Không quân Mỹ cho rằng, năng lực tấn công tầm xa là yếu tố quan trọng nhất để họ đối phó hiệu quả với chiến lược chống tiếp cận và ngăn chặn khu vực. Trong tương lai, vũ khí điều khiển chính xác phóng từ máy bay sẽ nhỏ gọn, đạt độ chính xác cao, uy lực lớn, có năng lực phá hủy tiệm cận với vũ khí hạt nhân.
Do vậy, một máy bay ném bom chiến lược vừa có đủ khả năng đột phá hệ thống phòng không đối phương vừa đảm nhiệm cả năng lực tấn công hạt nhân và tấn công thông thường sẽ tạo ra ưu thế rất lớn. Điều này lý giải vì sao cho đến nay Mỹ luôn theo đuổi mục tiêu phát triển và trang bị máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới với khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không hiện đại nhất để thực hiện các cuộc tấn công chính xác ở bất cứ đâu trên thế giới.
Mặc dù có kiểu dáng đẹp mang tính thẩm mỹ tương lai, nhưng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Northrop Grumman hiện đã được đưa vào sử dụng hơn 1/4 thế kỷ. Giờ đây, khi Trung Quốc và Nga tiếp tục phát triển các đối thủ cạnh tranh B-2 của riêng họ, người Mỹ đang tìm cách nới rộng khoảng cách dẫn đầu của mình trong lĩnh vực này với B-21 Raider hiện đang được phát triển. Không quân Mỹ coi B-21 là xương sống của lực lượng máy bay ném bom chiến lược trong tương lai và là yếu tố chủ chốt trong kho vũ khí của Mỹ trong nửa thế kỷ tới.
Siêu phẩm B-21 Raider thể hiện sự cống hiến và kỹ năng của hàng nghìn người đang làm việc để xây dựng một tương lai an toàn hơn. Đó là lời thuyết minh của nhà sản xuất vũ khí Northrop Grumman Mỹ tại lễ ra mắt hoành tráng và ấn tượng hồi đầu tháng 12/2022. Kể từ thời điểm đó, máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider đã trở thành thỏi nam châm thu hút sự chú ý của dư luận thế giới, bất chấp mức giá đắt đỏ lên tới gần 700 triệu USD mỗi chiếc.
Theo trang tin Defense News, B-21 Raider là loại máy bay ném bom chiến lược công nghệ cao có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, có thể cất cánh mà không cần phi hành đoàn. Sự ra đời của B-21 Raider đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc định hình lại lực lượng máy bay ném bom đang suy yếu của không quân Mỹ, nhất là trong bối cảnh Washington đang muốn phô trương sức mạnh quân sự như một thông điệp răn đe gửi tới các đối thủ của mình.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, tầm hoạt động của B-21 Raider cho phép máy bay ném bom thực hiện nhiệm vụ mà không cần phải tập kết gần thực địa, cũng như không cần hỗ trợ hậu cần trong quá trình hoạt động. Khả năng tàng hình của nó có nghĩa là ngay cả những hệ thống phòng không tinh vi nhất cũng sẽ phải vật lộn để phát hiện B-21 trên bầu trời. Công nghệ kiến trúc mở giúp B-21 Raider có khả năng thích ứng cao, dễ dàng được cập nhật và có thể kết hợp với các loại vũ khí mới thậm chí còn chưa được phát minh ra.
B-21 Raider là loại chiến đấu cơ đa năng, có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo, trinh sát, giám sát, tấn công điện tử hay là liên lạc. Không giống như các máy bay chiến đấu tàng hình có thể bị phát hiện bằng cách sử dụng giải tần số radar thấp, thiết kế cánh bay được cả B-2 và B-21 tận dụng được cho là cực kỳ tàng hình trước mọi tần số radar. Điều này làm cho những oanh tạc cơ tầm xa này hoàn toàn phù hợp cho các hoạt động tấn công trong không phận có tranh chấp gay gắt trong những ngày đầu của cuộc xung đột.
Ví dụ, nếu một cuộc chiến nổ ra với Trung Quốc, gần như chắc chắn nó sẽ bắt đầu bằng việc các hạm đội oanh tạc cơ tàng hình của Mỹ tham gia tiêu diệt các hệ thống chống hạm trên bờ biển Trung Quốc để tạo điều kiện cho các tàu sân bay áp sát bờ biển.
Tháng 11/2023, oanh tạc cơ tàng hình B-21 Raider đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên. Sự kiện này là một cột mốc quan trọng, cho thấy loại máy bay này đã tiến gần tới mục tiêu trở thành oanh tạc cơ tàng hình có thể mang vũ khí hạt nhân thế hệ mới của Mỹ. Oanh tạc cơ tàng hình B-21 Raider đầu tiên của Mỹ cất cánh từ đường bay thuộc nhà máy số 42 của tập đoàn Northrop Grumman tại Palmdale, tiểu bang California, sáng ngày 10/11, đáp xuống căn cứ không quân Edwards sau đó khoảng 1 giờ. Phi cơ bay trong trạng thái thả càng, quy tắc thường áp dụng trong chuyến bay đầu tiên của mọi loại máy bay và được hộ tống bởi một tiêm kích F-16. Chiếc B-21 Raider mang theo nhiều cảm biến, trong đó có cụm dây neo và cảm biến không khí kéo sau đuôi.
Dòng B-21 đang bước sang giai đoạn bay thử, đây là bước quan trọng đối với quá trình thử nghiệm nhằm cung cấp dòng máy bay tầm xa có khả năng sống sót và tấn công vào sâu trong lãnh thổ đối phương để răn đe, ngăn ngừa những hành động hung hăng nhằm vào Mỹ, đồng minh và đối tác, phát ngôn viên không quân Mỹ Ann Stefanek cho hay.
T.P