào hồng tâm” là một trong những phát biểu góp phần gây ra sự việc.

Thứ hai, vụ ám sát này đang có xu hướng thay đổi cán cân cuộc bầu cử Tổng thống nghiêng về phía ông Trump. Nhiều nhà phân tích dự báo vụ này sẽ khiến Trump có cơ hội thắng cử cao hơn. Giới chuyên gia nhận định cú vung nắm đấm sau khi bị ám sát hụt của Trump được coi là cử chỉ cho thấy bản lĩnh và khả năng làm chủ tình huống trong thời khắc khó khăn, và rằng sự việc sẽ đẩy nhanh đà thắng của ông Trump trước Tổng thống Joe Biden. Ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nhận định với vụ ám sát hụt này, ứng viên Donald Trump “đã giành chiến thắng từ trước trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới”. Điện Kremlin không tin rằng nỗ lực loại bỏ và ám sát ông Trump là do chính quyền hiện tại của Mỹ tổ chức nhưng cáo buộc chính quyền ông Biden đã tạo ra bầu không khí kích động cuộc tấn công.

Các nhà tài trợ của đảng Cộng hòa dự đoán sẽ có làn sóng quyên góp mạnh mẽ cho Trump. Sau vụ ám sát, người giàu nhất thế giới, tỉ phú Elon Musk công khai hoàn toàn ủng hộ cựu Tổng thống Trump và một nguồn tin thân cận cho biết CEO Tesla sẽ rót 45 triệu USD mỗi tháng cho Trump. Đây sẽ là diễn biến quan trọng với chiến dịch tranh cử của Trump. Có nhiều tiền để quảng cáo và vận động tranh cử, khả năng Trump trở lại Nhà Trắng đang cao hơn rất nhiều. Cổ phiếu của hãng Trump cũng đã tăng hơn 30% một phiên sau đó, giúp ông quay lại nhóm 500 người giàu nhất thế giới với tài sản 6,6 tỷ USD.

Thứ ba, vụ ám sát hụt được coi là bước ngoặt tạm thời thúc đẩy các ứng viên tranh cử giảm bớt giọng điệu công kích, chia rẽ, đề cao củng cố đoàn kết nước Mỹ. Ông Trump vốn nổi tiếng với những phát ngôn kích động, giờ đây tuyên bố “muốn cố gắng đoàn kết đất nước”. Nhiều nhà quan sát nhận định sự kiện sẽ có tác động lâu dài đến ông Trump và quan điểm của ông, cũng như giúp người Mỹ suy nghĩ về các cuộc thảo luận chính trị, có thể khiến các ứng viên thuộc hai đảng đối lập hướng tới đường lối trung dung hơn.

Tổng thống Mỹ Biden sau vụ việc cũng có bài phát biểu kêu gọi người dân Mỹ hãy hạ nhiệt độ chính trị. Ông cho rằng vụ nổ súng vào ông Trump là lời nhắc nhở “tất cả chúng ta cần lùi lại một bước”. Biden khẳng định nguyên văn: “Chúng ta không được phép bình thường hóa bạo lực. Ngôn từ chính trị trong đất nước này đã trở nên rất nóng. Đã đến lúc hạ nhiệt. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong việc này. Tại Mỹ, chúng ta giải quyết khác biệt thông qua hòm phiếu chứ không phải là bằng những phát đạn”.

Để tìm ra sự thật của vụ ám sát ông Trump còn lâu dài song nhiều người đang hi vọng vụ ám sát này sẽ khiến các chính trị gia Mỹ đối xử với nhau tôn trọng hơn, hoà hợp hơn và tìm ra con đường ôn hòa để phát triển quốc gia vượt qua bối cảnh hỗn loạn thời gian qua. Có thể, sự dịu giọng này chỉ là tạm thời nhưng cũng là tín hiệu ổn định trước cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến sẽ vô cùng quyết liệt tháng 11 tới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới