Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVề việc UAV TQ bay gần bờ biển Việt Nam ?

Về việc UAV TQ bay gần bờ biển Việt Nam ?

Liên quan tới các diễn biến mới trên biển Đông trong vài ngày trở lại đây, dư luận quốc tế đang rộ lên trước một thông tin về hoạt động bất thường của UAV Trung Quốc trên biển Đông, có liên quan trực tiếp tới an ninh quốc phòng Việt Nam.

Ảnh minh họa. Máy bay không người lái WZ-10 của quân đội Trung Quốc

Cụ thể, theo giới phân tích độc lập về biển Đông, vào ngày 7/8, một UAV của Trung Quốc đã thực hiện một cuộc hành trình bay dọc theo bờ biển Việt Nam. Chiếc UAV được xác định là mẫu WZ-10, cất cánh từ đảo Hải Nam, đi qua vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, bay dọc theo bờ biển khoảng 800 km trước khi quay trở lại.

Theo dữ liệu từ Flightradar24, một công cụ theo dõi chuyến bay có nguồn gốc từ Thụy Điển, dựa trên bộ phát đáp lắp đặt trên các phương tiện bay, có thể xác định đường bay của phương tiện bay dân sự và quân sự. UAV Trung Quốc sử dụng mã hiệu 00CA6181 và mã HEX 783132 cho thấy đây cũng là chiếc UAV được phát hiện vào ngày 2/8 trên bờ biển Việt Nam.

Đây được xem là lần thứ hai, chỉ trong chưa tới 10 ngày đầu tháng 8, UAV Trung Quốc được phát hiện bay dọc bờ biển Việt Nam. Trước đó, ngày 5/8, dự án Đại Sự ký Biển Đông đã nói với hãng tin Anh Reuters rằng một UAV quân sự của Trung Quốc với thiết bị phát đáp đã bay gần bờ biển Việt Nam vào ngày 2/8. Chiếc WZ-10 xuất phát từ đảo Hải Nam và quay trở lại đó sau khi bay cách bờ biển Việt Nam khoảng 100 km so với thành phố biển Nha Trang.

Dự án Đại Sự ký Biển Đông, một nhóm phân tích độc lập về tình hình biển Đông ở Việt Nam và nước ngoài, được thành lập từ năm 2015. Phía Đại Sự ký Biển Đông cho biết các nhà nghiên cứu khác, những người đã theo dõi biển Đông trong thời gian dài, đã xác nhận rằng, đây là lần đầu tiên một chuyến bay như vậy được Trung Quốc công khai.

Trên các tàu bè cũng như trên phương tiện hàng không thường được trang bị bộ phát đáp, cho phép một số cơ quan có thể theo dõi đường bay của phương tiện trên hành trình của mình. Về bản chất, bộ phát đáp là thiết bị đặc biệt luôn được bật mọi lúc trên máy bay. Nhờ kết nối với radar, thiết bị này giúp đài kiểm soát mặt đất định vị được vị trí máy bay đang trên không trung. Đồng thời, nhờ tín hiệu cung cấp bởi bộ phát đáp, các cơ quan kiểm soát ở mặt đất có thể cảnh báo cho máy bay trên không trung, tránh những va chạm và tai nạn không đáng có với các máy bay khác đang hoạt động.

Thông thường, các máy bay dân sự sẽ được yêu cầu phải bật bộ phát đáp. Nhưng với máy bay quân sự, do đặc thù nhạy cảm của nhiệm vụ, sẽ không thường xuyên bật bộ phát đáp để đảm bảo bí mật khi hoạt động. Việc các nước bật bộ phát đáp với máy bay quân sự thông thường sẽ biểu thị một tín hiệu nào đó.

Nhiều người lập tức khẳng định, bay gần Việt Nam là xâm phạm không phận nước Việt Nam và phải bắn ngay. Còn nếu không làm vậy thì lập tức bị chụp mũ hèn nhát, sợ Trung Quốc. Nhưng, luật quốc tế có quy định rõ về vấn đề này, không phải nói là “gần” thì bảo là “xâm phạm”.

Trước hết, để biết Trung Quốc có xâm phạm không phận hay không, phải hiểu khái niệm không phận là gì.

Một quốc gia được quản lý không phận rộng tới đâu?

Theo quy định của quốc tế, không phận hay vùng trời, là bầu trời do một quốc gia kiểm soát, bao phủ lãnh thổ và lãnh hải của quốc gia đó. Không phận có thể chia thành từng khu, có khu cấm hoặc hạn chế phi vụ.

Chiếu theo luật quốc tế, không phận chủ quyền ăn khớp với lãnh thổ, lãnh hải và vùng nội hải của một quốc gia, tức không gian trên đất liền và 12 hải lý dọc bờ biển. Không phận nằm ngoài vùng lãnh hải và lãnh thổ được coi là không phận quốc tế, tương đương với hải phận quốc tế.

Có bình luận trên bài phân tích về tình hình Bangladesh rằng, sao không làm vụ UAV Trung Quốc xâm phạm lãnh hải? Không hiểu lãnh hải là như thế nào. Dùng những khái niệm về vùng biển phải hết sức cẩn thận, kẻo vạ miệng. Vì cần phải hiểu lãnh hải Việt Nam nằm ở đâu, bề rộng bao nhiêu được gọi là lãnh hải. Cái này phải xem lại khái niệm về vùng biển của một quốc gia ven biển.

Theo Công ước Luật Biển UNCLOS 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên, mỗi quốc gia ven biển có quyền xác lập 5 vùng biển quan trọng, lần lượt theo thứ tự từ bờ là: vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa.

Vùng nội thủy được phân định và căn cứ trên đường cơ sở duyên hải, thường có chiều rộng khoảng 12 hải lý. Tàu thuyền nước ngoài không có quyền tự do đi qua vùng nội thủy, kể cả qua lại không gây hại. Đây là điểm khác biệt chính giữa nội thủy và lãnh hải. Để đi vào vùng nội thủy, tàu thuyền nước ngoài phải xin phép cơ quan chức năng có thẩm quyền và chỉ được đi lại theo đúng hành trình đã được cấp phép.

Tiếp sau nội thủy sẽ tới lãnh hải, hay còn gọi là hải phận, là vùng biển ven bờ nằm giữa vùng nước nội thủy và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, tức vùng đặc quyền kinh tế ,thường có bề rộng không quá 12 hải lý (khoảng 22,2 km). Chủ quyền của quốc gia đối với vùng lãnh hải không phải là tuyệt đối, tức là tàu thuyền nước ngoài và máy bay nước ngoài có quyền qua lại không gây hại.

Sau lãnh hải sẽ tới vùng tiếp giáp lãnh hải, là vùng biển nằm ngoài lãnh hải, tiếp liền với lãnh hải. Vùng này không được mở rộng quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở, mà từ đó bề rộng của lãnh hải được đo đạc. Tiếp sau đó sẽ là vùng đặc quyền kinh tế với bề rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Như vậy, nếu tính từ đất liền tới hết vùng tiếp giáp lãnh hải, bề rộng sẽ rơi vào khoảng 36 hải lý, tương đương với khoảng 66 km.

Do đó, nếu tàu bay Trung Quốc hoạt động cách bờ biển Việt Nam 100 km thì Trung Quốc đang bay trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Thực tế, giới phân tích Biển Đông cũng xác nhận rõ điều này. Trên vùng đặc quyền kinh tế, theo quy định của Công ước Luật Biển UNCLOS 1982, các quốc gia khác có biển và không có biển có 3 quyền khi đi vào vùng 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của quốc gia ven biển, bao gồm: quyền tự do hàng hải, hàng không, quyền tự do đặt dây cáp, ống dẫn dầu ở đáy biển của vùng thềm lục địa.

Tuy nhiên, nếu các quốc gia thực hiện những quyền này mà ảnh hưởng đến các hoạt động thăm dò khai thác, kinh tế hoặc nghiên cứu khoa học của quốc gia ven biển, phải được sự cho phép của quốc gia đó. Nếu không được phép là vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển.

Còn theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không, quyền đặt dây cáp và ống dẫn ngầm, và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Luật Biển Việt Nam 2012 và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.

Đó là nói theo luật. Còn hiểu một cách đơn giản, trên vùng đặc quyền kinh tế, máy bay các quốc gia khác có thể tự do hoạt động. Tất nhiên, không có nghĩa là muốn làm gì cũng được, bởi theo điều 37 Luật Biển Việt Nam đã quy định như sau: Khi thực hiện quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tổ chức, cá nhân không được tiến hành các hoạt động sau đây:

  1. Đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam;
  2. Khai thác trái phép tài nguyên sinh vật, đánh bắt hải sản trái phép;
  3. Khai thác trái phép dòng chảy năng lượng gió và tài nguyên phi sinh vật khác;
  4. Xây dựng, lắp đặt, sử dụng trái phép các thiết bị, công trình nhân tạo;
  5. Khoan đào trái phép;
  6. Tiến hành nghiên cứu khoa học trái phép;
  7. Gây ô nhiễm môi trường biển;
  8. Cướp biển, cướp có vũ trang;
  9. Các hoạt động bất hợp pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.

Vậy, với hành động của UAV Trung Quốc vừa rồi, có thể xếp vào mức độ như thế nào? Theo đánh giá của tạp chí quốc phòng Mỹ American Nations, khu vực hoạt động của UAV Trung Quốc có thể được coi là thuộc không phận quốc tế, tuy nhiên một phần không phận trên vùng đặc quyền kinh tế lại thuộc vùng thông tin bay của Việt Nam, gọi tắt là FIR (Flight Information Region).

Đây là vùng không gian khí quyển có kích thước được xác định cụ thể. Máy bay qua vùng này phải cung cấp những thông tin cần thiết cho việc điều hành chuyến bay an toàn và hiệu quả, báo động cho các cơ quan có trách nhiệm khi một máy bay cần cứu trợ hay bị tai nạn để tìm kiếm cứu nạn.

Chẳng hạn, FIR Hồ Chí Minh gồm cả vùng hải phận quốc tế cũng như cả một phần vùng trời Lào và một phần vùng trời Campuchia. FIR Hồng Kông và FIR Hồ Chí Minh chia nhau trách nhiệm không gian khí quyển trên một phần của Biển Đông. FIR Bangkok chịu trách nhiệm vùng trời Campuchia và vùng trời trên biển phía nam Việt Nam.

Việc cung cấp thông tin FIR có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn bay, tránh các hoạt động va chạm có thể xảy ra với máy bay dân sự và quân sự. Vì vậy, hoạt động của UAV Trung Quốc, nếu không có sự thông báo với phía Việt Nam, cũng đã là gây nguy hiểm với an ninh quốc phòng Việt Nam, nhưng chưa tới mức có thể coi đó là hành động nguy hiểm buộc phải nổ súng tấn công.

Vậy, Việt Nam liệu có biết hoạt động của UAV Trung Quốc hay không? Với các hệ thống, radar giám sát hàng hải, hàng không trải khắp bờ biển Việt Nam, việc phát hiện một chiếc UAV cỡ lớn như WZ-10 không có gì khó khăn. Thậm chí có thể xác định nó ngay khi vừa cất cánh từ Hải Nam.

Tuy nhiên, việc công bố việc này hay không sẽ phụ thuộc vào tùy từng điều kiện cụ thể. Ví dụ, trong trường hợp này, phải lưu ý rằng, Trung Quốc chưa hề có phát ngôn chính thức nào về việc triển khai UAV dọc bờ biển Việt Nam, cho nên phản ứng của Việt Nam cũng không nhất thiết phải quá gay gắt. Thay vào đó, âm thầm theo dõi, đánh giá, cảnh giác là đủ.

Được biết, WZ-10 là mẫu UAV cỡ lớn, tầm xa, tầm cao do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Thành Đô phát triển trên cơ sở các thành tựu của mẫu UAV Wing Loong-10. Phiên bản WZ-10 ra mắt lần đầu tiên tại triển lãm Chu Hải năm 2022 với vai trò chính là trinh sát điện tử.

Loại này có kích thước rất lớn: dài 9 m, cao 3,66 m, sải cánh 20 m, nặng 3,2 tấn, trang bị hai động cơ turbofan WP-11C, cho tốc độ bay 620 km/h, thời gian bay 20 tiếng, trần bay 15.000 m. Nói chung, phát hiện loại này không khó, hạ nó cũng dễ, cái chính là không thể làm như vậy được.

Theo giới phân tích phương Tây, hành động của UAV Trung Quốc có thể được xem là một lời cảnh báo hoặc một biện pháp đáp trả “nhẹ nhàng” trước thông tin Cảnh sát Biển Việt Nam và Philippines sẽ tiến hành cuộc diễn tập chung vào ngày 9/8. Vào ngày 5/8, tàu cảnh sát biển 8002 của Việt Nam đã cập bến Manila, bắt đầu các hoạt động giao lưu và diễn tập hàng hải.

Tuyên bố trên truyền thông, Chuẩn đô đốc Armando Balilo, phát ngôn viên Cảnh sát Biển Philippines cho hay: “Mặc dù có sự cạnh tranh, Philippines và Việt Nam cũng là những nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Tây Philippines (cụm từ mà Manila gọi vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình tại Biển Đông). Do đó, hai nước có thể hợp tác với nhau, hy vọng điều này sẽ tạo ra một khuôn mẫu có thể được sử dụng ngay cả với Trung Quốc để giảm leo thang căng thẳng”.

Cũng theo vị này, cuộc tập trận lịch sử giữa hai lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam và Philippines không nhằm vào Trung Quốc, nhưng ông cũng khẳng định các cuộc tập huấn như vậy tạo ra hình mẫu tốt cho các đội bảo vệ bờ biển của các nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông có thể tìm kiếm cách thức hợp tác, bất chấp các tuyên bố chủ quyền chồng chéo.

Nói là như vậy, nhưng cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, dù Philippines và Trung Quốc đã đạt được các thỏa thuận hạ nhiệt sau nhiều tuần va chạm trên các bãi cạn ở Biển Đông.

Chia sẻ với tờ BBC, nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill nhận xét: “Mặc dù Hà Nội và Manila có những phương thức khác nhau trong việc đối phó Trung Quốc, nhưng mức độ tin cậy ngày càng tăng giữa hai nước đã giúp thúc đẩy mức độ hợp tác của họ. Cuộc tập trận này là một sự thể hiện chưa từng có về hợp tác và tin cậy giữa hai nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông”.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng khiêu khích Việt Nam bằng cách mở rộng tầm ảnh hưởng của họ vào Vịnh Bắc Bộ và thông qua dự án kênh đào. Vì vậy, Việt Nam cũng nhận ra cần hợp tác với các nước láng giềng để giải quyết thách thức từ Trung Quốc.

Trước đó, vào đầu tháng 5/2024, các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương, Daniel K. Inouye nói rằng: “Sự hợp tác giữa Philippines và Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn nữa. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, Việt Nam và Philippines là hai nước dễ bị tổn thương bởi chính sách ‘chia để trị’ của Trung Quốc”.

Ông Chester Cabalza, Chủ tịch Tổ chức Hợp tác Phát triển và An ninh Quốc tế, chia sẻ với tờ Straits Times rằng: “Cuộc tập trận có thể xóa bỏ niềm tin rằng có sự mất đoàn kết giữa các nước láng giềng trong khu vực, trong bối cảnh tồn tại các yêu sách lãnh thổ và hàng hải chồng chéo ở Biển Đông”.

Ông Don McLain Gill cho rằng: “Sự kiện này có thể khuyến khích các nước khác có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông hành động tương tự, chẳng hạn như Malaysia hoặc Indonesia. Hà Nội và Jakarta đã dứt điểm thành công tranh chấp biên giới biển vào năm 2022 sau nhiều năm đàm phán. Do đó, nếu Philippines và Việt Nam có thể duy trì và tăng cường đà này, đồng thời lưu ý đến các vấn đề quốc gia nhạy cảm, một thỏa thuận như vậy giữa các nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông có thể trở thành hiện thực trong dài hạn”, ông Gill cho biết.

Nhìn chung, hoạt động của UAV Trung Quốc gần bờ biển Việt Nam với việc bật bộ phát đáp đang phát đi thông điệp nào đó có thể là một lời nhắc nhở, chứ chưa tới mức đe dọa. Các diễn biến này cần được tiếp tục theo dõi bởi cơ quan hữu quan, lực lượng phòng không. Dư luận cần hết sức bình tĩnh, hiểu rõ về phạm vi quyền hạn trên không của mình, chứ không thể cứ thấy UAV bay gần bờ biển là bom cho một phát ngay và luôn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới