Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao Xứ Sở Bạch Dương vẫn có thể phát triển bất...

Vì sao Xứ Sở Bạch Dương vẫn có thể phát triển bất chấp 17.500 lệnh trừng phạt?

Thế giới đang chứng kiến một kỷ lục không mấy dễ chịu mà nước Nga đang nắm giữ, đó là số lượng các biện pháp trừng phạt áp đặt lên nước này sau khi Tổng thống Putin bắt đầu cuộc chiến ở Ukraina. Tuy nhiên, trái ngược với những dự báo của phương Tây, sau hai năm chiến sự, kinh tế Nga không hề sụp đổ mà còn đứng vững, thậm chí còn tăng trưởng nhanh nhất ở châu Âu vào năm 2023.

GDP 2023 dự báo tăng 3,5% từ mức suy giảm 2,1% của năm 2022.

Nga hứng chịu 17.500 lệnh trừng phạt

Chỉ ít ngày sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraina, nền kinh tế Xứ Sở Bạch Dương rơi tự do, đồng rúp mất 1/4 giá trị so với đồng đô la Mỹ, thị trường chứng khoán mất 30% giá trị sau vài ngày, các công ty phương Tây cứ lần lượt rời đi khi mà chính phủ nước họ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt. Trong số đó, đáng chú ý nhất là việc Mỹ, Canada, EU và Anh loại bỏ hàng loạt ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, khiến cho khoảng 300 tỷ USD bị phong tỏa. Ngoài ra, dầu thô, vốn là nguồn thu chủ chốt của ngân sách Nga, cũng chịu không ít ảnh hưởng khi vào cuối năm 2022, G7 cấm các hãng vận tải biển và hãng bảo hiểm tại các nước thành viên cung cấp dịch vụ cho dầu Nga xuất khẩu nếu giá bán vượt 60 USD/thùng.

Ngày 21/2/2024, Liên minh châu Âu tiếp tục thông qua gói trừng phạt thứ 13, áp đặt lệnh kinh doanh và cấm nhập cảnh đối với gần 200 thực thể và cá nhân, những người bị cáo buộc hỗ trợ Nga mua sắm vũ khí hoặc liên quan tới hoạt động di chuyển trẻ em Ukraina. Phương Tây kỳ vọng rằng, tất cả các biện pháp trừng phạt này sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp và nghiêm trọng đối với nền kinh tế Nga. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn dự đoán GDP của Xứ Sở Bạch Dương có thể giảm tới 10%. Những nhận định này cũng dựa vào một thực tế là nền kinh tế Nga trong thời gian dài phụ thuộc rất lớn vào việc xuất nhập khẩu. Theo một nghiên cứu của trường Kinh tế Đại học Mát-xcơ-va, nhập khẩu chiếm tới 75% doanh số hàng tiêu dùng Nga. Trong một số lĩnh vực, ví dụ trong lĩnh vực thiết bị viễn thông, tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn, lên tới 86%. Vì vậy, chi phí nhập khẩu chiếm tới 1/5 GDP của nước này vào năm 2020, cao hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn có cùng trình độ phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil.

Tuy nhiên, sau hai năm kể từ khi chiến sự nổ ra, điều duy nhất các nhà kinh tế học đều phải đồng ý đó là Nga vẫn có thể đứng vững bất chấp 17.500 lệnh trừng phạt. Kinh tế nước này chỉ suy giảm 2,1% vào năm 2022, và tới năm 2023, họ khiến thế giới phải chú ý khi tăng trưởng đạt mức 3,6%. Trong khi thương mại vẫn thặng dư và thâm hụt ngân sách vẫn nằm trong phạm vi có thể kiểm soát.

Cụ thể, năm 2023, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga là 3,6%, vượt mức trung bình trên thế giới là 3%, cao hơn nhiều so với mức 1,5% của các nước phát triển. Nguồn thu từ dầu mỏ của Xứ Sở Bạch Dương cũng tăng vọt và đạt con số khổng lồ là 320 tỷ USD vào năm 2023. Tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức thấp kỷ lục là 3,2%. Điều đáng nói, nước Nga đạt được tất cả các thành tựu trên dù phải chi tiêu đáng kể cho quốc phòng nhằm phục vụ chiến sự ở Ukraina, đồng thời chống chọi với hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây.

Cách Nga đối đầu với phương Tây

Để đối phó với phương Tây, chính phủ Nga đã tiến hành kiểm soát vốn, phân chia các quốc gia thành bạn hay thù, nhân dân tệ hóa tài khoản và quân sự hóa chi tiêu. Tất cả đã khiến cho các biện pháp trừng phạt trở nên kém hiệu quả hơn rất nhiều.

Kiểm soát chặt nguồn vốn

Đầu năm 2022, khi Nga tấn công Ukraina, Mỹ và EU đã ngay lập tức sử dụng các con át chủ bài trong bộ bài trừng phạt, đó là đóng băng dự trữ vàng và ngoại hối, đồng thời hạn chế khả năng sử dụng của ngân hàng trung ương Nga đối với đồng đô la và Euro. Không có gì đáng ngạc nhiên khi giới kinh doanh của Xứ Sở Bạch Dương bị sốc và nhiều quan chức cũng tin vào sự sụp đổ sắp xảy ra với nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, phản ứng nhanh chóng của ngân hàng trung ương Nga cho phép giảm thiểu tác động tiêu cực.

Trên thực tế, những hạn chế về dòng vốn và lệnh cấm phát hành tiền mặt đã phong tỏa những chủ thể không cư trú tại Nga, việc tăng lãi suất cơ bản ngay lập tức lên 20% đã ngăn chặn dòng tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng, vốn trong hai tuần đầu tiên của cuộc chiến đã vượt quá 30 tỷ USD. Ngoài ra, họ đã đình chỉ quy định về toàn bộ lãi suất cho vay, hỗ trợ các ngân hàng trước nhu cầu thanh khoản gia tăng. Đồng thời, việc tăng lãi suất tiền gửi ngắn hạn và lệnh cấm phát hành tiền mặt cũng buộc người Nga phải nộp trở lại gần 90% số tiền mà họ đã rút từ tài khoản vào cuối tháng 4/2022.

Việc không để xảy ra các vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống ngân hàng, cùng với việc phong tỏa tài khoản của những người không cư trú tại Nga, đã ngăn nền kinh tế sụp đổ và ổn định sự kỳ vọng của người dân. Nhưng thành công trong ngắn hạn này cũng có một nhược điểm, đó là gây ra hạn chế đối với sự di chuyển của vốn, mà kiểm soát vốn từ lâu được coi là một công cụ không hiệu quả của chính sách kinh tế, giờ đây sẽ tồn tại ở Nga trong một thời gian dài.

Phân rõ bạn hay thù

Còn một phản ứng khác của Nga đối với các biện pháp trừng phạt, đó là sự phân chia các quốc gia thành thân thiện và không thân thiện. Điều này được vạch ra ngay cả trước chiến tranh. Ban đầu, danh sách các quốc gia không thân thiện chỉ bao gồm Mỹ và Cộng hòa Séc, hơn nữa Nga chỉ giới hạn số lượng nhân viên trong các đại sứ quán của họ. Sau khi chiến tranh nổ ra, Điện Kremlin đã phê duyệt một danh sách dài với các quốc gia thù địch, và đối với những quốc gia này, các thanh toán chỉ có thể được trả bằng đồng rúp vào các tài khoản đặc biệt. Sau đó, chính phủ Nga tiếp tục bổ sung danh sách này nhiều lần.

Mặt khác, không có tiêu chí rõ ràng quy định một quốc gia có thể bị tuyên bố là không thân thiện. Điều này mở ra khoảng trống để sáng tạo ra các quy định. Các nghị sĩ đặc biệt tích cực đề xuất cấm mọi hình thức tương tác với các quốc gia như vậy, từ việc đổi đồng rúp lấy ngoại tệ, bán một số loại hàng hóa đặc thù cho đến việc cấm công dân của quốc gia này nhận trẻ em Nga làm con nuôi. Cũng có những đề xuất muốn phân loại các quốc gia láng giềng thành bạn hay thù tùy thuộc vào mức độ tích cực mà họ hỗ trợ Nga. Dường như cách làm này được giới lãnh đạo đất nước đồng tình.

Nếu trước năm 2022, Nga cố gắng xây dựng quan hệ thương mại một cách thực dụng, chủ yếu dựa trên lợi ích kinh tế thì sau khi chiến tranh bùng phát, sự thân thiện đã trở thành tiêu chí chính cho chính sách kinh tế đối ngoại. Điều này mang lại cho Mát-xcơ-va những đối tác mới. Ví dụ, các công ty Nga hiện đang tích cực củng cố mối quan hệ với Iran và thậm chí đã tham gia vào một tập đoàn cơ sở hạ tầng ở Afghanistan hiện đang do chính quyền Taliban kiểm soát. Mát-xcơ-va cũng đẩy mạnh hợp tác thương mại với Myanmar và các nước châu Phi. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và UAE đã trở thành trung tâm hậu cần và thương mại lớn nhất của Nga. Tuy nhiên, cả hai nước này vốn kiếm tiền nhờ sự phụ thuộc của Xứ Sở Bạch Dương, nên rất chú ý đến việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt. Không dễ để các công ty Nga mở tài khoản ở Thổ Nhĩ Kỳ và UAE. Bởi vì các cơ quan quản lý và ngân hàng địa phương soi xét rất kỹ các giao dịch. Đây là lý do tại sao điện Kremlin ngừng từ chối tiền mặt trong ngoại thương, phát triển cơ chế thanh toán ngoại thương bằng tiền điện tử và thông qua trao đổi hàng hóa. Thậm chí còn tích hợp vào hệ thống thanh toán Hawala của Hồi giáo, vốn được công nhận là bất hợp pháp ở một số quốc gia.

Trong tương lai gần, địa chính trị sẽ tiếp tục quyết định hướng thương mại của Nga. Các chuỗi sản xuất mà nước này tham gia sẽ không dựa trên hiệu quả kinh tế mà dựa trên các ưu tiên chính trị. Kết quả là người tiêu dùng phải chịu chi phí tăng trong khi chất lượng giảm.

Chính sách hướng đông

Sự thay đổi quan trọng nhất là sự chuyển hướng triệt để của nền kinh tế Nga sang phương Đông. Nơi tình bạn với Trung Quốc biến thành sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng. Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, thương mại với Nga vào năm 2023 đã tăng gần 26,3% và đạt mức kỷ lục 240,11 tỷ USD. Cụ thể, đất nước tỷ dân xuất sang Nga lượng hàng hóa trị giá 110,97 tỷ USD, tăng 46,9% so với năm 2022. Trong khi xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc đạt 129,13 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2022. Như vậy, thặng dư thương mại giữa hai nước đã dần nghiêng về phía Trung Quốc. Nếu như năm 2022 Nga dương 38 tỷ USD thì đến năm 2023 con số này giảm hơn một nửa, đạt mức 18 tỷ USD.

Xét về giá trị, phần lớn hàng hóa Nga xuất sang Trung Quốc là dầu mỏ, khí đốt và than đá. Ngoài ra, Xứ Sở Bạch Dương cũng xuất sang hàng xóm các mặt hàng như đồng, gỗ và hải sản. Ngược lại, Trung Quốc xuất khẩu nhiều loại sản phẩm sang Nga như ô tô, điện thoại thông minh, thiết bị công nghiệp, đồ nội thất, linh kiện điện tử, máy tính, máy điều hòa không khí, đồ chơi, quần áo, giày dép. Trong đó, ô tô là một trong những mặt hàng quan trọng nhất với các thương hiệu phổ biến như Haval, Chery và Geely. Trong năm 2023, những nhà sản xuất Trung Quốc đã bán được 553.000 ô tô, chiếm 49% thị trường ô tô của Nga trong năm ngoái.

Trong bối cảnh bị các quốc gia phương Tây áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt, Xứ Sở Bạch Dương cố gắng thúc đẩy mối quan hệ với Trung Quốc. Với việc mất đi thị trường năng lượng phương Tây, điện Kremlin ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào doanh thu từ hoạt động xuất khẩu dầu sang đất nước tỷ dân.

Năm ngoái, Nga đã thay thế Ả Rập Saudi trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc. Họ còn giao sang đại lục số dầu thô kỷ lục hơn 107 triệu tấn, tương đương 2,14 triệu thùng một ngày, nhiều hơn gần 25% so với năm 2022. Tổng cộng, giá trị nhập khẩu dầu Nga của Trung Quốc trong năm 2023 đạt 60,6 tỷ đô, tương đương với mức giá trung bình khoảng 77 USD/thùng. Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã tìm đến Nga do giá rẻ hơn và tuyến đường vận chuyển tương đối ngắn. Trong khi đó, giá dầu của Ả Rập Saudi cao hơn và những bất đồng gần đây với các nhà xuất khẩu Iran đang tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đối với dầu Nga.

Tiến hành quân sự hóa

Đối với Nga, xung đột đã thúc đẩy kinh tế. Nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ để duy trì cuộc xung đột đã tăng đáng kể. Quân đội Nga cần nguồn cung cấp vật chất những thứ như vũ khí, đạn dược và băng cứu thương. Nhu cầu này đã làm tăng sản lượng từ một số ngành công nghiệp liên quan đến quân sự, bao gồm sản phẩm quang học và kim loại chế tạo đã tăng gấp đôi kể từ khi chiến sự Ukraina bùng nổ.

Tháng 12/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết, Nga đang sản xuất số lượng đạn dược gấp 17,5 lần, số lượng máy bay không người lái gấp 17 lần và số lượng xe tăng gấp 5,6 lần so với trước khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraina. Các quan chức phương Tây còn khẳng định, Nga cũng đã tăng cường sản xuất tên lửa và các loại vũ khí khác, sản lượng đạn pháo tăng từ 400.000 viên vào năm 2021 lên 600.000 viên vào năm 2025, nhiều hơn tổng sản lượng của Mỹ và EU.

Với việc mở rộng hoạt động sản xuất vũ khí, lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đã tạo ra 520.000 việc làm mới, nâng tổng số lao động trong ngành lên 3,5 triệu người, tương đương 2,5% dân số. Đồng thời, kỹ sư cơ khí và thợ hàn tại các nhà máy quốc phòng đang hưởng lương cao hơn nhiều so với quản lý văn phòng hay luật sư.

Có thể nói, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2023 được thúc đẩy nhờ chi tiêu nhà nước kỷ lục 346 tỷ USD, phần lớn trong số đó là dành cho quốc phòng. Sản lượng công nghiệp tăng 3,6%, sản xuất tăng trưởng ở mức 7,5%, sản xuất liên quan đến quân sự tăng trưởng ở mức hai con số. Năm 2024, chi tiêu dự báo sẽ tiếp tục tăng lên tới 395 tỷ đô, với 30% trong số đó sẽ dành cho lĩnh vực quốc phòng.

Với tư cách là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, Nga cũng có thể tự cung cấp cho quân đội đối với hầu hết các nhu cầu, kể cả một số loại vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, nước này cũng gặp phải một số vấn đề, đó là phụ thuộc vào công nghệ của phương Tây. Theo nguồn tin từ Ukraina cho hay, có 2.453 thành phần có nguồn gốc từ nước ngoài, chẳng hạn như vi mạch hoặc bóng bán dẫn, được tìm thấy trong nhiều UAV, tên lửa, hệ thống tác chiến điện tử và các vũ khí khác của Nga. Cụ thể trong năm 2023, nước này đã nhập khẩu số chip trị giá hơn 2 tỷ USD, mà chủ yếu có nguồn gốc từ Mỹ và châu Âu.

Nguy cơ cho nền kinh tế Nga

Sức mạnh kinh tế đã giúp duy trì sự ủng hộ của dân chúng đối với cuộc chiến của Nga tại Ukraina. Nhưng một số nhà kinh tế học cũng như giám đốc ngân hàng Trung ương của Nga cảnh báo rằng, chi tiêu cho chiến sự đang đe dọa đến sự ổn định tài chính của đất nước. Các chuyên gia chỉ ra điều đáng lo ngại là chính phủ đang bơm tiền vào nền kinh tế quá nhanh. Khi chiến sự Nga trở thành một cuộc chiến tiêu hao, Tổng thống Putin đã rót nguồn dự trữ tài chính lớn của đất nước vào việc mở rộng sản xuất quân sự, đồng thời tăng lương hưu, tiền lương và phúc lợi để nhận được sự ủng hộ của người dân. Tác động của chi tiêu công đặc biệt rõ rệt ở các vùng nghèo hơn ở ngoại vi của đất nước, nơi cung cấp phần lớn vũ khí và binh lính.

Bên cạnh đó, các khu vực giáp biên giới với Ukraina và bán đảo Crimea cũng được hưởng lợi về kinh tế ngay cả khi người dân phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Ukraina gần như hàng ngày. Đó là vì nơi đây nhận được các khoản đầu tư lớn vào các công sự quân sự cùng với sự xuất hiện của hàng chục nghìn quân nhân, khiến cho nhu cầu tăng vọt.

Bên cạnh đó, những người lính còn gửi tiền lương về nhà và số tiền này thường gấp nhiều lần thu nhập trung bình của địa phương. Còn gia đình của những người tử vong trên chiến trường được nhận tiền bồi thường, khoản này có thể vượt quá thu nhập hàng năm của họ. Qua đó, góp phần tăng chi tiêu tiêu dùng. Tất cả đã dẫn đến việc nhu cầu về mọi thứ gia tăng đột biến và góp phần đẩy lạm phát của Xứ Sở Bạch Dương lên tới 7,5%, gần gấp đôi mục tiêu mà ngân hàng Trung ương đề ra. Thậm chí giá một số thực phẩm và hàng tiêu dùng tăng hơn 20%.

Để ngăn chặn nền kinh tế phát triển quá nóng, ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản lên 16% vào tháng 7/2023, cao hơn gấp đôi so với tháng trước đó, nhằm kiềm chế giá tiêu dùng. Tuy nhiên, chính sách này sẽ khiến cho việc vay vốn trở nên đắt hơn, làm giảm khả năng chi tiêu và đầu tư của người dân cũng như doanh nghiệp, và như vậy có thể dẫn đến suy thoái.

Ngoài ra, sự phục hồi của kinh tế Nga cũng bị hạn chế bởi việc thiếu tới 5 triệu lao động. Đây là vấn đề nghiêm trọng mà Tổng thống Putin có rất ít cách để giải quyết. Ở thời điểm cuối năm 2023, số lượng lao động dưới 35 tuổi giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1990. Có hai nguyên nhân chính khiến lực lượng lao động của Nga bị thu hẹp. Đầu tiên là làn sóng di cư lớn nhất kể từ khi Liên bang Xô Viết tan rã. Thứ hai là cuộc xung đột đòi hỏi huy động nhiều người tới Ukraina. Kết quả là Xứ Sở Bạch Dương bị thiếu hụt nhân công trong nhiều ngành nghề, từ kỹ sư cơ khí, lập trình viên cho đến thợ hàn.

Nguồn nhân lực bị co hẹp khiến các doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt và buộc phải tăng lương mới giữ chân được nhân sự. Kéo theo đó là lợi nhuận sụt giảm và các kế hoạch đầu tư bị trì hoãn. Thực tế thì những lao động nhập cư vào Nga, đặc biệt là từ các nước láng giềng ở Trung Á, có thể bù đắp một phần. Tuy nhiên, số liệu cho thấy dù tổng lượng lao động nhập cư tăng nhưng số lượng lao động chất lượng cao bị sụt giảm. Ví dụ như trong lĩnh vực IT, tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động lên tới hơn 50%. Vì vậy, thời gian để tìm kiếm được một ứng viên phù hợp cũng tăng gần gấp đôi. Trong khi đó, những người di cư từ Trung Á cũng gặp nhiều vấn đề. Đầu tiên là các lệnh trừng phạt đã làm giảm khả năng gửi thu nhập về nước của họ. Thứ hai là một bộ phận Hồi giáo cực đoan tràn vào nước Nga, gây ra vụ đánh bom vào ngày 22/3/2024.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất đối với nền kinh tế nước này vẫn là chi phí cho cuộc chiến tại Ukraina. Vào cuối năm 2023, Tổng thống Putin đã phê duyệt ngân sách Liên Bang Nga, trong đó tăng đáng kể chi tiêu quân sự và sẽ có khoảng 30% ngân sách phân bổ cho các lực lượng vũ trang vào năm 2024. Cụ thể, điện Kremlin ước tính thu ngân sách liên bang dự kiến là 393,8 tỷ USD. Như vậy, chi tiêu quân sự sẽ lên đến 118 tỷ USD, mức chi này cũng tương đương 6% GDP, đạt tỷ trọng cao nhất trong nền kinh tế kể từ khi Liên Xô tan rã.

Có thể thấy Tổng thống Putin đang chuyển hướng nhiều nguồn lực hơn nữa cho cuộc chiến ở Ukraina. Điều này sẽ làm GDP tăng vọt do việc sản xuất một lượng lớn vũ khí. Thế nhưng, đạn pháo hay tên lửa không hề phục vụ cho cuộc sống của người dân mà được sử dụng để bắn vào lãnh thổ đối phương. Vì vậy, việc GDP của Nga tăng lên khi chiến sự lan rộng là một điều hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, về lâu dài, nền kinh tế của Xứ Sở Bạch Dương sẽ phải hứng chịu những hậu quả dài hạn như thiếu hụt lao động, thu nhỏ thị trường xuất khẩu và bị phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thương mại giữa hai nước đạt mức kỷ lục 240,11 tỷ USD vào năm 2023, tăng gần 26,3% so với năm 2022. Một phần rất lớn trong số đó đến từ hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc. Tuy nhiên, theo báo cáo triển vọng kinh tế năm 2026 được nộp lên Thủ tướng Mikhail Mishustin hồi tháng 9/2023, giá khí đốt trung bình bán cho Trung Quốc năm 2024 là 271 USD/ 1000 mét khối, chỉ bằng một nửa so với mức Nga từng bán cho Châu Âu.

Thế nhưng, Bắc Kinh dường như đang mặc cả quyết liệt về giá khí đốt trong dự án Power of Siberia 2, nối các mỏ khí đốt ở miền tây Siberia với thị trường Trung Quốc. Đây là dự án mà Mát-xcơ-va kỳ vọng sẽ giúp bù đắp nguồn thu mất đi từ thị trường Châu Âu sau khi Nga tấn công Ukraina. Điều này có thể thấy rõ ràng, khi hãng khí đốt quốc doanh khổng lồ Gazprom lỗ ròng tới 6,9 tỷ USD trong năm 2023, lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ. Nhưng trong tháng 3 năm nay, xuất khẩu từ đại lục sang Nga đã giảm tới 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đó là vì Mỹ đã đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với những nước ủng hộ việc phá vỡ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, đặc biệt là Trung Quốc.

Vì vậy, các ngân hàng của đại lục đang áp đặt các hạn chế đối với thanh toán chuyển khoản của Nga, làm giảm giá trị của các giao dịch xuất nhập khẩu. Nó không chỉ gây hại lớn cho nền kinh tế của Xứ Sở Bạch Dương mà còn tác động trực tiếp đến tình hình chiến trường. Nếu mất đi nguồn cung ứng chip, Nga sẽ khó mà sản xuất được số lượng lớn vũ khí hiện đại, từ đó giúp cho Ukraina có thêm lợi thế.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Liên bang Nga sụp đổ?

Bên trong Liên bang Nga có 22 nước cộng hòa vốn được tạo ra từ thời Liên Xô dành cho các dân tộc thiểu số. Trong quá khứ, phong trào đòi độc lập của các nước cộng hòa đã từng đe dọa đến sự tồn tại của Liên bang Nga. Nếu cuộc chiến ở Ukraina thất bại, những làn sóng ly khai đó sẽ quay trở lại và một lần nữa khiến cho xứ Bạch Dương đứng trước nguy cơ tan rã.

Đầu tiên phải kể đến Chechnya, khu vực vẫn luôn đòi ly khai từ khi bị sáp nhập vào đế quốc Nga vào giữa thế kỷ XIX. Sau đó, khi Liên Xô đang đứng trước nguy cơ tan rã vào năm 1991, những người Chechnya theo Hồi giáo tiếp tục đòi ly khai. Lo sợ làn sóng ly khai lan rộng, chính quyền Mát-xcơ-va nhất quyết không công nhận sự độc lập của Cộng hòa Chechnya Ichkeria.

Vào năm 1994, Nga động binh ở khu vực Bắc Kavkaz, tuy nhiên họ phải rút khỏi đây sau hai năm chiến đấu. Tới năm 1999, người Chechnya tấn công Dagestan để ủng hộ lực lượng ly khai. Lần này, quân Nga đã đè bẹp quân nổi dậy, đồng thời đưa Chechnya trở thành một nước cộng hòa thuộc Nga.

Khu vực thứ hai đòi ly khai có thể là Dagestan. Đây cũng là một nước cộng hòa nằm ở phía bắc dãy Kavkaz. Cùng với đó là Ingushetia, nơi có đến 96% dân số theo Hồi giáo. Trước đây, hai khu vực này cùng với Chechnya từng tuyên bố độc lập khỏi đế quốc Nga vào năm 1917 và hợp nhất để trở thành Cộng hòa miền núi Bắc Kavkaz. Nếu như ba nước cộng hòa này giành được độc lập, làn sóng ly khai sẽ lan rộng khắp khu vực phía nam nước Nga. Trong đó không thể bỏ qua Bắc Ossetia, Kabardino-Balkaria và Karachay-Cherkess, đặc biệt là Bắc Ossetia có thể thống nhất với Nam Ossetia để trở thành một quốc gia duy nhất.

Ngoài ra, ở đây còn có Kalmykia, nước cộng hòa nằm ở phía đông biển Caspi thuộc miền Nam nước Nga. Họ có nguồn gốc từ thảo nguyên Mông Cổ và đa phần là tín đồ của Phật giáo Tây Tạng. Vì vậy, Cộng hòa Kalmykia là lãnh thổ duy nhất ở châu Âu mà Phật giáo là tôn giáo chiếm đa số.

Cũng liên quan đến Mông Cổ đó là Cộng hòa Tuva nằm ở phía nam Siberia. Trong quá khứ, nước cộng hòa này từng là một phần của Ngoại Mông và hiện tại có đường biên giới dài 1305 km với Mông Cổ. Trong khi đó, Cộng hòa Buryatia có mối liên hệ mật thiết hơn với những người láng giềng phía nam khi người Buryatia là một phân nhóm của người Mông Cổ. Tuy nhiên, ở nước cộng hòa này, người bản địa chỉ chiếm 32,5% dân số, còn người Nga chiếm 64% và 3,5% là các sắc tộc khác. Khu vực Nam Siberia còn có nước Cộng hòa Altai với người bản địa chiếm 37% dân số, người Nga chiếm 53,7%, còn lại là các sắc tộc khác. Tương tự như vậy, nhiều nước cộng hòa khác cũng có đa số là người Nga nhưng lại không có đường biên giới quốc tế với các quốc gia khác nên việc ly khai là cực kỳ khó khăn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới