Saturday, September 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững siêu dự án tỷ USD bỏ hoang ở nước ngoài của...

Những siêu dự án tỷ USD bỏ hoang ở nước ngoài của TQ

Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã vung tiền ra khắp thế giới để hiện thực hóa sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình. Thế nhưng không ít siêu dự án hàng chục tỷ đô, trở thành các thảm họa kinh tế khiến cho các quốc gia vay nợ từ đại lục phải điêu đứng. Vậy đâu là các siêu dự án bẫy nợ lớn nhất của Trung Quốc?

  1. Đập ở Pakistan phải ngừng hoạt động (5,1 tỷ USD)

Từ năm 1989, chính phủ Pakistan đã phê duyệt dự án nhà máy thủy điện Neelum-Jhelum. Cụ thể, một nhà máy sẽ được xây dựng tại Azad Kashmir, cách thủ phủ Muzaffarabad 42 km về phía nam. Dự án này sẽ chuyển nước từ sông Neelum đến nhà máy điện trên sông Jhelum. Ban đầu, công trình dự kiến được khởi công vào năm 2002 và hoàn thành vào năm 2008. Tuy nhiên, do thiếu vốn mà nó chưa được triển khai. Hơn nữa, vào năm 2005 còn diễn ra trận động đất Kashmir mạnh 7,6 độ Richter, khiến cho 86.000 người chết, hàng chục nghìn người bị thương và hàng triệu người phải di dời. Vì vậy, dự án nhà máy thủy điện Neelum-Jhelum đã được xem xét lại để phù hợp với các tiêu chuẩn địa chấn nghiêm ngặt hơn. Tới năm 2007, liên doanh gồm Tập đoàn Gezhouba và Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Máy móc Quốc gia Trung Quốc được mời ký hợp đồng. Tới tháng 2/2008, dự án được tiến hành khởi công với chi phí ước tính là 935 triệu USD. Tuy nhiên, sau 3 năm xây dựng, con số đã tăng lên gấp ba, tới 2,89 tỷ USD. Dù vậy, con đập vẫn gặp nhiều vấn đề khiến cho việc xây dựng bị trì trệ như sự chậm trễ trong việc giải ngân vốn, điều kiện thời tiết tồi tệ, không có điện trong giai đoạn đầu xây dựng và sự khó khăn trong việc thu hồi đất.

Tới tháng 10/2017, tất cả các công trình xây dựng, bao gồm khoan đường hầm, lắp đặt máy phát điện và tua bin mới được hoàn thành. Nhưng giai đoạn tích nước vào đập sau đó đã bị người dân Muzaffarabad phản đối. Họ lo sợ điều này sẽ làm giảm đáng kể dòng chảy của sông Nelum qua thành phố. Bất chấp những phản đối, đập thủy điện Neelum-Jhelum vẫn đi vào hoạt động vào tháng 4/2018. Sau đó 4 tháng, tất cả bốn tua bin của nhà máy đều hoạt động đạt công suất phát tối đa 969 MW. Tuy nhiên, lúc này, dự án tiêu tốn tới 5,1 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số ban đầu.

Dù tốn kém số tiền khổng lồ như vậy nhưng nó vẫn gây ra hàng loạt vấn đề từ gia tăng nền nhiệt đô thị tới thiếu nước và tích tụ chất thải dưới đáy sông, đặc biệt là tại thành phố Muzaffarabad, nơi có 190.000 người sinh sống đã phải trải qua những mùa hè oi bức hơn. Shafiq Abbasi, Phó Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Azad Kashmir cho hay, sông Nelum từng đóng vai trò như một hệ thống tản nhiệt hiệu quả cho thành phố. Người dân thường tập trung ven bờ suốt mùa hè khi thời tiết nóng nực. Nhưng từ khi dòng sông bị chuyển hướng, khả năng hấp thụ nhiệt của nó đã giảm hơn một nửa trong những tháng mùa hè nóng nực từ tháng 5 – 8. Sau khi người biểu tình cắm trại suốt hai tháng gần ngã ba của hai con sông, Thủ tướng Pakistan đã chỉ đạo quan chức Tài nguyên Nước quốc gia tới thanh tra địa điểm dự án để đánh giá tác động của con đập đối với môi trường. Họ cho biết dự án thiếu một nghiên cứu chuyên sâu về rủi ro có thể tác động thay đổi khí hậu ở đây. Trong khi nhiệt độ trung bình vào mùa hè ở Muzaffarabad và khu vực lân cận đã tăng từ 4 – 5°C từ khi dòng Nelum bị chuyển hướng.

Không chỉ vậy, dự án còn gặp phải một sự cố nghiêm trọng vào tháng 7/2022. Các quan chức Pakistan đã cho đóng cửa nhà máy thủy điện Neelum-Jhelum sau khi phát hiện các vết nứt trong hầm vận chuyển nước qua núi để chạy tua bin. Người đứng đầu Cơ quan Quản lý Điện của Pakistan, Tauseef Farooqui cho biết, ông lo ngại rằng đường hầm có thể bị sập chỉ sau 4 năm đi vào hoạt động. Ông nhận định đây sẽ là thảm họa đối với một quốc gia vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá năng lượng tăng cao.

Theo cơ quan quản lý, việc đóng cửa nhà máy khiến Pakistan mất khoảng 44 triệu USD/tháng do giá điện tăng cao kể từ tháng 7/2022. Công việc sửa chữa sau đó tốn thời gian hơn một năm với khoảng 21,6 triệu USD. Nhà máy bắt đầu hoạt động trở lại vào ngày 9/8/2023. Bên cạnh đó, quốc gia này còn bị tổn thất khoảng 133,2 triệu USD trong quá trình bảo trì và thử nghiệm trong 20 tháng tiếp theo. Vậy nhưng, vào ngày 3/4/2024, công suất phát điện từ nhà máy điện Neelum-Jhelum bị giới hạn ở mức 530 MW do áp suất trong hầm vận chuyển nước bị giảm. Ngày 3/5/2024, hoạt động phát điện từ nhà máy thủy điện đã bị ngừng để kiểm tra và khắc phục sự cố thêm một lần nữa.

  1. Melaka Gateway – Quần đảo nhân tạo của Malaysia (10,5 tỷ USD)

Đây là một khu phức hợp nằm ngoài khơi thành phố Malacca, nằm ở phía tây bán đảo Mã Lai. Nó được giới thiệu vào ngày 7/2/2014 bởi Thủ tướng Malaysia, Najib Razak. Melaka Gateway bao gồm ba đảo nhân tạo và một đảo tự nhiên với diện tích 2,46 km² và chi phí xây dựng lên tới 10,5 tỷ USD. Vào năm 2016, dự án quy mô lớn này được trao cho KAJD Group, tập đoàn hàng đầu Malaysia sẽ nắm giữ 51% cổ phần. Một năm sau đó, KAJD đã quyết định hợp tác với các công ty Trung Quốc là Power China International Group, Shenzhen Yantian Port Group và Rizhao Port Group để cùng phát triển dự án. Cụ thể, ba hòn đảo đầu tiên sẽ được KAJD và Power China phát triển các dự án du lịch, thương mại, bất động sản và hàng hải. Còn hòn đảo thứ tư là Pulau Melaka sẽ trở thành một trung tâm hoạt động hàng hải với các cảng container, đóng và sửa chữa tàu biển cùng khu công nghiệp hàng hải được đầu tư bởi KAJD, chính quyền tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và Chief Minister Incorporated, một tổ chức trực thuộc bang Malacca.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025. Vậy nhưng, nó đã phải trì hoãn do Thủ tướng Najib bị buộc tội làm thất thoát 4,5 tỷ USD từ một quỹ phát triển do chính phủ điều hành. Kết quả là ông đã thất bại trong cuộc bầu cử năm 2018. Người chiến thắng là Mahathir Mohamad, ông đã tiến hành rà soát lại các dự án hợp tác với Trung Quốc. Trong khi giám đốc điều hành KAJD là bà Michelle Ong cho biết, vai trò của các nhà thầu Trung Quốc trong dự án Melaka Gateway đã bị thổi phồng quá mức vì việc hợp tác thực tế đã kết thúc vào năm 2019. Giám đốc điều hành KAJD cũng phủ nhận việc dự án Melaka Gateway nằm trong sáng kiến Một vành đai Một con đường và cho biết nó chỉ nhằm hưởng lợi từ Con đường Tơ lụa trên biển mà Trung Quốc đề xuất. Sau tất cả những thách thức, vào tháng 11/2020, chính quyền địa phương quyết định hủy bỏ dự án Melaka Gateway vì sau 4 năm vẫn không có tiến triển.

  1. Siêu kênh đào 50 tỷ USD của Nicaragua (50 tỷ USD)

Vào năm 2013, siêu dự án kênh đào Nicaragua bắt đầu được lên kế hoạch xây dựng với tổng số vốn đầu tư lên đến 50 tỷ USD. Sau đó, giấy phép xây dựng và vận hành công trình được trao cho tỷ phú Trung Quốc Vương Tĩnh, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của công ty Viễn thông Bắc Kinh Tín Uy. Theo dự kiến, công trình này cho phép các tàu có tải trọng lên đến 250.000 tấn đi qua, trong khi kênh đào Panama dù đang ở trong giai đoạn cuối của công đoạn được cải tạo mới cũng chỉ cho phép những tàu có tải trọng từ 65.000 – 80.000 tấn.

Dù có tiềm năng vô cùng to lớn nhưng dự án này đã vấp phải những ý kiến trái chiều. Nhiều người phản đối tính minh bạch của hợp đồng này bởi vì chính phủ Nicaragua trao quyền quản lý dự án cho công ty Trung Quốc mà không qua đấu thầu. Hơn nữa, ông Vương Tĩnh không hề có kinh nghiệm về xây dựng dân dụng vì gây dựng cơ nghiệp trong lĩnh vực viễn thông. Bên cạnh đó, các nhà kinh tế cũng nghi ngờ về khả năng sinh lời của dự án. Nếu như hai kênh đào Panama và Nicaragua hoạt động song song sẽ dẫn đến dư thừa năng suất. Từ đó, cả hai sẽ phải giảm mức phí để cạnh tranh và làm giảm hiệu quả của dự án. Cùng với đó, các nhà môi trường lo ngại kênh đào đi xuyên qua miền nam Nicaragua sẽ phá hủy các không gian tự nhiên được bảo vệ, vốn là nơi sinh sống của 22 loài có nguy cơ tuyệt chủng. Thậm chí, dự án này có thể làm nhiễm mặn hồ Cocibolca, được biết đến như nguồn dự trữ nước ngọt lớn nhất khu vực Trung Mỹ. Không chỉ vậy, những người nông dân Nicaragua rất lo ngại về công trình này vì nó sẽ khiến khoảng 120.000 người buộc phải di dời khỏi khu vực kênh đào.

Vào năm 2014, ngay sau lễ động thổ khởi động dự án, hàng nghìn người đã tụ tập để phản đối kế hoạch thu hồi đất của chính phủ. Sau đó, nhiều cuộc biểu tình ở cấp địa phương và quốc gia đã xảy ra. Tới năm 2018, một cuộc đụng độ bạo lực đã diễn ra khiến cho 320 người thiệt mạng. Sau đó, ba người nông dân đứng đầu cuộc biểu tình đã bị phạt các mức án lần lượt là 216, 210 và 159 năm. Họ bị buộc tội kích động một cuộc đảo chính chống lại chính phủ.

Trong khi tình hình đối với tỷ phú Vương Tĩnh cũng không mấy khả quan. Vào năm 2015, tài sản của ông này bị giảm tới 85% từ 10,2 tỷ USD giảm xuống chỉ còn khoảng 1,5 tỷ USD. Tới ngày 9/4/2024, tập đoàn Bắc Kinh Tín Uy của ông Vương Tĩnh cũng chính thức phá sản. Khoảng 1 tháng sau, chính phủ Nicaragua tuyên bố hủy bỏ những chính sách nhượng bộ dành cho công ty Trung Quốc. Sau 10 năm, kênh đào được khởi công xây dựng nhưng vẫn chưa có bất kỳ kết quả nào.

Có thể thấy, trong một số trường hợp các siêu dự án của Trung Quốc rất thiếu hiệu quả. Như IMF và WB cho biết, có tới 35% dự án thuộc sáng kiến Vành Đai và Con Đường đang gặp các vấn đề như tham nhũng, vi phạm luật lao động, các vấn đề về môi trường và biểu tình. Các chuyên gia cho rằng, nhiều nước đang phát triển ưa thích các khoản vay và dự án của đại lục bởi họ không áp đặt các điều kiện vay về ngân sách, tài chính, cũng như các đòi hỏi về môi trường và nhân đạo, hay đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ và sự minh bạch.

Trong khi Trung Quốc đã tiêu thụ được một lượng lớn xi măng và sắt thép thừa, đồng thời mang tới các dự án béo bở cho các doanh nghiệp nhà nước, tồi tệ hơn, một số nước không thể trả được nợ đã phải gán nợ bằng việc giao nộp tài sản quốc gia như bến cảng, mỏ khoáng sản, đập thủy điện. Bởi vậy, sáng kiến Vành đai và Con đường đang bị cáo buộc là cái bẫy nợ nhằm giúp cho đại lục đạt được những lợi ích về mặt kinh tế và địa chính trị. Nhìn vào danh sách các quốc gia nợ Trung Quốc nhiều nhất trong năm 2022, ba cái tên đứng đầu là Pakistan, Angola và Sri Lanka. Do đó, việc Nicaragua hủy bỏ dự án kênh đào trị giá 50 tỷ USD có thể coi là một điều may mắn đối với quốc gia Trung Mỹ này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới