Tổng thống Ukraine hôm 4/8 cho biết các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất đã đến Ukraine và các phi công nước này đã bắt đầu lái F-16 thực hiện các nhiệm vụ trong nước.
F-16 đã thực hiện nhiệm vụ ở Ukraine
“Máy bay chiến đấu F-16 đã xuất hiện ở Ukraine, chúng tôi đã làm được. Tôi tự hào về phi công của chúng tôi, họ đã nắm vững các máy bay chiến đấu này và bắt đầu sử dụng chúng ở trong nước”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay.
Ông cám ơn sự viện trợ của các đồng minh, nhưng nói thêm Ukraine cần nhiều hơn nữa. Zelensky thừa nhận Ukraine chưa có đủ phi công để lái tất cả các máy bay F-16 nhưng dự kiến sẽ có thêm phi công trong những tháng tới.
Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi hoan nghênh sự có mặt của các máy bay F-16 và cảm ơn tổng thống cùng các quan chức khác đã làm việc “24/7” để đảm bảo an toàn cho máy bay. Ông cho biết sự có mặt của chúng (F-16) sẽ cứu được mạng sống của binh lính Ukraine. Ông Syrskyi viết trên mạng xã hội: “Sự xuất hiện của những máy bay chiến đấu này là một cột mốc quan trọng đối với Ukraine”.
Theo Reuters, ông Zelensky đã gặp gỡ các phi công và có bài phát biểu tại một căn cứ không quân được giấu kín. AFP cho biết ít nhất hai chiếc F-16 đã xuất hiện tại hiện trường. Tuy nhiên, ông Zelensky không tiết lộ số lượng cụ thể máy bay F-16 Ukraine đã nhận được và từ chối bình luận về nhiệm vụ cụ thể của chúng.
F-16 viện trợ cho Ukraine là máy bay loại cũ được nâng cấp
“Liên minh F-16” quốc tế do các nước NATO lập ra đã cung cấp các máy bay F-16AM/BMBlock 15 dư thừa được nâng cấp trung hạn (MLU) và các vũ khí liên quan cho Ukraine. Hiện tại, các máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine đang được một tập đoàn tài chính đa quốc gia châu Âu do Đan Mạch và Hà Lan dẫn đầu mua.
Theo thống kê mới nhất, hiện có khoảng 85 chiếc F-16AM/BM được xác nhận sẽ viện trợ Ukraine. Trong số đó, 24 chiếc chuyển từ Hà Lan, 19 chiếc từ Đan Mạch và 12 chiếc từ Na Uy (Na Uy cũng cung cấp 10 chiếc làm phụ tùng thay thế); Bỉ tuyên bố sẽ cung cấp 30 chiếc. Cũng có ý kiến cho rằng Hy Lạp cũng có thể cung cấp thêm các mẫu F-16C/D Block30.
Loại nhận được lần này là F-16 của Hà Lan đã trải qua quá trình nâng cấp MLU để bổ sung bộ xử lý mới cho radar AN/APG-66, bộ nhận dạng bạn thù (IFF) cải tiến giúp nâng cao nhận thức tình huống ngoài tầm nhìn (BVR), máy tính nhiệm vụ mô-đun mới và màn hình buồng lái mới cho phép nâng cấp và cập nhật liên tục, bổ sung vũ khí và cảm biến mới, nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ không đối không và không đối đất của máy bay, cung cấp cho phi công nhận thức tình huống và khả năng nắm bắt mục tiêu tốt hơn.
Máy bay được trang bị tên lửa không đối không tầm trung AIM-120. Vũ khí không đối đất bao gồm bom dẫn đường bằng laser GBU-10, GBU-12 và GBU-24, bom tấn công trực tiếp chung (JDAM) và bom đường kính nhỏ SDB. Lô F-16 này cũng được nâng cấp liên kết dữ liệu, GPS và kính nhìn ban đêm. Hiệu suất của nó gần tương đương với F-16 Block 50/52 của Không quân Mỹ.
Các phi công Ukraine được tới Đan Mạch để tham gia chương trình huấn luyện nâng cao vận hành máy bay chiến đấu F-16 do liên minh nói trên tổ chức. Chương trình đào tạo bắt đầu tháng 8/2023 và có sự tham gia của 16 phi công Ukraine, những người này đã được học tiếng Anh chuyên ngành hàng không ở Anh với sự hỗ trợ của Lực lượng Không quân Hoàng gia (RAF).
Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện ngôn ngữ và bay cơ bản ở Anh, các phi công đã tới Đan Mạch để tham gia khóa huấn luyện dành riêng cho F-16, bao gồm các bài học toàn diện về hoạt động của máy bay chiến đấu F-16. Trong vài tháng qua, các phi công và nhân viên mặt đất Ukraine đã hoàn thành khóa huấn luyện.
Theo Washington Post, chỉ có 6 phi công Ukraine đủ tiêu chuẩn lái F-16, điều này đã làm giảm số lần xuất kích mà F-16 có thể bay mỗi ngày. 9 tháng huấn luyện mà các phi công Ukraine trải qua giống như một khóa học cấp tốc, trong khi các phi công phương Tây thường phải trải qua 3 năm đào tạo, nghĩa là khả năng của họ sẽ bị hạn chế.
F-16 cũng cần một số lượng lớn nhân sự hỗ trợ, như kỹ sư bảo trì, nhân viên nạp bom đạn, chuyên gia phân tích thông tin và người ứng cứu khẩn cấp…Ukraine cũng phải thiết lập mạng lưới radar, nhà chứa máy bay kiên cố, hệ thống cung cấp phụ tùng và tiếp nhiên liệu. Các sân bay tốt cũng rất cần thiết vì cửa hút gió của F-16 nằm gần mặt đường băng và có nguy cơ các mảnh vụn, bụi bị hút vào động cơ.
Một câu hỏi khác là loại vũ khí nào sẽ được tích hợp trên F-16 của Ukraine và mất bao lâu để chúng thực sự tham gia chiến đấu. Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Mỹ được trang bị tên lửa AIM-120, AIM-9L/M/X Sidewinder, tên lửa AGM-88HARM, JDAM và tên lửa dẫn đường JDAM-ER. Vì vậy, chúng đều có khả năng xuất hiện trên các máy bay F-16 của Ukraine. Ưu điểm là do chúng đều đã trải qua quá trình nâng cấp MLU nên dễ dàng tích hợp vũ khí của NATO và có tầm bắn xa hơn. Máy bay cảnh báo sớm của NATO có khả năng nhận biết tình huống tốt hơn hẳn so với máy bay Liên Xô cũ, và sẽ có nhiều lợi thế hơn khi đột kích.
F-16 tác động ra sao đến cục diện chiến trường?
Người Ukraine hy vọng F-16 có thể giúp Không quân Ukraine chống lại ưu thế vượt trội về số lượng và công nghệ của quân đội Nga trong cuộc xung đột, cũng như chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Nhưng điều này sẽ mất thời gian.
Chỉ cần đảm bảo có đủ F-16 để duy trì các cuộc tuần tra chiến đấu trên không có ý nghĩa, thì cũng cần phải có thêm số lượng máy bay nhiều hơn. Dù sao, Không quân Nga vẫn có ưu thế đáng kể về khả năng không kích, còn có tên lửa không đối không tầm xa; các máy bay chiến đấu Ukraine rất khó đối kháng được với các máy bay Nga tiên tiến hơn ở độ cao lớn, và hệ thống phòng không tổng hợp của quân đội Nga cũng mạnh. Ngoài ra, vì F-16 không thể bay cao nên tầm bắn bị giảm đáng kể.
Một công ty Nga đã treo thưởng lớn cho việc bắn hạ chiến đấu cơ F-16 của Ukraine nên Nga sẽ đưa một số lượng lớn máy bay chiến đấu và các lực lượng khác truy lùng và tiêu diệt, không loại trừ họ tung Su-57 vào cuộc.
Để bảo vệ những máy bay này khỏi các cuộc tấn công tiềm tàng, Ukraine phải thiết lập căn cứ ở phía Tây đất nước, cách xa khu vực xung đột đang diễn ra ở phía Đông, nên F-16 yêu cầu phải bay 2.000 km khi thực hiện nhiệm vụ và quay về.
Do Ukraine thiếu khả năng tiếp nhiên liệu trên không nên việc thiết lập các căn cứ tiếp nhiên liệu ở hậu phương phía đông để hỗ trợ các hoạt động lâu dài trở nên quan trọng. Sau khi xác định mục tiêu tấn công, Không quân Ukraine trước tiên triển khai lực lượng hậu cần tại một sân bay tiền tuyến gần đó, sau đó các máy bay F-16 bay ở độ cao cực thấp rồi hạ cánh xuống sân bay tiền tuyến cách mặt trận khoảng 500 km để tiếp nhiên liệu và nạp bom, thường trong vòng chưa đầy 10 phút, nhằm duy trì hiệu quả tấn công.
F-16 cũng phải bay ở độ cao thấp để giảm thiểu sự phát hiện của radar phòng không, do đó làm gia tăng mức tiêu hao nhiên liệu, cuối cùng thực hiện cú leo cao bất ngờ để thả bom, hoặc đánh chặn tiêm kích Nga, rồi nhanh chóng lao đi và quay trở lại sân bay phía sau.
Mặc dù số lượng phi công và nhân viên hỗ trợ được huấn luyện cho F-16 tiếp tục tăng, một số máy bay vẫn cần được sử dụng để huấn luyện bên ngoài Ukraine, và nhiều máy bay sẽ đóng vai trò dự bị chiến lược và ở chế độ chờ ở các đồng minh châu Âu. Vì vậy, các máy bay F-16 tham gia tác chiến cũng có thể được luân chuyển ra khỏi Ukraine và được bảo dưỡng nghiêm ngặt hơn ở nước ngoài.
Ngay cả khi Ukraine có được một phi đội lớn hơn, chính sách tương tự có thể vẫn được duy trì và một số máy bay F-16 có thể bay từ các căn cứ bên ngoài Ukraine, hạ cánh xuống sân bay tiền tuyến của Ukraine, nơi nó được nhanh chóng treo bom và tiếp nhiên liệu; sau đó bay ở độ cao thấp tới mặt trận để hoàn thành nhiệm vụ tấn công, sau đó quay về căn cứ ở bên ngoài Ukraine.
Tuy nhiên, điều này liên quan đến thái độ của Nga. Nga nhiều lần tuyên bố sẽ tấn công F-16 nếu chúng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu từ các căn cứ bên ngoài Ukraine.
Nhìn vào hiện tại, cho dù toàn bộ máy bay F-16 đều được giao thì cũng khó có thể tạo ra thay đổi lớn về tình hình trên chiến trường Nga-Ukraine, nhưng chắc chắn sẽ gây ra một số vấn đề.
T.P