Monday, September 30, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ có đánh giá quá cao sức mạnh của TQ?

Mỹ có đánh giá quá cao sức mạnh của TQ?

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào giữa năm 2023, một nửa số người dân Mỹ tin rằng, Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất mà họ phải đối mặt, trong khi Nga đứng thứ hai chỉ với 17%. Các cuộc khảo sát khác, chẳng hạn như nghiên cứu của Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, cũng đã đưa ra kết luận tương tự. Các quan chức cấp cao trong các chính quyền Mỹ trước đây dường như cũng đồng tình với đánh giá này. Năm 2020, một báo cáo được viết bởi John Ratcliffe, Giám đốc Tình báo Quốc gia dưới thời Cựu Tổng thống Donald Trump, chỉ trích Bắc Kinh có ý định thống lĩnh toàn cục ở Hoa Kỳ và ở các khu vực khác trên toàn cầu về lĩnh vực kinh tế, quân sự và công nghệ.

Tuy nhiên, chiến lược quốc phòng hiện tại của Nhà Trắng chỉ mô tả Bắc Kinh là một “thách thức nhịp độ” mà Hoa Kỳ phải đối mặt. Theo cách nói của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, những thách thức gần đây mà nền kinh tế Trung Quốc đối diện đã khiến một số người đánh giá lại quan điểm của họ về sức mạnh của Trung Quốc. Trung Quốc có thể không mạnh như vẻ bề ngoài với những thách thức kinh tế và các yếu tố khác hạn chế sức mạnh của họ. Việc đánh giá quá cao thực lực toàn diện của Trung Quốc có thể dẫn đến việc phân bổ sai nguồn lực và sự chú ý.

Không phải là nói Trung Quốc yếu đuối hay sắp sụp đổ, nhưng bây giờ là lúc đánh giá chính xác nhận thức của Hoa Kỳ về sức mạnh quốc gia toàn diện của Trung Quốc. Quá trình này bao gồm việc thừa nhận những thành tựu to lớn của Trung Quốc và những thách thức to lớn mà nước này phải đối mặt. Điều này rất quan trọng trong tình thế Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách đặt nền móng cho mối quan hệ song phương cũng như là những cuộc chiến ngầm.

Tại sao nhiều người đánh giá sai về thực lực của Trung Quốc?

Lý do chính cho sự hiểu lầm này là nhìn từ đằng xa, Trung Quốc dường như là một cường quốc có sức mạnh cường đại. Đây là những con số làm người khác chú ý khiến các nhà quan sát hoa mắt. Bắc Kinh có nền kinh tế lớn nhất hoặc lớn thứ hai thế giới, điều này quyết định bởi sự đo lường tiêu chuẩn. Chi phí quân sự ngày càng tăng nhanh, số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ngành công trình và toán học nhiều. Trong vòng vài chục năm, gần 20.000 dặm đường sắt cao tốc đã được xây dựng và những cây cầu cũng được xây với tốc độ kỷ lục.

Tuy nhiên, những con số bắt mắt này không bộc lộ hết những gì mang tính thực chất. Nghiên cứu chuyên sâu sẽ tiết lộ rằng Trung Quốc phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khó giải quyết. Cho đến gần đây, nền kinh tế Bắc Kinh được cho là rơi vào tình trạng không thể chống đỡ do lạm phát tăng lên, tỷ lệ nợ trên GDP cao, và tăng trưởng ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng địa ốc. Nền kinh tế Bắc Kinh bắt đầu rơi vào khốn cảnh.

Không chỉ nền kinh tế Trung Quốc được định giá quá cao. Bất chấp những nỗ lực đáng kể của Bắc Kinh nhằm xây dựng quyền lực mềm và phát huy tác dụng lãnh đạo trên phạm vi toàn cầu, số lượng bạn bè ở Trung Quốc ít hơn nhiều so với mọi người nghĩ. Cho dù có một số quốc gia sẵn sàng trở thành đối tác thương mại của họ như Triều Tiên, Pakistan, Campuchia và Nga có thể coi là đồng minh quan trọng hàng đầu của Trung Quốc, thế nhưng mối quan hệ đó gần như là không bền chặt bằng những mối quan hệ mà Hoa Kỳ đã có được trên khắp thế giới. Ngay cả ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Washington nhiều khả năng sẽ có ảnh hưởng lớn hơn do có quan hệ chặt chẽ với các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Ngoài ra, Trung Quốc còn phải đối mặt với vấn đề già hóa và mất cân bằng dân số. Năm 2016, đất nước 1,4 tỷ dân có khoảng 18 triệu ca sinh, đến năm 2023 con số này giảm xuống còn 9 triệu. Sự suy giảm đáng báo động này không chỉ phù hợp với xu hướng dân số trong độ tuổi lao động ngày càng thu hẹp mà còn có thể cho thấy người dân Trung Quốc đang bi quan về tương lai đất nước.

Đôi khi, hành động của chính phủ Trung Quốc dường như là một sự thừa nhận ngầm rằng mọi thứ ở trong nước đang không mấy tươi sáng. Ví dụ, khi Trung Quốc tạm giam 1 triệu người trở lên, như trong trường hợp của người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương, điều đó thể hiện mối lo ngại về những nguy hiểm mang tính hệ thống.

Tương tự như vậy, sự giám sát quản thúc về mạng lưới thông tin liên lạc của Trung Quốc cho thấy sự lo ngại về hành động tập thể của những người dân ở nước này. Bắc Kinh đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng, thanh lọc quân đội và xóa sổ những ông lớn trong giới doanh nghiệp. Tất cả những dấu hiệu này cho thấy rằng, chính phủ đang nỗ lực để quản lý những rủi ro quan trọng. Những người giàu có và quyền lực ở Trung Quốc đang phòng ngừa rủi ro bằng cách tạo dựng chỗ đứng ở nước ngoài. Điều này phù hợp với nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy tính trung bình, lượng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc thông qua các phương tiện độc đáo cũng nhiều như là đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tập Cận Bình và Thuyết “Đông thịnh Tây suy”

Trong 20 năm qua, biểu hiện của Trung Quốc trên trường quốc tế mang một diện mạo hoàn toàn khác so với trước đây. Bắc Kinh gần đây ngày càng trở nên hung hăng và gây thù chuốc oán với nhiều nước. Chiến lược này rất khác so với chiến lược của Bắc Kinh trong những năm 1990.

Hiện nay, nhiều nhà quan sát Trung Quốc và nước ngoài tin rằng, việc chính quyền Trung Quốc có thể thực hiện toàn bộ các cuộc đàn áp ở Trung Quốc, từ việc áp chế các tín đồ tôn giáo người Duy Ngô Nhĩ, người Mông Cổ và người Tây Tạng, hay là học viên Pháp Luân Công, các luật sư nhân quyền, cho đến việc gây hấn khắp nơi thông qua các chính sách ngoại giao chiến lang, chủ yếu là do giới chức Bắc Kinh cho rằng với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Trung Quốc, sức mạnh tài chính của họ đã tăng lên nhiều đến mức họ có đủ vốn liếng để làm bất cứ điều gì mình muốn.

Trong khi các nhà chức trách của Trung Quốc đang gây hấn cả trong nước lẫn quốc tế, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình, người có quyền lực tuyệt đối với lời nói nặng tựa ngàn cân, thậm chí còn khẳng định xu thế chung của thế giới hiện nay là “Đông thịnh Tây suy”. “Đông” mà Tập Cận Bình ám chỉ là Trung Quốc dưới sự kiểm soát của nhà lãnh đạo này, còn “Tây” là để chỉ các nước dân chủ có nền công nghiệp hóa phát triển do Mỹ dẫn đầu.

Tuy nhiên, thuyết “Đông thịnh Tây suy” không đáng tin cậy. Việc Tập Cận Bình cho rằng cục diện thế giới lúc này đang theo chiều hướng “Đông thịnh Tây suy” là khá vô lý và thiếu cơ sở. Ngay cả khi có một vài người ở Trung Quốc, hay thậm chí là ở Mỹ hay các nước phương Tây, tin rằng tuyên bố này của ông có căn cứ ở một mức độ nào đó.

Tiến sĩ Michael Beckley, người đã nghiên cứu về sự cạnh tranh giữa các cường quốc, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều năm qua, trước đây đã từng làm việc trong Bộ Quốc phòng Mỹ cũng như là các tổ chức tư vấn như là RAND Corporation và Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế. Trong khi đảm nhận công việc giảng dạy, ông tiếp tục làm công tác tư vấn cho giới tình báo Mỹ và Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông đã xuất bản các bài báo trên tạp chí Foreign Policy, Foreign Affairs và các tạp chí khác trong những năm gần đây, đồng thời xuất bản tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao có tên là “Không thể thay thế: Tại sao Mỹ sẽ tiếp tục là siêu cường duy nhất trên thế giới”, để trình bày các nghiên cứu về sức mạnh quân sự của Trung Quốc và những điểm yếu của nước này trước công chúng và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ.

Ví dụ như là ông đã viết trên tạp chí Foreign Policy vào tháng 12/2020 như sau: “Với tư cách là một cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc đã bước vào thời kỳ đặc biệt nguy hiểm. Nước này có khả năng phá vỡ trật tự hiện có, nhưng cánh cửa hành động của họ thì đang bị thu hẹp. Kể từ năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc đã giảm hơn một nửa và năng suất lao động giảm 10%, đồng thời nợ công đã tăng gấp 8 lần, đạt mức 335% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm 2020. Trung Quốc không có nhiều hy vọng sẽ đảo ngược được những xu hướng này vì trong 30 năm tới. Nước này sẽ mất đi 200 triệu người trong độ tuổi lao động và có thêm 300 triệu người già. Khi tăng trưởng kinh tế giảm, nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị sẽ gia tăng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ vấn đề này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo rằng sự tan rã theo kiểu Liên Xô có thể xảy ra, trong khi giới thượng lưu Trung Quốc thì đang chuyển tiền và gia đình của họ ra khỏi nước ngoài”.

Trong cuốn sách của mình, khi so sánh sức mạnh tổng hợp quốc gia và xu hướng phát triển của Mỹ, Trung Quốc và Nga, ông Beckley đã nêu ra những viễn cảnh nghiệt ngã mà Bắc Kinh sẽ phải đối mặt theo cách này: “Đến năm 2050, Trung Quốc sẽ đánh mất 1/3 lực lượng lao động và tốc độ già hóa dân số sẽ diễn ra nhanh hơn bất kỳ xã hội nào trong lịch sử. Tỷ lệ người lao động và người về hưu là 8:1 hiện nay sẽ đạt mức là 2:1. Các cơ quan chính phủ của nước này không ngừng tham nhũng, kìm hãm sự đổi mới và cản trở cải cách sau những sai sót về chính sách, đồng thời tài nguyên thiên nhiên cũng bị suy giảm do khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường”.

Song song với việc Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức trong nước, môi trường bên ngoài cũng đang xấu đi, tinh thần phản Trung Quốc trên toàn cầu dâng lên mạnh mẽ và đang ở cấp độ cao nhất kể từ cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, khi chính quyền Trung Quốc điều động quân đội đàn áp những người biểu tình vì dân chủ và chống tham nhũng. Trung Quốc gây mâu thuẫn với Ấn Độ và nhiều nước láng giềng khác. Thái độ bức ép của họ ở Biển Đông không chỉ dẫn đến sự phản đối của các nước láng giềng mà còn dẫn đến sự phản ứng từ các nước châu Âu như Anh, Đức và Pháp.

Khi so sánh sức mạnh tổng hợp quốc gia của các cường quốc trên thế giới, ông Beckley kết luận từ nghiên cứu của mình rằng: “Các tài liệu nghiên cứu liên quan cho đến nay đã đo lường không chính xác sức mạnh tổng hợp quốc gia. Hầu hết các nghiên cứu sử dụng một số chỉ số kinh tế rộng và nguồn lực quân sự để đánh giá sức mạnh quốc gia của các đất nước, ví dụ như sử dụng tổng sản phẩm quốc nội và chi tiêu quân sự để đánh giá. Các chỉ số này đem các nguồn lực có liên quan của các quốc gia cộng lại với nhau nhưng không trừ đi chi phí mà các quốc gia đó phải trả để kiểm soát, bảo vệ và cung cấp dịch vụ cho người dân của họ. Do đó, các chỉ số đo lường thông thường này sẽ phóng đại sức mạnh quốc gia của các nước nghèo và đông dân như là Trung Quốc và Ấn Độ. Các nước này có năng lực sản xuất lớn và lực lượng quân đội đông đảo, thế nhưng mà họ cũng sẽ phải chịu gánh nặng an ninh và phúc lợi khổng lồ. Đó là điều sẽ làm tiêu tốn nhân lực và vật lực của họ. So với Trung Quốc, Mỹ giàu hơn Trung Quốc nhiều lần và khoảng cách tuyệt đối giữa hai bên vẫn đang gia tăng hàng nghìn tỷ đô la mỗi năm. Nền kinh tế Trung Quốc tuy lớn nhưng không hiệu quả. Trung Quốc thu được sản lượng cao với chi phí cao. Các công ty Trung Quốc có chi phí sản xuất cao trong suốt cả năm và 1.4 tỷ dân của Trung Quốc tạo thành gánh nặng an ninh và phúc lợi khổng lồ.

Nói một cách tương đối, nền kinh tế Mỹ lớn mạnh và hiệu quả, đồng thời đạt được sản lượng cao với chi phí tương đối thấp. Năng suất bình quân của người lao động và các doanh nghiệp Mỹ gấp bảy lần Trung Quốc. Thế nhưng dân số Mỹ lại chỉ bằng 1/4 của Trung Quốc mà thôi. Do đó, chi phí phúc lợi và an ninh ở Mỹ cũng thấp hơn nhiều. GDP và các tiêu chuẩn đo lường thông thường khác đã tạo ra những ấn tượng khiến người ta lầm tưởng rằng Trung Quốc đang đuổi kịp Mỹ về mặt kinh tế”.

Ảo tưởng về sự gia tăng quân sự của Trung Quốc

Ngay cả trong lĩnh vực sức mạnh quân sự mà nhà cầm quyền Trung Quốc đầu tư nhiều nhất, cái gọi là sức mạnh Bắc Kinh chỉ là ảo tưởng khi so với Mỹ. Hệ thống vũ khí của Trung Quốc chỉ có năng lực bằng khoảng một nửa so với mức trung bình của Mỹ. Số lượng binh lính, phi công và thủy quân, hải quân đã qua đào tạo của Trung Quốc chưa bằng một nửa so với Mỹ. Họ có kinh nghiệm hoạt động hạn chế và thiếu đi kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Chi phí cho quân nhân Trung Quốc cao hơn Mỹ ít nhất 25%. Các hoạt động bảo vệ lãnh thổ và an ninh đã tiêu tốn ít nhất 35% ngân sách quân sự và chiếm dụng một nửa lực lượng vũ trang đang hoạt động của Trung Quốc.

Trong khi đó, quân đội Mỹ đã chuyển giao các vấn đề và chi phí đó đến các cơ quan dân sự. Vị thế của một cường quốc không cao cũng chẳng thấp sẽ khiến Trung Quốc trở nên đặc biệt nguy hiểm trong vòng vài năm tới và Mỹ sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc duy trì hòa bình. Ông Beckley viết trong một bài báo đăng trên tạp chí Foreign Policy: “Trong lịch sử, những hành động liều lĩnh để tranh giành vị thế quốc gia hùng mạnh thường đến từ những nước lớn đang trỗi dậy nhưng cảm thấy rằng họ không có nhiều thời gian.” Mặc dù Mỹ vẫn có lợi thế rõ ràng so với Trung Quốc về sức mạnh quốc gia và quân sự, hơn nữa lợi thế này không hề giảm đi mà ngày càng đang được nới rộng. Thế nhưng những lợi thế của Mỹ không phải là bất di bất dịch và trường tồn mãi mãi, mà vô số những vấn đề cũng không thể coi nhẹ trong chính trị và xã hội Mỹ có thể khiến họ đánh mất chúng.

Tuy nhiên, về lâu dài và về mặt lịch sử, việc Mỹ kiên quyết đi theo những chính sách sai lầm không thể sửa chữa giống như những quốc gia theo chế độ chuyên chế là điều khó có thể xảy ra. Chế độ chuyên chế có một lợi thế, họ có thể nhanh chóng huy động nhân lực và vật lực để xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn, vận động kinh phí, buộc nông dân phải rời đi và dựng lên những thị trấn ma, những thành phố ma mà các cơ quan quản lý xây dựng rất muốn xây dựng. Điều này cũng đúng trong quân đội. Tập Cận Bình có thể ra lệnh bắt các công ty công nghệ phục vụ cho quân đội và các cơ quan an ninh của Trung Quốc. Thế nhưng mà Tổng thống Mỹ thì cũng không thể buộc Google cung cấp công nghệ mới nhất cho quân đội Mỹ được.

Rõ ràng, chính phủ chuyên chế có một số lợi thế rõ ràng, nhưng những lợi thế này chỉ tồn tại ở một số lĩnh vực biệt lập và chỉ mang tính ngắn hạn mà thôi. Tuy nhiên, xét về xu hướng dài hạn, về mặt tạo ra sự phát triển kinh tế bền vững trong khoảng thời gian hàng thập kỷ, về mặt ngoại giao và đối nội tạo ra các chính sách ổn định hơn, thiết lập một thế cục quân sự bền vững hơn, hay nói thẳng ra là không mắc những sai lầm thảm khốc thì các nền dân chủ hoạt động tốt hơn. Lý do rất đơn giản, bởi vì các chế độ dân chủ có tính cạnh tranh nên luôn có những đảng đối lập cố gắng chỉ trích và tìm ra cách làm tốt hơn Đảng cầm quyền. Dân chủ có thể tránh được tình trạng hôn quân hay bạo chúa, tức là cục diện kẻ mạnh hi sinh cả nước vì lợi ích riêng của mình.

Ở một khía cạnh quan trọng hơn, dù Trung Quốc đạt được lợi ích trong ngắn hạn nhưng đã khiến không chỉ các nước xung quanh biển Đông, các nước ở những khu vực khác mà cả các nước châu Âu đã cử tàu chiến đến biển Đông cũng phải tuyên bố với Trung Quốc rằng, hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đều công nhận đó là đường biển quốc tế. Nếu Trung Quốc muốn dùng vũ lực để củng cố quyền kiểm soát thì sẽ vấp phải những phản đối mạnh mẽ và có thể đối mặt với sự phản đối của hơn chục quốc gia hùng mạnh do Mỹ đứng đầu.

Mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây là con dao hai lưỡi. Trung Quốc chắc chắn đang trỗi dậy và đó có thể không phải là một sự trỗi dậy hòa bình. Cũng không nghi ngờ rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc, hoặc về cơ bản, hoặc hoàn toàn là phụ thuộc vào vốn, công nghệ và thị trường phương Tây. Trong quá trình này, Trung Quốc đang trở thành một con quái vật mà phương Tây khó đối phó. Nói cách khác, Trung Quốc một mặt thu được lợi ích từ phương Tây, mặt khác ngày càng trở nên thù địch với phương Tây và mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng.

Rõ ràng, sự tiếp xúc của phương Tây với Trung Quốc trong 30, 40 năm qua là lý do chính cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Không có thị trường phương Tây, công nghệ phương Tây và vốn phương Tây, Trung Quốc không thể vươn lên, không thể làm gì. Trung Quốc đã chơi rất hay trong trò chơi này. Một mặt họ duy trì quan hệ với phương Tây để có được tất cả những điều trên, mặt khác thì lại xây dựng sức mạnh quốc gia, xoay chuyển và bắt đầu tiến lên, đưa ra những đòi hỏi yêu sách của riêng mình, buộc phương Tây phải chấp nhận hoặc thay đổi mối quan hệ ban đầu giữa hai bên.
Nếu Mỹ và Trung Quốc tách rời hoàn toàn về kinh tế, rõ ràng cả hai bên đều sẽ thiệt hại rất nhiều. Tuy nhiên, cần phải xem bên nào phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường của bên kia. Quy mô thị trường Mỹ gấp ba lần thị trường nội địa Trung Quốc. Mức tiêu dùng của Trung Quốc đã trì trệ ở mức 35% GDP, đây là mức cực thấp. Vì vậy, Trung Quốc cần xuất khẩu sang các nước giàu có trên thế giới.

Ai là người phụ thuộc vào ai nhiều hơn?

Nếu Trung Quốc không có chip máy tính từ phương Tây hoặc là thiết bị bán dẫn từ các nhà sản xuất phương Tây, máy tính của họ sẽ không hoạt động được. Về những khía cạnh này, Mỹ và các đồng minh có lợi thế tuyệt đối. Mỹ và các quốc gia khác đã đánh bại các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Huawei bằng cách ngăn cản họ có được những công nghệ quan trọng, đặc biệt là công nghệ bán dẫn.

Trung Quốc cũng ngày càng phụ thuộc vào các quốc gia khác về dầu mỏ và thực phẩm. Như đã biết, Bắc Kinh luôn biết rằng ngoại thương là con dao hai lưỡi. Ngoại thương một mặt đem lại những lợi ích như là thị trường, công nghệ. Mặt khác lại khiến quốc gia bộc lộ những điểm yếu và làm bản thân nó phải chịu phụ thuộc vào những nước khác.
Trung Quốc hiện nay cũng đang thấy mình phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ chủ nghĩa bảo hộ ở khắp nơi trên thế giới. Chính quyền Biden của Mỹ tiếp tục duy trì các mức thuế trừng phạt mà chính quyền Trump đã áp dụng lên Trung Quốc trước đây và giờ đây các mức thuế như vậy đã trở thành hiện trạng. Ngay cả Liên minh châu Âu cũng đang đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa họ với cả Trung Quốc. Một số quốc gia trả tiền cho các công ty của nước mình để họ chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc. Không chắc chắn các quốc gia trên thế giới sẽ tách biệt hoàn toàn khỏi Trung Quốc, thế nhưng chắc chắn quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước khác sẽ bị giảm đi.

Kết quả là tất cả các nước sẽ bị thiệt hại ở một mức độ nào đó, thế nhưng Trung Quốc sẽ bị đặt vào tình thế nguy hiểm hơn. Bởi vì dù Trung Quốc đang cố gắng cải thiện khả năng công nghệ của mình, nhưng nhìn vào các ngành công nghiệp khác nhau ở nước này chẳng hạn như là công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ và bất kỳ ngành nào liên quan đến máy tính, họ vẫn phải dựa vào công nghệ lõi của phương Tây. Trung Quốc cũng phụ thuộc vào nước ngoài để kiếm dầu, thực phẩm, thị trường. Sự phụ thuộc vào bên ngoài của họ là rất nghiêm trọng, điều đó khiến nước này lâm vào tình thế khó khăn.

Trung Quốc đang bị cô lập khi tinh thần chống Trung Quốc đã tăng lên đến đỉnh điểm kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 và sau đó lại là đại dịch COVID-19 cùng những sự kiện liên quan đến Chiến tranh Nga – Ukraine.

Trong 20 năm qua, Bắc Kinh đã không ngừng tăng cường đàn áp nội bộ và hành động gây thù chuốc oán với bên ngoài của họ. Điều đó thường khiến nhiều nhà quan sát phải bối rối. Một mặt, họ cho rằng việc Trung Quốc tăng cường đàn áp là biểu hiện của sự bất an. Mặt khác, việc thực hiện ngoại giao chiến lang để gây thù chuốc oán với mọi phía dường như cũng cho thấy Bắc Kinh có đủ tự tin và sức mạnh của mình. Tuy nhiên, sự kiểm soát đàn áp bên trong và các hành động khiêu khích bên ngoài của Trung Quốc đều là sự phản ánh một cảm giác bất an về một tương lai không còn dài của chính họ.

Gần đây thông tin Trung Quốc mất đơn hàng xuất khẩu vũ khí đạn dược đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trong và ngoài nước Trung Quốc. Trình độ trang thiết bị quân sự do Trung Quốc sản xuất một lần nữa lộ rõ bản chất. Trung Quốc đang đẩy mạnh các nỗ lực nhằm phát triển vũ khí mới, từ các loại súng cho tới máy bay chiến đấu nhằm thách thức sự thống trị của Mỹ. Theo lời các quan chức quân đội, mặc dù Trung Quốc luôn tự cho mình là cường quốc quân sự tại châu Á Thái Bình Dương và đang phát triển các loại vũ khí theo chiến lược ngăn chặn tiếp cận, nhưng sức mạnh vũ khí của họ đang bị nghi ngờ.

Vì sao vũ khí Trung Quốc rẻ hơn vũ khí phương Tây thế nhưng lại bị thất sủng nhanh? Công nghệ sao chép, nhân bản của “vua hàng fake” liệu có giúp thiết bị quân sự của Trung Quốc đạt chất lượng trên thực chiến tại chiến trường?

Trung Quốc muối mặt khi các đơn đặt hàng tàu ngầm bị hủy bỏ

Thái Lan đã từng đặt mua ba tàu ngầm Type 039 chạy bằng động cơ thông thường của Trung Quốc, yêu cầu sử dụng động cơ của Đức. Do lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với Trung Quốc, Bắc Kinh đề xuất sử dụng động cơ do nước này sản xuất nhưng Thái Lan đã từ chối, tháng 10/2023, hợp đồng đã bị hủy bỏ.

Tàu ngầm Trung Quốc có thể rẻ nhưng không có công nghệ tiên tiến. Vào những năm 1990, sau khi Trung Quốc nhập khẩu tàu ngầm lớp Kilo của Nga, họ đã từ bỏ thiết kế tàu ngầm Type 039G ban đầu và bắt chước mẫu tàu ngầm lớp Kilo, nhái thành tàu ngầm Type 039A, sau đó lại có phiên bản tàu ngầm Type 039B, 039C được cải tiến. Động cơ là thành phần cốt lõi của tàu ngầm. Động cơ của Đức có độ tin cậy cao và độ ồn thấp, trong khi động cơ của Trung Quốc tương đối lạc hậu. Tất nhiên, khi Thái Lan mua một chiếc tàu ngầm, họ hy vọng sẽ gây ra ít tiếng ồn nhất có thể. Điều này sẽ giúp việc ẩn náu dưới nước dễ dàng hơn. Họ thà không mua còn hơn là sử dụng động cơ của Trung Quốc.

Trung Quốc có 43 tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường thuộc nhiều loại khác nhau. Âm thanh khá lớn và tất nhiên là rất khó che giấu. Về các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc, Type 091 thế hệ đầu tiên khó đáp ứng yêu cầu và toàn bộ 5 con tàu đều đã được cho nghỉ hưu; Type 093 thế hệ thứ hai có 9 tàu đang hoạt động và bốn chiếc đang được đóng; Type 095 thế hệ thứ ba đang được sản xuất thử nghiệm và vẫn còn khoảng cách lớn về công nghệ giữa Mỹ, Anh, Pháp và Nga. Hải quân Trung Quốc muốn thách thức Mỹ và các đồng minh ở Tây Thái Bình Dương, nhưng rõ ràng là đang ở thế bất lợi dưới nước.

Việc bán máy bay chiến đấu JF-17 gặp trở ngại

Argentina có kế hoạch mua máy bay chiến đấu và Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy mẫu xuất khẩu máy bay chiến đấu JF-17. Tuy nhiên, ngày 17/4, Argentina đã ký hợp đồng với Đan Mạch và đã mua 24 máy bay chiến đấu F-16 đã qua sử dụng từ không quân Đan Mạch.

Nước sử dụng máy bay chiến đấu JF-17 lớn nhất là Pakistan với tổng số 152 chiếc đang hoạt động. Không quân Trung Quốc vốn không trang bị chúng. Không quân Pakistan còn có 75 máy bay chiến đấu F-16 hình thành sự phối hợp cao thấp với JF-17.

JF-17 là mẫu máy bay cấp thấp và đương nhiên là không phải là đối thủ cạnh tranh của F-16. JF-17 là mẫu máy bay do Trung Quốc và Pakistan hợp tác phát triển. Quá trình này có thể nói là biến đổi bất ngờ. Sau khi Pakistan có được tiêm kích F-16, nước này tiếp tục tìm kiếm tiêm kích hạng nhẹ cấu hình thấp. Có điều, nước này đã không còn hứng thú với tiêm kích J-7 của Trung Quốc nữa. Thế là Trung Quốc vội vàng chào hàng với Pakistan. Lúc đầu, Trung Quốc tìm cách hợp tác với công ty Grumman của Mỹ, nhưng dự án đã bị chính phủ Mỹ đình chỉ. Sau đó, Trung Quốc đã tiếp cận Cục Thiết kế Mikoyan của Nga để hợp tác và đồng ý cùng thiết kế sản xuất với Pakistan.

Sau nhiều lần phát triển, JF-17 đã ra đời với cửa hút gió và bề mặt của cánh gió khá giống với chiếc máy bay F-16. Máy bay chiến đấu JF-17 phù hợp với tiêu chuẩn cấu hình thấp. Tuổi thọ khung máy bay cũng chỉ là 4000 giờ và nó sẽ cần được đại tu lần đầu sau 1200 giờ. Pakistan yêu cầu sản xuất 60% bộ phận thân máy bay và 80% thiết bị điện tử, đồng thời luôn sử dụng động cơ do Nga sản xuất và từ chối động cơ do Trung Quốc sản xuất.

Trung Quốc đã sản xuất hàng loạt và trang bị cho máy bay chiến đấu hạng nhẹ J-10. Máy bay JF-17 chỉ được thiết kế riêng cho Pakistan. Ngoài ra, Myanmar cũng đã đặt mua 16 chiếc, còn Nigeria đã đặt mua ba chiếc JF-17. Trung Quốc đã đưa loại máy bay chiến đấu như vậy ra thị trường quốc tế và hiện chỉ có thể cạnh tranh với FA-50, một loại máy bay tấn công hạng nhẹ do Hàn Quốc phát triển. FA-50 của Hàn Quốc đã nhận được đơn đặt hàng từ nhiều quốc gia, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Ba Lan và Iraq, trong khi JF-17 của Trung Quốc thì dường như không thể vươn ra được thị trường thế giới.

Tên lửa Trung Quốc thảm bại trước Hàn Quốc?

Các tên lửa tầm xa mà Trung Quốc luôn khoe khoang thực chất được phát triển từ những tên lửa nhập khẩu của Nga. Đầu năm nay, có tin Trung Quốc đang muốn cạnh tranh thị trường Trung Đông, bệ phóng tên lửa SR-5 cạnh tranh với bệ phóng tên lửa K239 của Hàn Quốc. Cả hai đều có thể phóng tên lửa và tên lửa chiến thuật tầm ngắn. Đối tượng thử nghiệm lần này là tên lửa chiến thuật. Sau cuộc thử nghiệm, cả Ả Rập Saudi và các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đều chọn tên lửa chiến thuật KTSSM của Hàn Quốc.

Trên thực tế, tên lửa của Trung Quốc đã bị Hàn Quốc đánh bại từ lâu. Năm 2017, các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đã mua 12 bộ tên lửa K239 của Hàn Quốc, chúng đã được bàn giao vào năm 2021. Tháng 3/2022, Ả Rập Saudi cũng ký hợp đồng mua tên lửa K239 của Hàn Quốc nhưng không công bố số lượng. Tháng 8/2022, Ba Lan đã ký một đơn đặt hàng lớn mua 288 bộ tên lửa K239, nhiều hơn 218 bộ hiện đang được Hàn Quốc sử dụng.

Trung Quốc không hề chào hàng các loại tên lửa PHL-16 hay PHL-03 mà họ hiện đang sử dụng, mà đặc biệt phát triển các mẫu xuất khẩu như SR-3 và SR-5 với nỗ lực tiến gần hơn đến các hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất nhằm tăng khả năng cạnh tranh.

Trung Quốc hẳn rất muốn có được đơn đặt hàng từ Ả Rập Saudi nhất. Nhưng Ả Rập Saudi đã trang bị tới 278 bộ hệ thống tên lửa M270 của Mỹ. Tên lửa K239 của Hàn Quốc đã tham chiếu hệ thống tên lửa của Mỹ và quân đội Ả Rập Saudi chắc chắn đã khá quen thuộc với chúng. Các tên lửa mà Trung Quốc hiện đang sử dụng là bắt chước Nga, còn các mẫu xuất khẩu lại cố gắng bắt chước Mỹ nhưng chúng lại trở thành một mớ hổ lốn. Nhìn bề ngoài, tên lửa chiến thuật tầm ngắn của Trung Quốc đã thua, nhưng thực tế là thua cả toàn bộ hệ thống.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới