Mỗi ngày có 4-5 triệu đơn hàng Trung Quốc vào Việt Nam thông qua sàn thương mại điện tử, tương ứng giá trị 1,3-1,9 tỉ USD/tháng, xu hướng tăng. Doanh nghiệp nước này không chỉ có hệ sinh thái logistics bài bản, mà còn được chính sách nâng đỡ.
Phóng viên báo Tuổi Trẻ đã thực hiện hành trình 10.000km, bắt đầu từ TP.HCM đến nhiều địa phương của Trung Quốc (Hàng Châu, Quảng Châu, Đông Quản, Nam Ninh…), khu vực biên giới Bằng Tường (giáp Lạng Sơn), Hà Khẩu (giáp Lào Cai), để tìm hiểu vì sao hàng Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, dồn dập vào Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Sau khi khách hàng Việt đặt đơn trên các sàn thương mại điện tử, hàng hóa từ nhiều địa phương của Trung Quốc được tập kết vào kho chung của đơn vị vận chuyển. Trong ảnh là kho ở Đông Quản, cách biên giới tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) hơn 800km. Các kiện hàng được đi qua máy để đo cân nặng, kích thước, tính toán đúng chi phí vận chuyển.
Hàng chuyển về Việt Nam nằm trong top đầu các nước Đông Nam Á ở kho này, đôi khi chỉ sau Philippines. Từ giữa năm đến cận Tết Nguyên đán, hàng hóa tấp nập hơn, Các kiện hàng đang được chất lên container, sắp xếp tối ưu, đầy xe nhằm hạ cước phí vận chuyển.
Ngay khu vực biên giới Bằng Tường còn xuất hiện khu livestream (phát trực tuyến) thuê người Việt bán hàng, xung quanh là các kho hàng lớn. Để đẩy hàng vào Việt Nam, ngay tại Hà Khẩu (giáp tỉnh Lào Cai) cũng có khu công nghiệp logistics lớn, bao gồm trung tâm livestream hiện đại và hệ thống tổng kho bài bản.
Xe nối đuôi nhau qua cửa khẩu. Theo quy định hiện hành, miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng mua qua sàn thương mại điện tử. Container từ cửa khẩu về tới trung tâm phân loại ở Bắc Ninh được doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư. Tài xế lọt thỏm bên cạnh chiếc xe chứa đầy hàng Trung Quốc được đặt qua sàn thương mại điện tử.
Với nhu cầu giao thương lớn, phía Trung Quốc đầu tư nhiều tổng kho dọc biên giới, đặt ở cửa khẩu, ngay khu thương mại tự do, phát triển hệ thống kho tại Việt Nam, cũng như phát triển dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới.
Chưa kể nhiều sàn thương mại điện tử như TikTok, Lazada, Shopee… cũng có vốn Trung Quốc tạo nên hệ sinh thái toàn diện, bài bản, rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí, tăng độ hấp dẫn và sức cạnh tranh tại thị trường Việt.
Trung bình mỗi ngày có 4-5 triệu đơn hàng Trung Quốc được miễn thuế khi nhập qua biên giới Việt Nam, bán qua các sàn thương mại điện tử. Tương ứng tổng giá trị hàng hóa từ 1,3 – 1,9 tỉ USD/tháng.
T.P