Các số liệu về lực lượng, vũ khí cùng những phân tích của giới quan sát đem lại một góc nhìn cụ thể về tương quan sức mạnh quân sự giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Li Băng giữa xung đột leo thang.
Trong khi đó, Israel tuyên bố sẽ tiếp tục tập kích các địa điểm của Hezbollah, không chỉ ở miền nam Li Băng mà tại mọi khu vực ở nước này mà Israel cho rằng có mối đe dọa.
Xung đột leo thang đang thu hút sự chú ý vào năng lực quân sự của Hezbollah cũng như Israel.
Hezbollah bắn hàng loạt rốc két, Israel báo động khẩn cấp
Sức mạnh đáng gờm của Hezbollah
Hezbollah là một trong những lực lượng phi nhà nước được trang bị vũ trang hùng hậu nhất thế giới, chủ yếu nhờ Iran hậu thuẫn. Tại Li Băng, Hezbollah là một tổ chức chính trị – vũ trang của những người Hồi giáo dòng Shiite.
Nổi lên từ nội chiến Li Băng trong thập niên 1980, Hezbollah ban đầu được thành lập nhằm chiến đấu chống lại việc Israel tiến vào phía nam Li Băng, kéo dài đến khi quân đội Israel rút lui vào năm 2000.
Kể từ đó, cánh vũ trang của Hezbollah phát triển đáng kể và được xem là mạnh hơn quân đội Li Băng. Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cho biết nhóm này có 100.000 thành viên, mặc dù một số ước tính khác cho rằng số lượng thực tế chưa bằng một nửa con số đó.
Theo một phân tích mới đây của tạp chí Newsweek, Hezbollah dường như có hơn 150.000 tên lửa và rốc két, từ những rốc két không dẫn đường cho đến tên lửa dẫn đường chính xác.
Kho vũ khí của họ được cho là có nhiều tên lửa Raad, Fajr và Zilzal do Iran sản xuất, cũng như pháo phản lực Katyusha do Nga sản xuất.
Hezbollah còn tăng cường năng lực của mình bằng cách trang bị thêm hệ thống dẫn đường chính xác cho tên lửa, giúp tăng đáng kể độ chính xác và mức độ đe dọa đối với Israel.
Lực lượng này sở hữu tên lửa chống tăng tiên tiến, chẳng hạn như tên lửa Kornet do Nga sản xuất và tên lửa Toophan của Iran. Những tên lửa này đã chứng minh hiệu quả chống lại xe tăng của Israel, đặc biệt là trong Chiến tranh Li Băng năm 2006.
Ngoài ra, Hezbollah thỉnh thoảng sử dụng tên lửa đất đối không và tuyên bố đã bắn hạ máy bay không người lái (UAV) của Israel, cho thấy một số mức độ khả năng phòng thủ trên không.
Năng lực chống hạm của Hezbollah bao gồm tên lửa Yakhont do Nga sản xuất, được chứng minh bằng cuộc tấn công vào một tàu chiến của Israel năm 2006. Nhóm này cũng sử dụng UAV để trinh sát và tấn công, bao gồm các mẫu Ayoub và Mersad lắp ráp tại Li Băng, tạo ra thách thức đối với hệ thống phòng thủ Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel.
Vũ khí hiện đại của Israel
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) có khoảng 173.000 quân nhân tại ngũ và đã triệu tập thêm 300.000 quân dự bị để ứng phó với những tình hình leo thang gần đây.
Quân đội Israel được tăng cường sức mạnh nhờ ngân sách đáng kể khoảng 24,3 tỉ USD và sự hỗ trợ từ Mỹ, bao gồm công nghệ quân sự tiên tiến và tài trợ.
Kho vũ khí của IDF bao gồm khoảng 2.200 xe tăng, chủ yếu là xe tăng Merkava, bên cạnh khoảng 300 khẩu pháo kéo, 650 pháo tự hành và 300 hệ thống pháo phản lực như hệ thống tên lửa phóng loạt M270 do Mỹ phát triển.
Không quân Israel, được coi là lực lượng mạnh nhất trong khu vực, vận hành các máy bay chiến đấu tiên tiến bao gồm máy bay Kfir và F-35 Lightning II mua từ Mỹ.
IDF còn nổi tiếng với lực lượng đặc nhiệm, chẳng hạn như đơn vị Sayeret Matkal đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch chống khủng bố và nhằm vào các mục tiêu được đánh giá cao.
Tàu sân bay Mỹ mang F-35 đã đến Trung Đông giúp bảo vệ Israel
Lực lượng dày dặn kinh nghiệm chiến đấu
Chuyên gia William F. Wechsler, giám đốc chương trình Trung Đông tại tổ chức Atlantic Council (Mỹ) nhận định rằng Hezbollah là lực lượng được tài trợ rất tốt và dày dặn kinh nghiệm chiến đấu. Chia sẻ nhận định với Newsweek, ông cho rằng tình hình giữa Israel và Li Băng hiện nay khác hẳn so với khi 2 nước đối đầu trong cuộc chiến kéo dài 34 ngày vào năm 2006. Theo ông, Hezbollah quyết định chính quyền tại Li Băng, thâm nhập vào lực lượng vũ trang Li Băng đến mức quân đội nước này bị coi như một đơn vị của Hezbollah.
Giới quan sát cho rằng Hezbollah có năng lực quân sự tương đương một quốc gia châu Âu cỡ vừa, với các vũ khí tinh vi và những chiến binh dày dặn kinh nghiệm, chiến đấu bên cạnh các lực lượng Nga và Iran. Trong khi đó, IDF được hưởng lợi từ công nghệ, cơ sở hạ tầng hỗ trợ toàn diện và cơ cấu chỉ huy được tổ chức tốt.
T.H