Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKênh đào Phù Nam Techo vi phạm Hiệp định Mê Kông

Kênh đào Phù Nam Techo vi phạm Hiệp định Mê Kông

Chuyện Campuchia rục rịch xây dựng kênh đào Phù Nam Techo gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và đời sống kinh tế – xã hội của Việt Nam. Chính vì thế, Chính quyền Hà Nội đã lên tiếng phản đối và đề nghị Campuchia cùng bàn thảo thêm về việc xây dựng kênh đào này.

Đáp lại, Campuchia chỉ giải thích qua loa rằng, kênh đào Phù Nam Techo không mang đến ảnh hưởng xấu như những gì Việt Nam nói. Campuchia không cần thiết phải thảo luận thêm với bất kỳ nước nào trong khu vực về việc triển khai dự án của mình. Thế nhưng mới đây, trang tin uy tín của Trung tâm Nghiên cứu Stimson đã đưa ra bằng chứng thép về chuyện Campuchia đã vi phạm luật. Nó đã đập tan luận điệu xảo trá của nước này. Còn nhà tài trợ chính cho dự án là Trung Quốc cũng hết đường thanh minh.

Trước sự ngoan cố của Campuchia trong việc xây dựng kênh đào Phù Nam Techo, trang tin Stimson đã cho đăng tải hàng loạt những bằng chứng thuyết phục cho thấy nước này đang vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Mê Kông năm 1995 và phạm luật với cả Việt Nam. Trong bài viết có tiêu đề “Tác động của kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia và ý nghĩa đối với hợp tác Mê Kông”, trích dẫn chi tiết như sau:

Phù Nam Techo đâu phải là dự án phụ lưu

Hiện tại, tài liệu duy nhất nêu rõ chức năng, tác động và kế hoạch xây dựng chi tiết của dự án Phù Nam Techo là tài liệu thông báo của Ủy ban sông Mê Kông Campuchia (CNMC) ngày 8/8/2023, gửi cho Ủy hội sông Mê Kông (MRC). Tuy nhiên, MRC vẫn chưa tham gia đánh giá ở mức độ phù hợp vì CNMC đã xác định sai dự án Phù Nam Techo là dự án phụ lưu, mặc dù con kênh này rõ ràng nối liền với hai nhánh hoặc là hai luồng của dòng chính Mê Kông.

Nói cách khác, theo định nghĩa chung, một nhánh sông không thể mang theo dòng nước chính. Vậy nên, cựu thủ tướng Hun Sen đã công khai tuyên bố rằng, kênh đào này không nối với dòng chính sông Mê Kông, bất kể kênh Bassac được xác định như thế nào. Nhưng các bản thiết kế kênh đào do CNMC đệ trình đều chứng minh tuyên bố trên là không chính xác. Nó đồng nghĩa rằng kênh Phù Nam Techo là dự án dòng chính chứ không phải là phụ lưu. Theo Điều 5 của Hiệp định Mê Kông, nó yêu cầu bên triển khai bất kỳ dự án dòng chính hay làm thay đổi dòng chính nào cũng đều phải tham vấn trước với các bên có liên quan. Thế nhưng Campuchia lại cố ý xác định nó là dự án phụ lưu để tránh các quy trình tham vấn trước của Hiệp định Mê Kông năm 1995. Nước này vội vàng khởi công xây dựng kênh Phù Nam Techo mà không yêu cầu đánh giá kỹ thuật cũng như đánh giá các quy trình khác có thể cải thiện thiết kế và cách thức vận hành kênh.

Tiếp theo, tài liệu thông báo nêu rõ rằng, dự án sẽ không có tác động đáng kể đến dòng chảy hàng ngày và lượng dòng chảy hàng năm của hệ thống sông Mê Kông. Nó cũng đề cập đến hệ thống khóa dẫn nước giúp ngăn nước rời khỏi dòng chính sông Mê Kông và chảy vào kênh Bassac. Hệ thống này cũng được thiết kế để ngăn nước chảy từ khu vực sông Mê Kông vào Vịnh Thái Lan. Nếu được quản lý và vận hành hợp lý, hệ thống cửa âu thực sự có thể ngăn chặn dòng chảy đáng kể từ dòng chính sông Mê Kông và mực nước sông ở hạ lưu Việt Nam có thể bị ảnh hưởng thấp nhất.

Tuy nhiên, việc đưa các nỗ lực giảm thiểu tác động của các âu tàu vào thiết kế hiện tại của kênh không tạo ra con đường cho CNMC lách luật Hiệp định Mê Kông năm 1995. Vì kênh Phù Nam Techo có khả năng chuyển nước từ lưu vực sông Mê Kông đến các cửa sông ven biển Campuchia, điều này được coi như là một sự chuyển dòng giữa các lưu vực sông. Nhưng Điều 5 của Hiệp định Mê Kông năm 1995 nêu rõ tất cả các dự án chuyển dòng ra ngoài lưu vực đều phải được tham vấn trước của MRC.

Mặt khác, trong một bài đăng trên mạng xã hội ngày 9/4/2024, cựu thủ tướng Hun Sen đã viết về kênh Phù Nam Techo rằng, cơ sở hạ tầng quan trọng này tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nông nghiệp bằng cách cung cấp nước cho quá trình canh tác cây trồng. Điều này cũng được đề cập trong các bài báo truyền thông khác được viết bởi tác giả Campuchia. Ngoài ra, lợi ích thủy lợi của kênh Phù Nam Techo cũng đã được thảo luận trong một cuộc phỏng vấn video bằng tiếng Anh của phó Thủ tướng Sun Chanthol vào ngày 1/5/2024.

Tài liệu thông báo của CNMC đã không đề cập đến lợi ích thủy lợi và nông nghiệp trong phần có tiêu đề “Tác động tích cực của con kênh quy mô”. Mặc dù kênh cấp hai, cấp ba được xây dựng nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho tưới tiêu nông nghiệp được xem như là một phần của thiết kế kênh chính, nhưng chúng không được cung cấp trong bản thiết kế dự án được gửi dưới dạng tệp đính kèm với tài liệu thông báo CNMC. Đơn giản là vì, nếu kênh chính và kênh phụ được xây dựng với mục đích tưới tiêu thì đôi khi chúng sẽ sử dụng nhiều hơn mức 3 m³/s của dòng chính Mê Kông, và kênh Bassac cũng là dòng chính thứ hai được nêu trong tài liệu thông báo của CNMC. Như vậy, mối lo ngại của Việt Nam về việc sông Mê Kông bị mất đi dòng chảy ở hạ lưu sông cũng như ở đồng bằng sông Cửu Long của mình là hoàn toàn chính đáng.

Hơn nữa, kênh Phù Nam Techo đi qua một vùng ngập lũ suốt vài tháng trong mùa mưa. Vậy nên việc cho rằng nước sử dụng cho mục đích tưới tiêu chủ yếu được lấy từ sông Mê Kông trong mùa khô là hoàn toàn hợp lý. Theo Điều 5 của Hiệp định Mê Kông năm 1995 nêu rõ, việc sử dụng dòng chính của lưu vực sông Mê Kông vào mùa khô phải được MRC tham vấn trước cũng như phải được mang ra thỏa thuận cùng với các quốc gia thành viên MRC.

Tiếp đến là các phân tích không gian địa lý cho thấy kênh Phù Nam Techo sẽ mở rộng nhiều con kênh có đê thấp hiện có và cắt ngang các vùng đồng bằng ngập nước cũng như các vùng nông thôn không có kênh hoặc đường thủy nội địa. Các con đê thấp hiện tại cho phép dòng chảy tự nhiên của các đợt lũ lớn trong mùa mưa đi qua. Vậy nên, có thể suy luận từ tài liệu thông báo rằng, để ngăn chặn kênh hai làn xe, các âu thuyền và cửa cống liên quan khỏi bị hư hại do lũ lụt, Campuchia cần phải xây dựng đê cao. Nhưng việc xây dựng đê quá cao sẽ làm thay đổi và chia đôi phần lớn vùng đồng bằng ngập lũ xuyên biên giới sông Mê Kông, nó sẽ ngăn dòng lũ mùa mưa tràn qua vùng đồng bằng ngập lũ và dẫn lũ chảy vào Việt Nam. Thêm vào đó, hơn 1300 km² vùng đồng bằng ngập lũ xuyên biên giới có thể trở nên khô hạn hơn nhiều do kênh không có khả năng vượt lũ theo mùa thông qua hệ thống đê cao. Khu vực bị ảnh hưởng này trải dài trên nhiều vùng quan trọng ở miền Nam Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Nói riêng ở Việt Nam, một phần kênh Vĩnh Tế ở An Giang đã được hạ thấp trong thập kỷ qua để lũ lụt theo mùa chảy vào tưới tiêu cho phần lớn khu vực phía tây Đồng bằng sông Cửu Long. Dòng lũ này cũng chảy tự nhiên qua kênh Vĩnh Tế ở tỉnh Kiên Giang để cung cấp nước tưới tự nhiên tại đây. Theo đó, khu vực trên được dán nhãn là “hành lang lũ” của Việt Nam. Nếu không thay đổi thiết kế của kênh hoặc có biện pháp giảm thiểu thích hợp, khu vực rộng lớn đó của Đồng bằng sông Cửu Long cùng với một phần đáng kể vùng đồng bằng ngập lũ của Campuchia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc lũ lụt tự nhiên giảm và tình trạng khô hạn gia tăng sẽ dẫn đến tổn thất lớn cho sản xuất nông nghiệp ở quy mô công nghiệp. Ngoài ra, chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson cũng đánh giá rằng, kênh đào Phù Nam Techo sẽ mang đến những tác động môi trường đáng kể thông qua việc thay đổi vùng đồng bằng ngập lũ xuyên biên giới giữa Campuchia và Việt Nam.

Như vậy có thể thấy, mỗi bằng chứng mà Trung tâm Stimson đưa ra đều vô cùng thuyết phục. Nó dựa trên các điều luật được quy định bên trong Hiệp định Sông Mê Kông được ký kết giữa các bên có liên quan vào năm 1995, trong đó bao gồm Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia. Theo điều 5, 6, 7, 8 và 10 của hiệp định các nước thành viên phải sử dụng nước trên lưu vực một cách hợp lý, công bằng; thông báo tham vấn trước hoặc nhất trí trước các vấn đề liên quan đến sông Mê Kông; duy trì dòng chảy tối thiểu theo dòng chính; ngăn đỉnh điểm dòng chảy hàng ngày lớn hơn mức tự nhiên trong mùa mưa; dừng và sau đó thảo luận về các hoạt động đã được chứng minh là gây thiệt hại đáng kể đến sông Mê Kông; chịu trách nhiệm về các thiệt hại gây ra cho các nước thành viên khác; thông báo kịp thời những tình huống khẩn cấp có thể ảnh hưởng đến các quốc gia thành viên.

Hun Sen tố cáo bị người Việt Nam xúc phạm

Sau hàng loạt phát ngôn có phần gây sốc của cha con ông Hun Sen, cuộc tranh cãi liên quan đến kênh đào Phù Nam Techo ngày càng nóng lên. Bất chấp những lo ngại của các nước trong khu vực, Campuchia đang quyết tâm xây cho bằng được con kênh này. Mới đây nhất, sự việc đã bị đẩy đi xa hơn khi đại sứ Việt Nam tại Campuchia đã bị triệu tập để tìm cách giải quyết vấn đề ông Hun Sen bị xúc phạm trên mạng xã hội. Cụ thể, tờ Khmer Times đã tường thuật lại sự việc này trong một bài viết có tựa đề “Hun Sen yêu cầu điều tra những bình luận tiêu cực về dự án kênh đào Phù Nam Techo”. Tờ báo viết, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Sok Chenda Sophea sáng ngày 20/5 đã triệu tập đại sứ Việt Nam Nguyễn Huy Tăng để yêu cầu công an Việt Nam hợp tác với cảnh sát Campuchia điều tra việc cư dân mạng Việt Nam bôi xấu ông Hun Sen.

Phía Campuchia cho rằng một số cư dân mạng Việt Nam đã có hành vi lan truyền những thông tin không đáng tin cậy nhằm bôi xấu hình ảnh ông Hun Sen. Ngoại trưởng Sok Chenda Sophea nhấn mạnh với đại sứ Việt Nam rằng, Campuchia đưa ra yêu cầu như vậy là nhằm ngăn chặn mọi tổn hại đến tình hữu nghị truyền thống giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Ông cho rằng cư dân mạng Việt Nam đã công khai để lại trên nền tảng TikTok những bình luận sỉ nhục lãnh đạo Campuchia nhằm đáp lại kế hoạch xây dựng dự án kênh đào Phù Nam Techo và đây là những hành vi cực kỳ gây sốc, gây bất bình cho chính phủ và người dân Campuchia.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia Touch Sokhak cho biết thêm, các bộ ngành liên quan đang họp để nghiên cứu các thủ tục pháp lý phù hợp và hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam. Thông qua kênh ngoại giao, ông cho biết Bộ đã chuyển hồ sơ vụ việc cho các nhà điều tra chuyên nghiệp và yêu cầu họ hợp tác với phía Việt Nam nếu có thể để giúp xác định thủ phạm. Ông nói thêm: “Chúng tôi tin rằng phía Việt Nam sẽ không từ chối hợp tác và họ sẽ hợp tác tốt với cơ quan chức năng của chúng tôi để xác định bất kỳ nghi phạm nào liên quan đến việc xúc phạm lãnh đạo Campuchia. Nếu phía Việt Nam quyết định hợp tác tốt với chúng tôi, điều đó chứng tỏ phía Việt Nam cũng muốn tìm hiểu thủ phạm là ai, đến từ đâu và thực sự có ý đồ, mục đích gì. Tôi vẫn lạc quan về sự hợp tác tốt đẹp với phía Việt Nam”. Đó là toàn bộ những thông tin mà tờ Khmer Times cung cấp về vụ việc này.

Riêng dự án kênh đào Phù Nam Techo, các ban ngành liên quan của Việt Nam đang làm việc. Nếu nó gây tổn hại đến Việt Nam, Việt Nam chắc chắn sẽ yêu cầu phía Campuchia có câu trả lời thỏa đáng, không phải Campuchia cứ muốn xây là được. Còn việc ông Hun Sen bị xúc phạm trên mạng có thể xuất phát từ thông điệp đặc biệt của ông đưa ra vào ngày 16/5, Chủ tịch Thượng viện Campuchia đã kêu gọi chính phủ đừng chờ đợi nữa mà hãy tiến hành xây kênh Phù Nam Techo càng sớm càng tốt để phục vụ vận chuyển bằng đường thủy. Ông cho rằng, việc khẩn trương xây kênh đào Phù Nam Techo là vì nền kinh tế quốc dân và để chấm dứt cuộc tranh cãi của dư luận.

Trước đó, Campuchia tính bắt đầu khởi công công trình này vào cuối năm nay. Ông Hun Sen nói: “Tôi muốn đưa ra ý kiến với chính phủ Hoàng gia về dự án kênh đào Phù Nam Techo. Hãy lập công trường càng sớm càng tốt, không cần phải chờ đợi nữa. Chúng ta phải nghĩ về nền kinh tế của mình. Chúng ta phải nghĩ đến nền độc lập dân tộc của mình”.

Campuchia nên tạm dừng Dự án

Về phía Việt Nam các chuyên gia mới đây cũng đã có những công bố mới về dự án này. Chuyên gia tính toán kênh đào Phù Nam Techo mà Campuchia triển khai ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam, khiến lượng nước từ dòng Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm 50%. Thông tin này được Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Cần Thơ, nói tại hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia tổ chức tại Cần Thơ.

Theo phân tích từ ông Tuấn, kênh đào Phù Nam Techo sẽ liên quan đến dòng chính sông Mê Kông chứ không phải nhánh sông hay phụ lưu, có tác động đến Đồng bằng sông Cửu Long một cách rõ ràng. Cụ thể, vào mùa khô, sau khi có kênh Phù Nam Techo, lượng nước trên sông Tiền và sông Hậu, hai phân lưu của sông Mê Kông, về đến Đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm khoảng 50%, và nghiêm trọng hơn vào những năm khô hạn. Sự thay đổi dòng chảy trên sông Mê Kông qua sông Hậu và sông Tiền sẽ làm thay đổi đặc điểm thủy văn tự nhiên, một phần dòng chảy sẽ bị kiểm soát bởi con người, cả những chuỗi đập thủy điện và khai thác nước từ kênh Phù Nam Techo. Dự án kênh Phù Nam Techo còn tác động về hệ sinh thái môi trường và tính đa dạng sinh học là không nhỏ.

Ngoài ra, các công trình kiểm soát nước đã xây dựng như cống đập Trà Sư, hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao, vùng đê bao ba vụ, khu dân cư vượt lũ sẽ thay đổi chức năng và giảm hiệu quả vận hành khi có kênh Phù Nam Techo. Thiếu hụt nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ảnh hưởng đến hàng chục dự án ứng phó biến đổi khí hậu và dự án xóa đói giảm nghèo đã và đang triển khai. Một bộ phận người dân đã thoát nghèo, có nguy cơ tái nghèo và có thể gia tăng lượng di cư khỏi đồng bằng.

Campuchia có đề cập là tác động của dự án này không đáng kể, tuy nhiên các thông tin về dự án rất hạn chế, không đủ cơ sở để đưa ra kết luận như vậy. Vì vậy, Campuchia cần chia sẻ và minh bạch các thông tin chi tiết về dự án, bao gồm cả báo cáo khả thi và kết quả đánh giá tác động môi trường của dự án cho các bên liên quan.

Trước mắt, Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam đề nghị Campuchia tạm dừng dự án này thêm một thời gian để có những nghiên cứu, đối thoại sâu hơn với sự hợp tác của các chuyên gia kinh nghiệm, khách quan. Nếu Campuchia thực sự quan tâm tới tình cảm hai nước như ông Hun Sen đã nói, Campuchia phải trả lời những câu hỏi này từ phía Việt Nam trước khi bắt tay xây kênh đào. Không phải cứ im lặng mà làm là được.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới