Năm ngoái, truyền thông phương Tây rùm beng việc Triều Tiên cung cấp một lượng lớn vũ khí, đạn dược cho quân đội Nga, trong số này có Bulsae-4.
Mới đây, truyền thông phương Tây tiếp tục đưa tin rằng xe phóng tên lửa chống tăng Bulsae-4 do Triều Tiên sản xuất đã được Nga triển khai trên chiến trường, thậm chí máy bay không người lái của họ còn chụp được ảnh loại chiến xa này.
Pháo tự hành Ukraine bất ngờ trúng tên lửa lạ
Cụ thể, mới đây trên mặt trận Volchansk hướng về Kharkov, một khẩu pháo tự hành AS-90 155mm của quân đội Ukraine do Anh trang bị vừa tiến vào vị trí, chuẩn bị nổ súng vào trận địa quân Nga thì bất ngờ bị một quả tên lửa có điều khiển bay tới và bắn trúng.
Vụ nổ lớn đã phá tan cỗ pháo tự hành thành từng mảnh. Thời điểm đó, xung quanh không có máy bay không người lái của Nga, cũng không có trực thăng vũ trang hay pháo binh tầm xa nào hoạt động. Sau khi quân đội Ukraine phân tích những phần mảnh vỡ còn lại của quả đạn, họ đưa ra kết luận gây sốc rằng đó là tên lửa chống tăng tầm xa “Spike Kim” do Triều Tiên sản xuất.
Sau đó trên mặt trận Kharkov, máy bay không người lái của quân đội Ukraine chụp được ảnh một chiếc xe bọc thép mới chưa từng thấy trước đây, được cho là xe phóng tên lửa chống tăng Bulsae-4 của Triều Tiên. Bức ảnh được nhóm telegram Ukraine công bố ngày 30/7 là bằng chứng rõ ràng nhất. Đánh giá từ hình dáng bên ngoài của khung gầm xe bọc thép, rõ ràng nó khác biệt với mọi loại xe bánh lốp có trong quân đội Nga
Tên lửa chống tăng “Spike Kim” của Triều Tiên thực chất là cái tên mang tính chế giễu mà phương Tây đặt cho tên lửa chống tăng hạng nặng tầm xa mới Bulsae-4 của Triều Tiên, bởi hình dáng bên ngoài của tên lửa này giống với tên lửa chống tăng “Spike” của Israel. Đồng thời, tên lửa còn được trang bị đầu dò quang điện tử và sử dụng dẫn đường bằng phương pháp liên kết dữ liệu, có tầm bắn xa.
Theo thông tin của phía Hàn Quốc, tên lửa Bulsae-4 có tầm bắn hiệu quả khoảng 20 km và có khả năng tấn công chiều sâu mạnh. Đây là tên lửa chống tăng nên đầu đạn có sức công phá mạnh, dễ dàng tiêu diệt cỗ pháo tự hành chỉ bằng một quả đạn.
Vì Bulsae-4 là tên lửa chống tăng hạng nặng mà một người lính khó có thể mang theo và do tầm bắn xa vượt quá tầm nhìn của một người lính nên Triều Tiên sử dụng cách gắn tên lửa trên xe.
Triều Tiên từng phô diễn xe phóng mang 8 tên lửa chống tăng trong các cuộc duyệt binh. Xe phóng tên lửa chống tăng này sử dụng xe bọc thép chở quân bánh lốp 6×6 “Junma-D” do Triều Tiên tự sản xuất làm khung gầm, đồng thời bổ sung thêm một khoang phóng tên lửa vào thân xe để mỗi xe có thể mang theo 8 quả tên lửa chống tăng có khả năng tấn công ngoài tầm nhìn mạnh mẽ.
“Sát thủ” diệt tăng và thiết giáp
Tên lửa chống tăng hạng nặng tầm xa Bulsae-4 có ý nghĩa chiến thuật quan trọng đối với quân đội Nga.
Điều này là do trước đây, mặc dù các máy bay trực thăng vũ trang của quân đội Nga hoạt động ở mặt trận nhưng để đảm bảo an toàn, chúng thường phải ẩn nấp sau chiến tuyến và vũ khí chúng mang theo chỉ có thể bao phủ chiều sâu vị trí của quân đội Ukraine trong phạm vi 3 – 5 km. Do đó, radar chống pháo của quân đội Ukraine và pháo tự hành của phương Tây viện trợ Ukraine được ẩn phía sau chiến tuyến khoảng 10 km để có thể bao trùm các vị trí của Nga ở tiền tuyến và cũng tự bảo vệ mình khỏi bị quân đội Nga phát hiện. Hơn nữa, với sự phối hợp của radar ngắm pháo và pháo tự hành, quân đội Nga khó có thể bắt kịp pháo binh Ukraine khi nó bắn rồi di chuyển.
Nhưng với Bulsae-4, môi trường chiến thuật trên tiền tuyến đã thay đổi: vì Bulsae-4 là tên lửa chống tăng dẫn đường nên hiệu quả tấn công của nó tốt hơn đáng kể so với pháo 122mm của quân đội Nga, và nó được chở bằng xe bọc thép bánh hơi 6 × 6 rất linh hoạt.
Quan trọng nhất, tên lửa Bulsae-4 có tầm bắn tối đa 20 km. Điều này có nghĩa là các vị trí ở tiền duyên của quân đội Ukraine, từ các điểm hỏa lực đến các loại xe tăng và xe bọc thép, cả các vị trí radar ngắm pháo và pháo tự hành ở phía sau 10 km đều nằm trong phạm vi tấn công của Bulsae-4.
Tên lửa có tầm bắn tối đa là 20 km nên ngay cả khi nó ẩn nấp 10 km phía sau trận địa quân Nga, nó vẫn có thể tấn công hiệu quả bất kỳ mục tiêu nào trong phạm vi 10 km phía sau vị trí của quân đội Ukraine.
Tính linh hoạt trong chiến thuật của nó cao hơn đáng kể so với pháo thông thường và khả năng tấn công sâu của nó thậm chí còn tốt hơn cả trực thăng vũ trang Ka-52.
Với sự xuất hiện của xe phóng tên lửa chống tăng Triều Tiên, chiến thuật của quân đội Ukraine rõ ràng đã trở nên vô hiệu – bởi dù quân đội Ukraine có chuẩn bị đến đâu, nếu tấn công vào quân Nga, họ sẽ không thể ngồi trên xe chiến đấu bộ binh nhanh chóng xuyên thủng 10 km trận địa đối phương.
Quân đội Nga có thể bố trí xe phóng tên lửa chống tăng Bulsae-4 ẩn nấp phía sau chiến tuyến và yểm trợ bộ binh Nga trên chiến tuyến bằng hỏa lực dày đặc. Phía Ukraine không có bất cứ loại vũ khí tầm xa nào có thể tiêu diệt loại xe phóng tên lửa “xuất quỷ nhập thần” này.
Tính năng của Bulsae-4 ra sao?
Nếu Triều Tiên thực sự đã trao cho Nga tên lửa chống tăng Bulsae-4 cùng với hệ thống xe phóng mang tên lửa thì đây có lẽ là tên lửa chống tăng có tính năng tốt nhất mà Nga có được cho đến nay. Chỉ hệ thống dẫn đường và phạm vi tấn công của nó cũng đã vượt xa mọi loại tên lửa chống tăng Nga hiện có.
Bulsae-4 lần đầu tiên xuất hiện có lẽ là tại lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10/10/2020. Vào thời điểm đó, Quân đội Nhân dân Triều Tiên đã trưng bày đồng thời hai loại bệ phóng tên lửa chống tăng tự hành với khung gầm khác nhau. Một là Bulsae-4 sử dụng khung gầm “Junma-D”, và loại thứ hai Bulsae-5 sử dụng loại khung gầm tương tự M1128 Stryker’s của Mỹ.
Thời điểm đó, thế giới bên ngoài từng đánh giá rằng Bulsae-4 có thể là một loại hệ thống phòng không tầm ngắn nào đó, nhưng một số chuyên gia vũ khí có xu hướng cho rằng đó là bệ phóng tên lửa chống tăng dựa trên hộp phóng hình hộp của nó.
Vào tháng 7/2023, một video tuyên truyền của Quân đội Nhân dân Triều Tiên khi điểm lại thành tích xây dựng quốc phòng trong những năm gần đây, tên lửa Bulsae-4 được phóng thử đã xuất hiện trong video. Khi đó, mọi người mới phát hiện ra rằng đây là một hệ thống tên lửa chống tăng – loại vũ khí sử dụng phương pháp dẫn đường bằng hình ảnh tiên tiến liên kết dữ liệu hai chiều. Hơn nữa, căn cứ vào hai trụ ăng-ten, dường như hệ thống có thể điều khiển hai quả tên lửa một lúc.
T.P