Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Cho và nhận” hay là sự bế tắc trong đàm phán?

“Cho và nhận” hay là sự bế tắc trong đàm phán?

Bắt đầu từ cuộc xung đột Hamas – Israel, kể tháng 10/2023 đến nay, không những cuộc chiến ngày càng căng thẳng mà còn có nguy cơ lan rộng khắp Trung Đông. Mọi cố gắng đàm phán, kể cả trực tiếp và gián tiếp đều sa vào bế tắc.

Chừng nào Israel và Hamas còn chưa tìm được lời giải cho kết thúc chiến tranh thì sinh mạng những người dân vô tội trên dải Gaza, người dân Israel cũng như các nước liên quan như Iran, Liban còn tiếp tục bị đe dọa.

Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lạc quan nói rằng: “Thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi giữa Israel và Hamas đã gần hơn bao giờ hết”, thì trên thực tế hoàn toàn ngược lại. Nghĩa là nó còn… xa lắm. Và những cuộc tấn công trả đũa giữa các bên liên quan vẫn nóng lên từng ngày, sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran (Iran) ngày 31/7 vừa qua.

Trong cuộc họp nội các hằng tuần tại Jerusalem ngày 18/8, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, Israel vẫn giữ nguyên các yêu cầu trong đàm phán về ngừng bắn tại dải Gaza. Ông nói rằng: “Israel đàm phán theo nguyên tắc “cho và nhận”, có những lĩnh vực Israel có thể linh hoạt, nhưng có những lĩnh vực không thể nhượng bộ”.

“Cho và nhận”, “linh hoạt”, là những cụm từ mập mờ, là thái độ lưỡng lự khi thấy rằng cuộc chiến chưa thể dừng lại. Bởi vì phía Israel nhận định: Những nỗ lực ngoại giao trong thời gian qua, với hàng chục vòng đàm phán gián tiếp giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở dải Gaza, chẳng khác nào chàng lực sĩ “nằm ngửa đấm với”. Nó không đi đến thỏa thuận chính thức nào kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn ngắn ngủi sụp đổ vào cuối năm 2023.

Cụ thể, vòng đàm phán trong hai ngày tại Doha (Qatar) kết thúc vào ngày 16/8 vừa qua, do Qatar và Ai Cập cùng với Mỹ làm trung gian, lại thêm một minh chứng cho sự bất lực. Và rồi các sứ giả hòa bình lại hẹn nhau ở vòng đàm phán tiếp theo, dự kiến vào cuối tuần này tại thủ đô Cairo của Ai Cập.

Trong khi Jezusalem lấp lửng chuyện “cho và nhận”, thì Hamas cho rằng, đối phương đang tìm cách trì hoãn và kéo dài cuộc xung đột. Hamas kêu gọi các bên trung gian hòa giải đưa ra một kế hoạch cụ thể, thiết thực, để thực hiện các đề xuất trước đó, nhưng đã bị làm ngơ. Hamas nhận định: Tel Aviv đang sử dụng chiến lược “câu giờ” và kéo dài cuộc xung đột ở Gaza. Dề xuất mới nhất được đưa ra trong các cuộc đàm phán chỉ phù hợp với các điều kiện của Israel. Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ chối lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và bất kỳ hoạt động rút quân nào khỏi Gaza là thái độ không thể chấp nhận! Ngoài ra, Hamas cũng bày tỏ không tán thành các điều kiện mới mà nhà lãnh đạo Israel áp đặt đối với các cuộc đàm phán trao đổi tù nhân.

Có mặt tại điểm nóng hôm 18/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đề xuất, cần “thu hẹp bất đồng giữa Israel và Hamas”. Đương nhiên đây cũng chỉ là một lời đề nghị của quốc gia đồng minh với Israel. Ông Blinken đã 9 lần công du tới Trung Đông trong 10 tháng qua, nhưng bản thân ông cũng chưa thể tìm ra phương thuốc nào hữu hiệu cho vùng đất như quả bom khổng lồ chờ phát nổ. Ngày 20/8, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tiếp tục đến Ai Cập mang theo “sứ mệnh cao cả”.

Bất chấp những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ trong thời gian vừa qua, hàng chục vòng đàm phán gián tiếp giữa Hamas và Israel đã rơi vào vòng xoáy bạo lực. Thật đáng tiếc, vụ ám sát nhà lãnh đạo chính trị và đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán của Hamas, ông Ismail Haniyeh, đã khiến cho việc đàm phán càng bế tắc.

Liệu Hamas và Jezuslem có thật sự muốn kết thúc chiến tranh? Chưa có giải pháp không phải là không có giải pháp. Đơn giản nhất là tạm ngừng bắn. Ngừng bắn nhiều lần để tìm ra giải tối ưu. Trong khi các vị đẩy vấn đề thêm căng thẳng thì con số người dân thiệt mạng trên dải Gaza,nhất là sinh viên, phụ nữ, trẻ em đã lên tới nhiều nghìn người. 80% số trường đại học ở Gaza đã bị phá sập. Hàng trăm nghìn người suy dinh dưỡng, thiếu đói, không có thuốc chữa bệnh.

Trong bối cảnh đau thương này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 18/8 đã lên tiếng kêu gọi các bên tham gia xung đột tại dải Gaza đình chiến nhân đạo tạm thời, để có thể tiến hành chiến dịch tiêm vaccine bại liệt. Khu vực dải Gaza đã ghi nhận ca mắc bại liệt đầu tiên trong 25 năm, khi vùng đất này đang hứng chịu xung đột kéo dài. Bộ Y tế Palestine thông báo, ca mắc bại liệt đầu tiên trong 25 năm là một em bé 10 tháng tuổi.

Những lời kêu gọi khẩn thiết của Liên hợp quốc và loài người tiến bộ chẳng lẽ không có lời hồi đáp!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới