Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCảnh giác không thừa

Cảnh giác không thừa

Bình luận nêu trên của một số nhà quan sát dựa trên các động thái vừa diễn ra trên Biển Đông, mới nhất là việc tàu tuần duyên Philippines sẽ tới Việt Nam vào cuối năm nay để thực hiện hợp tác hàng hải…

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam CSB 8002 sẽ tham gia diễn tập với tàu cảnh sát biển Philippines.

Liên quan việc này, vẻ như Manila cố ý không muốn dư luận quan tâm tới như một sự kiện quá đặc biệt. Cho tới lúc này, thay vì đề cập một cách hoan hỷ, đậm nét trên báo chí, tin chỉ được phát ra qua một thông báo ngắn, trên mạng xã hội của lực lượng tuần duyên Philippines. Theo đó, việc gửi tàu tuần duyên tới Việt Nam là nhằm đáp lại “cử chỉ thiện chí” Việt Nam đã gởi một tàu Cảnh sát biển tới Philippines để thực hiện hợp tác hàng hải giữa hai nước.

Liên quan cái mà Manila gọi là “cử chỉ thiện chí” của Hà Nội, thông tin, cũng từ cơ quan cảnh sát biển Việt Nam phát ra ngày 8/8, cho biết, Cảnh sát biển Việt Nam đã cử tàu CSB 8002 tới Philippines. Tiếp đó, cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng tuần duyên Philippines sẽ có cuộc luyện tập chung về “tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ trên biển”.

Cũng như thông tin của Manila, thông tin về sự kiện trên của Hà Nội chỉ chừng mực, hạn chế cả về liều lượng ngôn từ lẫn tần suất, chứ không hề rùm beng trên truyền thông. Thậm chí, sự dè sẻn còn tới mức, tàu tuần duyên CSB 8002 rời một quân cảng Việt Nam từ ngày 31/7, mãi tới ngày 8/8, thông tin mới được phát ra; và trong thông tin đó không hề tiết lộ cuộc luyện tập sẽ diễn ra ở khu vực cụ thể nào, ngày nào, kéo dài bao lâu…

Nếu cập nhật thời sự, chẳng có lý do để nghi ngờ động thái thiện chí kiểu “có đi có lại” của Manila đối với Hà Nội. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 29 – 30/01/2024 của Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. (và Phu nhân Louise Araneta Marcos), theo lời mời của Chủ tịch Việt Nam (khi đó là ông Võ Văn Thưởng) – một chuyến công du được coi là lịch sử, thành công tốt đẹp, câu chuyện hợp tác hàng hải giữa hai nước đã được tính đến như một phần trong các hoạt động hợp tác nhằm thể hiện tin cậy chính trị, quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia.

Hai nhà lãnh đạo đã không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, mà còn chỉ đạo và chứng kiến ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác hàng hải giữa Lực lượng Cảnh sát biển hai nước. Chỉ có điều, sự hợp tác đó như “cố ý” (?) trộn lẫn với các hợp tác các lĩnh vực khác, và được thể hiện ở vị trí “thứ yếu”…

Tiếp đó, tại Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam – Philippines lần thứ 6 diễn ra tại Manila ngày 22/7 vừa qua, vấn đề hợp tác hàng hải giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước không chỉ được nhắc lại, mà còn được bàn bạc, xúc tiến cụ thể hơn. Và, vẻ như sự đôn đáo của hai bên đã đưa đến kết quả không chỉ là một cuộc diễn tập sắp diễn ra trong tháng 8 này, mà còn thêm cuộc diễn tập vào cuối năm nay, được chuẩn bị qua việc Manila sẽ gửi tàu tuần duyên tới Việt Nam – như thông báo.

Như vậy, xét về hình thức, chuyện diễn tập của cảnh sát biển hai nước, tháng tám và cuối năm, có gì mà phải ầm ĩ.

Tuy nhiên, các nhà quan sát quốc tế lại không nhìn nhận câu chuyện một cách đơn giản. Theo họ, cần đặt nó trong bối cảnh một Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường, cũng như không thể không gắn nó với những xung đột căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc vừa qua trên Biển Đông. Nói cách khác, họ cho rằng, động thái trên là dấu hiệu của việc Hà Nội và Manila đang xích lại gần nhau để đối phó với các tình huống phức tạp hơn trong khu vực.

Có lẽ, cái nhìn soi mói của các nhà quan sát cũng góp phần lý giải nguyên nhân kiệm lời của cả Hà Nội và Philippines. Kiệm lời vì sao? Vì sự cảnh giác trước Trung Quốc.

Hơn ai hết, cả Việt Nam và Philippines hiểu rằng, là hai quốc gia có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, cũng là hai bên có tranh chấp với Trung Quốc ở nhiều điểm đá, đảo, bất kỳ một động thái nào thể hiện sự gẫn gũi giữa họ, nhất là diễn tập trên biển (với bất cứ danh nghĩa nào) đều có thể khiến các bên liên quan khác, nhất là Trung Quốc để ý. Thế nên, cho dù chiếc tàu cảnh sát biển số hiệu CSB 8002 tới Philippines được thông báo rõ là để cùng các tàu tuần duyên Philippines luyện tập chung (chứ không phải tập trận như một số trang mạn đưa tin hời hợt) về “tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ trên biển”, cũng có thể bị Bắc Kinh cảnh giác, coi đó như một cuộc diễn tập tập quân sự trá hình của hai đối thủ.Và tất nhiên, chẳng có lý do gì để không nghĩ tới khả năng Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp theo dõi và giám sát chặt chẽ hành trình chiếc tàu này, cùng cuộc diễn tập sẽ diễn ra tiếp đó.

Thậm chí một khả năng mà Hà Nội và Manila phải nghĩ đến, là, nếu như thông báo trước địa điểm diễn tập, biết đâu ngay trước đó, Bắc Kinh chẳng đã phái đội tàu cảnh sát biết khổng lồ của họ tới đó thực hiện một cuộc diễn tập trước rồi. Với cái “lý”: bất luận khu vực nào, địa điểm nào trong phạm vi “đường 9 đoạn”, đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Cảnh giác không bao giờ thừa, là thế.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới