Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNgười Hoa ở Myanmar - và hoạch ly khai lập quốc gia...

Người Hoa ở Myanmar – và hoạch ly khai lập quốc gia mới

Một trong những vấn đề lớn nhất đối với Myanmar hiện nay là mâu thuẫn giữa các sắc tộc. Người Hoa cũng có mặt ở đây, nhưng điều bất ngờ là cho đến nay họ vẫn là một trong những nhóm sắc tộc không được công nhận tại Myanmar. Ngoại trừ một nhóm người Hán sinh sống ở vùng Kokang, dù được xem là một dân tộc thiểu số tại đất nước Miến Điện, nhưng họ vẫn luôn muốn ly khai để tạo ra một quốc gia độc lập.

Ảnh minh họa

Quá trình người Hoa di cư tới Myanmar

Những ghi chép sớm nhất về sự di cư của người Hoa vào vùng lãnh thổ Myanmar ngày nay là khi nhà Tống tiến hành giao thương với Vương quốc Pagan. Khi đó, giữa hai nước chưa có biên giới chung mà xen giữa là Đại Lý, chính vì vậy mối quan hệ này không có nhiều nổi bật và các hoạt động giao thương cũng ở quy mô nhỏ.

Sau khi đế quốc Mông Cổ bắt đầu chinh phạt Trung Hoa và đánh chiếm Đại Lý vào năm 1253, Pagan cũng trở thành một trong những mục tiêu tiếp theo. Sau đó, các cuộc xung đột nội bộ và những đợt xâm lược liên tục của người Mông Cổ vào nửa sau thế kỷ XIII đã khiến cho Vương quốc Pagan nhanh chóng suy tàn. Sự thống nhất về chính trị thực sự trở lại vào giữa thế kỷ XVI nhờ nỗ lực của triều đại Taungoo. Từ một nước chư hầu nhỏ, vương quốc này đã chinh phục được một vùng đất rộng lớn ở bán đảo Trung Ấn. Vào thời kỳ đỉnh cao, Taungoo là đế chế lớn nhất và mạnh nhất lịch sử Đông Nam Á với dân số khi đó vào khoảng 2 triệu người. Tuy nhiên, nó nhanh chóng suy tàn vào năm 1599 sau khi vua Bayinnaung qua đời.

Sau khi nhà Thanh thay thế nhà Minh cai trị, tình hình đất nước Trung Quốc khá rối ren. Cũng vào thời điểm này, tình trạng mất mùa nghiêm trọng, tô thuế tăng và thiên tai liên tiếp càng khiến tình cảnh của người dân khốn khổ hơn. Chính điều này đã tạo ra một làn sóng di cư lớn của cộng đồng người Hoa sang các nước Đông Nam Á. Trong đó, có một bộ phận đã chọn Miến Điện làm điểm đến của mình.

Trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, miền núi phía Bắc nước này được xem là đại bản doanh của những người phản Thanh phục Minh. Cùng với đó, các thương nhân người Hoa bắt đầu đến định cư tại một số khu vực khác của đất nước. Dù vậy, sự hiện diện của người Trung Quốc tại Miến Điện vẫn là rất ít ỏi.

Thế kỷ XIX mới thực sự là giai đoạn có nhiều người Hoa di cư đến đây. Điều này bắt nguồn từ việc các cường quốc phương Tây đẩy mạnh xâm lược và bành trướng vào khu vực Đông Nam Á. Vào năm 1824, đế quốc Anh đã tiến hành xâm lược và đặt ách đô hộ tại Miến Điện. Chính quyền thuộc địa cho nhập cư người Ấn và người Hoa tới đây. Người Hoa hòa nhập tốt hơn với người Miến Điện. Đa phần họ thuộc tầng lớp thợ thủ công và thương gia. Không chỉ thành lập các khu chợ đông đúc, người Hoa còn nắm trong tay nhiều lĩnh vực thu lợi nhuận cao như buôn bán ngọc bích và buôn lậu hàng trắng. Theo điều tra dân số năm 1911, cộng đồng người Hoa tại Miến Điện là khoảng 421.000 người. Sau 20 năm sau, con số đã lên đến gần 1 triệu người. Sự gia tăng dân số cũng đã dẫn đến xu hướng người Hoa di cư đến các thành phố lớn ở miền Trung và miền Nam của quốc gia này.

Do có vị trí giáp ranh liền kề, tình hình miền Bắc Miến Điện xưa nay luôn có quan hệ chặt chẽ với những biến động chính trị ở Trung Quốc. Trong thời gian chiến tranh chống Nhật, khu vực này đã trở thành con đường để chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tiếp nhận viện trợ nước ngoài. Để ngăn chặn tuyến đường này, quân đội Nhật Bản đã tấn công Miến Điện vào năm 1942. Trước sự đàn áp của đế quốc Nhật, phía Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh rút các lực lượng Hoa ở Miến Điện nhằm hạn chế thương vong.

Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Miến Điện cũng giành được độc lập vào năm 1948. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa dân tộc đa số Bamar và nhiều dân tộc thiểu số trong nước ngày càng căng thẳng. Trong đó, người Hoa là một trong số ít những sắc tộc không được công nhận.

Năm 1962, tướng Ne Win, một người gốc Hoa, tiến hành đảo chính. Ông cũng cho giải tán Nghị Viện, hủy bỏ quy chế Liên Bang bình đẳng và tiến hành cắt giảm quyền của người dân tộc thiểu số. Trong 26 năm tướng Ne Win cầm quyền, nền kinh tế của Miến Điện suy yếu trầm trọng. Từ một trong những quốc gia phát triển nhất khu vực, trở thành đất nước nghèo nhất Đông Nam Á. Theo ước tính, có tới hơn 180.000 người thiệt mạng và gần 1 triệu người đã phải di tản sang các nước khác để tránh bạo lực.

Mặc dù tổ tiên của Ne Win có một phần dòng máu Hoa kiều, nhưng ông đã thể hiện thái độ bài xích người Hoa thông qua việc ban hành hàng loạt chính sách kỳ thị đối với cộng đồng này. Theo hệ thống phân loại quyền công dân được chính phủ áp dụng, người Hoa chỉ có thể nhận được giấy chứng nhận của người nước ngoài.

Đạo luật Quốc hữu hóa Doanh nghiệp

Vào tháng 2/1963, Đạo luật Quốc hữu hóa Doanh nghiệp được thông qua, qua đó quốc hữu hóa một số lĩnh vực kinh tế và đặt chúng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Bên cạnh đó, đạo luật này còn nghiêm cấm người nước ngoài, (trong đó có người Hoa) không được quyền sở hữu đất đai, xin giấy phép kinh doanh, hay hành nghề y. Việc dạy học bằng tiếng Trung bị cấm và hàng loạt trường học đã bị đóng cửa sau đó.

Đạo luật Quốc Tịch

Đạo luật Quốc Tịch năm 1982 tiếp tục hạn chế quyền công dân của người Hoa tại Miến Điện. Trong thời kỳ này, sự suy thoái nền kinh tế của đất nước và sự phân biệt đối xử trầm trọng đã đẩy nhanh việc di cư của người Hoa ra nước ngoài, trong khi những người còn lại chọn cách sống chung và hòa nhập với cộng đồng bản địa để ít bị chú ý hơn.

Từ năm 1948, chính phủ đã tiến hành trấn áp các tổ chức và đảng phái đối lập, trong đó có Đảng Cộng sản Miến Điện. Tổ chức này sau đó đã quay sang cầu cứu Trung Quốc vào năm 1960, thậm chí một nhóm lãnh đạo đã sang đại lục để học hỏi đường lối chiến tranh nhân dân của Mao Trạch Đông, cũng như cách kiếm tiền từ thuốc phiện.

Với sự giúp đỡ từ quốc gia láng giềng, Đảng Cộng sản Miến Điện đã tái lập các căn cứ của mình ở phía Đông Bắc Miến Điện. Kết quả từ một tổ chức với người Bamar chiếm đa số, nó dần biến thành một đảng của các sắc tộc thiểu số là Kachin, Shan và Wa.

Năm 1989, Miến Điện chính thức trở thành một quốc gia Cộng hòa Liên bang và quyết định thay đổi tên của đất nước từ Burma thành Myanmar. Đảng Cộng sản Miến Điện cũng bị tan rã thành nhiều phe phái, trong đó Peng Jiasheng nắm giữ khu vực đặc biệt Kokang.

Nhìn chung, kể từ năm 1990, chính quyền Myanmar có cách tiếp nhận cởi mở hơn với người Hoa và không còn ban hành nhiều biện pháp đàn áp như trước đây. Điều này cũng bắt nguồn từ việc mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc đã trở nên tốt đẹp hơn. Kể từ đó, cộng đồng người Myanmar gốc Hoa cũng dần lấy lại quyền kiểm soát các lĩnh vực kinh tế.

Tình hình của người Hoa tại Myanmar

Vào năm 2023, Myanmar có dân số 54.210.000 người. Trong số đó, người gốc Hoa chiếm khoảng 8% tức 4.336.800 người, theo các nguồn thống kê tiếng Trung. Nếu dựa vào ước tính từ phương Tây, con số thực tế chỉ là 3%. Hầu hết họ tập trung sinh sống ở các thành phố lớn như Yangon, Mandalay, Taunggyi, Bago và vẫn giữ được bản sắc truyền thống riêng. Mặc dù đạt được nhiều thành công nhất định nhưng bản sắc dân tộc của họ về cơ bản không được chính phủ Myanmar công nhận.

Nhìn chung thì cộng đồng người Hoa tại đất nước Đông Nam Á này đều có nguồn gốc từ miền Nam Trung Quốc, bao gồm người Khách Gia, người Phúc Kiến, người Quảng Đông và người Vân Nam. Về ngôn ngữ, họ sử dụng tiếng Myanmar trong việc hội nhập với người bản địa, còn tiếng Trung trong giao tiếp hàng ngày. Ngoài ra, họ cũng sử dụng tiếng Anh trong giao lưu quốc tế.

Hiện nay người Myanmar gốc Hoa đã có chỗ đứng rất vững chắc trong tầng lớp trung lưu và thượng lưu của đất nước. Họ đóng vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh, hay nói cách khác là thống trị nền kinh tế của quốc gia này. Dù Myanmar vẫn chưa có tỉ phú gốc Hoa, nhưng rất nhiều doanh nhân hàng đầu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Họ sở hữu các doanh nghiệp dẫn đầu trong các ngành dệt may, khai thác khoáng sản, ngân hàng và bất động sản. Điển hình như ông Serge Pun, nổi tiếng là trùm bất động sản và ngân hàng với khối tài sản vào khoảng 800 triệu USD.

Mặc dù theo truyền thống, người Hoa luôn tránh xa chính trị, thế nhưng họ vẫn hiện diện mạnh mẽ tại chính trường Myanmar. Bằng chứng là các nhân vật chính trị nổi bật tại quốc gia này như Ne Win, San Yu và Khin Nyunt, tất cả đều là người Hoa.

Làn sóng di cư mới chi phối xã hội Myanmar

Mandalay được biết đến là thành phố lớn thứ hai của Myanmar và là cái nôi văn hóa của đất nước, với những cung điện cổ tráng lệ, những nghệ nhân tài hoa, cùng nền ẩm thực đặc sắc. Bên cạnh những giá trị truyền thống đó, đây là một trong số những nơi có người Hoa sinh sống đông đảo.

Bên cạnh cộng đồng đã gắn bó với Mandalay lâu đời, nhờ chính sách khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài cũng như việc chính phủ đại lục rót vốn cho các cơ sở hạ tầng tại các nước láng giềng, làn sóng di cư của người Hán vào thành phố này đã tăng nhanh trong nhiều năm qua. Theo ước tính, cứ 10 doanh nhân hàng đầu tại Mandalay thì có 7 người Trung Quốc. Họ sở hữu mọi thứ từ những cửa hàng nhỏ cho đến các trung tâm thương mại đắt đỏ. Đồng thời, có khoảng 60% nền kinh tế của Mandalay, bao gồm các lĩnh vực chủ chốt, hiện thuộc về các doanh nghiệp của đất nước tỷ dân.

Do người nước ngoài không được phép sở hữu đất đai hay được hưởng các ưu đãi khác, nhiều người Trung Quốc tìm cách nhập quốc tịch Myanmar bằng nhiều con đường khác nhau, kể cả hợp pháp và bất hợp pháp. Họ thường dùng tiền để hối lộ cho các quan chức, thậm chí làm giả giấy tờ. Kết quả là giá bất động sản tại Mandalay tăng chóng mặt, buộc nhiều người dân địa phương di chuyển đến vùng ngoại ô của thành phố.

Trước tình hình trên, làn sóng chống lại người Hoa đã nổ ra ở Mandalay. Theo đó, các tác phẩm phim hoạt hình, hài kịch cũng như văn học đã không ngần ngại gọi chính đất nước của mình là “Cộng hòa Trung Quốc Liên bang Myanmar” và xem Mandalay là một thành phố của tỉnh Vân Nam.

Như đã biết, Tam Giác Vàng là một khu vực rộng khoảng 80.000 km². Khu vực này không thuộc địa phận của một quốc gia cụ thể mà bao gồm vùng phía đông của Myanmar, phía bắc Thái Lan và phía tây bắc Lào. Phần lớn khu vực này nằm ở độ cao khoảng 1.000 m so với mực nước biển nên địa hình bị chia cắt mạnh mẽ và khá hiểm trở, với các dãy núi cao, rừng rậm, sông suối và hồ nước. Đặc biệt Myanmar, khi khu vực phía đông nước này bị kiểm soát bởi các lực lượng ly khai, chính vì vậy mà nơi đây từng có thời gian trở thành trung tâm hàng trắng của thế giới. Một phần cũng do việc Taliban ở Afghanistan từng nhiều lần tuyên bố sẽ tiến tới đây loại trừ cây anh túc ra khỏi quốc gia, khiến giá mặt hàng này bị đẩy lên cao.

Trong nhiều năm trở lại đây, Myanmar cũng thay thế Thái Lan trở thành “công xưởng tinh chế” ở Tam Giác Vàng và là nơi sản xuất hàng cấm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Afghanistan. Nơi đây vừa là vị trí trú ẩn an toàn, vừa là trung tâm phân phối hàng cấm của các băng đảng buôn bán chất cấm. Trong đó có một địa điểm khét tiếng mang tên Mongla. Đây là một khu vực nép mình ở dãy núi thuộc bang Shan, phía đông Myanmar. Tuy nằm trong biên giới quốc gia Đông Nam Á này, nhưng những gì đang diễn ra tại đây rất khác so với phần còn lại của đất nước. Mongla dường như chỉ phục vụ khách hàng đại lục với đủ các bảng hiệu tiếng Trung, tiền tệ, mạng di động, thậm chí đồng hồ cũng được chỉ định theo giờ của quốc gia này. Tại đây cũng có rất nhiều sòng bạc do người Trung Quốc làm chủ và thậm chí còn cho phép khách hàng đánh bạc trực tuyến từ xa.

Vì nằm ở Tam Giác Vàng nên nền nông nghiệp hàng trắng tại đây rất phát triển. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp đèn đỏ cũng nhộn nhịp không kém. Các cô gái thường ăn mặc khiêu gợi, chèo kéo khách hàng vào các nhà nghỉ, khách sạn với bảng quảng cáo tiếng Trung, với đủ các gói dịch vụ quái đản. Nhiều lao động cho biết, họ tới đây để làm việc kiếm tiền nhưng cuối cùng sức cám dỗ của sòng bạc và nhà thổ đã khiến họ cháy túi.

Ngoài ra, tình trạng buôn bán động vật quý hiếm cũng khá nhức nhối. Dạo một vòng quanh Mongla, không khó để bắt gặp hình ảnh da báo và da hổ xếp chồng lên nhau tại các quầy hàng ven đường. Thậm chí họ cũng trưng bày vô số ngà voi, vẩy tê tê, lồng nhốt các loài chim quý hiếm. Ông Nick Cox, giám đốc bảo tồn của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Toàn cầu, đã ví Mongla như một “siêu thị động vật hoang dã”.

Xung đột ở Kokang – kế hoạch lập quốc

Vấn đề người Hoa tại Myanmar có phần phức tạp và nhiều biến động hơn các quốc gia Đông Nam Á khác bởi sự có mặt của vùng tự quản Kokang. Đây là khu vực nằm ở phía bắc bang Shan và có đường biên giới với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Thực tế không hề có một sắc tộc nào gọi là Kokang, mà họ là những người Hoa từ Vân Nam chạy sang Myanmar từ cuối đời nhà Minh. Với tình hình bất ổn của Trung Quốc vào thế kỷ XX, ngày càng có nhiều người Hán chạy sang khu vực này để sinh sống. Nhìn chung, định nghĩa về dân tộc Kokang hầu như dựa trên quan niệm về chính trị. Điều đặc biệt là họ được công nhận là một trong những dân tộc thiểu số của Myanmar, khác hoàn toàn với những người Hoa không được công nhận.

Hiện nơi đây có diện tích là 1.895 km² là nơi sinh sống của khoảng 124.000 người, trong đó 90% là những người nói tiếng Hoa. Vì vậy, ngôn ngữ hành chính ở Kokang là tiếng Quan Thoại, đồng tiền được sử dụng là Nhân dân tệ và người ở đây cũng sử dụng nông lịch của Trung Quốc.

Quay trở lại thời kỳ thuộc địa, người Anh vẫn duy trì sự kiểm soát đối với Kokang. Nhưng sau khi Miến Điện độc lập, khu vực sau đó đã nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Miến Điện, khi đó đang nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Vì vậy, Kokang gần như độc lập với chính quyền trung ương, với quân đội riêng do Bành Gia Thanh lãnh đạo. Được thành lập vào năm 1965, Quân đội Cách mạng Nhân dân Kokang đã gia nhập lực lượng Đảng Cộng sản Miến Điện vào năm 1969. Nhưng đến năm 1989, Bành đã tách khỏi tổ chức này và ký hiệp định ngừng bắn với chính phủ Myanmar. Từ đó, khu vực do Bành Gia Thanh kiểm soát được gọi là vùng tự quản Kokang. Ông Bành được phép giữ lại quân đội của riêng mình mà sau đó đổi tên là Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA).

Cuộc tranh giành quyền lực giữa Bành Gia Thanh và Dương Mậu Lương, cũng là một trong những ông trùm nổi tiếng tại đây, đã kết thúc với việc Bành giành chiến thắng chung cuộc. Từ đó, ông đã biến thủ phủ Laukkai trở thành ổ cờ bạc và trung tâm của các hoạt động lừa đảo trực tuyến.

Sau đó, Bành Gia Thanh đã tìm cách thay thế cấp phó của mình, Bạch Sở Thành, bằng con trai là Bành Đại Thuận (hay còn có tên khác là Bành Đức Nhân). Điều đó đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa hai người quyền lực nhất nhì Kokang.

Trong khi chính phủ quân sự Myanmar đã soạn thảo một bản hiến pháp mới vào năm 2008, trong đó chỉ ra rằng nên có một đội quân hợp nhất, nói cách khác tất cả các nhóm vũ trang sẽ buộc phải giải tán, ông Bành từ chối tuân thủ quy định này thông qua cuộc nổi dậy vào ngày 8/8/2009, tuy nhiên, nó nhanh chóng bị quân đội Myanmar đánh bại. Kết quả là ông này phải bỏ trốn và sống ẩn giật tại nhiều quốc gia khác nhau nhiều năm sau đó. Cấp phó của ông ta là Bạch Sở Thành đã được chính phủ bổ nhiệm làm lãnh đạo mới của vùng tự quản Kokang. Đây là giai đoạn yên bình và ít biến động nhất của khu vực này. Ông Bạch thậm chí còn khởi động một chương trình nhằm loại bỏ thuốc phiện khỏi khu vực, thay thế bằng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cao su, mía, chè và ngô.

Sau khi bị quân đội Myanmar đánh bại, Bành Gia Thanh đã biến mất khỏi chiến trường trong khoảng 5 năm trước khi phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Kokang năm 2015. Theo đó, vào ngày 9/2/2015, quân đội Liên Minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) do ông này dẫn đầu đã đột ngột quay về và tấn công thủ phủ Laukkai. Các cuộc tấn công dữ dội khiến người dân phải bỏ chạy sang lãnh thổ Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, nhóm phiến quân này đã không chiếm được Laukkai mà buộc phải rút quân về phía biên giới và được cho là vào lãnh thổ Trung Quốc. Các lực lượng an ninh Myanmar sau đó đã đuổi theo và nã đạn vào khu vực mà họ tin là nơi trú ẩn của những phiến quân nổi loạn.

Thậm chí, không quân Myanmar còn được huy động tham gia và một máy bay chiến đấu đã thả bom nhầm xuống lãnh thổ Trung Quốc khiến 5 dân thường của quốc gia này thiệt mạng và 8 người khác bị thương vào ngày 13/3 cùng năm. Một tháng sau đó, phía Naypyidaw chính thức đưa ra lời xin lỗi về vụ việc trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại thủ đô Bắc Kinh. Dù vậy, giao tranh vẫn kéo dài trong nhiều năm sau đó. Đụng độ giữa quân chính phủ Myanmar và các nhóm phiến quân luôn leo thang.

Vào ngày 27/10/2023, quân đội Liên Minh Dân chủ Quốc gia Myanmar cùng với hai nhóm nổi dậy là quân đội Arakan và quân đội giải phóng quốc gia Ta’ang đã thành lập một liên minh vũ trang có tên là “Liên minh Ba Anh Em” nhằm tiến hành chiến dịch 1027, tấn công vào một số đồn quân sự ở phía bắc bang Shan. Liên minh cho biết, mục tiêu của họ là bảo vệ mạng sống của dân thường, khẳng định quyền tự vệ và duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ. Họ cũng thể hiện quan điểm đối lập với chính quyền quân sự Myanmar, đồng thời tuyên bố sẽ chống lại các trung tâm lừa đảo cờ bạc trực tuyến ở biên giới Trung Quốc. Các trung tâm này tập kết hàng ngàn người nước ngoài, trong đó có nhiều người bị giam giữ trái phép.

Mặc dù giao tranh đã nổ ra ở nhiều khu vực của Myanmar kể từ khi quân đội lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021, quy mô cuộc tấn công của Liên minh Ba Anh Em được cho là thách thức lớn nhất đối với chính quyền nước này. Bởi họ còn có sự ủng hộ từ lực lượng phòng vệ nhân dân, một lực lượng được hỗ trợ bởi chính phủ thống nhất quốc gia tồn tại song song với chính quyền quân sự Myanmar. Điều này cho thấy mức độ phối hợp lập kế hoạch ngày càng cao của các nhóm nổi dậy.

Ngày 5/1/2024, quân đội Liên Minh Dân chủ Quốc gia Myanmar giành được toàn quyền kiểm soát Laukkai, sau sự đầu hàng hàng loạt của lực lượng chính quyền quân sự của Myanmar. Cùng ngày, họ tuyên bố đã giải phóng hoàn toàn Kokang.

Cho đến nay, khu vực này đã không còn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Trung ương mà thuộc quyền quản lý của quân đội Liên Minh Dân chủ Quốc gia Myanmar với người đứng đầu là Bành Đại Thuận, tức con trai của ông Bành Gia Thanh. Lực lượng này có hơn 6.000 quân và hiện được cho là đang chiến đấu để biến Kokang trở thành một quốc gia độc lập hoặc trở thành một phần của Trung Quốc, tách biệt hoàn toàn với Myanmar.

Liệu người Kokang có trở thành “nút thắt” trong mối quan hệ giữa Myanmar và Trung Quốc?

Bạo lực bùng phát tại Kokang, nơi có những phiến quân nói tiếng Hoa với chính phủ quân sự Myanmar, đã đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của Trung Quốc trong việc hòa giải xung đột gần biên giới của nước này. Khi giao tranh xảy ra, Đại Lục đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn và làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa hai bên.

Khi chính quyền của Bành Gia Thanh bị lật đổ và ông này không còn xuất hiện nhiều ở Kokang, đã có nhiều nguồn tin cho rằng ông Bành cùng những người thân tín đang tị nạn ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên, chính phủ Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ tin đồn tiếp đón lãnh đạo quân ly khai, cũng như khẳng định không hỗ trợ ông này chống lại chính phủ Myanmar.

Bắc Kinh công nhận người Kokang có nguồn gốc tổ tiên là người Hoa và họ cũng thừa hưởng nhiều nét văn hóa truyền thống của đất nước tỷ dân, nhưng họ không phải là công dân của Trung Quốc, mà là một sắc tộc thiểu số của Myanmar. Vì vậy, xung đột giữa người Kokang và chính phủ quân sự Myanmar là công việc nội bộ của nước này, chứ không phải vấn đề đối với Trung Quốc. Liên quan đến cuộc nổi loạn của Bành Gia Thanh, Đại Lục khẳng định họ không ủng hộ ông này nhưng mong muốn Myanmar nên giải quyết vấn đề theo hướng hòa bình.

Trong cuộc xung đột năm 2015 khiến nhiều người dân Trung Quốc thương vong, chính quyền Bắc Kinh đã điều một loạt máy bay chiến đấu đến vùng biên giới để tuần tra theo dõi nhằm không cho máy bay quân sự Myanmar tiến lại gần đường biên giới giữa hai nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, Bắc Kinh sẽ không thể có động thái mạnh với Naypyidaw, vì nếu làm như thế sẽ đưa quốc gia này vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Myanmar hiện là lối ra biển trọng yếu cho miền Tây Nam của đất nước tỷ dân. Nó cũng đóng vai trò quan trọng cho an ninh năng lượng của nước này với đường ống dẫn dầu Trung Quốc – Myanmar và là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng “Con đường tơ lụa” trên biển. Vì vậy, chính phủ Bắc Kinh sẽ không để xảy ra xung đột biên giới Trung Quốc – Myanmar, bởi như vậy sẽ khiến mối quan hệ song phương xấu đi trong bối cảnh Mỹ, Nhật và Ấn Độ đang tăng cường đầu tư vào Myanmar.

Nhìn chung, đó là lý do cho thấy Bắc Kinh hiện vẫn tỏ ra thận trọng trong cách tiếp cận với cuộc xung đột giữa người Kokang và chính phủ quốc gia này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới