Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới tăng khoảng 17%, trong khi giá vàng miếng SJC chỉ tăng 7%. Với việc mua bán vàng bị siết chặt như hiện nay, kênh đầu tư vàng đang trở nên kém hấp dẫn.
Vàng là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong nửa đầu năm 2024
“Trong nửa đầu năm nay, vàng là kênh có hiệu suất lợi nhuận cao vượt trội so với hầu hết các loại tài sản khác”, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới đánh giá.
Theo chuyên gia này, nhu cầu vàng miếng và đồng tiền vàng tại Việt Nam tăng tới 30% trong quý II/2024 cho thấy, các nhà đầu tư Việt vẫn xem vàng là kênh trú ẩn an toàn nhằm đối phó với sự gia tăng của lạm phát, đồng nội tệ sụt giảm trong bối cảnh thị trường chứng khoán, bất động sản tiếp tục khó khăn.
Theo đánh giá của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục tăng mạnh thời gian tới, được hỗ trợ bởi lực cầu mạnh mẽ của khối ngân hàng trung ương và cầu thị trường bán lẻ tại châu Á. Trong quý II/2024, cầu vàng nội địa tại Trung Quốc tăng tới 62%, Ấn Độ tăng 46%.
Khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới mới đây cho thấy, có tới 29 ngân hàng trung ương cho biết vẫn có nhu cầu tiếp tục mua thêm vàng. Năm ngoái, khối ngân hàng trung ương đã mua vào trên 1.000 tấn vàng, nửa đầu năm nay mua vào hơn 500 tấn. Tuy vậy, ông Shaokai Fan cho rằng, trong trường hợp nội tệ các quốc gia mất giá mạnh, có thể các ngân hàng trung ương không mua vàng nữa, mà chuyển sang tập trung bảo vệ sự ổn định đồng nội tệ. Theo đó, cầu mua vàng sẽ giảm, từ đó tác động tiêu cực tới giá vàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá vàng hạ nhiệt thời gian tới.
“Dự báo của tôi là vàng có thể lên mức 2.500 USD/ounce trong năm nay và có thể lên tới 3.000 USD/ounce năm tới. Hiện tại, không thấy có yếu tố nào có thể tác động làm giảm giá vàng”, chuyên gia này nhận định.
Nguyên nhân khiến giá vàng tăng, ngoài sức nóng của chính trường Mỹ (bầu cử Tổng thống Mỹ), còn do căng thẳng địa chính trị tại Ukraine, Trung Đông, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất…
Tại Việt Nam, vàng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn?
Bất chấp triển vọng lạc quan của giá vàng thế giới, kênh đầu tư vàng tại Việt Nam ngày càng giảm sức nóng, chủ yếu do các chính sách quản lý thị trường vàng gần đây của Ngân hàng Nhà nước.
Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho nhóm ngân hàng Big 4 và Công ty SJC để các doanh nghiệp này bán lại cho người dân đã khiến thị trường vàng trong nước hơn hai tháng qua gần như bị đóng băng bởi nguồn cung hạn chế, người dân rất khó mua vàng, kể cả vàng nhẫn. Không những thế, mới đây, TP.HCM còn thành lập tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng, siết chặt thêm quản lý hoạt động mua – bán vàng.
Các giải pháp quản lý vàng gần đây của ngân hàng Nhà nước Việt Nam là nhằm bình ổn thị trường vàng nội địa, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Mỗi ngân hàng trung ương đều có lý do riêng của mình trong giải pháp quản lý với thị trường vàng. Theo tôi được biết, các cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng đang cân nhắc việc nhập khẩu vàng. Hy vọng, Việt Nam sẽ tạo ra được sự minh bạch và đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường vàng.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới
Chính vì vậy, dù chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới đã kéo giảm đáng kể, song kênh đầu tư vàng ngày càng bị loại khỏi danh mục của nhiều nhà đầu tư cá nhân và các quỹ đầu tư.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành, kiêm đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam, CEO AFA Capital cho biết, thời điểm hiện tại, dựa trên tính toán những tác động từ việc can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, AFA Capital đã giảm tỷ trọng của tất cả các nhà đầu tư vào vàng.
Theo các chuyên gia, vàng không phải là sản phẩm thiết yếu, cũng không phải là hàng hóa hạn chế trao đổi, nên việc quản lý quá chặt chẽ như hiện nay là không cần thiết. Đầu tư vàng cũng là quyền lợi hợp pháp của người dân.
“Vàng không phải là sản phẩm thiết yếu hay phục vụ đời sống hằng ngày. Đơn giản, đó chỉ là sản phẩm mà người dân xem như tài sản để tích lũy, là của để dành. Không có quy định nào cấm người dân được mua vàng số lượng lớn, miễn là thực hiện đúng quy định về phòng chống rửa tiền. Việc đưa ra quá nhiều quy định thắt chặt hoạt động mua bán vàng là không hợp lý”, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận xét.
Tại cuộc họp đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường vàng, ngoại tệ một cách căn cơ, bài bản hơn.
T.P