Philippines và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng chưa từng có khi mới đây, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã áp sát tàu Philippines. Sau đó, người Trung Quốc đã nhảy lên tàu Philippines, phá hủy nhiều thiết bị, lấy đi nhiều thiết bị khác, bao gồm cả điện thoại của ngư dân. Sau đó, họ còn đâm thủng tàu Philippines, làm một người bị thương. Việc này đã khiến Philippines tức giận và gọi hành động của Trung Quốc là “ăn cướp”, theo báo Thanh Niên. Vậy, người Philippines nghĩ gì về tình hình căng thẳng với Trung Quốc?
Chưa cần xảy ra sự kiện trên, trước đó, một khảo sát được thực hiện đã cho thấy người dân Philippines sẵn sàng dùng hành động quân sự với Trung Quốc. Cụ thể, theo số liệu của OCTA Research, một công ty khảo sát và nghiên cứu ở Philippines, cuộc khảo sát được thực hiện trên 1.200 người Philippines vào tháng 3 và được công bố ngày 7/6 cho biết, 73% người Philippines được hỏi ủng hộ việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông bằng các hành động quân sự, bao gồm cả mở rộng quy mô tuần tra và tăng cường hiện diện của quân đội trên biển. Bên cạnh đó, 68% người được hỏi cho rằng Philippines cần hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Ba tháng trước, Tổng thống Marcos của Philippines đã ra lệnh cho chính phủ Philippines tăng cường khả năng phối hợp an ninh hàng hải để đối mặt với cái ông gọi là một loạt các thách thức nghiêm trọng đối với tính toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình. Ba tháng sau, Tổng thống Philippines lại nói rằng: “Sự đe dọa từ các thế lực ngoại bang đang ngày càng trở nên rõ ràng và đáng lo ngại. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải chuẩn bị”. Thế nhưng, Philippines làm thế nào để chống lại Trung Quốc ở Biển Đông? Rõ ràng, mình Philippines thì quá nhỏ bé với Trung Quốc, nên Philippines đã vận dụng một kế hoạch là liên kết với một cường quốc khác cũng có lợi ích ở Biển Đông và cũng là đối thủ của Trung Quốc, đó là Mỹ.
Động thái được cho là rõ rệt nhất thể hiện sự cứng rắn của Philippines trước Trung Quốc là việc tăng cường quan hệ với Mỹ, đặc biệt là hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Philippines cách đây 2 tháng. Khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung có từ năm 1950 giữa Mỹ và Philippines là yêu cầu Mỹ phải đáp trả khi có một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Philippines trên Biển Đông. Như vậy, mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ cũng không chỉ đơn giản là lời nói, mà đó là sự cam kết bằng văn bản rằng Philippines mà bị tấn công, Mỹ sẽ phải đứng ra đáp trả. Điều này không kém gì hiệp ước của NATO.
Điều đó đã khiến Trung Quốc không hài lòng. Vào ngày 9/6, Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông của Trung Quốc nói rằng, Mỹ đang gây ra những thách thức an ninh ở Biển Đông, cáo buộc các hoạt động triển khai quân sự của Mỹ tại đây là tạo ra vòng xoáy chạy đua vũ trang trong khu vực. Theo Trung Quốc, việc Mỹ triển khai tên lửa tập trung trong khu vực, đặt toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương dưới bóng đen của các cuộc xung đột chính trị. Trung Quốc cũng đã cảnh báo Philippines là nên tỉnh táo, đừng để các quốc gia ngoài khu vực phô trương lực lượng ở Biển Đông và kích động đối đầu chỉ làm căng thẳng và bất ổn khu vực. Trước đó, báo Tân Hoa Xã đã dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Mao Ninh rằng, Mỹ đang sử dụng Philippines như là một quân tốt thí ở khu vực Biển Đông.
Thế còn dưới góc nhìn từ Mỹ thì sao? Một bài viết trên trang của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ nhận định rằng, Mỹ đang gặp những khó khăn trong việc duy trì sức mạnh quân sự vượt trội với Trung Quốc tại Biển Đông. Việc dẫn ra những thành tựu hạn chế của chính quyền Tổng thống Biden, bài viết nói rõ rằng dù đạt được những thành tựu nhất định nhưng tiến trình xây dựng liên minh của ông Biden ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vẫn đang còn chậm. Mỹ thiếu sự tiếp cận quân sự ở các khu vực quan trọng của châu Á, thiếu mạng lưới an ninh mạnh mẽ và không đủ đồng minh và đối tác vũ trang để duy trì vị thế bá quyền.
Mặc dù, đã làm được nhiều việc không tưởng như đặt tên lửa tầm xa đủ để vươn tới bất kỳ đâu ở Trung Quốc từ Philippines, có nhiều căn cứ quân sự ở châu Á, nhưng Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ vẫn cho rằng như vậy vẫn chưa đạt yêu cầu, Mỹ còn muốn xa hơn nữa. Thế nhưng, cái gì cũng có được và mất. Nếu Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự lớn hơn ở Biển Đông, chi phí sẽ tốn kém. Nhưng cái đó là một yếu tố rất nhỏ không đáng để Mỹ phải suy nghĩ, cái quan trọng nhất là mối quan hệ với Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng hơn.
Mới đây, Đại sứ của Mỹ tại Trung Quốc đã nói rằng, Mỹ và Trung Quốc đang phải đàm phán thường xuyên hơn để tránh xung đột ở Biển Đông, bất chấp mối quan hệ đầy tranh cãi và cạnh tranh giữa hai nước. Biển Đông đã trở thành một điểm nóng nguy hiểm, nơi mà các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng với Đài Loan và Philippines, cũng như đồng minh mạnh nhất của họ là Mỹ.
Mỹ là quốc gia đã liên kết các liên minh quân sự từ Manila đến Tokyo và nhiều lần tuyên bố sẽ bảo vệ quyền lợi ích của các đồng minh ở Biển Đông. Điều này khiến mối quan hệ với Trung Quốc càng ngày càng trở nên căng thẳng, mối quan hệ vốn đã quay cuồng vì cuộc chiến tranh Ukraina của Nga, các tuyên bố của Trung Quốc về Đài Loan và trong cuộc chiến tranh thương mại. Để tránh điều không may xảy ra, Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý là sẽ tăng cường liên lạc quân đội giữa hai nước. Điều này thực sự rất quan trọng, vì chỉ cần một sự cố hiểu lầm thôi có thể khiến phát súng đầu tiên được bắn ra và mở ra một cuộc xung đột nghiêm trọng toàn cầu.
Hiện nay, Mỹ đang lo thêm một vấn đề nữa mà cũng khiến Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng hơn, đó là cuộc bầu cử sắp đến và Trung Quốc có thể can thiệp vào cuộc bầu cử này. Đại sứ Mỹ nói rằng: “Chúng tôi đã cảnh báo Trung Quốc là không được can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi dưới bất kỳ hình thức, cách thức nào”. Thế nhưng làm sao Trung Quốc có thể can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ được? Câu trả lời chính là TikTok và thông tin sai sự thật.
Việc kiểm soát mạng xã hội lớn top đầu hành tinh có thể khiến TikTok lựa chọn đẩy các nội dung mà họ muốn đến người xem, điều đó cũng có thể xảy ra với các thông tin liên quan đến bầu cử Mỹ, chọn người này hay chọn người kia. Mỹ đang rất lo ngại về khả năng này. Nhìn vào Việt Nam bạn có thể thấy, mọi chuyện lớn nhỏ trong nước xảy ra cái gì trên TikTok cũng nói, mà nói không nhất thiết phải có bằng chứng, đưa ra đủ các loại dự đoán, rồi cái nào xảy ra thật thì lại bảo rằng đã biết trước thông tin, khiến nhiều người tin là thật. Thế nên, Mỹ đang tìm cách ngăn chặn hoặc là kiểm soát ứng dụng TikTok này.
Đầu năm nay, các quan chức FBI của Mỹ cho biết là Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nỗ lực gây chia rẽ và giúp truyền bá thông tin sai lệch trên mạng. Đại sứ Mỹ cho biết, FBI đã có bằng chứng về hành vi xâm lược mạng của chính quyền Trung Quốc đối với Mỹ. Bắc Kinh luôn phủ nhận việc cáo buộc chiến tranh mạng do nhà nước bảo trợ và nói rằng họ cũng là nạn nhân của loại tội phạm này. Cả Tổng thống Joe Biden lẫn ứng viên đối thủ Donald Trump đều đua nhau tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, một chiến lược giành phiếu bầu mà họ chú trọng. Tháng 5, Tổng thống Biden đã công bố một loạt mức thuế đối với ô tô điện, tấm pin mặt trời và các hàng hóa khác do Trung Quốc sản xuất. Rất ít ô tô điện của Trung Quốc đến được bờ biển của Mỹ.
Ngoài ra, khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ cũng ngày càng xa khi mà số lượng sinh viên Mỹ học tập tại Trung Quốc đã giảm từ 15.000 năm 2011 xuống chỉ còn 800. Ông Tập hy vọng sẽ mở ra cho 50.000 sinh viên Mỹ đến Trung Quốc trong vòng 5 năm tới. Ông Tập nói trong chuyến thăm Mỹ trước đây rằng: “mong muốn tột độ của hai dân tộc chúng ta về trao đổi và hợp tác”, nhưng kết quả không khả quan.
Tiếp nữa, một số người Mỹ đã bị Trung Quốc cấm xuất cảnh, bị tịch thu hộ chiếu tại sân bay và không thể rời đi. Ngược lại, Trung Quốc đã loại Mỹ khỏi danh sách các quốc gia được miễn thị thực cho thời gian lưu trú lên đến 15 ngày. Điều này lại cho thấy thêm một dấu hiệu của sự thiếu lòng tin từ cả hai phía. Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc là đang ủng hộ Nga trong cuộc chiến tranh tại Ukraina. Cụ thể, đại sứ Mỹ cho rằng có hàng chục ngàn công ty của Trung Quốc đang hỗ trợ Nga. Trước đó, tổ chức kinh tế G7 cũng đã tuyên bố rằng, sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga đã tạo điều kiện cho cuộc chiến ở Ukraina. Họ cũng đe dọa sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty của Trung Quốc mà họ cho rằng đang giúp Nga lách lệnh cấm vận của phương Tây.
Trên đây là thông tin về việc Philippines phản ứng với Trung Quốc và mối quan hệ rất căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Từ vấn đề Philippines, đến cuộc chiến tại Ukraina, đến cuộc bầu cử Mỹ và thậm chí là cuộc chiến tranh thương mại. Vậy các bạn có ủng hộ bên nào không?
T.P