Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBài “test” cho Hà Nội?

Bài “test” cho Hà Nội?

Truyền thông quốc tế đưa tin: vào tuần trước, một máy bay không người lái (UAV) của quân đội Trung Quốc đã bật thiết bị theo dõi gần bờ biển Việt Nam. Nếu thông tin trên đây là thật, điều đó có nghĩa rằng: Hà Nội đang đứng trước một bài “test” của Bắc Kinh vậy.

Đường bay của chiếc UAV của Trung Quốc – theo

Tin nguồn được phát ra bởi dự án Đại ký sự Biển Đông. Đó là một dự án truyền thông mở, được cho là để cung cấp những kiến thức chủ quyền và an ninh kinh tế đất nước (Việt Nam), và phần nào đó là khu vực.

Tiến sĩ Vân Phạm, người của Đại ký sự Biển Đông – đã đưa ra hình ảnh đường bay của chiếc UAV có tên là Wing Loong-10, xuất phát từ đảo Hải Nam và trở lại. Trong chặng bay đó, chiếc UAV đã bay khoảng 100km trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dọc theo bờ biển tới điểm cuối là vùng biển thành phố biển Nha Trang.

Chiếc UAV trên bị phát hiện do mở thiết bị theo dõi. Không ai nghĩ, Bắc Kinh đã “quên” không tắt thiết bị này. Ngược lại, họ chủ ý thế. Điều đó nghĩa là: nếu Trung Quốc không chủ động bật thiết bị theo dõi của chiếc UAV này, nó đã không thể bị Việt Nam phát hiện.

Thực tế đó làm dấy lên những hoài nghi về cái gọi khả năng “theo dõi sát” những hoạt động của Trung Quốc mà lâu nay, mỗi khi có các tình huống căng thẳng liên quan các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thường tuyên bố như một sự khẳng định đầy tự tin rằng, Hà Nội chủ động hoàn toàn, nắm được mọi diễn biến. Vấn đề là có nói ra không và nói vào lúc nào thôi.

Và nếu sự hoài nghi đó là thật, thì biết đâu, đây chẳng phải lần đầu trong vòng 5 năm trở lại đây, cơ quan nghiên cứu thuộc dự án Đại ký sự Biển Đông mới phát hiện thêm một chiếc UAV bay trên không phận vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Với Hà Nội, đây chắc chắn là một thông tin nhạy cảm. Một thông tin như thế, để xử lý, theo giới quan sát, cần có thời gian để vừa là kiểm chứng, vừa là cân nhắc. Nói cách khác, đây là một tình huống mà giới chức ngoại giao Việt Nam phải tính toán cách nói năng sao cho chặt chẽ, không sơ hở trước những câu hỏi khó, ranh ma của cánh báo chỉ quốc tế. Có lẽ chính thế, tới thời điểm này, đáp lại sự thóc mách của nhiều hãng tin trong nước và quốc tế, Hà Nội vẫn chưa đưa ra một phản ứng cụ thể.

Tất nhiên, liên quan thông tin về chiếc UAV này, giới quan sát quốc tế có những suy luận riêng của họ. Trước hết, họ liên hệ nó với ít nhất 2 sự kiện: một sự kiện đã xảy ra, và một sự kiện sắp đến.

Đã xảy ra: đó là việc ngày 17/7/2024, Việt Nam trao cho Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS) Hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam tại Khu vực Giữa Biển Đông (VNM C). Trước đó, năm 2009, Việt Nam đã hoàn thành 2 Đệ trình quốc gia: Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng Khu vực Bắc Biển Đông (VNM N), Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng Khu vực Giữa Biển Đông (VNM C); đồng thời hợp tác cùng Malaysia xây dựng Đệ trình chung Ranh giới thềm lục địa mở rộng đối với Khu vực Nam Biển Đông…

Liên quan lần đệ trình tháng trước của Việt Nam, cũng như các lần trước, Bắc Kinh đã lập tức phản đối chỉ sau đó một ngày, tức ngày 18/7. Dường như không muốn vì chuyện đệ trình hồ sơ trở thành một cuộc đấu khẩu căng thẳng thuần túy mang tính biểu tượng chứ không thể giải quyết được vấn đề trên thực địa, phản ứng lại sự gay gắt của Bắc Kinh, Hà Nội đáp lại bằng lời giải thích ôn hòa, cho rằng, Việt Nam đã thể hiện “thiện chí qua việc thông báo với các nước liên quan”.

Dù vậy, đằng sau sự ôn hòa ấy, nhiều người vẫn nhận ra một quan điểm đầy kiên định của Việt Nam về câu chuyện Biển Đông.

Còn về sự kiện sắp đến: đó là lần đầu tiên Việt Nam và Philippines tiến hành một cuộc tập trận chung. Thời điểm này, một tàu cảnh sát biển đang trên đường tới Philippines để cùng nước này thực hiện cuộc tập trận theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 9/8. Như đoán trước Bắc Kinh sẽ phản ứng, thông báo về cuộc tập trận chung đầu tiên này giữa hai quốc gia Đông Nam Á cùng có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, chỉ được phát ra từ lực lượng cảnh sát biển, chứ không từ Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Dù vậy, khó có thể nói, Bắc Kinh đã không quan tâm và theo dõi sát sao động thái mới mẻ này của hai quốc gia mà họ cho là bướng bỉnh và phản đối yêu sách “đường 9 đoạn” (tham lam, nhằm độc chiếm Biển Đông) của Trung Quốc quyết liệt nhất. Và vì thế, Bắc Kinh đã không ngồi im.

Lần ra tay này, thay vì nhằm Philippines như những gì khốc liệt và căng thẳng diễn ra trong hơn một năm qua tại bãi cạn Scaborough và bãi cạn Cỏ Mây, Trung Quốc đã nhằm vào Việt Nam bằng động thái điều một UAV bay sát bờ biển quốc gia hình chữ S trên một quãng đường dài tới 100km.

Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, trong vùng đặc quyền kinh tế, tàu thuyền, máy bay nước ngoài được tự do hoạt động hàng hải và hàng không. Tuy nhiên, việc một UAV của Trung Quốc, trong thời điểm nhạy cảm này thực thiện một chuyến bay khá dài, lại trong trạng thái chủ động bật thiết bị theo dõi, khiến giới quan sát cho rằng: Bắc Kinh đang làm một động thái – động thái đó có ý nghĩa như một bài “test” nhằm thăm dò thái độ và phản ứng của Hà Nội.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới