Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiĐàm phán thất bại, nhưng chiến tranh Trung Đông có dấu hiệu...

Đàm phán thất bại, nhưng chiến tranh Trung Đông có dấu hiệu hạ nhiệt

Một cuộc đàm phán do các “trọng tài” Mỹ, Qatar và Ai Cập dàn xếp đã thất bại. Kết quả đàm phán đã được dự báo trước. Đó là chuyện bình thường khi lò lửa Trung Đông vẫn ngùn ngụt cháy, những mâu thuẫn giữa các bên tham chiến không dễ gì có thể hóa giải trong vài phiên tranh luận.

Vòng đám phán cấp cao tại Cairo (Ai Cập) giữa Israel và Hamas về lệnh ngừng bắn tại Gaza hôm 25/8 có sự tham gia của Giám đốc CIA William Burns và người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad của Israel David Barnea. Phái đoàn Hamas không trực tiếp tham gia đàm phán.

Kết thúc sự kiện này tuy không đạt yêu cầu nhưng là cơ sở để các nhóm đàm phán thuộc các cấp thấp hơn sẽ tiếp tục nhen nhóm hi vọng giải quyết những bất đồng. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Washington vẫn đang “cố gắng hết sức” cùng các nhà trung gian Ai Cập và Qatar cũng như Israel, để đạt được lệnh ngừng bắn và thỏa thuận về trao đổi con tin.

Vì sao đàm phán sa lầy? Một trong những điểm bế tắc chính dẫn đến chưa thể ngừng bắn tại dải Gaza là do sự hiện diện của Israel tại Hành lang Philadelphi. Đây là một dải đất hẹp, dài 14,5 km dọc theo biên giới phía nam của Gaza với Ai Cập. Các “liều thuốc thử” được đưa ra nhưng không được các bên chấp nhận. Israel cũng vẫn tỏ rõ thái độ nghi ngại về một số tù nhân Palestine mà Hamas yêu cầu phải thả ngay.

Trong khi đó, Hamas cáo buộc Israel đã rút lại cam kết cho quân đội rút khỏi Hành lang Philadelphi. Không những thế Jezusalem còn đưa ra các điều kiện mới hết sức vô lý, bao gồm việc sàng lọc người Palestine trở về phía bắc Dải Gaza khi lệnh ngừng bắn bắt đầu.

Xin quý vị nhớ lại, vào tháng 7/2024, Hamas đã “nhân nhượng” khi chấp nhận đề xuất của Mỹ về việc bắt đầu các cuộc đàm phán thả các con tin Israel. Thế nhưng từ khi lệnh ngừng bắn tạm thời được thực hiện, các cuộc đàm phán sau đó giữa Israel và Hamas đều giậm chân tại chỗ. Xem ra, điều gì nói mãi cũng sinh ra nhàm. Và sự nhàm chán này vô cùng nguy hiểm vì nó liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người dân và binh lính đang từng ngày mong muốn chấm dứt chiến tranh.

Tuy đàm phán không mang lại kết quả nhưng dù sao cũng là một cách rút củi đáy nồi. Bởi trong gần một tháng qua, người dân Liban và Israel, bên nào cũng cho lẽ phải thuộc về mình, đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn – một cuộc trả thù có cái tên hoa mĩ “đòi lại công bằng”.

Sau cuộc tấn công của Hezbollah bằng tên lửa vào thị trấn Majdal Shams trên Cao nguyên Golan ngày 27/7, nơi Israel chiếm đóng, Israel đã ra tay trả đũa. Hậu quả, vị chỉ huy cấp cao của Hezbollah ở phía nam Beirut đã bị giết chết trong một vụ không kích. Lực lượng thân Iran thề sẽ đáp trả.

“Lời thề” ấy đã được thực hiện vào buổi sáng ngày 25/8. Hezbollah đã phóng hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa Katyusha vào Israel, nhằm áp đảo các hệ thống phòng không của nước này và mở đường tấn công 11 địa điểm quân sự ở miền bắc Israel và Cao nguyên Golan.

Hai vụ tấn công xuyên biên giới là dấu mốc leo thang căng thẳng sau 11 tháng thù địch giữa Hezbollah và Israel. Thế nhưng quan sát chiến cuộc một cách bình tĩnh, các nhà phân tích cho rằng, hành động này cho thấy nguy cơ chiến tranh khó có thể lan rộng khắp Trung Đông. Nó chỉ là sự “ăn miếng trả miếng” giữa Israel và Hezbollah

Ngay thời điểm này, tại Israel, chính quyền đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế an ninh ở miền bắc. Còn tại Liban, Hezbollah tuyên bố kết thúc cuộc tấn công vào Israel. Như vậy có thể sắp tới hai bên sẽ tiếp tục xung đột nhưng ở cường độ thấp và xảy ra ở khu vực có biên giới chung.

Cần tiếp tục theo dõi, tránh chủ quan, nhưng có thể thấy mức độ leo thang khiến cả thế giới sợ rằng sẽ đẩy Trung Đông đến bờ vực chiến tranh toàn diện đã giảm nhiều. Hezbollah khẳng định cuộc tấn công của họ vào Israel đã “hoàn thành một cách tỉ mỉ”, lời lẽ không còn chát chúa như ban đầu.

Gió vẫn chưa đổi chiều, nhưng sức gió và tốc độ gió đã giảm. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn thận trọng: “Những gì xảy ra hôm nay không phải hồi kết”.

Có được kết quả này chúng ta ghi nhận sự nỗ lực chung của các cường quốc, nhất là Mỹ. Hàng loạt hoạt động ngoại giao con thoi của Mỹ, Anh và Pháp thúc giục Hezbollah và Iran kiềm chế, đã mang lại hiệu ứng tích cực. Các vòng đàm phán được tổ chức liên tục nhằm đạt được lệnh ngừng bắn và thỏa thuận thả con tin ở Dải Gaza tuy chưa mang lại kết quả mong muốn nhưng cũng là những động thái khiến cho các hành động leo thang chiến tranh diễn ra với tốc độ chậm chạp. Những điều vừa xảy ra cho thấy cả Iran và các lực lượng thân thiết trong trong khu vực đều không muốn chiến tranh lan rộng hơn nữa. Trong chiến tranh, bất cứ bên nào “thắng” thì người dân cũng là kẻ thất bại. Họ cần phải được sống và được hưởng hòa bình, tự do.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới