Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCựu lãnh đạo Đài Loan (TQ) cảnh báo về 'tiền bảo hộ'...

Cựu lãnh đạo Đài Loan (TQ) cảnh báo về ‘tiền bảo hộ’ vô lý trả cho Mỹ dưới thời ông Trump

Cựu lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) cho biết Mỹ sẽ không hy sinh quân đội của mình trong một cuộc xung đột với Đại lục.

Cựu lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Mã Anh Cửu phát biểu tại Hiệp hội người Hoa tại Thái Lan ở Bangkok vào ngày 4/8.


Theo tờ South China Morning Post (SCMP), cựu lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Mã Anh Cửu đã cảnh báo vào cuối tuần qua rằng ngân sách quân sự của hòn đảo này sẽ trở thành gánh nặng tài chính khủng khiếp nếu buộc phải trả “tiền bảo hộ” cho Mỹ, khi đáp lại một đề xuất của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Chuẩn bị cho chiến tranh là cần thiết, nhưng chi tiêu quân sự cao là gánh nặng mà Đài Loan không thể gánh chịu”, ông Mã phát biểu tại Hiệp hội người Hoa tại Thái Lan ở Bangkok vào ngày 4/8.

“Đặc biệt là nếu các khoản mua sắm quân sự trở thành ‘tiền bảo hộ’ vô lý và bất thường mà ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập đến. Ngân sách quân sự sẽ trở thành hố đen tài chính có thể làm tê liệt tài chính của Đài Loan và chỉ có lợi cho tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ”, ông Mã nói.

Theo SCMP, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Businessweek vào cuối tháng 6, ông Donald Trump từng cho biết “thật ngu ngốc” khi Mỹ cung cấp sự bảo vệ miễn phí cho Đài Loan, nhấn mạnh rằng hòn đảo này phải trả nhiều tiền hơn nếu muốn Washington bảo vệ.

Ông Trump cũng bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi của việc bảo vệ Đài Loan từ xa như vậy khi nói rằng “Đài Loan cách [Mỹ] 9.500 dặm [hơn 15.000 km]” nhưng chỉ “cách Trung Quốc 68 dặm [109 km]”.

Theo SCMP, Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đến nay không loại trừ dùng biện pháp vũ lực để thống nhất.

Trong khi đó, giống như hầu hết các nước khác, Mỹ không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, nhưng phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào thay đổi nguyên trạng eo biển Đài Loan bằng vũ lực, và cam kết cung cấp vũ khí phòng thủ cho hòn đảo này.

Trong bài phát biểu vào ngày 4/8, cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cho biết chính quyền của nhà lãnh đạo mới William Lai Ching-te cần phải đối mặt với thực tế.

“Mỹ khó có thể hy sinh quân đội của mình vì Đài Loan. Nếu xung đột nổ ra trên eo biển Đài Loan, thì người dân ở cả hai bên sẽ phải chịu thương vong”, ông Mã nói.

SCMP đưa tin, Robert O’Brien – cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thời Tổng thống Trump – đã gợi ý rằng Đài Loan nên cân nhắc chi “ít nhất 5% GDP” cho lực lượng vũ trang để theo kịp Bắc Kinh, mặc dù ông O’Brien ngụ ý rằng con số này chỉ là ước tính sơ bộ.

Chieh Chung – giáo sư về quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Bắc – cho biết, Đài Loan khó có thể tăng ngân sách quân sự lên mức đó – đặc biệt là trong thời bình.

“Điều này có nghĩa là chúng ta [Đài Loan] phải chi 1,228 nghìn tỷ Đài tệ (37,64 tỷ USD) cho chi tiêu quân sự, chiếm 43% trong tổng số 2,880 nghìn tỷ Đài tệ (88,03 tỷ USD) chi tiêu của chính quyền trong năm 2024”, ông Chieh nói.

GDP của Đài Loan dự kiến sẽ đạt 24,56 nghìn tỷ Đài tệ (750,74 tỷ USD) trong năm nay, với ngân sách quân sự chiếm 606,8 tỷ Đài tệ (18,55 tỷ USD), tương đương khoảng 2,5% tổng số đó.

Cáo buộc lãnh đạo Đài Loan khiêu khích Bắc Kinh
Theo SCMP, cũng trong bài phát biểu vào ngày 4/8, ông Mã đã cáo buộc lãnh đạo Đài Loan Lai Ching-te khiêu khích Bắc Kinh khi tuyên bố rằng hòn đảo này và Đại lục “không phụ thuộc vào nhau”.

“Điều này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc đại lục”, ông Mã nói, ám chỉ đến tuyên bố của ông Lai tại lễ nhậm chức vào ngày 20/5/2024.

Ngay sau lễ nhậm chức của tân lãnh đạo Đài Loan Lai Ching-te, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành cuộc tập trận quân sự quy mô lớn xung quanh hòn đảo trong vòng hai ngày để cảnh báo ông Lai – người mà Bắc Kinh gọi là “kẻ ly khai ngoan cố”.

Trong bài phát biểu của mình, ông Mã nhấn mạnh rằng các vấn đề xuyên eo biển nên được giải quyết bởi cả hai bên mà không có sự can thiệp của Mỹ hoặc các thực thể nước ngoài khác.

Về lâu dài, ông Mã cho biết, Đài Loan nên tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, thay thế xung đột bằng đối thoại và cuối cùng là tạo ra tình huống đôi bên cùng có lợi cho cả hai bên eo biển Đài Loan.

“Tám năm tôi tại nhiệm là ví dụ điển hình nhất về thực tiễn này”, ông Mã nói, ám chỉ đến nhiệm kỳ của mình từ năm 2008 đến năm 2016, trong thời gian đó, ông đã áp dụng chính sách tiếp cận Bắc Kinh và thừa nhận rằng về mặt hiến pháp, đạo đức và văn hóa, Đài Loan và Đại lục thuộc về Trung Quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới