Thursday, November 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVũ khí TQ được xuất khẩu đến đâu

Vũ khí TQ được xuất khẩu đến đâu

Tên lửa phòng không Trung Quốc khó vào được Trung Đông

Tháng 2/2024, Ả Rập Saudi đã ký hợp đồng với Hàn Quốc để mua 10 bộ tên lửa phòng không Thiên Cung II của Hàn Quốc với tầm bắn tối đa 50km. Ả Rập Saudi đã triển khai một số lượng lớn hệ thống phòng không Patriot của Mỹ và mua sắm hệ thống tên lửa phòng không Thiên Cung II của Hàn Quốc. Hệ thống này sẽ hình thành các cấu hình không phận khác nhau.

Người ta cho rằng hệ thống tên lửa phòng không LY-70 của Trung Quốc cũng tham gia cạnh tranh nhưng lại gặp phải thất bại. Tên lửa LY-70 tuyên bố có tầm đánh chặn 40km và được sử dụng cho phòng không dã chiến. Đây cũng là mẫu xuất khẩu do Trung Quốc phát triển. Quân đội Trung Quốc chủ yếu được trang bị tên lửa phòng không tầm ngắn Hồng Kỳ-16 với tầm bắn 40 km. Tầm bắn của tên lửa Hồng Kỳ-16B/C đã được tăng lên 70km. Mẫu xuất khẩu là tên lửa LY-80. Lực lượng không quân Trung Quốc được trang bị tên lửa S-300 tầm trung và tầm xa, tên lửa Hồng Kỳ-9 mô phỏng tên lửa S-300, còn có các phiên bản cấp thấp của tên lửa Hồng Kỳ-22 và Hồng Kỳ-12.

Trong số các quốc gia ở Trung Đông, Israel sở hữu hệ thống phòng không riêng. Tất cả các đồng minh của Mỹ đều đã triển khai hệ thống phòng không Patriot. Iran và Syria đã triển khai hệ thống phòng không S-300 của Nga. Điều này khiến các hệ thống phòng không của Trung Quốc khó lòng chen chân được.

Khách hàng nước ngoài sử dụng tên lửa phòng không Trung Quốc nhiều nhất là Pakistan gồm có tên lửa Hồng Kỳ-7, Hồng Kỳ-9 và Hồng Kỳ-16. Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về việc cung cấp tên lửa phòng không Hồng Kỳ-22 cho Serbia, nhưng trên thực tế là chỉ có 4 bộ, ngoài ra Thái Lan cũng đã mua 3 bộ. Dựa trên tên lửa tầm ngắn Hồng Kỳ-12 ban đầu, Trung Quốc đã phát triển tên lửa Hồng Kỳ-22 chi phí thấp qua việc tham khảo tên lửa S-300.

Tên lửa Hồng Kỳ-9 của Trung Quốc là nhái theo tên lửa S-300, là lực lượng chính của các hệ thống phòng không trên đất liền và trên biển nhưng về cơ bản là nó không có kỷ lục về doanh số xuất khẩu. Vào ngày 18/4 vừa qua, Israel đã tiến hành một cuộc không kích hạn chế nhằm vào Iran và cố tình phá hủy radar của hệ thống phòng không S-300. Điều này khiến tên lửa Hồng Kỳ-9 của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp thị ra thế giới bên ngoài.

Trung Quốc từng nói về việc bán tên lửa tầm trung cho Ả Rập Saudi. Ả Rập Saudi có lực lượng tên lửa chiến lược bí mật và đã cân nhắc phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó với mối đe dọa từ Iran. Nhưng Mỹ và phương Tây sẽ không bán tên lửa cho Ả Rập Saudi. Do đó, Ả Rập Saudi chỉ có thể ký hợp đồng với Trung Quốc vào năm 1987 và mua 36 bộ tên lửa Đông Phong-3. Mặc dù công nghệ Đông Phong-3 lạc hậu và sai số chính xác lên tới 1000m – 4000m, nhưng Ả Rập Saudi không còn lựa chọn nào khác, mối đe dọa từ Iran lại đang cấp bách, Ả Rập Saudi cần khẩn trương thể hiện khả năng răn đe.

Tên lửa Đông Phong-3 có tuổi thọ hạn chế. Sau khi hết tuổi thọ, Ả Rập Saudi vẫn không nhận được tên lửa từ Mỹ và NATO nên phải mua thêm tên lửa Đông Phong-21 từ Trung Quốc nhưng số lượng cụ thể không được công bố. Đây được coi là đợt xuất khẩu vũ khí tầm trung và tầm cao hiếm hoi của Trung Quốc.

Vũ khí của Trung Quốc chủ yếu nhắm vào thị trường cấp thấp

Bất chấp các tuyên bố rất kêu của Trung Quốc, các chuyên gia nghi ngờ về chất lượng của các loại vũ khí Trung Quốc khi thị phần xuất khẩu vũ khí của nước này trên thị trường toàn cầu giảm. Bên cạnh những chi phí ẩn, gồm cả những chi phí chính trị, vũ khí Trung Quốc dường như đang mất đi sức hút khi phần lớn chúng chưa được thử nghiệm trong thực chiến, không như những hệ thống của phương Tây vốn đã được chứng minh giá trị trên chiến trường.

Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Trung Quốc là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư trên thế giới sau Mỹ, Nga và Pháp. Cách đây không lâu, Trung Quốc mang về tầm 3 tỷ USD – 4 tỷ USD mỗi năm từ việc xuất khẩu vũ khí, thế nhưng mà con số này đang giảm dần.

Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm có một hệ thống đo lường xuất khẩu vũ khí duy nhất theo nghĩa TIV (giá trị chỉ báo xu hướng) vốn không trực tiếp đo lường giá trị tài chính của một thương vụ vũ khí bằng một đơn vị tiền tệ cụ thể mà thay vào đó là cho phép so sánh giữa các quốc gia với nhau và theo dòng thời gian. Mỹ được cho là đã xuất khẩu 105 tỷ TIV vũ khí từ năm 2010 – 2020, gấp sáu lần Trung Quốc. Còn Nga đã xuất khẩu khoảng 70,5 tỷ TIV, gấp bốn lần Trung Quốc.

Vũ khí Trung Quốc chảy về đâu?

Những khách hàng chính của Trung Quốc trong lĩnh vực này có thể kể đến Myanmar, Iraq, Pakistan, Ả Rập Saudi và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Điều đó làm mất cân đối thị trường khi khách hàng và cũng là thị phần lớn nhất của Trung Quốc – chiếm gần 80% đến từ một số quốc gia thuộc châu Á. Bên cạnh 17% chảy vào châu Phi, 3% còn lại được bán cho các khu vực khác trên thế giới. Trong số 80% doanh số bán vũ khí thông thường của Trung Quốc từ năm 2010, có tới 63,4% là đến từ Pakistan, Bangladesh và Myanmar.

Pakistan là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Trung Quốc từ năm 2010, doanh số bán vũ khí cho Pakistan trung bình đạt 586,9 triệu TIV mỗi năm. Những điều này bao gồm hợp tác trong sản xuất máy bay JF-17 và tàu hộ vệ Type 054A/P. Từ năm 2010 – 2020, Trung Quốc đã cung cấp 2,6 tỷ TIV vũ khí cho Bangladesh, chiếm 73,6% mua sắm vũ khí từ nước ngoài của quốc gia này trong giai đoạn đó. Điều này khiến Trung Quốc trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Bangladesh.

Trung Quốc đã hỗ trợ các hoạt động mua sắm này thông qua các khoản cho vay hào phóng và giá cả cạnh tranh, bao gồm cả chiết khấu. Năm 2013, Trung Quốc chuyển giao hai tàu ngầm lớp Ming Type 035G đã qua sử dụng cho Bangladesh với chỉ hơn 100 triệu đô mỗi chiếc. Từ năm 2006, Trung Quốc còn cung cấp cho Bangladesh lượng lớn vũ khí cỡ nhỏ, tổng cộng hơn 16.000 súng trường và 4100 súng lục. Myanmar cũng là thị trường lớn thứ ba của xuất khẩu vũ khí Trung Quốc tại châu Á. Từ năm 2013, Myanmar đã nhập khẩu 970 triệu TIV vũ khí thông thường từ Trung Quốc, chẳng hạn như 17 tiêm kích JF-17, 12 UAV Rainbow, 2 máy bay vận tải Y-8, 2 tàu hộ vệ Type-43 và 76 xe bọc thép Type-92.

Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc chiếm thị phần nhỏ trên thị trường toàn cầu, chỉ khoảng 5%, bắt đầu giảm mạnh trong những năm gần đây. Chất lượng vũ khí do Nga sản xuất cũng đã bị lộ tẩy trong thực chiến, khiến việc xuất khẩu gặp phải trở ngại lớn. Các loại vũ khí do Nga sản xuất mà Trung Quốc bắt chước lâu nay cũng bắt đầu gặp phải khó khăn. Vũ khí của Trung Quốc khó có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ, Châu Âu và Nga, chỉ có thể chen chân vào một số thị trường bị các nước này bỏ trống. Theo thống kê, 74% vũ khí mà Trung Quốc xuất khẩu là cho những khách hàng ở Châu Á và 21% đến các nước Châu Phi cũng như một số quốc gia Mỹ Latinh như Venezuela.

Pakistan là thị trường xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Trung Quốc, Trung Quốc đã cung cấp nhiều khoản vay khác nhau. Mặc dù vậy, Pakistan đã không chấp nhận mọi thứ theo yêu cầu. Các máy bay chiến đấu JF-17 cuối cùng do Trung Quốc và Pakistan cùng sản xuất, Trung Quốc đã ra sức bán tháo tiêm kích J-10 và cung cấp các khoản cho vay, nhưng Pakistan cũng chỉ mua 20 chiếc mà thôi.

Bangladesh là thị trường lớn thứ hai của vũ khí Trung Quốc ở Châu Á, và Trung Quốc cũng đã cung cấp các khoản cho vay cho nước này. Bangladesh đã mua 2 tàu ngầm Type 035G vốn đã qua sử dụng đã bị Trung Quốc loại bỏ, cũng như là một lượng lớn vũ khí cỡ nhỏ. Myanmar là thị trường lớn thứ ba của vũ khí Trung Quốc tại Châu Á. Các quốc gia này mua vũ khí từ Bắc Kinh, nhiều khoản thanh toán không minh bạch, tạo ra nhiều cơ hội tham nhũng cho các chính trị gia và những người phụ trách. Những vũ khí này hiếm khi được sử dụng thật sự, thiếu thử nghiệm chiến đấu thực tế, và dù chất lượng của chúng có kém đến đâu, cũng không ai quan tâm.

Vũ khí bản sao của Trung Quốc có chất lượng thấp

Mặc dù tích lũy được nhiều vũ khí hiện đại hơn trong những năm gần đây. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn có một lượng lớn thiết bị cũ kỹ và lỗi thời, vốn sử dụng công nghệ từ thời Liên Xô. Ngay cả một số hệ thống vũ khí hiện đại của Trung Quốc cũng dựa trên việc tái cấu trúc các sản phẩm của những đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi nhiều người cho rằng quân đội Trung Quốc được xây dựng bằng vũ khí nhân bản. Bắc Kinh bắt chước một lượng lớn vũ khí của Nga, đồng thời cũng bắt chước và đánh cắp công nghệ vũ khí của Mỹ và phương Tây. Nhiều loại máy bay không người lái của Trung Quốc gần như là bản sao của máy bay không người lái của quân đội Hoa Kỳ.

Cách tiếp cận này cho phép Trung Quốc duy trì khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới, đồng thời còn tiết kiệm được thời gian và tiền bạc vốn sẽ dùng để phát triển các sản phẩm của riêng nước này. Trung Quốc có các phiên bản tiêm kích rất giống các tiêm kích hiện đại của Mỹ như là F-35 hay là X-47B của Northrop Grumman. Trong đó, tiêm kích Sơn Dương J-31, tức là FC-31, giống hệt F-35.

Một số công nghệ được sử dụng trong thiết kế được cho là có được thông qua chiến dịch gián điệp mạnh mẽ của Trung Quốc. Giới chức quốc phòng Mỹ còn nghi ngờ rằng, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ kỹ thuật có giá trị bằng cách tiến hành các thỏa thuận bí mật với các đồng minh của Mỹ, những nước mà đã mua vũ khí của Mỹ. Đây được cho là lý do khiến Mỹ quyết định không bán tiêm kích tàng hình F-22 Raptor.

Trong trò chơi nhân bản này, Trung Quốc cũng không chừa Nga ra. Sau khi Liên Xô tan giã, Nga cần tiền và tổ chức bán tiêm kích tiên tiến Su-27. Giới phân tích cho biết, Trung Quốc đã mua 24 tiêm kích loại này và sau đó đàm phán để xin giấy phép lắp ráp thêm máy bay trong nước, sử dụng các linh kiện nhập khẩu từ Nga. Trong vòng vài năm, Trung Quốc tuyên bố tiêm kích Su-27 không còn đáp ứng được nhu cầu của nước này và đã hủy hợp đồng, trước sự giận dữ của người Nga. Trung Quốc sớm trình làng tiêm kích J-11B được chế tạo và trang bị trong nước, mẫu này thì trông giống hệt như là Su-27 vậy.

Nói cách khác, khi Nga sử dụng tiền của Trung Quốc từ việc bán vũ khí để phát triển công nghệ mới, Trung Quốc đã đi trước bằng cách đánh cắp công nghệ của Nga. Trung Quốc đã tái cấu trúc các vũ khí Nga để chế tạo thành những phiên bản của chính nước này. Dù vậy, những vũ khí nhân bản có hiệu quả như những vũ khí thực thụ hay không? Trung Quốc nhìn nhận rằng thế giới cần có một thị trường lớn hơn cho máy bay không người lái giá rẻ, và cũng đã nhận được một số đơn đặt hàng từ Myanmar, Iraq, Pakistan, Ả Rập Saudi…

Tuy nhiên, không quân Jordan từng liệt kê 6 máy bay không người lái Rainbow 4B mua từ Trung Quốc để bán lại vì tính năng và chất lượng của chúng quá kém. Trong số 20 chiếc máy bay không người lái Rainbow 4B mà Iraq mua được, có 8 chiếc đã bị rơi, số còn lại thiếu phụ tùng thay thế và phải ngừng hoạt động. Ngoại hình của máy bay không người lái Rainbow 4B cũng tương tự như máy bay không người lái MQ-1 của quân đội Mỹ. Về sau, lại phải sao chép từ máy bay không người lái MQ-9 của Hoa Kỳ. Chất lượng vũ khí của Trung Quốc thấp và những bí mật cuối cùng sẽ bị bại lộ trong các hoạt động hàng ngày và trong thực chiến. Do đó, nó thường được thế giới bên ngoài gọi là “mua bán một lần”.

Thái Lan từng mua xe tăng Type 69 của Trung Quốc nhưng bị phát hiện các vết hàn lởm chởm, chất lượng thép có vấn đề, động cơ bốc khói phun nhiên liệu ra bên ngoài, hệ thống điều khiển hỏa lực và pháo binh không được lắp đặt chắc chắn, lắc lư qua lại. Khi các phóng viên phương Tây đến thăm nhà sản xuất máy bay chiến đấu của Trung Quốc, họ phát hiện ra rằng các khớp nối và đinh tán được chế tạo kém và buồng lái không được bịt kín. Nigeria từng mua 15 máy bay chiến đấu F-7 do Trung Quốc nhái từ tiêm kích phản lực MiG-21. Một số chiếc bị hư hỏng do tai nạn, số còn lại được gửi về Trung Quốc để sửa chữa toàn diện. Các máy bay chiến đấu JF-17 được Myanmar mua có độ chính xác radar kém, thiếu khả năng chiến đấu ngoài tầm nhìn, còn có vết nứt trên thân, cuối cùng bị buộc phải hạ cánh.

Trung Quốc cũng đã bàn giao hai tàu ngầm đã qua sử dụng cho Bangladesh, nhưng cuối cùng thì chúng không thể sử dụng được. Kenya đã mua xe bọc thép chở quân của Trung Quốc, nhưng phát hiện là trong xe không có thiết bị bảo vệ binh lính. Tên lửa hành trình chống hạm C-705 được Trung Quốc xuất khẩu sang Indonesia đã không bắn trúng mục tiêu trong cuộc tập trận. Pakistan từng mua 4 khinh hạm F-22P của Trung Quốc, nhưng động cơ, hệ thống phòng không và radar đều gặp trục trặc, tên lửa phòng không không thể khóa mục tiêu do lỗi cảm biến. Trung Quốc và Pakistan đã thảo luận về việc cùng phát triển xe tăng và thử nghiệm lựu pháo của Trung Quốc, thế nhưng mà khó đạt tiêu chuẩn.

Tên lửa chống hạm C-802 của Trung Quốc xuất khẩu cũng là một biến thể của tên lửa chống hạm YJ-83. Nhóm vũ trang Houthi ở Yemen đã nhiều lần sử dụng chúng ở Biển Đỏ. Nhiều chiếc đã rơi xuống biển, số còn lại về cơ bản đã bị quân đội Mỹ và lực lượng liên quân đánh chặn.

Sau khi Trung Quốc xuất khẩu vũ khí có vấn đề về chất lượng, họ thường chối bay chối biến và không cung cấp dịch vụ hậu mãi. Một số quốc gia đã phải tự mình giải quyết vấn đề. Algeria đã mua tàu hộ tống của Trung Quốc và sau đó chuyển sang sử dụng thiết bị radar và thông tin liên lạc của Pháp. Thái Lan đã mua một tàu khu trục của Trung Quốc và sau đó phải giao cho một công ty Thụy Điển để nâng cấp hệ thống này. Máy bay chiến đấu JF-17 của Pakistan luôn sử dụng động cơ do Nga sản xuất và ghế phóng do Anh sản xuất.

Các loại vũ khí chiến đấu chủ lực mà Trung Quốc từng quảng bá rầm rộ như máy bay J-16, J-20, tàu khu trục Type 052D và 055 đều không có hồ sơ xuất khẩu. Những vũ khí này có thể không có sẵn, ngay cả khi giá cả thấp, nó cũng khó có sức cạnh tranh. Trung Quốc có thể còn lo lắng rằng một khi những vũ khí này được đưa ra thì cũng như vạch áo cho người xem lưng và bị Hoa Kỳ nắm thóp.

Hiện tại, vũ khí của Trung Quốc chỉ có thể “khua chiêng gióng trống” để giành được một số thị trường cấp thấp mà Mỹ, châu Âu và Nga đã bỏ qua. Hơn nữa, còn phải cung cấp các khoản cho vay và các khoản hối lộ. Có điều, hiện tại Trung Quốc đang thiếu tiền và họ không thể giải tiền rầm rộ như trước nữa. Dự kiến việc Trung Quốc giảm xuất khẩu vũ khí, mất đơn hàng hoặc thua thầu sẽ là chuyện bình thường như cơm bữa trong thời gian tới.

Vấn đề lớn nhất với tất cả các loại vũ khí của Trung Quốc, kể cả những bản sao của thiết bị phương Tây, chúng vẫn chưa được thử nghiệm trong chiến đấu, không thể biết là chúng sẽ hoạt động như thế nào. Vì vậy, trong khi chúng rẻ hơn nhiều so với các loại vũ khí phương Tây, có thể hiểu được là nhiều quốc gia miễn cưỡng chấp nhận rủi ro mua các sản phẩm chưa vượt qua thử nghiệm chiến đấu cuối cùng. Đó là lý do vì sao vũ khí Trung Quốc rẻ hơn vũ khí phương Tây nhưng bị thất sủng cũng rất nhanh.

Cái gọi là cường quốc “thật” của Trung Quốc thật ra có một cách chính xác hơn là “vua đồ fake” thiết bị quân sự. Theo chuyên gia West Ham, nhiều vũ khí Trung Quốc hoạt động kém hơn đáng kể so với các vũ khí phương Tây và xu hướng không thể đảo ngược các nước ngày càng chuộng vũ khí Mỹ hơn là vũ khí Trung Quốc. Sự thật là dù những gì giả dối có thể được tuyên truyền thổi phồng, nhưng rốt cuộc cuối cùng nó sẽ bộc lộ bản chất lừa lọc không thể che giấu.

Trong tương lai, nếu như thế giới phải chứng kiến một trận hải chiến thì chắc chắn đó phải là cuộc chiến kinh thiên động địa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cả hai đang sở hữu những hạm đội mạnh mẽ và đầy tham vọng. Trung Quốc đang nổi lên như một kẻ thách thức đáng gờm ở Tây Thái Bình Dương, nhưng với sự tự tôn của mình thì Hoa Kỳ sẽ không cho phép điều đó xảy ra. Điều gì sẽ xảy ra nếu như trận hải chiến này nổ ra?

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới