Nhiều quốc gia bày tỏ quan tâm gia nhập BRICS trong năm 2024, trong đó có Belarus – quốc gia ở châu Âu.
Belarus là quốc gia Đông Âu đang tìm cách tham gia liên minh BRICS vào năm 2024. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết quốc gia châu Âu này đã sẵn sàng tham gia các quá trình hội nhập trong khuôn khổ BRICS.
Tổng thống Lukashenko giải thích rằng BRICS có thể giúp Belarus phục hồi nền kinh tế và duy trì sự cân bằng về thương mại và tài chính. Ông nhấn mạnh, việc tham gia liên minh BRICS vào năm 2024 sẽ giúp mang lại sự ổn định cho nền kinh tế bản địa của nước này.
“Chúng tôi quan tâm đến việc tham gia vào các quá trình hội nhập trong không gian đó. BRICS là một nền tảng khác giúp chúng tôi duy trì sự cân bằng và ổn định kinh tế” – Tổng thống Lukashenko nói với hãng thông tấn Belarus Belta News.
Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Maksim Ryzhenkov cũng cho biết, Belarus hy vọng sẽ nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu đạt được vị thế là đối tác hợp tác BRICS.
Theo ông Ryzhenkov, Belarus coi BRICS là một nền tảng hiệu quả, tập hợp các lực lượng toàn cầu, nơi Belarus có thể thúc đẩy lợi ích chính sách đối ngoại của mình, xây dựng quan hệ kinh tế và phát triển thương mại.
Nếu Belarus được kết nạp vào BRICS trong năm 2024, thì nhiều quốc gia Đông Âu khác có thể tham gia. BRICS có thể sử dụng Belarus để thâm nhập vào Đông Âu và khiến các nước đang phát triển thanh toán thương mại bằng tiền tệ địa phương.
Chương trình nghị sự phi USD hóa của BRICS dường như thu hút các quốc gia đang phát triển muốn thúc đẩy đồng tiền địa phương và nền kinh tế bản địa tăng trưởng.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng Belarus sẽ tham gia liên minh BRICS vào năm 2024. Việc mở rộng dựa trên sự đồng thuận và tất cả các thành viên hiện tại phải đồng ý để quốc gia Đông Âu này gia nhập khối.
Trong một diễn biến khác, El Salvador được cho là đang nghiên cứu khả năng gia nhập BRICS. Theo Sputnik, El Salvador quan tâm đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ các nước BRICS, vì quốc gia này hiểu rằng cần phải đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế chứ không chỉ tập trung vào Mỹ và Ngân hàng Thế giới (WB).
“Số lượng ngày càng tăng các quốc gia muốn gia nhập BRICS cho thấy hiệu quả của cơ chế hợp tác này, vốn có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nước đang phát triển” – Hoàn cầu Thời báo dẫn lời Giáo sư Song Wei tại Khoa Quan hệ Quốc tế và Ngoại giao thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh cho hay.
BRICS đã củng cố sự đồng thuận giữa các nước đang phát triển và nổi lên như một tổ chức ủng hộ mạnh mẽ cho nhu cầu phát triển của các nước này. Cho dù là thúc đẩy hợp tác kinh tế hay ủng hộ quản trị toàn cầu công bằng hơn, BRICS luôn bảo vệ lợi ích thiết thực của các nước đang phát triển – Giáo sư Song nhận định.
Giáo sư Song lưu ý rằng các quốc gia nộp đơn này, nằm trên các châu lục khác nhau, đã có sự phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng tăng của mình, họ đang tìm cách tận dụng cơ chế BRICS để mở ra những cơ hội mới cho sự tăng trưởng liên tục.
BRICS là từ viết tắt của một cơ chế hợp tác thị trường mới nổi ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Vào tháng 1 năm nay, khối này đã mở rộng thành viên để bao gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iran và Ethiopia.
Bên cạnh đó, hơn 30 quốc gia, khác đã nộp đơn xin gia nhập BRICS.
T.P