Gần đây, Quân đội Trung Quốc đã có những thay đổi về nhân sự. Thượng tướng Ngô Á Nam, gần 62 tuổi, đã thay thế ông Vương Tú Bân, 60 tuổi, đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Chiến khu miền Nam. Tuy nhiên, cựu Tư lệnh Vương Tú Bân đã không còn xuất hiện trong hơn ba tháng qua.
Theo kênh tin tức Tân Văn Liên Bố Quảng Đông (Guangdong News), hôm 31/7, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hoàng Khôn Minh đã đến thăm các cơ quan ở Chiến khu miền Nam và tham dự “Hội nghị chuyên đề hỗ trợ quân đội” tỉnh Quảng Đông năm 2024. Tư lệnh Chiến khu miền Nam Ngô Á Nam và Chính ủy Vương Văn Toàn đã tham dự hội nghị.
Tin tức trên cho thấy ông Ngô Á Nam đã được bổ nhiệm làm Tư lệnh Chiến khu miền Nam. Đây là lần đầu tiên ông này xuất hiện với chức danh này.
Thông tin công khai cho thấy, ông Ngô Á Nam sinh vào tháng 8/1962, giữ chức Quân đoàn trưởng Quân đoàn 78 của Quân đội Trung Quốc vào tháng 4/2017. Kể từ năm 2020, chức vụ của ông này đã nhiều lần thay đổi, đồng thời giữ chức Phó Tư lệnh Chiến khu miền Bắc kiêm Tư lệnh Lục quân Chiến khu miền Bắc, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương và Phó Tổng Chỉ huy các lực lượng phòng vệ quốc gia.
Vào tháng 1 năm 2022, ông Ngô Á Nam được thăng cấp lên Thượng tướng và xuất hiện công khai lần đầu tiên với tư cách là Tư lệnh Chiến khu miền Trung. Một năm sau đó, ông này được điều chuyển đến làm việc trong Quân ủy Trung ương.
Việc bổ nhiệm ông Ngô Á Nam làm Tư lệnh Chiến khu miền Nam có nghĩa là ông này đã đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh ở ba chiến khu là Chiến khu miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
Người đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Chiến khu miền Nam trước đó là Thượng tướng Lục quân Vương Tú Bân. Sau khi ông Ngô Á Nam lên nắm quyền, không rõ ông Vương Tú Bân làm gì, ở đâu.
Ông Vương Tú Bân, năm nay 60 tuổi, từng nhậm chức ở Chiến khu miền Bắc, miền Đông và miền Nam; đến tháng 7/2021, ông này tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Chiến khu miền Nam.
Lần xuất hiện công khai gần đây nhất của ông Vương Tú Bân là trong khoảng thời gian từ ngày 24/4 đến ngày 26/4 năm nay, khi đó, ông này còn là Tư lệnh Chiến khu miền Nam.
Kể từ khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện cải cách quân đội vào năm 2015, tầng lớp lãnh đạo quân đội của nước này liên tục xảy ra chuyện. Vào ngày 27/6 năm nay, hai bộ trưởng quốc phòng của Trung Quốc là Lý Thượng Phúc và Ngụy Phượng Hòa đã bị khai trừ ra khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và quân đội Trung Quốc trong cùng một ngày.
Vào tháng 4 năm nay, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược do chính ông Tập Cận Bình thành lập đã bị bãi bỏ, giảm 5 quân chủng chính ban đầu xuống còn 4 quân chủng, bao gồm Lục quân, Hải quân, Không quân và Lực lượng Tên lửa.
Giới lãnh đạo cấp cao của Lực lượng Tên lửa đã bị thanh trừng vào năm ngoái, tất cả các chức vụ bao gồm Tư lệnh và Chính ủy đều bị thay thế; nhiều tướng lĩnh cấp cao cũng không rõ tung tích, toàn bộ Bộ Tư lệnh gần như đã bị thay thế.
Vào ngày 29/12 năm ngoái, chín tướng lĩnh của quân đội Trung Quốc đã bị tước tư cách Đại biểu Nhân Đại Toàn quốc (tức Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hay Quốc hội) trong cùng một ngày. Chín người này bao gồm Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chu Á Ninh và Lý Ngọc Siêu; Trương Chấn Trung, cựu Phó Tư lệnh Lực lượng Tên lửa và hiện là Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương; Lý Truyền Quảng, Phó Tư lệnh Lực lượng Tên lửa; Lã Hồng, Bộ trưởng Bộ Trang bị Lực lượng Tên lửa; Đinh Lai Hàng, cựu Tư lệnh Không quân; Cúc Tân Xuân, Tư lệnh Hạm đội Biển Đông; Trương Dục Lâm, nguyên Phó Bộ trưởng Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương, và Nhiêu Văn Mẫn, Phó Bộ trưởng Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương.
T.P