“Thế lớn trong thiên hạ, cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan”. Đây là câu mở đầu trong bộ trường thiên tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, cũng là lời tóm tắt về lịch sử hơn 5000 năm của Trung Quốc. Trải qua hàng nghìn năm, những vị vua đầy quyền lực luôn muốn giữ cho đất nước thống nhất, đồng thời chinh phục những vùng đất xa xôi, vốn khác xa so với đại lục cả về lịch sử, văn hóa và dân tộc. Ngày nay, những khu vực này lại là nỗi đau đầu đối với các lãnh đạo ở Bắc Kinh, đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của đất nước tỷ dân. Vậy Trung Quốc đang có những phong trào ly khai nào?
Đất nước Trung Quốc rộng nhất là vào thời hoàng đế Càn Long nhà Thanh, với diện tích lên tới 14.7 triệu km². Trong cuộc chinh phục lãnh thổ rộng lớn này, người Mãn Châu nhận được sự trợ giúp của người Mông Cổ. Vì vậy mà các hoàng đế nhà Thanh đã đưa ra một quy định, đó là cấm người Hán tới định cư trên đất Mãn Châu và Mông Cổ. Đến giữa thế kỷ XVIII, miền Bắc Trung Quốc gặp phải hàng loạt thiên tai như lũ lụt và hạn hán. Do nạn đói lan rộng, nhà Thanh quyết định cho những người Hán di cư vào Mãn Châu và Nội Mông. Tới thế kỷ XIX, người Mãn ngày càng bị Hán hóa và nhà Thanh phải đối mặt với mối đe dọa từ Nga. Vì vậy triều đình bắt đầu khuyến khích nông dân người Hán đến định cư ở cả Mông Cổ và Mãn Châu.
Cũng trong thời gian này, nhà Thanh suy yếu trầm trọng. Dù vậy, phải tới năm 1912, vương triều này mới sụp đổ, tạo điều kiện để Ngoại Mông và Tây Tạng giành được độc lập. Lúc này, Ngoại Mông có tên chính thức là Đại Hãn Quốc Mông Cổ, với người đứng đầu là Bogd Khan, một tu sĩ Phật giáo. Trong khi khu vực Nội Mông xuất hiện các cuộc nổi dậy nhằm hiện thực hóa giấc mơ thống nhất. Các quý tộc ở đây lại hy vọng nhà Thanh được phục hồi ở Mãn Châu và Mông Cổ, vì họ cho rằng sự cai trị thần quyền của Bogd Khan sẽ đi ngược lại với mục tiêu hiện đại hóa. Trong khi chính quyền Trung Hoa Dân Quốc cũng được thành lập và tiến hành đàn áp phong trào độc lập ở Nội Mông, đồng thời tiếp tục cho người Hán di cư tới đây. Từ đó, làm thay đổi cán cân nhân khẩu học của khu vực, với số người Mông Cổ chỉ bằng 1/4 số người Hán.
Trong giai đoạn trước Thế chiến thứ hai, cơ hội độc lập lại đến với Nội Mông khi Đế Quốc Nhật Bản bắt đầu xâm chiếm Trung Quốc. Sau đó, người Nhật cho thành lập Mãn Châu Quốc vào năm 1932 và sau đó là Mông Cương Quốc vào năm 1939, với người đứng đầu là Demchugdongrub, một hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn. Tuy nhiên, có một lực lượng khác ở Nội Mông chống lại người Nhật với người đứng đầu là Ulanhu, tức Ô Lan Phu.
Cuối cùng, khi Thế chiến thứ hai kết thúc, khu tự trị Nội Mông Cổ được thành lập vào năm 1947, với người lãnh đạo là Ô Lan Phu. Nhưng sau đó, ông đã bị mất chức trong Cách mạng Văn hóa, đồng thời xuất hiện làn sóng đàn áp của người Hán chống lại người thiểu số. Trong số các nạn nhân ở Nội Mông, có tới 3/4 là người Mông Cổ, mặc dù họ chỉ chiếm 11.2% dân số.
Trải qua thời kỳ bất ổn, Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách vào năm 1978. Từ đó, nền kinh tế Nội Mông phát triển rất nhanh nhờ vào nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào. Nơi đây có tới 1/4 trữ lượng than của thế giới, ngoài ra còn có khí đốt, dầu mỏ và đất hiếm. Nhờ vậy mà Nội Mông tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, cao nhất Trung Quốc và ngang với Quảng Đông.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng đã phải trả giá bằng ô nhiễm nghiêm trọng và suy thoái đồng cỏ. Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh nỗ lực thu hút người Hán di cư tới đây bằng cách xây dựng những siêu đô thị, cùng với sự phân bổ của cải không đồng đều, đã làm trầm trọng thêm căng thẳng sắc tộc, khiến cho nhiều người Mông Cổ cảm thấy họ ngày càng bị gạt ra ngoài lề xã hội, dẫn đến các cuộc biểu tình vào năm 2011. Có một câu chuyện bi thương, một người chăn cừu Mông Cổ tên là Mergen đã cố gắng cản trở công ty khai thác mỏ tiến vào vùng đồng cỏ của mình và anh đã bị một tài xế xe tải người Hán tông chết.
Vốn bất mãn từ trước, sự kiện này như giọt nước tràn ly khiến 2000 người Mông Cổ tiến hành biểu tình để bảo vệ mảnh đất quê hương khỏi sự tàn phá của các công ty khai thác mỏ. Ngay lập tức, chính quyền Nội Mông triển khai cảnh sát chống bạo động, cắt đứt mạng lưới thông tin liên lạc và rào chắn các khuôn viên trường đại học nhằm sớm dập tắt các cuộc biểu tình. Sau đó, hung thủ đã bị bắt và lãnh án tử hình. Tuy nhiên, những mâu thuẫn sắc tộc vẫn luôn âm ỉ ở vùng đất này.
Năm 2020, các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra tại Nội Mông khi chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch loại bỏ dần việc giảng dạy bằng tiếng Mông Cổ và thay bằng tiếng Quan Thoại trong ba môn học là Văn học, Đạo đức và Lịch sử. Kết quả, 300.000 học sinh và phụ huynh đã biểu tình phản đối, buộc chính quyền Bắc Kinh phải hủy bỏ kế hoạch.
Có thể thấy, phong trào ly khai ở Nội Mông không quá mạnh mẽ, do ở đây chỉ có 17.7% dân số là người Mông Cổ, trong khi người Hán chiếm tới 78.7%. Hiện tượng này xảy ra là do việc di cư vào khu vực từ giữa thế kỷ XIX. Dù vậy, vẫn có nhiều người mơ về một đất nước “Đại Mông Cổ thống nhất”, bao gồm Nội Mông, Ngoại Mông và Cộng hòa Buryatia thuộc Nga. Quốc gia mới này sẽ có diện tích rộng khoảng 3.1 triệu km².
Người Tạng khao khát một quốc gia độc lập
Tương tự như Ngoại Mông, Tây Tạng cũng giành được độc lập vào năm 1912 sau sự sụp đổ của nhà Thanh. Người Tạng cũng chỉ giành được một phần lãnh thổ truyền thống bao gồm U-Tsang và Tây Kham, trong khi Đông Kham và Amdo vẫn là một phần của Trung Hoa Dân Quốc. Năm 1914, người Tạng ký kết với người Anh Hiệp ước Simla. Cụ thể, họ nhượng lại Arunachal Pradesh cho Ấn Độ thuộc Anh và nhận được sự công nhận độc lập. Đến năm 1930, người Tạng quyết định tấn công Trung Quốc để giành lại những vùng đất đã bị mất. Tuy nhiên, họ đã thất bại sau hai năm chiến đấu.
Trải qua Thế chiến thứ hai, quốc gia rộng lớn này lại rơi vào cuộc nội chiến Quốc – Cộng, với kết quả là chiến thắng dành cho Mao Trạch Đông. Vào năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập. Chỉ một năm sau, Trung Quốc bắt đầu tấn công Tây Tạng và giành lại được toàn bộ vùng đất này vào năm 1950. Nhưng nền kinh tế khu vực nhanh chóng rơi vào khủng hoảng khi có tới 35.000 quân Trung Quốc đồn trú tại đây và làm thiếu hụt nguồn cung lương thực. Để giải quyết vấn đề này, Mao Trạch Đông cho biết ông sẽ chuyển 40.000 nông dân người Hán đến Tây Tạng.
Trước áp lực ngày càng lớn của chính quyền Bắc Kinh, ngày 10/3/1959, cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Tây Tạng đã diễn ra tại thủ đô Lhasa với mục tiêu là kêu gọi binh lính Trung Quốc phải rút lui khỏi khu vực và trả lại độc lập cho vùng đất này. Kết quả là cuộc biểu tình nhanh chóng bị đè bẹp với 85.000 người bị thương và bị giết. Trong khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 quyết định đưa thân nhân, quan chức và quân đội, tổng cộng là 600 người lên ngựa đào thoát khỏi Lhasa để tới Ấn Độ. Cùng với đó là 80.000 người Tạng cũng di cư ra khỏi Trung Quốc.
Sau biến cố này, chính quyền Bắc Kinh đã ép buộc nông dân ở đây trồng ngô thay vì lúa mạch, loại cây trồng truyền thống của khu vực. Kết quả là mùa màng thất bại và hàng ngàn người chết đói. Sau đó, Cách mạng Văn hóa diễn ra và người Tạng phải hứng chịu hậu quả. Hồng vệ binh tấn công thường dân, phá hủy hơn 6.000 tu viện và ép buộc các tu sĩ Phật giáo phải hoàn tục, nếu như chống lại thì sẽ bị bỏ tù hoặc bị hành quyết.
Sau đó, Trung Quốc bắt đầu cải cách vào cuối thập niên 1970 và nền kinh tế khu vực cũng phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, nước này lại khuyến khích người Hán di cư vào Tây Tạng bằng cách thưởng tiền và tạo điều kiện sống thuận lợi. Họ đa số là giáo viên, bác sĩ và quản lý để hỗ trợ sự phát triển của vùng biên giới xa xôi. Từ đây, sự bất bình đẳng và giận dữ của người bản địa chỉ chực chờ bùng nổ thành các cuộc xung đột. Đặc biệt là vào năm 2008, một cuộc bạo động đẫm máu đã nổ ra ở thủ phủ Lhasa làm hàng chục người chết cũng như hủy hoại nhiều nhà cửa, cơ sở kinh doanh và tài sản tại địa phương. Các cuộc tấn công không chỉ nhắm vào lực lượng an ninh, mà còn nhắm vào các dân tộc không phải là người Tạng, chủ yếu là người Hán và người Hồi. Tiếp đó, liên tục trong những ngày đầu năm 2012, đã xuất hiện các vụ bạo động và hàng loạt người Tạng tự thiêu để phản đối chính quyền. Phía Trung Quốc cho rằng những người này là khủng bố, cũng như bị các thế lực bên ngoài xúi giục, trong khi cộng đồng người Tạng sống lưu vong bên ngoài lại cáo buộc chính quyền Bắc Kinh đàn áp và phá hủy văn hóa của vùng đất này.
Hiện nay, Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh tay vào Tây Tạng với hàng loạt dự án lớn. Tất cả đều nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách địa lý giữa vùng phía Đông giàu có với khu vực phía Tây xa xôi. Đó là vì Tây Tạng có vị trí rất quan trọng khi nó vừa là “tấm lá chắn” của Trung Quốc với Ấn Độ, vừa là “cửa ngõ” để thông thương với các quốc gia Nam Á. Nơi đây còn có tài nguyên khoáng sản dồi dào với 40 triệu tấn đồng, kẽm, chì, cùng với hơn 1 tỷ tấn sắt. Nó cũng có trữ lượng uranium và bồ tạt (Kali Cacbonat) tương đối lớn. Tuy nhiên, nguồn nước mới là tài nguyên quan trọng nhất ở đây, khi mà cao nguyên Thanh Tạng là nơi khởi nguồn của những con sông lớn nhất châu Á như sông Ấn, sông Hằng, sông Mê Kông, sông Dương Tử và sông Hoàng Hà. Đây vừa là nguồn nước quan trọng để phục vụ nông nghiệp, vừa là nguồn cung cấp điện dồi dào để phát triển kinh tế.
Với hàng loạt dự án khổng lồ, chính quyền Bắc Kinh mong muốn thu hút thêm người Hán di cư tới Tây Tạng nhằm thay đổi cán cân nhân khẩu học. Hiện nay, đây là khu tự trị duy nhất của quốc gia này, có hơn 50% cư dân thuộc về sắc tộc thiểu số. Cụ thể, ở đây có tới 86% dân số là người Tạng và chỉ có 12.2% là người Hán. Vì vậy, phong trào ly khai vẫn diễn ra mạnh mẽ. Họ mong muốn thành lập quốc gia thống nhất, bao gồm khu tự trị Tây Tạng, tỉnh Thanh Hải và một phần của Cam Túc, Tứ Xuyên, Vân Nam, cũng như Aksai Chin, thuộc Tân Cương. Tổng cộng là 2.3 triệu km². Bên cạnh đó, một số lãnh thổ của Ấn Độ và Nepal, cũng như toàn bộ Bhutan, đều là các khu vực mà văn hóa Tạng thống trị. Như vậy, diện tích của quốc gia mới có thể lên đến 2.5 triệu km² và lớn thứ 10 trên thế giới.
Tân Cương – Vùng đất Hồi giáo của Trung Quốc
Năm 1912, Trung Hoa Dân Quốc được thành lập, nhưng quyền lực thực tế lại rơi vào tay các tướng lĩnh quân phiệt. Người chiếm giữ Tân Cương lúc này là Dương Tăng Tân đã duy trì quyền lợi giữa người Hán và các sắc dân thiểu số, nhờ vậy mà giúp cho Tân Cương ổn định. Tuy nhiên, đến năm 1928, Dương Tăng Tân đã bị ám sát và kế nhiệm ông là Kim Thụ Nhân, một người nổi tiếng phân biệt chủng tộc. Ông Kim thi hành các chính sách Hán hóa, tăng thuế, cấm tham gia hành hương và đưa các quan chức người Hán vào thay thế các lãnh đạo địa phương. Kim cũng tăng cường mối quan hệ với Liên Xô, làm gia tăng ảnh hưởng của người Nga tại khu vực Tây Bắc Trung Quốc.
Năm 1931, các dân tộc thiểu số, mà chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ, đã nổi dậy ở vùng Cáp Mật. Tận dụng thời cơ này để loại bỏ Kim Thụ Nhân, Tưởng Giới Thạch đã điều động Sư đoàn 36 của Mã Trọng Anh ở Cam Túc thực hiện tấn công Tân Cương. Bị kẹp giữa hai bên, Kim Thụ Nhân phải bỏ chạy sang Liên Xô để nhờ sự hỗ trợ. Thế nhưng Stalin đã tìm được người thay thế, đó là Thịnh Thế Tài. Cuối năm 1933, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương tuyên bố thành lập Cộng hòa Đông Turkestan. Cuối cùng, phe Thịnh Thế Tài đã giành chiến thắng với sự giúp đỡ nhiệt tình từ phía Liên Xô.
Đến Thế chiến thứ hai, Tân Cương trải qua rất nhiều biến động. Năm 1944, Trung Hoa Dân Quốc đưa 100.000 quân tới đây. Không muốn mất đi vùng ảnh hưởng, Liên Xô đã hỗ trợ những người Duy Ngô Nhĩ thành lập Cộng hòa Đông Turkestan Đệ Nhị, với lãnh thổ gồm ba huyện là Y Lê, Tháp Thành và A Lạc Thái. Nhưng phần lớn Tân Cương vẫn nằm trong tay Quốc dân Đảng, trong đó có cả thủ phủ Urumqi.
Vậy nhưng mọi thứ đã thay đổi rất nhanh vào năm 1949, khi mà nội chiến Quốc – Cộng kết thúc với chiến thắng thuộc về Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do có chung ý thức hệ, Liên Xô đã ngừng tài trợ cho Cộng hòa Đông Turkestan Đệ Nhị, Trung Quốc giành lại vùng đất này một cách tương đối dễ dàng. Năm 1955, chính quyền đại lục chuyển tỉnh Tân Cương thành Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Lúc này, người Duy Ngô Nhĩ chiếm 73% trong số 5.11 triệu người. Tuy nhiên, khi “đại nhảy vọt” diễn ra, đã có tới 1 triệu người Hán chạy trốn nạn đói và tái định cư ở Tân Cương, dẫn tới tỉ lệ người Hán tại khu vực lên tới 40%.
Sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách, nền kinh tế khu vực cũng nhanh chóng tăng trưởng dựa vào nguồn tài nguyên dồi dào. Cụ thể, ở đây có tổng trữ lượng đã xác minh là 10 tỷ thùng dầu mỏ và 75 tỷ m³ khí đốt tự nhiên. Vì vậy, lĩnh vực dầu mỏ và hóa dầu chiếm tới 60% nền kinh tế Tân Cương. Tuy nhiên, có rất ít người Duy Ngô Nhĩ làm việc trong lĩnh vực dầu khí. Họ bị mắc kẹt tại các vùng nông thôn và sinh sống dựa vào các ngành nông nghiệp vốn tạo ra ít lợi nhuận. Còn trong lĩnh vực thương mại, người Hán nắm quyền chủ động, một phần do người Duy Ngô Nhĩ không nhanh nhạy trong kinh doanh, nhưng cũng do sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa.
Với việc bị phân biệt đối xử và gạt ra ngoài lề, những người Duy Ngô Nhĩ đã vùng lên chống lại người Hán và đòi ly khai ra khỏi Trung Quốc từ những năm 1990. Trong đó, sự kiện nổi bật đầu tiên là vào năm 1997 tại Yining khiến cho 10 người chết và 198 người bị thương. Sau đó là vụ đánh bom xe bus tại Urumqi khiến 9 người thiệt mạng và 28 người bị thương.
Trong suốt thời gian sau đó, các vụ tấn công thưa thớt dần, mọi chuyện chỉ nóng trở lại vào năm 2008 khi một vụ tấn công ở Kashgar làm 16 cảnh sát thiệt mạng chỉ 4 ngày trước khi Thế vận hội Bắc Kinh bắt đầu. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào tháng 7/2009, khi bạo loạn nổ ra tại thủ phủ Urumqi. Trong cuộc đụng độ này, có 197 người chết và 1.721 người bị thương.
Ngay sau sự kiện trên, Chính phủ Trung Quốc bắt tay vào phát triển các công nghệ mới nhằm kiểm soát chặt chẽ người dân ở khu tự trị này. Mục tiêu là để đảm bảo rằng, an ninh được kiểm soát và giám sát chặt chẽ bằng nhân lực ít hơn. Sau đó, đại lục còn cho thành lập các trại tập trung, nơi giam giữ tới 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ.
Hiện Trung Quốc đang muốn biến Tân Cương thành một đầu mối giao thông kết nối nước này với Trung Á và xa hơn nữa là châu Âu. Vì vậy, Bắc Kinh ra sức xây dựng các tuyến đường sắt kết nối với khu vực, đồng thời cho di cư thêm nhiều người Hán tới đây. Tính tới năm 2020, 45% dân số Tân Cương là người Duy Ngô Nhĩ, 42,2% là người Hán, còn lại là các sắc tộc khác. Phần lớn người Duy Ngô Nhĩ sinh sống tại phía Nam và có thu nhập chỉ bằng khoảng một nửa so với những người Hán sinh sống ở phía Bắc. Chính vì vậy, phong trào đấu tranh đòi ly khai ở đây vẫn sẽ rất mạnh mẽ.
T.P