Bên cạnh người Duy Ngô Nhĩ, ở đây còn có các sắc tộc khác, họ cũng có các vùng đất tự trị dành riêng cho mình. Tuy nhiên, các sắc tộc ở đây như Kazakh, Kyrgyz hay Tajik đều có thể trở thành một phần của các quốc gia ở Trung Á.
Châu tự trị dân tộc Kazakh Y Lê
Châu tự trị dân tộc Kazakh Y Lê, nó có diện tích 278.852 km², bao gồm ba địa khu theo chiều từ Bắc xuống Nam là A Lặc Thái, Tháp Thành và Y Lê. Trong đó, người Hán chiếm 40.1% dân số, người Kazakh chiếm 27.2% và người Duy Ngô Nhĩ chiếm 17.9%. Nếu như Tân Cương tan rã, vùng đất châu tự trị Y Lê có thể trở thành một phần của Kazakhstan.
Châu tự trị dân tộc Kyrgyz Khắc Tư Lặc Tô
Châu tự trị Kyrgyz Khắc Tư Lặc Tô với diện tích 72.468 km², hiện ở đây có 66.24% là người Duy Ngô Nhĩ, 26.24% là người Kyrgyz và 6.29% là người Hán. Nếu như Tân Cương sụp đổ, toàn bộ hoặc một phần khu vực này có thể thuộc về Kyrgyzstan.
Huyện tự trị Tháp Thập Khố Nhĩ Can
Huyện tự trị Tháp Thập Khố Nhĩ Can có diện tích là 24.682 km², ở đây có tới 82.24% dân số là người Tajik miền núi, tức cách mà Trung Quốc gọi người Pamiri, trong khi chỉ có 6.56% dân số là người Hán. Nếu như tách ra độc lập, huyện tự trị này có thể trở thành một phần của tỉnh tự trị Gorno-Badakhshan, vùng đất chiếm gần một nửa diện tích Tajikistan và đang có phong trào ly khai của người Pamiri ở đây.
Hồng Kông – Bi kịch của một thuộc địa
Sau Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất vào năm 1841, nhà Thanh phải nhượng lại đảo Hương Cảng cho Anh. Đến năm 1860, thuộc địa Hồng Kông có thêm bán đảo Cửu Long. Đến năm 1898, nước Anh được quyền thuê đảo Lạn Đầu và Tân Giới trong vòng 99 năm. Kể từ đó, Hồng Kông đã dần trở thành một trong những hải cảng lớn nhất thế giới. Tới khi nội chiến Quốc – Cộng kết thúc vào năm 1949 với chiến thắng dành cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, vận mệnh của Hồng Kông đã thay đổi mãi mãi. Hầu hết các ông trùm vận tải biển của đại lục cũng di cư đến đây và cải tạo hải cảng cũ trở thành một siêu cảng hiện đại. Hồng Kông lúc này có tầm quan trọng to lớn đối với các nước phương Tây, khi nó giống như cánh cửa để tiếp cận với Trung Quốc.
Trong những năm 1970 và 1980, nơi đây đầu tư rất nhiều vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm và nhiều thành phố mới ở Tân Giới. Khi Trung Quốc tiến hành cải cách và mở cửa vào thập niên 1980, nền kinh tế Hương Cảng cũng tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, thời hạn cho thuê 99 năm cũng sắp tới hồi kết thúc.
Năm 1997, Hồng Kông được nước Anh trao trả cho Trung Quốc với lời hứa về việc giữ nguyên quyền tự trị cho thành phố, đồng thời đảm bảo các quyền cá nhân và độc lập tư pháp cho đến năm 2047. Thế nhưng, vào năm 2003, có khoảng nửa triệu người Hồng Kông tham gia vào cuộc tuần hành nhằm phản đối đề xuất thi hành điều luật 23, một điều luật hạn chế tự do ngôn luận. Tới năm 2014, chính quyền Bắc Kinh quyết định thực hiện sàng lọc ứng viên trước khi tiến hành bầu cử Đặc khu trưởng Hồng Kông. Việc làm này làm bùng nổ hàng loạt các cuộc biểu tình, trong đó sinh viên và công nhân chiếm lấy trung tâm thành phố trong nhiều tuần liền.
Đến năm 2019, chính phủ Hồng Kông công bố dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Nhiều người cho rằng. việc dẫn độ có thể được sử dụng để bịt miệng các nhà hoạt động dân chủ. Ngay sau đó, hàng triệu người tuần hành trong các cuộc biểu tình ôn hòa. Đến cuối năm, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra và trở thành phong trào phản kháng quy mô lớn nhất lịch sử Trung Quốc với gần 2 triệu người tham gia. Các trận chiến giữa cảnh sát và người biểu tình nổ ra khắp Hồng Kông. Hàng trăm người đã bị bắt và Trung Quốc đe dọa sẽ tiến hành đàn áp. Về phía người biểu tình, họ đưa ra các yêu cầu rút lại dự luật dẫn độ, tiến hành một cuộc điều tra về sự tàn bạo của cảnh sát, ngừng mô tả các cuộc biểu tình là bạo loạn, phóng thích cho những người bị bắt và cung cấp các quyền tự do dân chủ. Nhưng đúng vào lúc này, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, do đó Trung Quốc tiến hành phong tỏa Hồng Kông và phong trào biểu tình cũng phải kết thúc.
Dù có nhiều bất ổn trong thời gian gần đây, các ngân hàng, sàn chứng khoán, các công ty dịch vụ chuyên nghiệp và các bến cảng nhộn nhịp của Hồng Kông vẫn giữ vai trò là trung tâm của hệ thống tài chính châu Á. Đó là do thành phố này vẫn có tòa án độc lập, mức thuế thấp và sự đặc biệt trong hệ thống chính trị. Điều này khiến cho GDP/người của nó đạt mức 50.030 USD vào năm 2023, cao hơn 4 lần so với con số 12.510 USD của đại lục.
Nhưng vai trò của Hồng Kông đối với nền kinh tế đang ngày càng suy giảm. Nó đã không còn là “cửa ngõ” giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, trong khi nền kinh tế của đại lục phát triển nhanh chóng từ thập niên 1980 và hiện đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới. Bản thân nền kinh tế Hồng Kông cũng tồn tại nhiều vấn đề như giá bất động sản cao nhất thế giới và khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng. Đó cũng là lý do khiến người dân Hồng Kông không có thiện cảm đối với đại lục. Nhiều người cũng còn phủ nhận mình là người Trung Quốc. Như trong cuộc khảo sát được công bố vào tháng 6/2022, 39,1% số người được hỏi xác định mình là người Hồng Kông, 31,4% là người Hồng Kông ở Trung Quốc, 17,6% là người Trung Quốc, 10,9% là người Trung Quốc ở Hồng Kông và 1% không đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, đối với diện tích nhỏ bé là 2.755 km² và nền kinh tế gắn chặt với đại lục, khát vọng độc lập của người Hồng Kông cũng khó trở thành sự thật. Thế nhưng, phong trào ly khai ở đây đã truyền cảm hứng cho một người đàn ông về việc Thượng Hải tách khỏi Trung Quốc.
Phong trào độc lập yếu ớt ở Ma Cao
Nếu như phong trào ly khai ở Hương Cảng thu hút được sự chú ý của khắp thế giới, ở phía Tây Nam, cách đó chỉ 30 km, những tiếng nói đòi độc lập ở Ma Cao không được nhiều người biết đến. Đó là vì hai vùng đất này tuy nằm rất gần nhau, chỉ khoảng 30 km, nhưng khác nhau hoàn toàn về lịch sử.
Ma Cao đã trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha vào năm 1557, đổi lại, họ trả cho triều đình nhà Minh 500 lượng bạc mỗi năm. Dù từng là một trong những hải cảng lớn nhất thế giới, nhưng vai trò của Ma Cao ngày càng suy giảm để nhường chỗ cho Quảng Châu và Hồng Kông.
Năm 1949, lịch sử Trung Quốc bước sang một trang mới với chiến thắng của Đảng Cộng sản trong nội chiến Quốc – Cộng. Trong thập niên 1960, ở cả Ma Cao và Hồng Kông đều có phong trào phản đối thuộc địa, đòi Anh và Bồ Đào Nha phải trao trả lại những vùng đất này cho Trung Quốc. Trong khi chính quyền Hồng Kông đàn áp thành công làn sóng biểu tình và nền kinh tế xứ Cảng Thơm phát triển thần tốc, ngược lại tình hình Ma Cao trở nên rất hỗn loạn. Vì vậy, vào năm 1975, người Bồ Đào Nha đề nghị trả lại Ma Cao cho Trung Quốc. Tuy nhiên, vì Cách mạng Văn hóa vẫn đang tàn phá đại lục nên chính quyền Bắc Kinh chưa chấp nhận ngay. Mãi tới năm 1987, Bồ Đào Nha và Trung Quốc mới ký tuyên bố chung Trung – Bồ để đưa ra các điều khoản về việc bàn giao Ma Cao. Vào ngày 20/12/1999, vùng đất nhỏ bé này một lần nữa thuộc về Trung Quốc.
Từ đó đến nay, nếu so sánh với người hàng xóm Hồng Kông, phong trào độc lập ở Ma Cao rất yếu ớt. Tuy nhiên, những biến động ở xứ Cảng Thơm đã ảnh hưởng tới vùng đất từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha. Năm 2016, các nghị sĩ đòi dân chủ của Hồng Kông gây hỗn loạn tại Hội đồng Lập pháp của vùng lãnh thổ, khi sử dụng lễ tuyên thệ để tiến hành phản đối đại lục. Họ cố tình phát âm sai từ “China” đồng thời giơ biểu ngữ viết “Hồng Kông không phải là Trung Quốc”.
Ngay sau đó, chính phủ Đặc khu Hành chính Ma Cao ban hành yêu cầu rằng, tất cả các nhà lập pháp phải thề trung thành với Luật Cơ bản Ma Cao. Luật mới đã gây ra không ít xôn xao cho người dân ở vùng đất này, đồng thời xuất hiện một số tiếng nói đòi quyền độc lập. Để trấn áp họ, một số cơ quan truyền thông Trung Quốc đã cảnh báo, không nên thảo luận về nền độc lập của Ma Cao vì lo ngại rằng việc này có thể dẫn đến những hành động mạnh mẽ hơn. Từ đó, phong trào ly khai tại đây vốn đã không mạnh mẽ, nay lại còn yếu ớt hơn.
Không giống như Hồng Kông, nền kinh tế của cựu thuộc địa Bồ Đào Nha gắn chặt với đại lục. Đây còn là nơi duy nhất ở Trung Quốc cho phép đánh bạc một cách hợp pháp. Từng được mệnh danh là “Las Vegas châu Á”, nhưng tới năm 2007, Ma Cao đã vượt mặt thành phố của Mỹ về tổng doanh thu cờ bạc với tổng số tiền lên tới 6,95 tỷ USD. Như vậy, nơi đây đã trở thành thủ đô cờ bạc mới của thế giới. Trong số khách đến chơi bài, có tới 70% đến từ đại lục. Điều này cũng giải thích vì sao phần lớn người Ma Cao vẫn muốn là một phần của Trung Quốc.
Thượng Hải độc lập
Dù không thể lay chuyển được những người hàng xóm ở Ma Cao, nhưng phong trào ly khai ở Hồng Kông đã truyền cảm hứng cho một người đàn ông đứng lên đòi độc lập cho Thượng Hải. Hà Ngạn Toàn, người có bà nội qua đời trong chiến tranh Quốc – Cộng và ông nội mất trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Sau đó, sự kiện Thiên An Môn diễn ra vào năm 1989 khiến nhiều người Trung Quốc di cư ra nước ngoài, trong đó có Hà Ngạn Toàn. Sau khi chuyển tới Mỹ, người đàn ông này không có hành động gì quá nổi bật trong suốt một thời gian dài. Nhưng được truyền cảm hứng từ phong trào độc lập ở Hồng Kông, Hà Ngạn Toàn đã thành lập Đảng Quốc gia Thượng Hải vào ngày 10/8/2018. Tới ngày 29/8, Đảng này đưa ra tuyên bố khẩn cấp cho biết một đảng viên, Hồ Thành Nghi, đã bị bắt khi từ Mỹ trở về Thượng Hải và sau đó bị kết án tử hình bằng ghế điện.
Cuối năm 2018, Đảng được đăng ký là một tổ chức phi lợi nhuận ở New York. Kể từ đó, Đảng này đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống đại lục ở khu phố Tàu, thuộc quận Queens, thành phố New York. Tham gia cùng với họ là người Duy Ngô Nhĩ, người Tạng, người Đài Loan, người Hồng Kông và các thành viên của phong trào Pháp Luân Công. Tháng 8/2019, họ tổ chức Đại hội Phong trào Độc lập Chống Cộng sản, cùng với Hiệp hội Người Duy Ngô Nhĩ ở Mỹ. Địa điểm diễn ra sự kiện là tại khu vực Capitol Hill, nơi đặt trụ sở của chính phủ Mỹ, thuộc thủ đô Washington.
Ngày 18/6/2020, Đảng Quốc gia Thượng Hải tổ chức lễ trao giải “Sự sụp đổ nhanh chóng của Trung Quốc” tại Quảng trường Thời đại và sử dụng nghệ thuật trình diễn để chế nhạo Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong sự kiện này, ông Hà Ngạn Toàn phát biểu rằng: “Chế độ độc tài sẽ không làm cho Trung Quốc mạnh trở lại, mà chỉ khiến Trung Quốc sụp đổ nhanh hơn”.
Sau cái chết của cựu Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy tháng 7/2020, Đảng này đã tung ra một đoạn video để tưởng nhớ. Trong đó, biểu hiện của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại thành phố New York được đổi thành Đại sứ quán Trung Hoa Dân Quốc tại thành phố New York. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Đài Loan phản ứng bằng cách chỉ ra rằng, tấm biển này đã được chỉnh sửa. Vào tháng 11 năm đó, Hà Ngạn Toàn bắt đầu gây quỹ cho những người theo chủ nghĩa dân tộc Hồng Kông phải trốn khỏi quê hương sau khi luật an ninh quốc gia được thông qua. Tới năm 2022, khi Thượng Hải bị đóng cửa hoàn toàn với thế giới để đạt mục tiêu Zero Covid, Hà Ngạn Toàn tuyên bố, các phương pháp cách ly đã cấu thành một âm mưu diệt chủng đối với công dân Thượng Hải. Các đảng viên của ông cũng tổ chức tuyệt thực trước lãnh sự quán Trung Quốc.
Giấc mơ khôi phục Mãn Châu Quốc
Không chỉ truyền cảm hứng cho phong trào Thượng Hải độc lập, Hồng Kông còn là nơi đặt trụ sở của một chính phủ lưu vong. Mãn Châu là đất tổ của dân tộc Mãn, những người đã sáng lập nên nhà Thanh. Vì vậy, triều đình quyết định cấm người Hán được định cư ở khu vực này. Nhưng tới giữa thế kỷ XIX, nó đã bị chia thành hai phần: ngoại Mãn Châu thuộc về Nga và nội Mãn Châu vẫn là một phần của Trung Quốc. Lo sợ đế quốc Nga tiếp tục lấn chiếm vào khu vực Đông Bắc, triều đình nhà Thanh quyết định cho người Hán di cư đến khu vực này. Trong khi nhiều người Mãn quen sống ở Bắc Kinh và không muốn trở lại đất tổ dù được triều đình khuyến khích. Kết quả là đến năm 1900, có 15 triệu trong tổng số 17 triệu dân ở Mãn Châu là người Hán. Do đó, khi nhà Thanh sụp đổ vào năm 1912, khu vực này vẫn thuộc về Trung Hoa Dân Quốc.
Tuy nhiên, tới năm 1932, Nhật Bản bắt đầu xâm chiếm Trung Quốc và cho thành lập Mãn Châu Quốc với người đứng đầu là Ái Tân Giác La Phổ Nghi, vị vua cuối cùng của triều đại nhà Thanh. Nhưng thực tế, đây chỉ là một chính quyền bù nhìn được lập ra để phục vụ lợi ích Đế quốc Nhật Bản. Vì vậy, năm 1945, sau khi Nhật thua trận, Mãn Châu Quốc cũng chính thức tan rã và vùng đất này lại thuộc về Trung Quốc. Sau nhiều lần chia cắt và sáp nhập, cuối cùng vùng Đông Bắc Đại Lục bao gồm ba tỉnh là Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh. Còn phần phía Tây của Mãn Châu thuộc về khu tự trị Nội Mông Cổ.
Sau 60 năm biến mất, Mãn Châu Quốc bất ngờ sống dậy, năm 2004, chính phủ lâm thời Mãn Châu Quốc được thành lập ở Hồng Kông. Bao gồm một hoàng đế, một hoàng tộc, một thủ tướng và một nội các. Nó cũng là thành viên của Liên đoàn Quân chủ Quốc tế và tuyên bố có chi nhánh nước ngoài tại Đài Loan, Nhật Bản, Ý, Brazil và Mỹ.
Vào năm 2008, sau một cuộc bầu cử, ngôi hoàng đế được trao cho Ái Tân Giác La Hiếu Kiệt, được cho là sinh viên khoa Lịch sử của Đại học Hồng Kông. Thế nhưng mối quan hệ thực sự của anh ta với hoàng tộc nhà Thanh bị nghi ngờ. Tuy nhiên sau đó, do vị hoàng đế này cắt đứt liên lạc với chính phủ Mãn Châu Quốc, nên vào tháng 4/2010, họ tổ chức một cuộc bầu cử khác và lần này chiến thắng thuộc về Ái Tân Giác La Sùng Cơ, trong khi thủ tướng là Jason Adam-Tonis, một sinh viên đại học New York, cũng là chủ tịch của nhóm nghiên cứu chính trị Songun, một tổ chức bình phong của Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ. Sau đó, ngôi vị hoàng đế lần lượt được trao cho Lý Trí Xuyên và Ái Tân Giác La Độc Lập.
Tới ngày 7/3/2019, chính phủ lâm thời Mãn Châu Quốc tuyên bố sáp nhập với chính phủ lưu vong Mãn Châu Quốc để thành lập nên chính phủ Mãn Châu Quốc, đồng thời chuyển từ chế độ quân chủ trở thành một nhà nước cộng hòa.
Hiện nay, tổ chức này có một ngân hàng trung ương và tuyên bố đồng tiền của Mãn Châu Quốc có tỷ giá hối đoái cố định là 0.8/ 1 đô la, đồng thời cung cấp dịch vụ đổi tiền qua đường bưu điện. Ngay từ năm 2007, họ đã phát hành chứng minh thư với giá 3 USD/chiếc và hộ chiếu với giá 8 USD/chiếc. Tuy nhiên, các giấy tờ này thực sự không có bất kỳ giá trị pháp lý nào. Hơn nữa, chính phủ Mãn Châu Quốc còn ủng hộ phong trào độc lập của Tây Tạng và kêu gọi phá hoại Thế vận hội mùa hè 2008 ở Bắc Kinh. Vì vậy, nó bị người dùng internet ở Trung Quốc đại lục căm ghét. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, tổ chức này là do những người Nhật theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tài trợ, hoặc đơn giản chỉ là một trang web lừa đảo.
Thực tế, những tổ chức ở hải ngoại như Đảng Quốc gia Thượng Hải hay chính phủ Mãn Châu Quốc lưu vong không ảnh hưởng gì nhiều đến nội bộ Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy sức ảnh hưởng của các phong trào ly khai ở Hồng Kông, đồng thời ẩn chứa một nguy cơ to lớn, đó là cách mà người ta định nghĩa khái niệm “người Hán”. Không giống như tiếng Việt, các phương ngữ của tiếng Trung thực tế là những ngôn ngữ khác nhau. Ngoài tiếng Quan Thoại được 2/3 dân số người Hán sử dụng, tiếng Trung còn có các phương ngữ khác như Mân, Ngô, Quảng Đông, Tấn, Cám, Khách Gia, Tương và một số ngôn ngữ ít người nói khác. Trong 12 năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy việc sử dụng tiếng Quan Thoại và đàn áp các ngôn ngữ thiểu số, trong đó có cả các phương ngữ của tiếng Hán. Chính vì vậy nhiều người đã lên tiếng phản đối, trong đó có cả những người sử dụng tiếng Quảng Đông.
Quảng Đông độc lập – Nam Việt tái sinh
Tiếng Quảng Đông là một trong những phương ngữ phổ biến nhất tại Trung Quốc, ước tính được sử dụng bởi khoảng 78.960.000 triệu người. Bên cạnh ngôn ngữ, người dân ở đây còn có một nền văn hóa Lĩnh Nam đặc sắc, khác biệt với những khu vực khác ở Đại Lục, bao gồm cả kiến trúc, văn học, âm nhạc, võ thuật và ẩm thực.
Thế nhưng, ý tưởng “Quảng Đông độc lập” mới chỉ xuất hiện vào cuối thời kỳ nhà Thanh. Lúc này, Quảng Châu là một trong những hải cảng lớn nhất Trung Quốc, còn Hồng Kông và Ma Cao bị chuyển sang cho Anh và Bồ Đào Nha. Mùa xuân năm 1901, có tin đồn rằng triều đình nhà Thanh sẽ nhượng Quảng Đông cho Pháp. Lúc này, 200 sinh viên đang du học ở Nhật Bản đã thành lập một tổ chức mang tên “Quảng Đông Độc lập Hiệp hội”. Họ chủ trương đưa tỉnh này lên tuyên bố độc lập khỏi triều đình nhà Thanh, nhấn mạnh rằng Quảng Đông thuộc về người dân và số phận của nó phải do họ quyết định, chứ không phải chính quyền ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, do đây chỉ là một tin đồn, nên tổ chức này cũng nhanh chóng tan rã. Trong khi nhiều người còn thể hiện sự mong muốn lớn hơn, đó là toàn bộ Lưỡng Quảng nên được độc lập, bao gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây. Cơ hội đã đến vào năm 1912 khi nhà Thanh sụp đổ, dù có nhiều người đứng lên nhưng không có ai thành công.
Ý tưởng về một “Lưỡng Quảng độc lập” cứ thế mà dần biến mất, cho tới khi các phong trào phản kháng nổ ra ở Hồng Kông, một nơi mà đa số người dân nói tiếng Quảng Đông. Bên cạnh đó, do là tỉnh có GDP cao nhất Trung Quốc, nên người dân từ các khu vực khác di cư đến Quảng Đông ngày càng nhiều, khiến cho nhiều người bất mãn. Cụ thể, năm 2015, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã coi Quảng Châu, Huệ Châu, Đông Hoản và Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông như một phần của dự án thí điểm, nhằm cải thiện phúc lợi của người di cư với chi phí ước tính là 149 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 23.7 tỷ USD. Động thái này gây ra làn sóng phản đối trên Internet. Một số cư dân mạng Quảng Đông bày tỏ sự không hài lòng trên Weibo, cho rằng kế hoạch của trung ương không tính đến cảm xúc của người dân địa phương, đồng thời chỉ trích người dân các tỉnh khác không đủ quyết tâm hòa nhập và học hỏi văn hóa Quảng Đông. Họ còn khẳng định tỉnh này không có nghĩa vụ phải phân phối nguồn lực cho các khu vực khác. Một số người thậm chí còn bày tỏ sự không hài lòng, kêu gọi Quảng Đông sẽ bắt đầu cuộc chiến giành độc lập: “Mỗi người một phiếu bầu, chúng ta sẽ quyết định tương lai của chính mình”. Trong khi cư dân mạng từ những nơi khác chỉ ra rằng, người dân Quảng Đông không khoan dung và nếu không có người ngoại tỉnh thì nền kinh tế tỉnh này sẽ bị tê liệt.
Vào tháng 1/2017, Trường Tiểu học Ngũ Dương thuộc quận Việt Tú, thành phố Quảng Châu, đã cho ra mắt cuốn sách giáo khoa tiếng Quảng Đông đầu tiên dành cho các trường tiểu học. Dù nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phần lớn người dân địa phương, nhưng nhiều người Trung Quốc lại chỉ trích điều đó sẽ gây trở ngại cho việc thúc đẩy giáo dục ngôn ngữ chuẩn quốc gia. Họ hy vọng cơ quan chức năng nhanh chóng ngăn chặn việc này.
Nhân cơ hội phong trào biểu tình lan rộng ở Hồng Kông, những người theo chủ nghĩa dân tộc Quảng Đông cũng tranh thủ quảng bá ý tưởng của mình. Cụ thể, ngày 1/1/2019, trong cuộc diễu hành ngày đầu năm mới ở Hồng Kông, lá cờ Kapok của phong trào Quảng Đông độc lập cũng xuất hiện. Lá cờ này gồm ba sọc ngang màu xanh lá cây, nâu nhạt và xanh lam, ở giữa là hình hoa gạo cách điệu, là biểu tượng lâu đời của văn hóa Quảng Đông. Theo người tạo ra nó, màu xanh lá cây tượng trưng cho tự do, hòa bình và sức sống; màu nâu nhạt xuất phát từ da của người Nam Việt bản địa, tổ tiên của người Quảng Đông; còn màu xanh lam tượng trưng cho dân chủ và đại dương. Hiện nay, lá cờ này đã bị chính quyền Trung Quốc cấm sử dụng.
Chuyện gì xảy ra nếu như Trung Quốc tan rã?
Câu hỏi này đã được trả lời bởi Lưu Trọng Kính. Ông sinh năm 1974 tại huyện Tư Trung, địa cấp thị Nội Giang, tỉnh Tứ Xuyên. Vào năm 1996, ông tốt nghiệp đại học về chuyên ngành khoa học pháp y và sau đó làm việc tại Tân Cương trong vòng 10 năm. Tới năm 2009, Lưu Trọng Kính học thạc sĩ lịch sử thế giới tại Đại học Tứ Xuyên, chuyên ngành lịch sử Anh. Đến năm 2012, ông lại vào Đại học Vũ Hán để học tiến sĩ lịch sử thế giới. Trong thời gian học ở đây, Lưu Trọng Kính đã xuất bản cuốn sách “Dân Quốc Ký Sự Bản Mạt” nói về lịch sử Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1911 – 1996. Từ đây, tên tuổi của ông nổi lên như cồn và trở thành người nổi tiếng tại xứ tỷ dân. Sau đó, ông nhận lời phỏng vấn của Consensus Net và phát biểu rằng, Trung Quốc không nên thống nhất mà nên phân chia thành các đất nước khác nhau. Nhận xét này khiến cho ông Lưu bị nhiều người dùng Internet và thế giới học thuật công kích.
Tuy nhiên, người đàn ông này cũng thu hút được không ít người hâm mộ. Họ đồn rằng, Lưu Trọng Kính đọc trung bình 1.2 triệu từ mỗi ngày và có trí nhớ siêu phàm mà không cần ghi chép. Bản thân ông cũng không phủ nhận điều đó trong một cuộc phỏng vấn. Trong thời gian sau đó, ông tiếp tục truyền bá ý tưởng của mình. Vào ngày 12/12/2015, Lưu Trọng Kính tham gia diễn đàn “Suy nghĩ lại về các giá trị phổ quát” do Đại học Baptist Hồng Kông ((HKBU) tổ chức và có bài phát biểu ở đây.
Tới năm 2016, Lưu Trọng Kính di cư qua Mỹ và sinh sống tại bang Indiana. Mọi chuyện không có gì đặc biệt cho tới tháng 11/2018 khi ông bất ngờ tuyên bố thành lập Đại Thục Dân Quốc và tự xưng là tổng thống lâm thời của nước này. Ý tưởng của Lưu là Ba Thục (tức Trùng Khánh và phía Đông Tứ Xuyên) vốn là một quốc gia độc lập và có một nền văn hóa riêng biệt. Vì vậy, việc tái lập đất nước này là phù hợp.
Từ đây, Lưu bắt đầu dần dần tham gia vào các hoạt động chính trị. Chẳng hạn như vào năm 2019, ông tham gia Đại hội Phong trào Độc lập Chống Cộng sản qua chế độ video và gặp gỡ những người theo chủ nghĩa ly khai Trung Quốc, điển hình như Hà Ngạn Toàn, lãnh đạo Đảng Quốc gia Thượng Hải. Lưu còn nhận lời phỏng vấn độc quyền với Đài Á Châu Tự Do, mô tả các quan niệm của ông về Đại Lục Dân Quốc. Trong khi theo tài liệu của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, vào ngày 16/3/2012, Lưu Trọng Kính và gia đình bị đặc vụ Trung Quốc ở nước ngoài bí mật theo dõi và quấy rối.
Bên cạnh ý tưởng thành lập Đại Thục Dân Quốc, ông còn cho rằng Trung Quốc sẽ sớm bước vào thời kỳ hỗn loạn rồi tan rã giống như Liên Xô và Nam Tư. Cụ thể, Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao sẽ trở thành các quốc gia độc lập. Còn phần lớn Nội Mông được sáp nhập vào Mông Cổ, Tân Cương ly khai thành công và trở thành Đông Turkestan với một phần lãnh thổ được cắt cho Kazakhstan và Kyrgyzstan. Đất Tạng được thống nhất và trở thành một quốc gia độc lập.
Ngoài ra, khu vực Đông Bắc bao gồm ba tỉnh là Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh, trở thành Mãn Châu Quốc với một phần lãnh thổ thuộc về Triều Tiên. Trong khi, phía Nam bán đảo Liêu Đông và toàn bộ bán đảo Sơn Đông thuộc về nước Tề. Còn vùng Hà Bắc, bao gồm cả Bắc Kinh và Thiên Tân, sẽ trở thành U Yến. Bên cạnh đó, Tấn bao gồm toàn bộ Sơn Tây cùng với một phần Nội Mông và Thiểm Tây. Ở phía tây là Chiêu Võ Tư Thản bao gồm Ninh Hạ và một phần Cam Túc. Chếch về hướng nam là Tần, bao gồm khu vực phía Nam của Thiểm Tây và Cam Túc, nước này giáp với Thục, tức là Trùng Khánh và phía Đông Tứ Xuyên. Bên cạnh đó là một quốc gia nhỏ mang tên Uyên, nằm ở giữa Hà Nam và Hồ Bắc. Ở phía Nam là Sở, bao gồm phần lớn Hà Bắc và một phần Hồ Nam. Chếch về hướng Đông là Giang Hoài Lợi Á, bao gồm một phần Giang Tô và An Huy. Về phía Nam là Ngô Việt, tức Chiết Giang, quốc gia này bao bọc lấy thành bang Thượng Hải. Bên cạnh đó là Cám, chiếm phần lớn diện tích Giang Tây. Trong khi Phúc Kiến trở thành Mân Việt.
Còn Triều Sán, tức vùng ven biển phía Đông Bắc Quảng Đông, cũng trở thành một quốc gia độc lập, nó giáp Ha Ca, vùng đất dành cho người Khách Gia. Chếch về phía Tây Bắc là Tương, bao phủ phần lớn Hồ Nam, nước này giáp với Dạ Lang, tức tỉnh Quý Châu hiện nay. Bên cạnh đó là Điền, chiếm phần lớn diện tích Vân Nam, nước này giáp với Quế, vùng đất dành cho người Tráng, bao gồm lãnh thổ của Vân Nam và Quảng Tây. Trong khi Nam Việt được thành lập nằm giữa Quảng Đông và Quảng Tây. Còn đảo Hải Nam trở thành một đất nước mang tên Hải Lạp. Như vậy, Trung Quốc chỉ còn lại một khu vực nhỏ bé ở Hà Nam, nơi phát nguyên của nền văn minh Trung Hoa.
Theo ý kiến của Lưu Trọng Kính, toàn bộ Trung Quốc sẽ sớm tan rã thành 28 quốc gia. Nội Mông sáp nhập vào Mông Cổ, cũng như một phần lãnh thổ của đại lục hiện tại sẽ thuộc về Triều Tiên, Kazakhstan, Kyrgyzstan, và Myanmar.
Như vậy, nếu chính quyền Bắc Kinh không xử lý tốt vấn đề Hồng Kông ly khai, chủ nghĩa địa phương có thể một lần nữa trỗi dậy và nhanh chóng lan sang các khu vực khác như Quảng Đông, Phúc Kiến hay Chiết Giang. Từ đó một lần nữa xé tan Trung Quốc, đưa đại lục về thời kỳ quân phiệt cát cứ. Đúng như câu nói: “Thế lớn trong thiên hạ cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan”.
T.P