Saturday, September 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mới10 thực phẩm giả đáng sợ của TQ

10 thực phẩm giả đáng sợ của TQ

Top 10 hàng giả nguy hiểm và đáng sợ nhất mà Trung Quốc làm ra, người tiêu dùng cần cảnh giác.

  1. Trứng giả

Trứng, một nguyên liệu đa năng và được yêu thích trong nhiều món ăn, không tránh khỏi việc bị làm giả ở Trung Quốc. Các báo cáo đã xuất hiện trong nhiều năm về trứng giả được làm từ vật liệu không ăn được và độc hại. Những quả trứng giả này được chế tạo tỉ mỉ nhìn bề ngoài không khác gì trứng thật.

Trong một video sản xuất trứng giả tại một cơ sở tại Trung Quốc gồm có; nhựa, tinh bột, chất keo tụ và chất màu được sử dụng để tạo ra lòng trắng trứng. Natri alginate chiết xuất từ tảo nâu mang lại cho lòng trắng trứng độ nhớt mong muốn, còn lòng đỏ trứng giả sử dụng hỗn hợp nhựa và chất màu khác nhau. Sau khi đạt được hình dạng phù hợp, lớp vỏ giả sẽ được làm bằng hỗn hợp sáp paraffin, bột thạch cao và canxi cacbonat. Rất khó phân biệt trứng giả và trứng thật. Cách duy nhất để đảm bảo an toàn là nấu chín trứng vì chỉ khi nấu, chúng mới bộc lộ bản chất thật của mình.

Theo các chuyên gia y tế, loại trứng gà giả này không những giá trị dinh dưỡng thấp mà còn chứa độc tố, nếu ăn nhiều sẽ làm giảm trí nhớ, thậm chí dẫn đến đần độn.

  1. Thịt bò giả

Có rất nhiều cách để hô biến ra thịt bò. Ví như dùng thịt lợn hoặc thịt vịt băm nhỏ sau đó thêm một lượng lớn chất phụ gia để có hương vị của thịt bò hoặc nhúng thịt lợn vào nước cốt thịt bò để lớp cốt này phủ lên bên ngoài miếng thịt. Quá trình này mất hơn 1 giờ nhưng giúp họ kiếm được rất nhiều tiền. Một cách khác là dùng thịt bò đã hết hạn sử dụng, sau đó dùng thuốc màu che đi những phần hư hỏng, đồng thời thêm hương vị che đi mùi hôi thối để đạt được mục đích giống thịt thật. Loại thịt bò này thường được đông lạnh và ngụy trang thành thịt bò nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, đạm đậu nành cũng là một trong những nguyên liệu phổ biến nhất được sử dụng để làm thịt bò giả. Protein đậu nành được xử lý mô phỏng cấu trúc sợi của thịt bò giúp sản phẩm có hình dáng và hương vị giống thịt bò thật. Tất nhiên, loại thịt bò giả này cũng vô cùng độc hại. Ăn nhiều có thể gây dị dạng, ngộ độc hoặc ung thư.

  1. Gạo giả

Gạo giả được cho là bắt nguồn từ tỉnh Thiểm Tây. Nó được làm từ khoai tây, khoai lang nghiền nát và nhựa tổng hợp, sau đó trộn lẫn vào nhau rồi ép khuôn thành hình như hạt gạo thật. Loại gạo nhựa này rất cứng sau khi nấu và ăn vào có cảm giác khó tiêu. Nếu nấu cháo thì xuất hiện màng nhựa, khi đốt trên lửa hạt gạo bay ra mùi nhựa cháy khét. Khi ăn ba bát cơm được nấu từ loại gạo này sẽ tương đương với việc nhét một túi nilon vào dạ dày. Vậy nên nếu ăn nhiều, có thể gây chết người hoặc khiến hệ tiêu hóa bị hủy hoại trầm trọng.

Một nguyên liệu khác để làm gạo giả là giấy. Sự việc vỡ lở khi một người phụ nữ ở Quảng Đông mua gạo từ người bán hàng rong. Người này quảng cáo với bà rằng đây là giống lúa được cấy ở quê không sử dụng thuốc trừ sâu. Người phụ nữ Quảng Đông không thấy gì bất thường, cho đến khi ăn và phát hiện hạt cơm hơi cứng. Bà đưa một hạt cơm lên miệng cắn thử và bàng hoàng phát hiện rằng những hạt gạo thực chất là giấy được cuộn chặt hết sức tinh vi.

  1. Mật ong giả

Mật ong giả thường chứa các chất phụ gia như đường gạo lứt, siro ngô hoặc nước đường. Một số mật ong giả bị pha loãng đến mức thiếu phấn hoa, một đặc tính của mật ong thật. Ngoài ra, mật ong Trung Quốc giả còn bị phát hiện có chứa kháng sinh bất hợp pháp, kim loại nặng và dư lượng thuốc trừ sâu có hại. Các chất này có tác hại rất lớn đến hệ thần kinh trung ương của con người, làm người già mất trí nhớ, trẻ em bị chậm phát triển trí tuệ. Chỉ riêng ở tỉnh Tế Nam, cơ quan chức năng đã báo cáo khoảng 70% mật ong là giả. Trong đó có hai loại: loại thứ nhất được gọi là mật ong pha trộn, tức là hỗn hợp mật ong với đường, củ cải đường hoặc siro gạo. Loại thứ hai trông giống mật ong nhưng được làm từ phèn chua, đường, nước và chất tạo màu. 1 kg mật ong giả có thể được làm với giá chỉ khoảng 11 nhân dân tệ (khoảng 39.000 VNĐ) và được bán với giá khoảng 73 nhân dân tệ (khoảng 250.000 VNĐ).

  1. Đậu xanh giả

Trung Quốc có thể làm đậu xanh giả. Đầu tiên, những bao đậu tuyết và đậu nành khô được bỏ vào ngâm trong một thùng nước lớn có màu xanh nhạt. Hỗn hợp nước này có chứa phẩm màu xanh và sodium metabisulfite, một loại chất phụ gia có chức năng tẩy trắng và bảo quản. Sau khi được vớt ra để ráo, những hạt đậu mốc meo trở nên căng tròn, tươi ngon và trông chẳng khác gì đậu xanh thật.

Trong sản xuất thực phẩm, cả hai loại hóa chất trên đều bị cấm vì phẩm màu xanh có thể gây ung thư, còn sodium metabisulfite có thể ức chế khả năng thu nạp canxi của cơ thể. Chủ một cơ sở sản xuất ở Hồ Nam tiết lộ rằng, cách làm này là siêu lợi nhuận vì cứ 1 kg đậu tuyết sau khi chế biến sẽ cho ra hơn 1,7 kg đậu xanh giả, còn 1 kg đậu nành có thể cho ra 1,8 kg. Cứ mỗi kg đậu giả sẽ đem về ít nhất là ba nhân dân tệ (khoảng 10.000 VNĐ). Mỗi ngày, một cơ sở chế biến theo cách này bán ra thị trường vài tạ đến một tấn sản phẩm và thu về hàng ngàn tệ.

  1. Muối giả

Rất nhiều gói muối bán trên thị trường Trung Quốc bề ngoài rất bình thường nhưng thực ra là giả. Đó là loại muối công nghiệp khai thác từ các mỏ muối, rồi nghiền và trộn cùng với muối biển khiến người tiêu dùng rất khó nhận biết. Muối công nghiệp được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau bao gồm thủy tinh, lốp xe, nhựa và da.

Theo các chuyên gia hóa học, chỉ có muối biển mới có thể ăn được, còn muối công nghiệp chứa rất nhiều kim loại nặng gây hại cho sức khỏe. Thai phụ ăn phải có thể bị sẩy thai hoặc gây dị tật ở thai nhi. Những kẻ làm hàng giả thường sử dụng muối công nghiệp để làm nước tương, giấm, nước luộc gà giả và nhiều loại gia vị khác. Việc tiêu thụ lâu dài những sản phẩm giả nhiễm muối công nghiệp sẽ gây ung thư, có thể dẫn đến suy thận và gan cũng như tổn thương hệ thần kinh.

Đoàn kiểm tra thị trường tỉnh Quảng Đông từng cho biết có đến 80 – 90% lượng muối ăn lưu hành trên thị trường địa phương này là muối giả, một con số khiến người nghe phải giật mình.

  1. Tiết vịt giả

Không chỉ là món khoái khẩu ở Việt Nam, tiết vịt cũng là món ăn rất phổ biến ở Trung Quốc. Thế nhưng ở đất nước này, không phải tất cả đều là hàng thật. Tiết vịt giả được làm bằng cách sử dụng máu cừu và bò chất lượng thấp trộn với formaldehyde để biến thành máu vịt.

Formaldehyde là chất hóa học cực độc có thể gây ung thư. Tuy nhiên, cũng có cách để phân biệt thật giả. Theo những người sành ăn, có những cách phân biệt sau: “Tiết vịt thật đặc biệt loãng, mịn và mềm. Khi dùng đũa gắp vào, có cảm giác như đậu phụ. Tiết vịt thật có màu đậm hơn máu lợn, màu đỏ sẫm và có độ đàn hồi tốt hơn. Máu vịt giả thường có màu nâu. Tiết giả có chứa một số tinh bột và các hóa chất khác nên rất dai và có thể kéo giãn, trong khi máu vịt thật thì tương đối giòn. Mùi vị của tiết vịt thật và giả rất khác nhau. Tiết vịt thật rất mềm và thơm. Tiết vịt giả có vị nhạt nhẽo, dai như ăn thạch”.

  1. Rượu giả

Rượu hoặc nước ép trái cây được mua với giá 10 nhân dân tệ một chai, sau đó được đổ vào các chai rượu khác có dán nhãn đắt tiền rồi được bán ra với giá 400 nhân dân tệ mỗi chai. 1 vốn 40 lời thế này bảo sao có nhiều người bất chấp tất cả để làm giả. Có lẽ đây là lý do các khách sạn, nhà hàng hay nhà đấu giá lớn đập vỡ chai rượu sau khi sử dụng để tránh tái sử dụng.

Rượu là ngành kinh doanh lớn ở Trung Quốc, nhưng khách hàng lại thiếu kiến thức, trải nghiệm và kinh nghiệm về sản phẩm họ mua. Nên kiểu rượu “treo đầu dê bán thịt chó” này vẫn tràn lan. Chính quyền tỉnh Quý Châu từng cho tiêu hủy 7.488 chai rượu Mao Đài giả (một loại rượu ngon và nổi tiếng mắc tiền của Trung Quốc). Cảnh sát sau đó cũng triệt phá một đường dây cửa hàng mua bán rượu giả kéo dài trên nhiều tỉnh thành như Bắc Kinh, Trùng Khánh, Hồ Nam, Chiết Giang.

  1. Quả óc chó bê tông

Óc chó giả ở Trung Quốc. Để tạo ra chúng, các gian thương bổ cẩn thận vỏ quả óc chó, sau đó lấy phần ruột bán riêng rồi nhét trở lại vào đó viên đá được bọc giấy để không gây âm thanh lạ. Rồi họ dùng keo gắn vỏ trở lại như ban đầu, xong bán theo ký cho khách hàng. Có chỗ còn tinh vi hơn, họ trộn hàng thật và hàng giả lẫn với nhau, nên dù có thử một hai quả thì cũng không biết được rốt cuộc tất cả những quả mình mua có thật hết không.

Tình trạng bán óc chó giả ở Trung Quốc đang diễn ra rất phổ biến và đã có những video cảnh báo cách nhận biết những quả óc chó giả. Tuy nhiên, quy trình phân biệt khá kỳ công cho nên có người đưa ra lời khuyên rằng quả óc chó chỉ có thể làm giả khi chúng đã được sấy khô, nên khách hàng tốt nhất nên mua những quả còn tươi.

  1. Vi cá mập giả

Vi cá mập được mệnh danh là một trong các món sơn hào hải vị. Thế nhưng, ở Trung Quốc chúng được tạo ra từ hỗn hợp bột đậu, chất gelatin, natri và một số hóa chất khác. CCTV từng ước lượng khoảng 40% vi cá mập tiêu thụ tại các nhà hàng ở Trung Quốc có thể là đồ giả.

Các nhà hàng mua vi cá mập giả với giá rẻ, nhưng bán ra với giá cắt cổ. Một số nhà hàng cao cấp còn tinh vi hơn khi trộn vi cá mập thật với đồ giả, trong đó phần giả chiếm số nhiều vào món súp để phục vụ khách hàng. Các chuyên gia cảnh báo rằng những hóa chất và chất phụ gia sử dụng để làm vi cá mập giả có độc và có thể làm tổn hại phổi cùng các cơ quan khác.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới