Việc Belarus tuyên bố triển khai 1/3 quân đội sát biên giới Ukraine có thể là một trong những nỗ lực nhằm đánh lạc hướng Ukraine, khiến Kiev dàn trải lực lượng trong bối cảnh cuộc đột kích vào Nga.
Căng thẳng giữa Ukraine và Belarus leo thang gần đây khi 2 bên cáo buộc lẫn nhau tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới chung.
Cuối ngày 25/8, Bộ Ngoại giao Ukraine kêu gọi Belarus rút quân khỏi biên giới và “dừng các hành động không thân thiện”.
Kiev cáo buộc Belarus điều động Lực lượng tác chiến đặc biệt và tập trung lượng lớn vũ khí, thiết bị quân sự ở khu vực Gomel gần biên giới phía bắc Ukraine “dưới vỏ bọc tập trận”.
“Trong trường hợp Belarus xâm phạm biên giới Ukraine, chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để thực hiện quyền tự vệ theo Hiến chương Liên hợp quốc”, Bộ Ngoại giao Ukraine cảnh báo.
Kiev cũng lưu ý đến việc quân đội Belarus tập trung gần khu vực từng xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl. Kiev cảnh báo, bất kỳ cuộc tập trận quân sự nào ở đây đều gây ra “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Ukraine”.
Tuần trước, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thông báo nước này đã điều động khoảng 1/3 lực lượng đến biên giới với Ukraine.
Belarus tuyên bố việc điều động binh sĩ đến gần biên giới Ukraine là một hành động tự vệ trong bối cảnh Ukraine bị cho là đã triển khai 120.000 binh sĩ đến biên giới với Belarus trước đó.
Tuy vậy, theo ông Mathieu Boulegue, một thành viên tư vấn tại tổ chức Chatham House có trụ sở tại London, đây có thể là cách mà Nga và đồng minh Belarus đang tạo cảm giác rằng Moscow sắp phản công từ lãnh thổ Belarus nhằm chuyển hướng dư luận khỏi cuộc đột kích của Ukraine vào vùng biên giới Kursk.
“Theo tôi, những gì chúng ta đang thấy là Nga và các nhóm quân sự tư nhân sắp phản công từ lãnh thổ Belarus để đánh lạc hướng dư luận khỏi chiến dịch Kursk của Ukraine”, ông Boulegue nói.
Tuy nhiên, chuyên gia Boulegue cho rằng, Belarus sẽ không đưa quân đội của mình tham chiến.
Các nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cũng chỉ ra Belarus sẽ không mạo hiểm tham gia vào xung đột Ukraine. Theo ISW, Belarus có thể nhằm mục đích đánh lạc hướng lực lượng Ukraine từ phía đông và phía nam và kéo họ dọc theo một mặt trận rộng hơn.
Belarus đã duy trì quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ với Nga kể từ khi tách khỏi Liên Xô vào năm 1991. Ông Lukashenko là một đồng minh thân thiết của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Belarus đã sát cánh cùng Nga trong suốt cuộc chiến với Ukraine. Belarus cũng cho phép Nga đóng quân trên lãnh thổ.
Vì lý do này, các đồng minh phương Tây của Ukraine, đặc biệt là Mỹ, đã áp đặt một loạt hình phạt đối với Belarus, bao gồm các biện pháp trừng phạt tài chính, kiểm soát xuất khẩu, hạn chế không phận và hạn chế thị thực đối với các quan chức Belarus.
Cho đến nay, Belarus vẫn tránh trực tiếp tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, nhưng những động thái mới nhất của Belarus đã làm dấy lên lo ngại về việc quốc gia này muốn thay đổi cách tiếp cận của mình.
T.H