Không cần thuyết minh viên, không xếp hàng mua vé, không cần tiền mặt, lại thêm có thực tế ảo đồng hành cùng “Đi tìm Hoàng cung đã mất” đã để lại cho khách tham qua cảm xúc vừa gần gũi vừa mới mẻ trong hành trình tại khu di sản Huế.
Anh Hoàng Nhật Tùng, vốn là một người gốc TP. Huế xa quê nhiều năm, đang cùng gia đình sống tại TP. HCM đã vô cùng ngạc nhiên khi chuyến tham quan di tích Cố đô Huế mang lại nhiều trải nghiệm vừa gần gũi, vừa hiện đại, mới mẻ cho anh và gia đình, khác hẳn với cảm nhận về một vùng đất trầm mặc trong lần đến đây vài năm trước cùng công ty.
Anh Tùng chia sẻ về việc bắt đầu tra cứu tìm hiểu thông tin về các địa điểm du lịch tại Huế từ khoảng 5 ngày trước chuyến đi. Từ website của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, anh biết thêm về hình ảnh Cố đô và nhiều thông tin khảo cổ, tư liệu về lịch sử, văn hóa triều Nguyễn, cũng như các hoạt động văn hoá đang diễn ra.
Đây là địa chỉ trực tuyến quan trọng và là nguồn tư liệu quý để không chỉ các nhà nghiên cứu, khách du lịch, khách tham quan người Việt Nam và nước ngoài, mà ngay cả những người sinh ra trên mảnh đất Triều Nguyễn như anh hiểu biết thêm nhiều về các thông tin văn hóa, di sản Cố đô.
“Thật sự là rất thuận tiện, chỉ một vài thao tác trên màn hình điện thoại, thanh toán trực tuyến qua app ngân hàng, tôi đã nhận được mã QR code của vé được gửi qua email, kèm theo hóa đơn điện tử được xuất cùng lúc để tham quan các địa điểm di tích”, người con của Huế hiện đang làm việc tại TP.HCM bày tỏ ngạc nhiên về những thay đổi không ngờ của miền đất quê hương.
Hàng loạt công nghệ mới tại vùng đất cổ làm khách tham quan thích thú
8h sáng ngày nghỉ cuối tuần như đã đặt lịch mua vé, anh Nhật Tùng đến trước Ngọ Môn. Từng tốp “lính canh” mặc trang phục triều Nguyễn xếp hàng thẳng tắp, nghiêm trang đổi gác. Trong không gian bảng lảng giai điệu nhã nhạc Huế, nghi lễ Cung đình được tái hiện ngay cổng chính phía nam của Hoàng thành Huế làm những người con xa quê như anh và gia đình dâng lên một cảm xúc khó tả về mảnh đất lãng mạn, mộng mơ, đậm chất thơ, về miền di sản mang vẻ đẹp riêng rất ngọt ngào.
Địa điểm tham quan đầu tiên là Đại Nội. Khác với cảnh xếp hàng dài như vài năm trước, với tấm vé điện tử trên tay, 5 người gia đình anh Tùng nhanh chóng quét mã QR để check in qua cổng kiểm soát điện tử. Các thông tin này sẽ cập nhật theo thời gian thực vào hệ thống quản lý của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và hình ảnh của khách tham quan đều được hệ thống tích hợp AI nhận diện, đếm lượt tham quan của khách du lịch.
Để thuận tiện cho việc tìm hiểu các công trình lịch sử và bối cảnh văn hoá Triều Nguyễn, anh cần một người giới thiệu. Nhưng cũng khác với lần thăm Cố đô Huế trước đó, lần này, gia đình anh có một hướng dẫn viên online theo dịch vụ Hướng dẫn viên Audio guide sẵn sàng “nói” tới 12 thứ tiếng. Các điểm tham quan trong khuôn viên Đại Nội đã gắn mã QR hoặc gắn mã số, anh Tùng chỉ cần quét mã hoặc nhập mã số để nghe thuyết minh tại địa điểm đó.
Đại Nội Huế – với diện tích lên đến hơn 32.000 m2, là một quần thể rộng lớn bao gồm nhiều di tích, hệ thống các trục đường trong Hoàng cung Huế không có tên gọi và không có các biển chỉ dẫn. Tại đây, các ứng dụng dẫn đường trên smartphone không thể hỗ trợ việc tìm kiếm đường đi, điểm đến trong di tích này. Nếu không có hướng dẫn viên thì khó có thể đi hết các điểm tham quan cũng như định vị được vị trí của mình trên bản đồ giấy.
Điều khiến anh Nhật Tùng thở phào là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai ứng dụng “Di tích Huế”, cung cấp cho khách tham quan một công cụ tiện lợi để tham quan Hoàng Cung Huế. Gia đình anh và các khách tham quan có thể theo dõi thêm các thông tin giới thiệu về các điểm đến một cách đầy đủ và ngắn gọn nhất. Đồng thời, ứng dụng sẽ gợi ý các điểm đến lân cận đáng quan tâm hoặc thuận tiện tham quan, khám phá. Ngoài ra, trên ứng dụng còn có các thông tin tóm tắt về một số địa điểm cần tham quan, một số dịch vụ triển khai, địa điểm cụ thể tại Đại Nội.
Cũng thông qua ứng dụng này, anh Tùng được biết Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai trải nghiệm thực tế ảo XR được phát triển trên nền tảng thực tế ảo VR với tên gọi “Đi tìm Hoàng cung đã mất. Du khách có nhiều dịch vụ để chọn lựa, như: VR phi thuyền – khám phá vẻ đẹp uy nghi tráng lệ của Hoàng cung bằng mô hình phi thuyền, VR kính viễn vọng – toàn cảnh Huế xưa mở rộng trước mắt, VR máy chạy bộ, VR media façade – bữa tiệc thị giác, VR máy chạy bộ…
Trải nghiệm Hoàng cung xưa bằng một chuyến phi thuyền, anh Nhật Tùng hồ hởi chia sẻ niềm vui khi Huế có thêm dịch vụ này trong Đại Nội.
“Ngoài sự mới lạ, dịch vụ này còn hấp dẫn bởi tạo ra một thế giới hiện thực ảo và tái hiện sinh động những công trình di tích trong Hoàng cung, kể cả đã mất. Đây là cơ hội rất tốt để mọi người có thể hiểu thêm về Hoàng cung Huế, nhất là đối với người trẻ và các em học sinh”, anh Tùng nói.
Tham quan song song phiên bản vật lý và phiên bản số
Sau khi trải nghiệm các không gian tại Đại Nội Huế, gia đình anh Tùng tiếp tục ghé thăm Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Đây là nơi lưu trữ và trưng bày các bộ sưu tập cổ vật Huế xưa, phần lớn có xuất xứ từ nhà Nguyễn như: Đồ sứ, đồ pháp lam, sưu tập trang phục cung đình, ấn triện, sưu tập nhạc khí dùng trong các cuộc lễ tế, sưu tập tranh gương, đồ gỗ sơn son thếp vàng và khảm cẩn, sưu tập súng thần công thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Ngoài ra, bảo tàng còn có một bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc Champa độc đáo và đa dạng.
Tại đây, ngoài việc được xem các cổ vật thật, khách tham quan còn được trải nghiệm không gian số với 10 cổ vật được thí điểm định danh số trên môi trường mạng, gồm Ngai của hoàng đế, kiệu vua, hia (đồ ngự dụng dùng trong sinh hoạt và lễ nghi), cành vàng lá ngọc (dùng để trang trí nội thất), bộ xăm hường (thú tiêu khiển), cơi thờ bằng bạc, thủ bút Từ Huấn Lực, quả cầu Cửu Long, tô sứ ký hiểu, bức phù điêu.
Các cổ vật được gắn chip NFC (công nghệ kết nối không dây tầm ngắn) và được định danh duy nhất bằng công nghệ định danh số vạn vật (Nomion). Du khách tham quan có thể dùng điện thoại thông minh tương tác với chip gắn trên cổ vật, mở ra tương tác đa chiều với toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, ảnh 3D… của cổ vật.
Theo giới thiệu, khách tham quan được biết, khác với mã QR đang được sử dụng để lưu trữ thông tin, chip NFC Nomion gắn trên cổ vật có khả năng mã hóa dữ liệu, bảo mật cao và chống bị làm giả, đảm bảo sự độc bản và liên kết 1-1 giữa phiên bản vật lý và phiên bản số.
Bên cạnh các chú thích hiện vật theo phương thức truyền thống được bố trí từ trước, hệ thống quét mã QR được đặt bên cạnh nhằm tạo thuận tiện cho khách tra cứu thông tin. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp thông tin chi tiết về di tích, hiện vật, cổ vật… để du khách có thể tìm hiểu một cách sinh động.
Chỉ cần quét mã QR trên điện thoại thông minh, du khách có thể tham quan điện Thái Hòa bằng công nghệ 3D. Với góc nhìn 3D đa chiều xoay 360°, các bước di chuyển ngắn, liên tục và chi tiết, du khách có thể chủ động tương tác trực tiếp với không gian không giới hạn và di chuyển đến bất cứ điểm nào, mang đến cảm nhận sống động, chân thực. Hình ảnh điện Thái Hòa cũng hiện ra sắc nét, chi tiết, có giọng đọc giới thiệu thuyết minh về lịch sử, kiến trúc, giá trị của ngôi điện bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Nhiều công trình đã được tạo mã QR thông tin như: Lăng vua Gia Long, Điện Phụng Tiên, Hải Vân Quan (Trước dự án trùng tu), Lầu Tàng thơ, thông tin một số cổ vật được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế,…
KTS. Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chia sẻ với VietTimes, việc ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệ trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa và triển khai chuyển đổi số được Trung tâm xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đó không chỉ là công cụ, giải pháp tối ưu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản văn hóa của tiền nhân ngang tầm khu vực và quốc tế mà còn là cầu nối để đưa Quần thể Di tích Huế đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế.
“Việc đưa du khách tới gần hơn với các địa điểm di tích, các cổ vật trưng bày ở các bảo tàng, hay các điệu nhạc của Nhã nhạc Cung đình Huế – thông qua ứng dụng số, trên không gian mạng là những sản phẩm chủ lực để góp phát phát triển kinh tế xã hội không chỉ của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng mà của Việt Nam nói chung”, KTS. Hoàng Việt Trung nói thêm.
Ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp việc bảo tồn kiến trúc của các cấu trúc, công trình xưa cổ của Huế mà còn giúp việc lưu trữ dữ liệu, quảng bá hình ảnh văn hóa, di sản Huế một cách hiệu quả trong hành trình ra với thế giới. Việc này được xem như là công cụ để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống.
T.P