Thị trường ô tô điện đang ngày càng sôi động với sự tham gia của nhiều hãng, nhưng rõ ràng VinFast nắm nhiều ưu thế hơn so với các đối thủ.
Ô tô điện ngày càng phổ biến, xuất hiện nhiều ông lớn
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, xu thế phát triển các dòng sản phẩm điện khí hoá tại Việt Nam đang bùng nổ hết sức mạnh mẽ. Lần lượt nhiều hãng xe hơi lớn trên thế giới đã coi thị trường ô tô Việt Nam là mảnh đất đầy tiềm năng để phát triển sản phẩm động cơ điện, sử dụng năng lượng sạch của mình.
Nổi bật nhất trong số này phải kể đến VinFast khi hãng xe thương hiệu Việt đã làm rất tốt trong việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất xe điện đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn và chất lượng quốc tế.
Kể từ khi ra mắt mẫu xe điện VF e34 đầu tiên ngày 15/10/2021, đến nay VinFast đã nâng tầm trải nghiệm khách hàng khi đã phủ khắp thị trường ô tô tại các phân khúc từ minicar (VF 3), gầm cao đô thị cỡ A (VF 5 Plus), B (VF 6), C (VF 7), D (VF 8), E (VF 9) và bán tải VF Wild.
Theo chuyên gia và người dùng đánh giá, các sản phẩm xe điện VinFast có điểm mạnh nhờ thiết kế bắt mắt, tính năng thông minh, giá bán cạnh tranh, thời gian bảo hành dài, linh hoạt trong sử dụng với hai hình thức thuê và mua pin. Quan trọng nhất, hãng xe Việt chính là sở hữu hệ thống trạm sạc phủ khắp 63 tỉnh thành, yếu tố then chốt cho sự thành công của một thương hiệu xe điện.
Cùng với VinFast, thị trường ô tô điện Việt Nam còn có sự xuất hiện của các thương hiệu xe điện lớn, trong đó phải kể đến Wuling (liên kết giữa TMT Motors với liên doanh General Motors (GM) – (SAIC – WULING) với sản phẩm minicar ăn khách nhất thế giới năm 2023 là Hongguang Mini EV (theo báo cáo của EV Volumes).
Nhằm đánh chiếm thị trường xe điện màu mỡ tại Việt Nam, Wuling dự kiến đưa bộ đôi xe điện cỡ nhỏ ăn khách khác tại thị trường quê nhà là Bingo và Baojun Yep Plus vào cuối năm 2024. Hiện đã có nhiều thông tin và hình ảnh của hai mẫu xe này được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội.
Giữa tháng 7 vừa qua, thị trường ô tô điện trong nước còn được bổ sung thêm bộ 3 sản phẩm của BYD gồm Seal, Atto3 và Dolphin. Đây đều là những mẫu xe gặt hái được nhiều thành công tại các thị trường khu vực Đông Nam Á trong đó có Thái Lan và Indonesia.
Trước đó chưa lâu, liên doanh Geleximco và Công ty TNHH Omoda & Jaecoo (thuộc tập đoàn Chery – Trung Quốc) đã ký kết hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại tỉnh Thái Bình với công suất lên đến 200.000 xe mỗi năm.
Phía hãng xác nhận sẽ phân phối 4 mẫu xe gầm cao tại thị trường Việt Nam. Ba mẫu gồm Omoda E5 (xe điện), C5 (xe xăng), Jaecoo J7 PHEV (plug-in hybrid) ra mắt vào tháng 8 năm nay, và mẫu xe điện Jaecoo J6 mới sẽ giới thiệu trong năm 2025.
Bên cạnh các dòng xe thuần điện, nhiều hãng xe có “thâm niên” tại thị trường Việt Nam cũng song song vừa sản xuất xe xăng truyền thống, vừa cung cấp các sản phẩm xe thuần điện để gia tăng sức cạnh tranh. Có thể kể đến Hyundai Ioniq 5; Mercedes-Benz EQS, EQE, EQB; BMW i3, i4, i7; Audi e-tron GT… Ngoài ra còn có bộ đôi xe điện Trung Quốc nữa là MG4 EV và Haima 7X-E.
Hãng ô tô điện nào nắm lợi thế nhất thị trường?
Theo báo cáo mới đây của SSI Research, thị trường xe hơi Việt Nam tuy nhỏ nhưng cho thấy tiềm năng tăng trưởng trong những năm vừa qua. Đặc biệt, các phương tiện xe năng lượng xanh đã ngày càng trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam (trong năm 2023, xe điện ước tính chiếm 6% trên tổng số xe du lịch).
Tuy không diễn ra sôi động như các dòng xe xăng/dầu truyền thống, thị trường ô tô điện tại Việt Nam có sự cạnh tranh theo nhiều phương diện khác nhau từ dải sản phẩm, chính sách bán hàng, hệ thống trạm sạc…
Tại nhóm xe thuần điện, hiện có 3 hãng đang cung cấp tại thị trường trong nước bao gồm VinFast, Wuling và mới đây nhất là BYD. Xét về mọi khía cạnh, hãng xe thương hiệu Việt tỏ ra vượt trội so với hai đối thủ còn lại.
Về dải sản phẩm, nếu như Wuling chỉ cung cấp duy nhất mẫu Hongguang Mini EV hay BYD cho ra mắt bộ 3 gồm Dolphin, Atto 3 và Seal thì với VinFast, hãng xe Việt Nam đã cung cấp gần như đầy đủ các sản phẩm ở các phân khúc bao gồm minicar, bán tải và gầm cao đô thị cỡ A, B, C, D, E.
Đặc biệt trong số đó, mẫu minicar là VinFast VF 3 đã cho thấy sức hút cực lớn của mình khi có đến 27.649 khách hàng đặt cọc thành công chỉ trong 3 ngày mở cọc, biến mẫu xe đô thị cỡ nhỏ nhà VinFast trở thành “hiện tượng” của làng xe Việt.
Về hệ thống trạm sạc, yếu tố then chốt cho sự thành công của một thương hiệu xe điện. Riêng về điều này, VinFast làm rất tốt khi là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có hệ thống trạm sạc phủ khắp 63 tỉnh thành. Tại các thành phố lớn, trung bình cứ 3,5km sẽ có 1 trạm sạc dành cho xe điện VinFast.
Các trạm sạc điện VinFast được lắp đặt tại những vị trí trọng yếu, đông dân cư và các tuyến đường có mật độ lưu thông cao, thuận tiện cho việc dừng đỗ và nạp năng lượng. Cụ thể các trạm sạc pin xe ô tô điện VinFast được đặt tại các bãi đỗ xe, bến xe, trạm dừng nghỉ, trạm đổ xăng dầu, trung tâm thương mại, chung cư, tòa nhà văn phòng, cao tốc, quốc lộ…
Trong khi các đối thủ xe điện khác muốn “tiếp nhiên liệu” cho xe sẽ phải sử dụng bộ sạc di động tại nhà với công suất nhỏ, rất mất thời gian chờ đợi. Ngoài ra, có thể đến sạc trực tiếp các đại lý hoặc các đơn vị sạc liên kết với bên thứ ba, tuy nhiên số lượng trạm sạc và đại lý cũng rất hạn chế.
Hai hãng xe điện đối thủ sẽ có hạn mức bảo hành lần lượt gồm BYD với 6 năm hoặc 150.000 km cho xe, và 8 năm hoặc 160.000 km cho pin. Wuling có mức “cam kết” lâu hơn khi khối pin sẽ được bảo hành 7 năm hoặc 150.000 km nhưng xe lại chỉ có mức bảo hành ngắn hạn là 3 năm hoặc 150.000 km tùy điều kiện.
Với người dùng ô tô điện VinFast sẽ yên tâm hơn với chính sách bảo hành thuộc diện tốt nhất thị trường ô tô khi lên đến 10 năm, cùng với loạt hậu mãi có một không hai như gửi xe và cứu hộ miễn phí, đổi xe cũ mua xe mới, trả góp ưu đãi lãi suất…
Có thể thấy, mặc dù thị trường ô tô điện tại Việt Nam đang ngày càng phát triển và có nhiều sự cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu không có chiến lược gì thật sự đặc biệt, rất khó để các hãng xe điện có thể cạnh tranh vị thế của mình so với VinFast, thương hiệu đang ngày càng khẳng định được vị thế đối với người tiêu dùng trong nước.
T.P