Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHàn Quốc chìa tay ra trước

Hàn Quốc chìa tay ra trước

Trong lúc căng thẳng Hàn Quốc-Triều Tiên đang ở đỉnh điểm thì bất ngờ Hàn Quốc đã đưa bàn tay thân ái bắt tay ông bạn Bắc Triều. Đó là một tín hiệu tốt, đối với người dân trên bán đảo và cũng là niềm vui chung của các nước trong khu vực.

Cố nhiên sự kiện này lập tức tác động tới các “Ông lớn” Mỹ, Nga, Trung Quốc. Bởi sau lưng Bắc Triều hay Nam Triều đều có các “thần hộ mệnh”, ngôn ngữ chính thống gọi là đối tác, đồng minh. Trong khi Nga tỏ ra vồ vập và thân thiện với Triều Tiên thì Trung Quốc giữ một khoảng cách an toàn giữa thân thiện và ghẻ lạnh. Còn Mỹ thì tỏ rõ thái độ ủng hộ Hàn Quốc tuyệt đối.

Tin mới từ bán đảo Triều Tiên lan nhanh và lan xa giữa những cơn địa chấn chính trị, quân sự trên thế giới. Trung Đông nóng bỏng trước nguy cơ chiến tranh toàn diện. Cuộc chiến kéo dài Nga-Ukraine vẫn sa vào bế tắc, chưa có giải pháp cho sự kết thúc.

Vậy thì cái tin sốt dẻo hôm 15/8 thật đáng hoan nghênh và tiếp tục theo dõi. Cần theo dõi kỹ từng chuyển động bởi vì mới chỉ có bên chìa tay ra, còn bên kia có đón bắt hay không lại là chuyện khác. Bên kia là cái bên vẫn liên tục phóng tên lửa hạt nhân và thả bóng bay chứa rác bẩn sang nhà hàng xóm.

Tin 15/8: Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đề xuất thành lập một cơ quan tham vấn ở cấp độ thực hiện với Triều Tiên để thảo luận các “cách thức giảm căng thẳng và nối lại hợp tác kinh tế”. Tin này được Hãng Reuters phát đi.

Dịp này Hàn Quốc đang kỷ niệm 79 năm Ngày Giải phóng Dân tộc, Ngày độc lập khỏi ách đô hộ của Nhật Bản giai đoạn 1910-1945. Ông Yoon nói rằng đây là thời điểm có ý nghĩa quan trọng. Seoul sẵn sàng bắt đầu hợp tác chính trị và kinh tế nếu Bình Nhưỡng “chỉ tiến một bước” hướng đến phi hạt nhân hóa.

“Chúng tôi sẽ bắt đầu hợp tác chính trị và kinh tế vào thời điểm Triều Tiên tiến một bước hướng tới phi hạt nhân hóa”, ông Yoon nói trong bài phát biểu tại sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng Dân tộc ở thủ đô Seoul.

Ông nhấn mạnh: Đối thoại và hợp tác có thể mang lại tiến triển thực chất trong các mối quan hệ liên Triều. Bài phát biểu của ông cũng dấy lên ý tưởng về kế hoạch tổ chức hội nghị về nhân quyền của Triều Tiên và lập quỹ thúc đẩy nhận thức toàn cầu về vấn đề này, hỗ trợ các nhóm hoạt động, và mở rộng khả năng tiếp cận thông tin bên ngoài cho người dân Triều Tiên.

Về trách nhiệm của mình ông Yoon kêu gọi quyền tự do ở miền Nam nên được mở rộng tới “vương quốc khép kín ở miền Bắc”. Nếu có thêm nhiều người Triều Tiên nhận thức được rằng “thống nhất thông qua tự do” là cách duy nhất để cải thiện sinh kế của họ, và tin rằng một nhà nước Đại Hàn Dân Quốc thống nhất sẽ đón nhận họ, thì họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, sẽ là “lực lượng phe ta” cho sự thống nhất dựa trên tự do.

Trước khi có bài phát biểu thiện chí này, Tổng thống Hàn Quốc đã có lời đề nghị cứu trợ thiên tai cho nước láng giềng phía Bắc, nhưng đã bị từ chối.

Đủ thấy con đường hòa bình, thống nhất có quá nhiều chông gai. Một đất nước Triều Tiên khong bị cắt chia dường như là cảnh tượng quá xa vời. Lý do rõ nhất là mối quan hệ giữa hai nước láng giềng cùng dân tộc này đã ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua. Làm sao lại thống nhất được khi Triều Tiên tăng tốc cải thiện năng lực hạt nhân, tên lửa và cắt đứt các mối quan hệ với Seuol. Bình Nhưỡng tái định nghĩa, Hàn Quốc là quốc gia riêng rẽ, là quốc gia thù địch.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gọi Hàn Quốc là “kẻ thù chính yếu”. Ông Kim và tuyên bố: Thống nhất liên Triều không còn khả thi nữa (!). Hồi đầu năm nay khi Kim Jong-un thị sát các nhà máy sản xuất vũ khí lớn của Triều Tiên, ông bày tỏ sự hài lòng và yêu cầu quân đội “tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu”. Ông Kim nói: “Mối quan hệ ngày càng xấu đi với Hàn Quốc là “thực tế không thể tránh khỏi”. Việc tìm kiếm hòa giải và thống nhất với Hàn Quốc là điều vô ích.

Trong khi Triều Tiên chạy đua vũ trang, mê mải với vũ khí hạt nhân thì kinh tế tụt hậu rất xa. Đời sống kinh tế của người Triều Tiên gặp muôn vàn khó khăn, còn Hàn Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, với GDP trên đầu người tương đương những nước châu Âu như Pháp và Italy. Quyền lực mềm cũng mở rộng thông qua xuất khẩu các sản phẩm văn hoá như âm nhạc, đồ ăn và các sản phẩm làm đẹp ra khắp thế giới.

Khi một nước từng “cùng mẹ sinh ra” phát triển và có thiện chí thống nhất, hội nhập, thì Triều Tiên cần chớp thời cơ, có những quyết định kịp thời và sáng suốt.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới