Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Đông trước ngã rẽ khó lường

Trung Đông trước ngã rẽ khó lường

Hôm qua, cuộc đàm phán quan trọng về xung đột Gaza bắt đầu diễn ra tại Qatar với kết quả thành bại có thể quyết định đến khả năng Iran tấn công trả đũa Israel.

Các quan chức cấp cao của Mỹ, Qatar, Ai Cập và Israel trong ngày 15.8 nhóm họp tại Doha (Qatar) dưới áp lực căng thẳng trong việc phải đạt bước đột phá cho thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza và thả con tin. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc điện đàm với Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim al-Thani ngầm cảnh báo tất cả các bên “không nên có hành động gây tổn hại nỗ lực đạt một thỏa thuận”.
Cơ hội cuối

Tổng thống Mỹ Joe Biden coi thỏa thuận tại Dải Gaza là chìa khóa cho việc xuống thang cho cả Trung Đông và giúp tránh một cuộc chiến khu vực. Nguy cơ xung đột quy mô lớn dâng cao từ sau các vụ ám sát chỉ huy Hezbollah tại Li Băng và thủ lĩnh chính trị Hamas tại Iran. Israel bị tố cáo đứng sau các vụ ám sát này và Iran tuyên bố sẽ tấn công đáp trả; nhưng sau nỗ lực ngoại giao của phương Tây và các bên trong khu vực, đòn trả đũa đến nay vẫn chưa xảy ra. Tổng thống Biden đã nói rằng Iran có thể dừng kế hoạch tấn công Israel nếu một thỏa thuận cho Gaza được ký kết trong vài ngày tới. Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns và cố vấn hàng đầu về Trung Đông Brett McGurk của Tổng thống Biden được cử đến Qatar để đàm phán.

Ông Biden nói kỳ vọng Iran không đánh trả Israel “ngày càng khó khăn hơn”

Về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã cử phái đoàn cấp cao đến hội nghị, sự kiện được xem là cơ hội cuối cho một thỏa thuận. Phái đoàn gồm hai lãnh đạo tình báo, một tướng quân đội và một cố vấn cấp cao. Truyền thông Israel đưa tin nhà lãnh đạo đã ủy quyền cho các quan chức đàm phán nội dung cốt lõi của thỏa thuận, nhưng không rõ liệu phái đoàn có đủ thẩm quyền để chốt thỏa thuận hay không. Theo tờ The Times of Israel, Tel Aviv vẫn giữ nguyên đề xuất 3 giai đoạn, trong đó sẽ tạm ngừng các chiến dịch trên bộ và rút quân trong 6 tuần đầu tiên để Hamas thả 33 con tin, đổi lấy 990 tù nhân Palestine. Tuy nhiên, nút thắt khó gỡ tiềm tàng là việc Israel ra điều kiện toàn bộ 33 con tin phải còn sống, trong khi thỏa thuận ban đầu nêu rằng có thể gồm “người sống và thi thể”.

Các cơ quan an ninh và tình báo của Israel đã cảnh báo Thủ tướng Netanyahu rằng thời gian đang cạn dần để đạt thỏa thuận và nếu tiếp tục khăng khăng với một số điều kiện, tính mạng của các con tin có thể bị đe dọa, theo trang Axios. Hamas không cử đại diện đến nhưng nói có thể liên lạc với các bên trung gian để được cập nhật và xem xét đề nghị của Israel.
Sức ép lên ông Netanyahu

Hôm qua, gia đình các con tin và nhiều người biểu tình rầm rộ tại Tel Aviv và Jerusalem để hối thúc chính phủ Israel đạt thỏa thuận. Phát biểu trên đài phát thanh quân đội cùng ngày, cựu Thủ tướng Ehud Barak nói rằng thủ tướng đương nhiệm không thể là người duy nhất ra quyết định mà phải có sự đồng ý của nội các. “Nếu ông Netanyahu tiếp tục từ chối, tôi hy vọng đội đàm phán sẽ thông báo với công chúng”, ông Barak nói.

Israel sẽ mua thêm 50 chiến đấu cơ F-15 từ Mỹ

Trong một đánh giá đáng chú ý, tướng về hưu Joseph Votel, cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ, nói rằng tuy Israel đã gây thiệt hại và tiêu diệt nhiều thủ lĩnh của Hamas nhưng chỉ có đàm phán mới giúp giải cứu những con tin còn bị giam giữ. Tờ The New York Times dẫn lời các quan chức cấp cao Mỹ cho rằng Israel đã đạt đến giới hạn sau 10 tháng chiến sự và có thể không bao giờ hủy diệt hoàn toàn Hamas. Theo nhận định, quân đội Israel tuy đã làm suy yếu đáng kể Hamas, nhưng các cuộc oanh tạc ngày càng ít hiệu quả và còn khiến dân thường thêm khốn khổ. Hiện chưa rõ thời điểm kết quả đàm phán được công bố và các bên cũng không nói rõ quá trình này sẽ kéo dài bao lâu.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới