Theo quan chức cấp cao phụ trách mua sắm của Lầu Năm Góc, quân đội Mỹ muốn hợp tác sản xuất hơn 100 tên lửa Patriot với Nhật Bản để giải quyết tình trạng thiếu hụt gia tăng ở Washington.
Sau cuộc họp 2+2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ – Nhật Bản tại Tokyo vào tuần trước, hai nước nhất trí mở rộng sản xuất hệ thống tên lửa Patriot tiên tiến 3 (PAC-3). Ngoài ra, Nhật Bản đồng ý một thỏa thuận bán tên lửa PAC-3 sản xuất trong nước cho Mỹ với giá 3 tỉ yên (20 triệu USD).
“Tôi không có câu trả lời về số lượng chính xác, nhưng con số mà chúng tôi muốn đạt được lớn hơn thế nhiều. Số lượng chúng tôi muốn đạt được sẽ gấp 10 lần con số đó”, ông LaPlante chia sẻ.
Trả lời câu hỏi về thời gian, một quan chức quốc phòng Mỹ hôm 8.8 tiết lộ: “Nhóm của chúng tôi đang tìm hiểu một loạt các lựa chọn tiềm năng để mở rộng hoạt động đồng sản xuất tên lửa PAC-3 tại Nhật Bản, bao gồm cả số lượng cụ thể”. Theo Nikkei Asia dẫn lời một quan chức Nhật Bản, hai bên sẽ thảo luận về tính khả thi của hoạt động sản xuất quy mô lớn như vậy trong những tháng tới.
Ukraine sắp có thêm nhiều tổ hợp Patriot, ông Biden hứa ưu tiên tên lửa
“Phải có cách nào đó để giảm chi phí cho mỗi đơn vị khi tiến hành sản xuất chung. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chi phí tăng lên”, vị quan chức giấu tên nói thêm. Ông LaPlante cho biết thách thức chính của hoạt động hợp tác sản xuất chung là phải thiết lập thỏa thuận kinh doanh, mà ở đó tất cả các bên đều có thể đồng ý về quy mô sản xuất và hiệu quả về mặt kinh tế.
Trước đó, trong một cuộc thảo luận tại Hội nghị và Triển lãm công nghệ mới nổi dành cho quốc phòng năm 2024 tại Washington, ông LaPlante cho biết việc hợp tác sản xuất có tác dụng răn đe, đồng thời giúp Mỹ bổ sung kho dự trữ tên lửa Patriot đang cạn kiệt.
Hiện tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản là nhà thầu chính sản xuất tên lửa Patriot với năng suất chế tạo khoảng 30 tên lửa mỗi năm cho Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản.
T.H