Monday, September 30, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Dòng sông mẹ” của TQ đang chết dần

“Dòng sông mẹ” của TQ đang chết dần

Nước vốn được coi là nền tảng của sự sống. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các nền văn minh cổ đại trên thế giới đều bắt nguồn từ lưu vực của những dòng sông lớn. Nền văn minh Trung Hoa với hơn 5000 năm lịch sử cũng được hình thành từ hai dòng sông quan trọng: Hoàng Hà ở phía Bắc và Dương Tử ở phía Nam.

Quang cảnh sông Hoàng Hà đoạn qua huyện Diêm Xuyên, Thiểm Tây, Trung Quốc.

Hoàng Hà – Dòng sông dài thứ 2 Trung Quốc

Sông Hoàng Hà là một trong những con sông quan trọng nhất trong lịch sử, văn hóa và kinh tế của Trung Quốc. Với chiều dài lên đến 5.464 km, đây là dòng sông dài thứ hai ở quốc gia này và dài thứ sáu trên thế giới. Tổng diện tích lưu vực của Hoàng Hà vào khoảng 752.000 km² (tức là chỉ bằng khoảng 1/2 diện tích lưu vực sông Dương Tử). Lưu lượng nước bình quân hàng năm của dòng sông này vào khoảng 2.571 m³/s, gần tương đương với lưu lượng nước của sông Hồng. Dù vậy, vào mùa khô, lưu lượng giảm chỉ còn khoảng 1.030 m³/s, trong khi vào cao điểm mùa mưa, có thể đạt tới 58.000 m³/s. Ngoài dòng chính, sông Hoàng Hà còn có nhiều phụ lưu và chi lưu ở cả hai bên tả ngạn và hữu ngạn. Trong đó, phụ lưu lớn nhất ở tả ngạn là sông Phần (dài 713 km), còn phụ lưu lớn nhất ở hữu ngạn là sông Vị (dài 818 km).

Theo Hiệp hội Nghiên cứu và Thám hiểm Trung Quốc, sông Hoàng Hà chảy từ Tây sang Đông, bắt nguồn từ dãy Ba Nhan Khách Lạp, thuộc dãy núi Côn Lôn, ở độ cao 4.800 m so với mực nước biển, tại địa phận châu tự trị dân tộc Tạng Ngọc Thụ của tỉnh Thanh Hải, thuộc cao nguyên Thanh Tạng – “mái nhà của thế giới”. Từ đây, nó tiếp tục chảy qua 6 tỉnh và 2 khu tự trị của Trung Quốc lần lượt là Tứ Xuyên, Cam Túc, Ninh Hạ, Nội Mông, Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Nam và Sơn Đông, rồi cuối cùng đổ ra biển Bột Hải.

Phần thượng lưu của sông Hoàng Hà có chiều dài gần 3.472 km, được xác định từ dãy Ba Nhan Khách Lạp của tỉnh Thanh Hải đến thị trấn Hà Khẩu của khu tự trị Nội Mông. Tại địa phận tỉnh Thanh Hải, sông kết nối với hồ Trát Lăng và hồ Ngạc Lăng. Nằm ở độ cao hơn 4.200 m so với mực nước biển, đây không chỉ là hai hồ nước ngọt cao nhất ở Trung Quốc, mà còn là hai hồ nước ngọt lớn nhất của lưu vực sông Hoàng Hà, với diện tích lần lượt là 526 km² và 610 km². Hồ Trát Lăng và hồ Ngạc Lăng còn được biết đến với tên gọi chung là hồ Tỷ Muội, vì chúng chỉ nằm cách nhau khoảng 10 km.

Nhìn chung, sông Hoàng Hà có sự chênh lệch độ cao đáng kể giữa đầu nguồn và phần còn lại của con sông. Đầu nguồn tại tỉnh Thanh Hải nằm ở độ cao 4.800 m so với mực nước biển; khi chảy đến thị trấn Hà Khẩu đã giảm xuống còn 1.000 m; khi đến thành phố Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam, chỉ còn 400 m. Chính vì vậy, phần thượng lưu sông Hoàng Hà đã sở hữu lòng sông có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh, nên tiềm năng phát triển thủy điện tương đối lớn. Hiện nay, các công trình thủy điện trên lưu vực sông Hoàng Hà cũng chỉ phân bố chủ yếu ở hai tỉnh Thanh Hải và Cam Túc.

Phần trung lưu có chiều dài là 1.206 km. Đây là đoạn sông giữa thị trấn Hà Khẩu của khu tự trị Nội Mông và thành phố Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam. Tại đây, nước sông vẫn chảy khá xiết. Sở dĩ sông có tên Hoàng Hà là bởi màu vàng của lượng phù sa màu mỡ mà nó có được khi chảy qua vùng Cao Nguyên Hoàng Thổ rộng 650.000 km². Đặc tính của lượng Hoàng Thổ ở đây là rất dễ bị ăn mòn, do đó một khối lượng lớn phù sa đã bị mang theo dòng chảy của dòng sông, ước tính có thể lên đến 34 kg/m³ nước, gấp 34 lần so với sông Nile ở Châu Phi. Điều này không chỉ khiến Hoàng Hà trở thành con sông có hàm lượng trầm tích cao nhất thế giới mà còn khiến nước sông có một màu vàng đục rất đặc trưng. Lượng trầm tích khổng lồ này đã cung cấp cho đất đai ở khu vực hạ nguồn nhiều dinh dưỡng, biến nơi đây trở thành cái nôi cho nền văn minh Trung Hoa cổ đại.

Hạ lưu tính từ đoạn sông ở thành phố Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam đổ ra biển Bột Hải, chiều dài 786km. Do phù sa ở dạng hạt nhỏ và mịn, chúng có thể di chuyển được một quãng đường dài vì chỉ tạo ra ma sát tối thiểu khi tương tác với nước, bờ sông và lòng sông. Khối lượng của lớp trầm tích bị cuốn theo hàng năm này nặng khoảng 2.8 tỷ tấn, trong số đó chỉ có 25% là đổ ra biển, phần còn lại lắng xuống làm cho đáy sông không ngừng dâng cao từ 5-10 cm/năm. Cũng bởi vậy, bồi đắp đê cần tiến hành thường xuyên theo những giai đoạn nhất định. Không chỉ thế, việc quản lý nước sông cũng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt ở vùng hạ lưu, do các lớp trầm tích này ảnh hưởng đến hình thái của các kênh dẫn.

Có thể thấy, do khác nhau về địa hình nên mỗi khu vực có dòng sông chảy qua sẽ có quy mô kinh tế hoàn toàn trái ngược nhau. Phần thượng nguồn chiếm gần 2/3 tổng chiều dài của sông Hoàng Hà đáng lẽ phải nhận được nhiều lợi ích từ dòng sông này nhất. Tuy nhiên, do địa hình nằm sâu trong nội địa và có khí hậu khắc nghiệt nên các địa phương tại đây có nền kinh tế phát triển khá chậm so với mặt bằng chung của cả nước, chẳng hạn như Thanh Hải, Tứ Xuyên, Cam Túc, Ninh Hạ và Nội Mông. Trong đó, Cam Túc là tỉnh kém phát triển nhất tại khu vực thượng nguồn của sông Hoàng Hà, đồng thời cũng là tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc hiện nay. Vào năm 2022, GDP của tỉnh này là 166.5 tỷ USD và GDP/người là 6.686 USD.

Còn tại khu vực trung lưu và hạ lưu, do sông Hoàng Hà chảy qua khu vực Cao Nguyên Hoàng Thổ đã mang theo một lượng lớn phù sa nên tạo ra nhiều vùng đồng bằng tươi tốt và màu mỡ hơn. Đồng thời, cũng có nhiều tỉnh thành lớn nằm dọc theo dòng sông này đó là Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Nam và Sơn Đông. Trong đó, Sơn Đông là tỉnh phát triển nhất với GDP năm 2022 là khoảng 1.300 tỷ USD, còn GDP bình quân đầu người là 12.786 USD, đứng thứ 11 tại Trung Quốc.
Như vậy, nếu so sánh với lưu vực sông Dương Tử, nơi có những đầu tàu kinh tế của cả nước là Giang Tô, Chiết Giang đặc biệt là Thượng Hải, lưu vực sông Hoàng Hà có phần yếu hơn cả về diện tích, dân số và quy mô kinh tế. Theo đó, khu vực sông Dương Tử có diện tích là 1.808.500 km² và hiện đây là nơi sinh sống của 466 triệu người. Còn khu vực sông Hoàng Hà chỉ có diện tích là 752.000 km² và quy mô dân số khoảng 200 triệu người.

Hoàng Hà – Cái nôi của nền văn minh Trung Hoa

Văn minh Trung Hoa là một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới. Bắt nguồn từ cái nôi Hoàng Hà, người Hoa Hạ đã gây dựng nên văn minh rực rỡ với những nhà nước đầu tiên là nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu. Tiếp đến là thời kỳ quân chủ chuyên chế phát triển đến đỉnh cao, có thể kể đến nhà Hán, nhà Đường, nhà Minh, nhà Thanh.

Là một phần của lịch sử, sông Hoàng Hà được ví như là “Nhân chứng sống” cho sự phát triển của xứ sở tỷ dân. Hàng nghìn năm trước, nhờ vùng thung lũng có đất đai màu mỡ tốt cho nông nghiệp, người Hoa Hạ đã tạo ra một nền văn hóa rực rỡ và nổi tiếng toàn thế giới đương thời, với những phát minh như thuốc súng, giấy, la bàn. Có thể nói, dòng sông đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện trọng đại trong lịch sử Trung Quốc. Vì vậy, nó trở thành đề tài cũng như là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều tác phẩm thơ ca, văn học nghệ thuật Trung Quốc qua nhiều thời đại. Hoàng Hà được mô tả như con sông mẹ đã nuôi dưỡng hàng trăm triệu đứa con; như nơi khai sinh ra nền văn minh Trung Quốc; như một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, biến hóa thiên hình vạn trạng.

Vốn là “dòng sông mẹ” của dân tộc Trung Hoa, thế nhưng Hoàng Hà cũng được ví như “nỗi phiền muộn” của đất nước tỷ dân. Suốt hàng nghìn năm, cơn thịnh nộ không nguôi của dòng sông bộc lộ đầy đủ qua những trận lũ lụt và hạn hán, gây ra không biết bao nhiêu tai họa cho người dân trong vùng. Đất từ cao nguyên Hoàng Thổ là đất xốp tạo thành lượng phù sa lớn khủng khiếp nên nước sông dễ ứ lại, dễ tràn ra và dễ đổi dòng. Chỉ trong vòng hơn 2500 năm trở lại đây, sông Hoàng Hà đã bị vỡ đê tới 1600 lần. Trong suốt thời gian đó, sông Hoàng Hà cũng đã có 26 lần chuyển dòng chảy lớn ở vùng hạ lưu.

Những trận lũ lịch sử trên sông Hoàng Hà gần đây nhất xảy ra vào các năm 1931, 1938 và 1943, trong đó trận lũ năm 1931 được đánh giá là Đại hồng thủy khủng khiếp nhất lịch sử thế giới, khi nó đã cướp đi sinh mạng của gần 4 triệu người. Tình trạng mưa lớn năm đó đã khiến nước sông dâng cao bất thường, làm một khu vực rộng 180.000 km² chìm trong nước. Dịch bệnh, nạn đói kéo theo sau trận lũ cũng cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người.

Năm 1938, đất nước tỷ dân tiếp tục hứng chịu một trận lũ lụt kinh hoàng khác. Tuy nhiên, nó không phải là thảm họa do mẹ thiên nhiên gây ra mà có sự tác động từ bàn tay con người. Nó được gọi là sự kiện phá đê Hoa Viên Khẩu, do chính phủ Quốc dân Đảng ở Trung Quốc thực hiện trong giai đoạn đầu tiên của chiến tranh Trung – Nhật. Theo đó, do phải chịu áp lực lớn từ các lực lượng quân sự Nhật Bản, giới chức đất nước tỷ dân lúc bấy giờ đã quyết định phá hủy các con đê ở sông Hoàng Hà để nước chảy tự do qua các tỉnh khác nhau. Đây được xem là một trong những nỗ lực để ngăn chặn tốc độ tiến quân nhanh chóng của lực lượng lục quân Nhật Bản. Tuy nhiên, chính quyết định sai lầm này đã khiến gần 800.000 người dân vô tội mất mạng, hàng nghìn ngôi nhà đã bị ngập nước hoặc bị phá hủy, cũng như hàng triệu người dân buộc phải rời bỏ nhà cửa và trở thành người tị nạn.

Hoàng Hà – Dòng sông huyết mạch của Trung Quốc

Dù là trong quá khứ hay ở thời điểm hiện tại, sông Hoàng Hà vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa và thúc đẩy các hoạt động thương mại giữa các địa phương trong lưu vực. Thế nhưng, việc di chuyển từ bờ này sang bờ kia đã từng mắc phải nhiều rào cản trong quá khứ. Tuy nhiên hiện nay, bài toán về việc đi lại đã được Trung Quốc giải quyết triệt để thông qua việc xây dựng hàng loạt cây cầu bắc qua dòng sông này.

Nổi bật có thể nói đến công trình cầu Hoàng Châu – Trịnh Châu tại tỉnh Hà Nam. Nó có chiều dài là 34.300 m, gồm hai tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Trong đó, tầng trên của cầu là đường cao tốc có 6 làn xe, có tốc độ thiết kế lên đến 100 km/h. Còn tầng dưới được xây dựng dành cho đường sắt, đây là một phần của tuyến đường sắt kết nối Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, với thành phố Tế Nam ở tỉnh Sơn Đông. Dự án có tổng vốn đầu tư vào khoảng 7.52 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 1.04 tỷ USD. Ngoài ra, sông Hoàng Hà còn giữ vai trò quan trọng đối với nhiều lĩnh vực khác của đất nước tỷ dân.

Nguồn sống của người dân Trung Quốc

Từ xưa đến nay, sông Hoàng Hà đã cung cấp nguồn nước dồi dào cho người dân sinh sống trong lưu vực có thể sinh hoạt và tưới tiêu. Phù sa mà dòng sông này mang theo cũng góp phần hình thành nên các đồng bằng phì nhiêu và màu mỡ để người dân trồng trọt và chăn nuôi. Tuyến đường thủy dài 5.464 km hiện đang nuôi dưỡng khoảng 12% dân số Trung Quốc, tưới tiêu cho khoảng 15% đất nông nghiệp và hỗ trợ 14% GDP của đất nước.

Chỉ tính riêng tại khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, sông Hoàng Hà đã bồi đắp nên một vùng đồng bằng rộng lớn ở phía bắc khu tự trị này. Trong đó, có quy mô lớn nhất cũng như quan trọng nhất phải kể đến đồng bằng Ngân Xuyên. Khu vực này có diện tích khoảng 5.600 km². Do địa hình thích hợp, có đủ ánh sáng cùng với hệ thống kênh đào thủy lợi dày đặc nên tại đồng bằng Ngân Xuyên có thể phát triển nhiều loại cây trồng như lúa mì, đậu tương, ngô cùng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ sở sản xuất ngũ cốc quan trọng ở phía Tây Bắc của Trung Quốc. Có thể nói, người dân sống tại các địa phương ở ven sông đã phụ thuộc vào nó để trang trải cuộc sống.

Ngoài nông nghiệp, người dân còn phát triển thêm ngành nuôi trồng thủy sản. Lưu vực sông Hoàng Hà rất giàu cá, hiện đây là nơi sinh sống của hơn 160 loài cá bản địa, trong đó có 19 loài đặc hữu không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Đồng thời, xuôi theo dòng Hoàng Hà còn có rất nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ. Vì vậy, trong nhiều năm qua, chính quyền các địa phương nơi có Hoàng Hà chảy qua đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá du lịch, thu hút rất nhiều khách du lịch đến với đất nước tỷ dân.

Dòng sông năng lượng

Một trong những điều đầu tiên khi Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới thành lập là đưa một đất nước thuần nông nghiệp lạc hậu bước vào kỷ nguyên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này đã thôi thúc nhiều quyết định mang tính đột phá, trong đó phải kể đến việc xây dựng các con đập trên sông Hoàng Hà để có thể kiểm soát lũ cũng như sản xuất điện.

Tam Môn Hiệp là con đập thủy điện đầu tiên được xây dựng trên trung lưu sông Hoàng Hà, có công suất là 400 MW. Để xây dựng con đập này, vào đầu thập niên 1950, chính phủ Trung Quốc đã mời các chuyên gia Liên Xô tới tư vấn về dự án trị thủy trên dòng sông này. Công trình nhanh chóng được xây dựng và hoàn thành vào năm 1960 với sức chứa hơn 16 tỷ m³ nước. Đập Tam Môn Hiệp là dự án đầy tham vọng của Trung Quốc lúc bấy giờ. Tuy nhiên, con đập này cũng gây nhiều tranh cãi sau khi chính thức đi vào hoạt động.

Vào năm 1961, hàng nghìn hecta lúa hai bên bờ sông bị ngập, đe dọa thành phố Tây An và khiến người dân cả một huyện phải di dời. Những năm sau đó, dòng chảy của sông Hoàng Hà tiếp tục bị gián đoạn và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn trong khi tình trạng ngập lụt và khô hạn diễn ra bất thường.

Đến thập niên 1970, Trung Quốc đã phải chi một khoản tiền lớn để tu sửa và thông các cống ngầm để giải phóng phù sa. Một kỹ sư thủy lợi người Trung Quốc ở nước ngoài từng tiết lộ rằng, chi phí xây dựng đập thủy điện này đã rất lớn; các loại phí cải tạo, tu sửa và đền bù thiệt hại kinh tế trong khu vực do con đập này gây ra còn lớn hơn gấp nhiều lần. Đến nay, đập Tam Môn Hiệp vẫn là một công trình gây tranh cãi.

Trung Quốc còn xây dựng đập thủy điện Lý Gia Hạ ở thượng lưu sông Hoàng Hà, tại châu tự trị dân tộc Tạng Hoàng Nam của tỉnh Thanh Hải. Đây là công trình thủy điện vòng cung với 4 tổ máy phát điện và có tổng công suất 2.000 MW.

Tuy nhiên, cả Tam Môn Hiệp và Lý Gia Hạ đều không phải là công trình có công suất vận hành lớn nhất, mà đập thủy điện Mã Nhỉ Đảng đang trong quá trình xây dựng mới sở hữu công suất lớn nhất trên lưu vực sông Hoàng Hà. Ngoài ra, đây cũng là một trong những công trình thủy điện cao nhất cả nước. Sau khi vận hành đầy đủ, nhà máy sẽ có tổng công suất lắp đặt là 2.300 MW và có thể sản xuất trung bình hơn 7.3 tỷ kWh điện mỗi năm, giảm tiêu thụ 2.56 triệu tấn than đá tiêu chuẩn và 8.16 triệu tấn khí thải carbon dioxide.

Như vậy, xét về cả số lượng lẫn quy mô, các con đập trên lưu vực sông Hoàng Hà đều khiêm tốn hơn nhiều so với sông Dương Tử. Bởi trên dòng sông Dương Tử hiện nay, có đến 5 đập thủy điện có công suất vận hành lớn nhất thế giới, trong đó đập Tam Hiệp có tổng công suất lên tới 22.500 MW và bao gồm 32 tổ máy lớn.

Một phần của dự án thế kỷ

Hiện nay, sông Hoàng Hà còn là một phần quan trọng trong một dự án đầy tham vọng khác của Trung Quốc, có tên gọi là Nam Thủy Bắc Điều. Đây là đại dự án đưa nước từ các con sông đầy nước ở miền Nam tới những khu vực khô hạn ở miền Bắc Trung Quốc. Theo dự kiến, dự án khổng lồ này sẽ hoàn thành vào năm 2050 và nó được kỳ vọng sẽ chuyển gần 50 tỷ m³ nước mỗi năm tới các vùng đô thị ở phía Bắc Trung Quốc, gấp gần 1.2 lần so với dung tích của đập Tam Hiệp. Cùng với đó, đại công trình này sẽ kết nối 4 con sông chính của Trung Quốc đó là sông Dương Tử, sông Hoài Hà, sông Hoàng Hà và sông Hải Hà.

Theo thiết kế ban đầu, dự án Nam Thủy Bắc Điều có 3 tuyến vận chuyển nước chính từ Nam tới Bắc qua các khu vực là miền Đông, Trung tâm và miền Tây của Trung Quốc. Tuy nhiên, dự án cũng gây tranh cãi không thua kém gì đập Tam Hiệp. Dự án tuyến Tây sẽ kết nối lưu vực thượng nguồn của sông Dương Tử vào sông Hoàng Hà để giải quyết vấn đề hạn hán và thiếu nước ở 6 tỉnh và khu tự trị mà sông Hoàng Hà chảy qua, đó là tỉnh Thanh Hải, tỉnh Cam Túc, khu tự trị Hồi Ninh Hạ, khu tự trị Nội Mông Cổ, tỉnh Thiểm Tây và tỉnh Sơn Tây.

Do khu vực thi công sẽ nằm ở độ cao từ 2.900m – 4.000m so với mực nước biển, các chuyên gia sẽ thiết kế những đường hầm chuyển hướng nước từ 3 nhánh sông ở thượng lưu của sông Dương Tử bao gồm sông Thông Thiên, sông Nhã Lung và sông Đại Độ, vượt quãng đường gần 500 km qua cả dãy núi Ba Nhan Khách Lạp để chuyển nước vào sông Hoàng Hà. Theo kế hoạch, dự án này bắt đầu được khởi công vào năm 2010. Tuy nhiên, tới nay vẫn đang trong giai đoạn quy hoạch vì đối mặt với nhiều thách thức lớn về kỹ thuật và khí hậu.

Trung Quốc đang chết vì những con đập của mình

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu cơ chế gây ra lũ lụt trên sông Hoàng Hà. Theo đó, lớp phù sa tích tụ là nguyên nhân chính khiến nước sông luôn có màu vàng đặc trưng và thường xuyên tràn bờ gây lũ lụt.

Kể từ năm 1960, Trung Quốc đã cho xây dựng một số con đập trên dòng sông này chỉ để kiểm soát lũ lụt. Trong những năm đầu đi vào hoạt động, các công trình này nhanh chóng cho thấy sự hiệu quả trong việc điều tiết dòng nước, qua đó phần nào hạn chế những thiệt hại nghiêm trọng do lũ lụt gây ra, giúp người dân sống trong lưu vực có cuộc sống bình yên.

Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh rằng việc xây nhiều đập thủy điện không phải là một biện pháp hữu hiệu có tính lâu dài. Những con đập được cho là đã nhốt phần lớn phù sa và trầm tích trong các hồ chứa, đồng thời làm giảm khả năng vận chuyển phù sa của con sông. Trong những năm gần đây, lòng sông Hoàng Hà ngày càng xuất hiện nhiều hạt phù sa to và nặng hơn. Khiến việc vận hành các con đập trên dòng sông trở nên kém hiệu quả.

Việc Trung Quốc xây dựng hàng loạt con đập thủy điện trên sông Hoàng Hà mà không tính toán chính xác về khả năng tích tụ của trầm tích và phù sa đã khiến độ sâu của lòng sông bị thu hẹp đáng kể. Làm giảm đi khả năng lưu trữ
nước lũ của sông Hoàng Hà.

Trong số các con đập đang được vận hành trên sông Hoàng Hà, Tam Môn Hiệp chắc chắn là công trình vướng vào nhiều cuộc tranh luận gay gắt nhất. Là con đập đầu tiên được xây dựng ở khu vực trung lưu, nó đã từng được xem là một trong những thành tựu nổi bật của đất nước tỷ dân vào thời điểm đó. Thế nhưng chỉ 18 tháng sau khi nó đi vào hoạt động, lượng phù sa tích tụ dưới đáy hồ thủy điện đã lên tới 1.8 tỷ tấn, từ đó làm giảm đến 10% dung tích trữ nước. Vào những năm 1970, Trung Quốc thậm chí đã phải chi thêm tiền để cải tạo đập Tam Môn Hiệp thông qua việc mở thêm 6 cống ngầm để có thể giải phóng lượng phù sa khổng lồ đang tích tụ trong hồ chứa. Tuy nhiên, những vấn đề xoay quanh việc vận hành con đập này vẫn là chủ đề gây tranh cãi hiện nay. Một số kỹ sư hàng đầu Trung Quốc thậm chí còn đề xuất việc ngừng mọi hoạt động của đập Tam Môn Hiệp.

Đó là chưa kể tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến cho lượng mưa ở lưu vực sông Hoàng Hà ngày càng giảm đi, dẫn đến lượng trầm tích bị kéo xuống sông cũng giảm xuống. Hoàng Hà vốn là trung tâm của nền văn minh Trung Hoa và tình trạng của sông được coi như là có ý nghĩa dự báo sâu sắc. Trước đây, mỗi lần nước sông trong hơn bình thường thì người dân luôn sợ hãi cho rằng, “Hoàng Hà trong vắt, ắt có tai ương”. Theo các nhà khoa học, việc nước sông trong bất thường vẫn xảy ra trong khoảng vài chục năm một lần. Thế nhưng những thay đổi gần đây không hẳn là tin tốt. Vì có ít nước mưa chảy xuống sông, lượng trầm tích cũng ít hơn. Và cũng vì có ít nước hơn nên trầm tích không có lực đẩy trên sông. Điều này dẫn đến việc hạ nguồn sông nhận được ít trầm tích hơn.

Trong tương lai, các nhà khoa học dự đoán việc bồi tích ở đáy sông sẽ chậm lại hoặc thậm chí có thể đảo ngược, khiến cho sông trở nên sâu hơn. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ ngập lụt nhưng mặt khác cũng làm sạt lở bờ sông ở nhiều khu vực. Trong trường hợp xấu nhất, sông Hoàng Hà có thể cạn nước. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ là thảm họa đối với cộng đồng dân cư sống trong lưu vực con sông này, đặc biệt ở hạ nguồn, sẽ tác động nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp và hệ sinh thái của khu vực.

Ngày nay, bên cạnh các con đập thủy điện và biến đổi khí hậu, Hoàng Hà còn mang đến một nguy cơ đáng sợ hơn. Trong nhiều năm qua, nước sông ở một số khu vực đã bị ô nhiễm nặng đến mức không thể dùng để tưới tiêu. Ước tính mỗi năm, nó tiếp nhận hơn 4 tỷ tấn nước thải sinh hoạt, tương đương 1/20 của toàn con sông. Khi công nghiệp hóa được đẩy mạnh với tốc độ chóng mặt, trong nhiều giai đoạn, nước sông Hoàng Hà thậm chí không còn màu vàng đặc trưng mà đổi sang đỏ hoặc tím. Điều này bắt nguồn từ việc phần lớn dòng sông chảy qua các khu công nghiệp trọng điểm, cũng như các khu dân cư lớn. Trong số 20.000 nhà máy hóa dầu trên toàn Trung Quốc, có đến 4.000 nằm ở ven sông Hoàng Hà. Nguồn nước ô nhiễm, cùng sự có mặt của các đập thủy điện và nạn đánh bắt tràn lan, cũng khiến cho trữ lượng cá sống trong lưu vực sông giảm đi nhanh chóng.

Một sự thật đáng buồn hơn nữa là vùng biển Bột Hải của Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tình trạng thu hẹp qua từng năm do một lượng lớn trầm tích của sông Hoàng Hà chảy vào. Theo một số ước tính, với khoảng 390m đường bờ biển tiến lên mỗi năm, trong vòng 200 năm nữa, nó sẽ lấp toàn bộ lối vào ở cảng Thiên Tân. Sau đó khoảng 500 – 700 năm, nó sẽ san bằng Vịnh Bột Hải. Khi đó, khu vực này sẽ phải đối mặt với sự suy giảm sinh thái nghiêm trọng, giáng một đòn mạnh vào ngành đánh bắt cá tại đây. Đồng thời, nó còn làm gia tăng tình trạng hạn hán ở nội địa phía Bắc, khiến cho nhiều sông hồ đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Đáng nói hơn nữa, Bột Hải với vị trí gần thủ đô Bắc Kinh cũng như thành phố Thiên Tân, vốn là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất của đại lục, nên việc bị thu hẹp sẽ gây khó khăn cho các tàu thuyền qua lại, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của cả nước. Nhìn từ góc độ an ninh, nếu vùng biển này biến mất, các tàu chiến của Trung Quốc sẽ mất đi một chỗ dựa an toàn ở vịnh nội địa, từ đó mang đến rủi ro lớn cho an ninh quốc gia.

Sông Hoàng Hà – Câu chuyện phát triển bền vững tại Trung Quốc

Với vị thế là “dòng sông mẹ” hay “cái nôi” của nền văn minh Trung Quốc, trong vài năm qua, môi trường sinh thái ở lưu vực con sông này đã cải thiện đáng kể do những nỗ lực quan tâm của chính phủ Trung Quốc. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần khẳng định, phải thúc đẩy bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững tại lưu vực sông Hoàng Hà. Nói đến chiến lược, ông Tập cho rằng việc bảo tồn con sông này là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Mặc dù nước sông đã có nhiều cải thiện trong những năm gần đây, tuy nhiên Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn nhấn mạnh rằng, người dân không được chủ quan vì điều đó.

Điều kiện tự nhiên và địa lý của con sông này đã gây ra nhiều trận lũ lụt kể từ thời cổ đại. Ngoài ra, nhiều hoạt động công nghiệp dọc theo dòng sông Hoàng Hà đã từng khiến nơi này trở thành dòng sông ô nhiễm nhất thế giới cách đây khoảng một thập kỷ, đồng thời dẫn đến suy thoái hệ sinh thái.

Để đối phó với những thách thức lớn tại lưu vực sông Hoàng Hà, chính quyền trung ương và địa phương dọc theo con sông đã thực hiện một loạt biện pháp, thể hiện thông qua chiến lược quốc gia, biến kế hoạch thành hành động thiết thực, đồng thời thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc hướng tới sự phát triển bền vững.

Để bảo vệ lưu vực sông, người Trung Quốc bắt đầu bằng việc điều chỉnh và chuyển đổi các khu công nghiệp cũ ở thượng nguồn, phát triển nông nghiệp hiện đại ở các vùng sản xuất ngũ cốc chính, cũng như tìm cách giúp đỡ người dân nghèo sống dọc bờ sông. Đất nước tỷ dân cũng đã xây dựng hơn 400 khu bảo tồn thiên nhiên, đất ngập mặn và vườn quốc gia trong lưu vực để gìn giữ hệ sinh thái đa dạng tại đây.

Đầu tháng 10/2021, Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch bảo vệ và phát triển lưu vực sông Hoàng Hà đến năm 2030. Đây được coi như là một hướng dẫn hoạch định chính sách và lập kế hoạch dự án thi công trong lưu vực nhằm giải quyết các khó khăn trước mắt.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới