Monday, September 30, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSự trốn tránh chiến lược

Sự trốn tránh chiến lược

Sau gần một năm gây xung đột, tổ chức khủng bố Houthi ở Yemen không có dấu hiệu nới lỏng sự kiểm soát của mình trên Biển Đỏ. Kể từ tháng 11/2023, lực lượng này đã tiến hành nhiều vụ tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái nhằm vào những mục tiêu mà họ cho là các tàu liên quan tới Israel đang đi qua Biển Đỏ, nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine ở Dải Gaza.

Trong phiên điều trần trước ủy ban Thượng viện vào đầu tháng 5, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, Avril Haines dự đoán, mối đe dọa tấn công của Houthi sẽ “vẫn còn hoạt động trong một thời gian.”

Còn Công ty vận tải biển quốc tế Maersk cho rằng, các gián đoạn vận chuyển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Maersk cũng báo cáo: “Khu vực nguy cơ đã mở rộng, và các cuộc tấn công đang lan rộng ra xa bờ biển hơn”. Thực tế, trong một loạt các cuộc tấn công vào tuần đầu tiên tháng 6/2024, tên lửa và máy bay không người lái của Houthi đã tấn công nhiều tàu thương mại.

Houthi còn tổ chức một cuộc tấn công bất ngờ vào tàu sân bay của Mỹ, mặc dù các quan chức Mỹ cho biết cuộc tấn công không thành công.

Trước sự tấn công này, không thể nói Trung Quốc không ảnh hưởng gì đến lợi ích của họ. Thế nhưng các lựa chọn của Bắc Kinh bị hạn chế bởi những ràng buộc kinh tế và ngoại giao. Họ biết rằng bất kỳ phản ứng quân sự nào mà họ thực hiện cũng sẽ không thành công hơn so với những nỗ lực của Mỹ và Anh. Hơn nữa, Trung Quốc cũng cần duy trì sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo Trung Đông trong nỗ lực lấp đầy những khoảng trống mà phương Tây để lại trong khu vực.

Vì lý do đó mà Bắc Kinh sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp tương tự như trước đây. Họ cố gắng “ẩn mình chờ thời” làm những gì có thể để bảo vệ lợi ích của mình, tránh các ràng buộc thêm và chống chọi với những bất ổn trong tương lai.

Trong khi quyền lực của Mỹ đang suy giảm, chính quyền của ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục giành thắng lợi về ngoại giao ở Trung Đông. Tháng 4/2024 , họ đã mời các thành viên của các tổ chức đối lập Palestine là Hamas và Fatah đến Bắc Kinh để thúc đẩy hòa giải và đề xuất một chính phủ thống nhất có thể có cho Gaza và Bờ Tây sau chiến tranh mặc dù hiện tại kế hoạch này có thể còn xa vời.

Theo các cuộc thăm dò do các nhà khoa học có uy tín ở Mỹ thực hiện vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, quan điểm của người dân Ả Rập về Trung Quốc đã được cải thiện kể từ ngày 7 tháng 10, dẫu rằng ít người tin Trung Quốc thật sự cam kết bảo vệ quyền lợi của người Palestine.

Câu hỏi đặt ra, Trung Quốc đang tìm kiếm gì ở Trung Đông? Phải chăng đó là việc mở rộng quan hệ thương mại, đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu năng lượng và lương thực? Những mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với khu vực như một phương tiện giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng chính trị ở Trung Đông. Trong hai thập niên qua, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Trung Đông tăng gấp 10 lần. Mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất của Trung Quốc là dầu mỏ đã được nước này nhập hơn 1/3 tổng lượng dầu thô từ các nước thành viên của tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, trong số đó, nhiều nhất là từ Ả-rập Xê-út.

Trung Quốc còn luôn coi Trung Đông là khu vực trọng điểm để thúc đẩy chiến lược “Vành đai và con đường” (BRI). Kể từ khi triển khai BRI, Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 123 tỷ USD vào Trung Đông. Họ cũng nhân dịp này khẳng định ảnh hưởng ngày càng tăng của mình như một cường quốc, trong khi tránh xa các cuộc xung đột quân sự.

Bắc Kinh thừa khôn ngoan để nhận thấy, việc phản đối bằng lời nói đối với sự thống trị của phương Tây trong khu vực là một cách ít tốn kém để thu hút sự ủng hộ rộng rãi hơn, nhất là đối với các nước thuộc Nam bán cầu. Không dại gì gây thêm bất ổn mà là bảo vệ lợi ích của Trung Quốc và thích ứng với môi trường địa chính trị đầy thách thức. Để đạt được điều đó, họ có thể sử dụng những phương pháp cơ hội và thực dụng, nhưng những phương pháp này dựa trên việc quản lý khủng hoảng chứ không phải tạo ra chúng.

Mỹ đã đánh hơi thấy sự im lặng khôn ngoan tự coi mình là một “cường quốc ôn hòa” của Trung Quốc. Điều này càng chứng tỏ Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh ngoại giao đáng gờm ở Trung Đông. Còn Bắc Kinh thì sẽ kiên định việc phản đối quyền bá chủ của Mỹ. “Phản đối” có giới hạn là cách để các nhà hoạch định chính sách Mỹ chùn bước trong việc nhận ra rằng, lợi ích thật sự của Trung Quốc nằm ở việc tránh xa xung đột và thu về lợi ích có thể đạt được. Trung Quốc không dại gì đánh đổi nhiều thứ để đạt được hòa bình, nhưng họ tùy vào thời thế mà thay đổi, không cản trở quá trình hòa bình – một xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay.

Chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với các diễn biến mới ở Trung Đông đã khiến cho họ có thêm bạn và bớt thù. Cùng lúc họ có thể “chơi” được với cả Mỹ, Israel và Palestin, Iran, Liban…

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới