Friday, January 10, 2025
Trang chủQuân sựCảnh báo hậu quả nghiêm trọng khi Ukraina đột kích Nga

Cảnh báo hậu quả nghiêm trọng khi Ukraina đột kích Nga

Giao tranh dữ dội gần thị trấn Sudzha của Nga làm dấy lên lo ngại khí đốt Nga trung chuyển qua Ukraina cho châu Âu bị dừng đột ngột.

Dòng khí đốt Nga qua Ukraina – một trong những tuyến cuối cùng để khí đốt Nga vào châu Âu có nguy cơ bị dừng đột ngột.

Đường ống dẫn khí của Ukraina giúp khí đốt Nga được trung chuyển sang châu Âu. Tuy nhiên, thỏa thuận trung chuyển sẽ hết hạn vào cuối năm nay và Kiev đã tuyên bố sẽ không gia hạn hoặc ký mới thỏa thuận này.

Theo đơn vị điều hành đường ống dẫn khí đốt của Ukraina, trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraina đến châu Âu đã giảm 28,5% so với mức 20,5 tỉ m3 năm 2022 xuống còn 14,65 tỉ m3 vào năm ngoái.

Nga đang giao tranh dữ dội với các lực lượng Ukraina đột kích biên giới phía nam gần trung tâm truyền tải khí đốt lớn Sudzha – nơi khí đốt Nga chảy vào Ukraina.

Hai blog quân sự của Nga cho biết, Ukraina đã chiếm được một cơ sở đo khí đốt tại Sudzha. Các nhà phân tích tại công ty ING chỉ ra, điều này làm tăng nguy cơ dòng khí đốt Nga qua Ukrana bị dừng đột ngột.

Hiện tại, Gazprom khẳng định tiếp tục vận chuyển khí đốt qua Ukraina và đơn vị vận chuyển khí đốt của Ukraina cũng cho biết các hoạt động vẫn diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, James Waddell – giám đốc khí đốt và LNG châu Âu tại công ty tư vấn Energy Aspects – nhận định, có nguy cơ Gazpom sẽ cắt giảm dòng khí đốt đợt giao tranh mới.

Đơn vị vận hành hệ thống khí đốt của Ukraina cũng từng tuyên bố bất khả kháng tại một điểm đầu vào khác của khí đốt Nga là Sokhranivka và dừng dòng khí đốt trong năm 2022 do bị tấn công.

Hầu hết các quốc gia EU đã giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga sau xung đột ở Ukraina. Trước đây, các nước tiếp nhận chính khí đốt Nga qua Ukraina bao gồm Áo, Slovakia, Italy, Hungary, Croatia, Slovenia và Moldova.

Hiện Áo vẫn tiếp nhận phần lớn khí đốt tiêu thụ qua Ukraina, trong khi các nước khác đã đa dạng hóa nguồn cung và triển khai các biện pháp để giảm nhu cầu. Năm ngoái, Moldova – một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu – đã nhập toàn bộ khí đốt từ các thị trường châu Âu. Lượng khí đốt nhập khẩu của Croatia hiện rất ít và của Slovenia đã giảm xuống gần bằng 0 sau khi hợp đồng của nhà cung cấp khí đốt Geoplin với Gazprom kết thúc năm ngoái, theo nghiên cứu của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia, Mỹ.

Đầu năm nay, Ủy ban châu Âu tuyên bố có các nguồn cung khí đốt thay thế. Áo có thể nhập khẩu từ Italy, Đức, và các công ty năng lượng nước này tuyên bố đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguồn cung khí đốt của Nga ngừng lại. Hungary dựa vào khí đốt Nga nhưng thông qua tuyến đường khác: Đường ống dẫn khí TurkStream trong khi Slovenia lấy khí đốt từ Algeria và các nguồn khác.

Nhà cung cấp khí đốt của Slovakia SPP cho biết, một liên doanh gồm những người mua khí đốt châu Âu có thể tiếp nhận khí đốt ở biên giới Nga – Ukraina khi hợp đồng vận chuyển của Nga – Ukraina hết hạn. Phương án khác là Gazprom cung cấp khí đốt thông qua một tuyến khác, như qua TurkStream, Bulgaria, Serbia hoặc Hungary. Tuy nhiên, công suất qua những tuyến đường đường ống dẫn khí này có hạn.

Một cố vấn của Tổng thống Azerbaijan tiết lộ với Reuters rằng EU và Ukraina cũng đã yêu cầu Azerbaijan tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận với Nga liên quan đến thỏa thuận vận chuyển khí đốt. EU đã nỗ lực đa dạng hóa việc nhập khẩu khí đốt và ký thỏa thuận tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ Azerbaijan lên ít nhất 20 tỉ m3/năm vào năm 2027. Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters nói rằng, cơ sở hạ tầng và tài chính vẫn chưa sẵn sàng để tạo điều kiện cho việc mở rộng này.

Nga có thể mất khoảng 4,5 tỉ USD mỗi năm nếu xuất khẩu khí đốt ngừng lại. Con số này dựa trên giá khí đốt trung bình dự kiến ​​đến châu Âu là 320 USD/1.000 m3 vào năm 2025. Theo dữ liệu của Gazprom, lượng khí đốt xuất khẩu hàng ngày của công ty qua Ukraina sang châu Âu hiện ở mức hơn 40 triệu m3.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới