Tuần qua, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có bài phát biểu quan trọng về chính sách kinh tế để vận động tranh cử trước đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump.
Giữa bối cảnh tình hình kinh tế vẫn có nhiều khó khăn và giá cả đã tăng cao, thì vấn đề kinh tế sẽ đóng vai trò quan trọng đối với cử tri khi ra quyết định bỏ phiếu cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay.
Theo tờ The New York Times, thông qua việc công bố chính sách, cả hai ứng cử viên đều ủng hộ việc mở rộng quyền lực của chính phủ để định hướng kết quả kinh tế, nhưng cách thức thực thi và mục tiêu nhắm tới của hai người lại rất khác nhau.
Lá bài của bà Harris
Vấn đề nhà ở trở thành lá bài then chốt của bà Harris để thu hút sự ủng hộ. Cụ thể, bà cam kết hỗ trợ trả trước lên tới 25.000 USD cho mỗi người mua nhà lần đầu trong vòng 4 năm, đồng thời chuyển 40 tỉ USD hỗ trợ các công ty chuyên xây dựng nhà ở để hỗ trợ cho những hộ gia đình mua căn nhà đầu tiên. Bên cạnh đó, Phó tổng thống Harris cho biết sẽ khôi phục vĩnh viễn khoản tín dụng hỗ trợ trẻ em mà Tổng thống Joe Biden đã ban hành tạm thời cùng với luật kích thích kinh tế năm 2021. Bà Harris cũng hứa cung cấp nhiều hỗ trợ hơn nữa cho các bậc cha mẹ có con mới sinh.
Đặc biệt, Phó tổng thống Mỹ kêu gọi ban hành một lệnh cấm liên bang đối với việc doanh nghiệp tăng giá hàng tạp hóa, chính phủ liên bang cũng sẽ đưa ra các công cụ mới để trừng phạt các công ty đẩy giá thực phẩm lên cao một cách không công bằng. “Kế hoạch của tôi sẽ bao gồm các hình phạt mới đối với các công ty cơ hội lợi dụng khủng hoảng và vi phạm các quy tắc”, bà Harris nhấn mạnh đồng thời hứa hẹn: “Chúng tôi sẽ giúp ngành thực phẩm trở nên cạnh tranh hơn”.
Tuy nhiên, tờ The Washington Post nhận xét rằng bà Harris đã không sòng phẳng về vấn đề giá cả tăng cao khi đổ lỗi cho doanh nghiệp. Liên quan vấn đề này, CNN chỉ ra rằng tuy từ năm 2022 thì tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã giảm, nhưng so với thời ông Trump thì mức giá cả trung bình hiện vẫn cao hơn khoảng 20%.
Bên cạnh đó, Ủy ban Ngân sách liên bang Mỹ dự báo những chính sách của bà Harris có thể khiến thâm hụt ngân sách nước này tăng thêm 1.700 tỉ USD trong 10 năm tiếp theo.
Chiến lược của ông Trump
“Lời chào hàng” của cựu Tổng thống Trump về chính sách kinh tế để thuyết phục cử tri được nhận xét có vẻ đơn giản hơn đối thủ. Ông tái khẳng định khi làm chủ nhân Nhà Trắng lúc trước “đã làm cho nước Mỹ trở nên giàu có” và ông ấy sẽ làm điều đó một lần nữa. Ông cũng đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Joe Biden cùng với người phó Harris đã làm cho lạm phát gia tăng.
“Tôi đã mang đến cho Harris và Biden một phép màu kinh tế, và họ nhanh chóng biến nó thành cơn ác mộng kinh tế”, ông Trump đổ lỗi cho chính quyền đương nhiệm khi phát biểu hồi tuần qua.
Tuy nhiên, giống như bà Harris, ông Trump đưa ra một loạt cam kết về cách thức sử dụng quyền lực của chính phủ để can thiệp vào thị trường và hỗ trợ người tiêu dùng. Vị cựu tổng thống Mỹ cho biết nếu đắc cử thì ngay trong 100 ngày đầu tiên tại nhiệm, ông sẽ chỉ đạo chính phủ giảm chi phí bảo hiểm ô tô, đồng thời thúc đẩy để giảm giá năng lượng xuống còn một nửa so với hiện nay.
Ông Trump cũng đưa ra lời hứa áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu, buộc nhiều công ty phải chuyển dịch để sản xuất tại Mỹ. Mức tăng thuế được ông cho biết có thể lên đến 20%. Nhưng điều này cũng đặt ra vấn đề là việc tăng thuế như vừa nêu có thể khiến giá cả hàng hóa tăng cao, khiến cho chính người Mỹ phải chi trả khoản thuế đó.
Ngược lại, ông cam kết tiếp tục cắt giảm thuế, bao gồm việc gia hạn cắt giảm thuế cho các đối tượng mà ông đã ký trong cuộc cải cách thuế năm 2017 và loại bỏ thuế thu nhập liên bang đối với phúc lợi an sinh xã hội và thu nhập tiền boa. Ông cũng hứa sẽ hủy bỏ các quy định liên bang về kinh doanh, bao gồm các quy định về môi trường và hạn chế khoan dầu trên một số vùng đất công. Tuy nhiên, một phân tích dựa trên các báo cáo từ Ủy ban Ngân sách liên bang Mỹ dự báo việc cắt giảm thuế của ông Trump có thể khiến ngân sách nước này thâm hụt thêm 7.000 tỉ USD trong 10 năm.
T.H