Lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết đang phấn đấu có lô hàng xuất khẩu sầu riêng cấp đông đầu tiên sang Trung Quốc.
Sáng 22-8, UBND huyện Krông Pắk tổ chức buổi họp báo thông tin về lễ hội sầu riêng lần 2 (diễn ra từ ngày 31-8 đến 2-9) và cho biết đang phấn đấu có lô hàng xuất khẩu sầu riêng cấp đông đầu tiên sang Trung Quốc.
Nhiều cơ hội từ sầu riêng cấp đông
Về việc chuẩn bị cho xuất khẩu sầu riêng cấp đông, sau khi giữa Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư, ông Nguyễn Văn Hà – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk – nói đang chờ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo ông Hà, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn với nông sản nói chung và sầu riêng nói riêng, năm ngoái đã có nghị định thư xuất khẩu sầu riêng (quả tươi) chính ngạch, tạo thuận lợi cho ngành hàng này.
Mới đây trong chuyến thăm, làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, giữa hai bên có thêm nghị định thư xuất khẩu sầu riêng cấp đông.
Việc xuất khẩu sầu riêng cấp đông có nhiều thuận lợi hơn vì mỗi quả sầu riêng chỉ ăn được khoảng 30% phần cơm bên trong.
Nếu xuất quả tươi thì cùng trọng lượng phải tốn tới 3 container, còn nếu xuất cấp đông chỉ cần 1 container vì đã bỏ đi phần vỏ.
Ngoài ra, việc xuất khẩu sầu riêng cấp đông còn không bị áp lực thời gian, giảm chi phí, đảm bảo chất lượng và có thể xuất bán quanh năm.
“Hiện sở đã tiếp cận với các doanh nghiệp, sẵn sàng đầu tư kho cấp đông, theo tiêu chuẩn, yêu cầu của đối tác để xuất khẩu sầu riêng cấp đông vào năm 2025”, ông Hà nói.
Nói thêm về điều này, bà Ngô Thị Minh Trinh – phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk – cho biết sau khi có nghị định thư, huyện Krông Pắk đã làm việc với các cơ quan của trung ương và tỉnh để tìm hiểu về quy trình xuất khẩu sầu riêng cấp đông.
“Chúng tôi đang chờ hướng dẫn để có những chuyến hàng xuất khẩu sầu riêng cấp đông trong dịp lễ hội này”, bà Trinh hy vọng.
Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỉ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%.
Sầu riêng đông lạnh là sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi.
Dự kiến xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch 400 – 500 triệu USD ngay trong năm 2024 và ước đạt hàng tỉ USD vào năm 2025.
Rồng dài kỷ lục sẽ xuất hiện tại lễ hội sầu riêng
Để tạo điểm nhấn cho lễ hội, bà Trinh cho biết huyện đã hoàn thành con rồng dài 120m và lập hồ sơ đề nghị xác lập kỷ lục con rồng dài nhất Việt Nam.
Con rồng sẽ xuất hiện tại lễ hội đường phố, có 63 thanh niên thuộc 49 đồng bào dân tộc anh em sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tham gia điều khiển diễu hành.
Con rồng lập kỷ lục này không chỉ biểu diễn tại lễ hội sầu riêng mà sẽ xuất hiện trong lễ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk và nhiều sự kiện khác tại địa phương.
Đặc biệt, hội thảo về sầu riêng với điểm nhấn là chương trình đấu giá “nữ hoàng sầu riêng”, nơi các doanh nghiệp có thể đấu giá 3 trái sầu riêng mạ vàng độc đáo.
Người trúng đấu giá sẽ được tặng kèm 2 quả sầu riêng mạ vàng 24k trị giá 50 triệu đồng và 70 triệu đồng.
Một trong những vấn đề nhiều cơ quan báo chí quan tâm là việc đảm bảo lưu thông, an toàn giao thông dịp lễ hội.
Bà Trinh cho biết trong lễ khai mạc lễ hội sầu riêng lần 1, địa phương một lúc đón khoảng 30.000 người, đã có những thiếu sót nhất định nên năm nay sẽ tổ chức phân luồng, tạo nhiều bãi đậu xe để không gây ách tắc, kẹt xe.
Bên cạnh đó, lần này còn có đoàn container và khoảng 300 xe bán tải, xe công nông – những phương tiện vận chuyển sầu riêng chính – cũng tham gia diễu hành và huyện đã có phương án để không xảy ra kẹt xe.
T.P