Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Rồng có cánh” bay trong vùng EEZ Việt Nam

“Rồng có cánh” bay trong vùng EEZ Việt Nam

Trong vòng một tuần lễ máy bay không người lái của Trung Quốc đã hai lần xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Việt Nam. Vì sao, và âm mưu của họ là gì?

Lần thứ nhất, máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc bay vào vùng EEZ của Việt Nam vào hôm 2/8. Sau đó, sáng sớm ngày 7/8 một máy bay khác lại ngang nhiên bay gần bờ biển của nước này. Đây là thông tin từ trang Global Defense NewsNewsweek (Tạp chí tin tức hàng tuần của Mỹ), dẫn dữ liệu theo dõi bay của Flightradar24.

Để quý vị tiện theo dõi, chúng tôi xin tóm lược đôi nét về máy bay không người lái (UAV). Một trong những bước phát triển quan trọng nhất của công nghệ UAV thế hệ mới là tính tự hoạt ngày càng cao. Nếu như các UAV trước đây yêu cầu có người điều khiển từ xa và đưa ra các quyết định quan trọng, thì nay nhờ những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép UAV thế hệ mới, tự hoạt động với sự can thiệp tối thiểu của người điều khiển.

UAV thế hệ mới có khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như giám sát, trinh sát, thậm chí tấn công mục tiêu với độ chính xác và hiệu quả rất cao. Những khả năng tác chiến mà UAV bay tuần kích mang lại được xác định nằm ở khoảng giữa hệ thống máy bay không người lái (UAS) và tên lửa hành trình.

Máy bay không người lái này của Trung Quốc “hỏi thăm” vùng biển Việt Nam được xác định là loại Wing Loong-10. Nó cất cánh từ đảo Hải Nam và đi vào vùng EEZ của Việt Nam, bay dọc bờ biển khoảng 800 km, sau đó quay đầu ở địa điểm gần thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (thuộc tỉnh Ninh Thuận của Việt Nam). EEZ là vùng biển mở rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở của một quốc gia, công nhận quốc gia đó có quyền đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng này. Đương nhiên, các phương tiện vận tải của nước ngoài không được phép xâm phạm. (Luật lệ quốc tế cho phép đi qua, nếu là “đi qua vô hại” (innocent passage) mà không cần phải xin phép trước, nhưng phải được thông báo và theo dõi cẩn thận).

Wing Loong-10 (Rồng có cánh) là một loại máy bay không người lái loại High-Altitude Long Endurance (HALE). “Con Rồng” này khá hiện đại. Hàng chục năm qua, nó được Tập đoàn công nghiệp máy bay Thành Đô phát triển cho các nhiệm vụ trinh sát và tấn công chính xác. Nền tảng máy bay không người lái này có nhiều cấu hình khác nhau và được thiết kế cho cả quân đội và cho các đơn vị kinh tế làm nhiệm vụ xuất khẩu hàng hóa. WZ-10 có thể bay liên tục trong 20 giờ, có đặc điểm bán tàng hình, khó bị radar phát hiện. Nó có thể duy trì tốc độ đều đặn 620 km/h.

Vì sao Trung Quốc đưa “Rồng có cánh” đến sân nhà hàng xóm ở một thời điểm nhạy cảm? Có một nguyên nhân trực tiếp là Việt Nam đang cùng với Philippines tăng cường hợp tác quân sự. Cụ thể là, quân đội hai nước chuẩn bị tiến hành các cuộc thao dượt và huấn luyện bảo vệ bờ biển ở Biển Đông từ ngày 9/8. Mục đích thao dượt là “tăng cường hợp tác hàng hải giữa hai nước”. Điều này khiến cho chính quyền Bắc Kinh cảm thấy… bất an.

Trước sự kiện này, vào tháng 7/2024, Việt Nam đã nộp hồ sơ đệ trình Liên hợp quốc khẳng định về ranh giới thềm lục địa mở rộng (ECS) ở Biển Đông. Philippines cũng có động thái tương tự. Trung Quốc đã lên tiếng phản đối Hà Nội và Manila. Và sau sự phản đối này, UAV xuất hiện, dẫu chưa biết nhằm mục đích gì, có thể chỉ là sự “dằn mặt” Hà Nội.

Khi được một số hãng tin phỏng vấn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói: “Chúng tôi không có thông tin nêu trên”. Bà Mao cũng nhã nhặn đề nghị báo chí liên hệ với cơ quan hữu quan để tìm hiểu (!).

Một vấn đề bất thường là, trong những chuyến bay trinh sát trước đây của UAV Trung Quốc trên các vùng biển Việt Nam và Biển Đông thường cố tình tắt máy định vị. Các tàu quân sự và bán quân sự của Trung Quốc cũng có “thói quen” tắt máy định vị khi xâm phạm các vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước khác trong khu vực.

Thế nhưng thói quen ấy đã thay đổi. Lần này Trung Quốc bật máy định vị cho chiếc UAV Wing Long, phải chăng họ cố tình muốn cho Việt Nam biết “Rồng” đang ở đâu.

Vậy có thể đặt ra sự nghi vấn, nhiều khả năng quân đội Trung Quốc cho WZ-10 bay giám sát, hỗ trợ lực lượng mặt đất. Cũng có thể nhằm mục đích theo dõi mục tiêu trên không, truyền hình ảnh video trực tiếp về căn cứ, hoặc tiêu diệt mục tiêu (trong trường hợp được gắn vũ khí).

Hai chuyến bay của UAV Trung Quốc xâm phạm vùng trời Việt Nam chắc chỉ là khởi đầu. Có thể nay mai Hà Nội sẽ lên tiếng phản đối. Và phản đối theo đúng Công ước quốc tế về luật biển (UNCLOC-1982) thì Trung Quốc hết đường chối cãi.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới