Campuchia và Trung Quốc, hai đất nước chẳng có bất kỳ đường biên giới trên bộ hay trên biển nào, lại có sự kết nối rất chặt chẽ trong hơn 10 năm trở lại đây. Phnom Penh là một trong những nơi tham gia tích cực nhất vào sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Một chiến lược Trung Quốc sẽ hỗ trợ về kinh tế cho các quốc gia, đổi lại, họ sẽ tạo được tầm ảnh hưởng trên toàn khu vực.
Trung Quốc đổ không ít tiền vào đầu tư các dự án tại Campuchia, chủ yếu là ở lĩnh vực bất động sản, nhưng do bong bóng vỡ khiến cho hàng loạt các công trình xây dựng bị đình trệ, lâm vào dang dở, gây gánh nặng cho kinh tế địa phương và quốc gia. Làn sóng rời đi của các công ty bất động sản Trung Quốc đã khiến khu nghỉ dưỡng ven biển ở thành phố Sihanoukville, ven biển phía Nam Campuchia, tràn ngập dự án chưa hoàn thành. Các công ty bất động sản Trung Quốc bỏ lại hàng trăm dự án dang dở tại thành phố nghỉ dưỡng ven biển Campuchia, biến chúng thành những tòa nhà ma.
Một tòa nhà trơ khung bê tông được xây lên trên mảnh đất của Pan Sombo. Nhìn lên tòa cao ốc, không biết bao giờ mới xây xong. Năm 2019, một nhà đầu tư người Trung Quốc tới gặp Pan Sombo xin thuê đất 750 m² của ông để xây chung cư 10 tầng. Vào thời điểm cơn sốt bất động sản đang bùng nổ ở Campuchia. Ông ta cam kết sẽ hoàn thành dự án vào năm 2021, trả 20 triệu riel, tương đương với 5000 USD mỗi tháng tiền thuê đất, gấp 10 lần thu nhập của Pan Sombo. Dĩ nhiên là ông đồng ý. Nhưng Covid-19 ập đến, các nhà đầu tư quay về Trung Quốc và nói rằng không thể quay lại Campuchia. Đó là lần cuối Pan Sombo nghe được tin tức từ ông ta. Ông buộc phải làm việc với chính quyền địa phương để bắt đầu quá trình thanh lý hợp đồng.
Những tòa nhà ma tương tự đang tràn ngập Sihanoukville. Theo chính quyền thành phố, khoảng 360 tòa nhà xây dở và 170 tòa đã xây xong nhưng chưa đưa vào sử dụng ở Sihanoukville. Với vị trí đắc địa Vịnh Thái Lan, giữa những năm 2010, Sihanoukville bùng nổ cơn sốt bất động sản nhờ làn sóng đầu tư từ Trung Quốc.
Tập đoàn bất động sản Prince của Campuchia bắt đầu loạt dự án xây dựng khách sạn hạng sang và trung tâm thương mại. Sihanoukville khi đó được gọi là Macau thứ hai với hàng chục sòng bạc mọc lên. Rồi đại dịch bùng phát, số khách du lịch Trung Quốc tới Campuchia năm 2023 là 550.000 người, giảm 77% so với năm 2019. Theo Bộ Du lịch Campuchia, số khách tới sân bay quốc tế Sihanoukville năm 2023 là 15.754, giảm 98% so với năm 2019. Con số này trái với sự phục hồi ấn tượng ở Siem Reap, nơi có quần thể Angkor Wat nổi tiếng. Dòng tiền đầu tư chậm quay lại Sihanoukville sau đại dịch do chính phủ Campuchia siết kiểm soát sòng bạc, trong khi thị trường bất động sản Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Theo ước tính của chính phủ Campuchia, cần 1,1 tỷ USD để đầu tư hoàn thành các công trình dang dở tại Sihanoukville.
Mục tiêu theo đuổi tăng trưởng kinh tế của Campuchia đã tìm ra hướng đi theo sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Tập đoàn bất động sản Prince của Campuchia đã bắt đầu một loạt dự án xây dựng bao gồm một khách sạn sang trọng và một trung tâm thương mại. Sihanoukville được mệnh danh là Macau thứ hai khi hàng chục sòng bạc mọc lên, nhưng tất cả đã trở nên tồi tệ sau Covid-19.
Tháng 1, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã công bố chính sách giảm thuế và ưu đãi nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tự giải cứu các tòa nhà ma tại Sihanoukville. Nhưng với việc nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại, những biện pháp đó sẽ không dễ để phát huy hiệu quả. Trong khi đó, Campuchia đang phụ thuộc đáng kể vào nguồn vốn Trung Quốc. Năm 2022, Hội đồng Phát triển Campuchia đã phê duyệt khoản đầu tư nước ngoài trị giá 1,9 tỷ USD, trong đó 90% đến từ Trung Quốc. Giám đốc một công ty xây dựng Campuchia cho biết, thật khó để lấp đầy khoảng trống do Trung Quốc để lại bằng các khoản đầu tư từ nước khác. Sihanoukville cần đa dạng hóa các ngành công nghiệp và các quốc gia đầu tư để có nền kinh tế năng động hơn. Chính phủ cũng đã thể hiện sự cởi mở trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Lâu nay, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia ngày càng khăng khít. Tháng 4/2024, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc sẽ luôn là đối tác đáng tin cậy nhất và ủng hộ mạnh mẽ nhất của Campuchia. Theo Tân Hoa xã, ông Vương đưa ra bình luận trên khi gặp Quốc vương Norodom Sihamoni ở Campuchia. Trong khi đó, Quốc vương Sihamoni cho biết, Campuchia đánh giá cao sự hỗ trợ của Trung Quốc trong phát triển kinh tế và xã hội của Campuchia, cho rằng điều này tạo động lực mạnh mẽ cho việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Campuchia – Trung Quốc. Quốc vương Campuchia tin rằng tình hữu nghị giữa Campuchia và Trung Quốc sẽ được truyền qua các thế hệ và ngày càng bền chặt theo thời gian.
Về phần mình, ông Vương cho biết dưới sự chỉ đạo của nguyên thủ quốc gia hai nước, việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – Campuchia đã bước vào giai đoạn mới với chất lượng cao, trình độ cao và tiêu chuẩn cao. Ông Vương nói Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Campuchia để thực hiện sự đồng thuận chiến lược mà lãnh đạo hai nước đã đạt được. Trung Quốc sẽ luôn là đối tác đáng tin cậy nhất và ủng hộ mạnh mẽ nhất của Campuchia. Ông cũng lưu ý sự phát triển của Trung Quốc sẽ mang lại những cơ hội mới cho sự phát triển của Campuchia.
Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Sok Chenda Sophea cùng ngày, ông Vương tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Campuchia để thúc đẩy cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – Campuchia. Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết, đối mặt với môi trường quốc tế phức tạp, Bắc Kinh và Phnom Penh cần tăng cường hướng dẫn chiến lược cấp cao và chỉ đạo xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – Campuchia theo đúng hướng.
Nói là một chuyện nhưng các thương vụ hợp tác giữa hai nước cũng để lại không ít hậu quả. Trước khi 500 dự án trở thành các tòa nhà ma tại Sihanoukville, tại thủ đô Phnom Penh cũng đã từng trải qua đợt bong bóng bất động sản, chủ yếu do tiền từ Trung Quốc. Năm 2018, thủ đô Campuchia đã trải qua một trong những đợt bùng nổ bất động sản nhanh nhất thế giới do các yếu tố từ Bắc Kinh.
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Phnom Penh vào tháng 10/2016 để mở rộng dấu ấn của sáng kiến Vành đai và Con đường, ông đã mang theo hơn 200 nhà đầu tư Trung Quốc háo hức lấp đầy đường chân trời của thủ đô Campuchia với hàng tỷ USD đổ vào bất động sản. Bây giờ, một thành phố từng được biết đến với các biệt thự thuộc địa Pháp và kiến trúc Khmer mới hiện đại vào những năm 1960 đang trở nên không thể nhận ra. Cấu trúc di sản đang được thay thế bằng những căn hộ chung cư cao tầng đắt tiền. Tại một thành phố, nơi thu nhập hộ gia đình trung bình chỉ vào khoảng 11.000 USD mỗi năm, thị trường căn hộ cao cấp chắc chắn là thừa cung. Những gì đang thấy hiện nay là doanh thu và cho thuê đang bị chậm lại. Chỉ có một số ít người Campuchia có thể mua những căn hộ này và để một thị trường bền vững, cần phải có nhu cầu nội địa.
Phnom Penh là một trong những ví dụ cực đoan nhất về cơn sốt bất động sản diễn ra trên khắp Châu Á. Khi các nhà đầu tư Trung Quốc và các nhà đầu cơ trở nên giàu có nhờ những khoản đầu tư dọc theo sáng kiến Vành đai và Con đường. Giá trung bình một căn hộ chung cư cao cấp ở Phnom Penh là 3.200 USD/m², trong quý 2 năm 2018, tăng 60% so với năm 2013. Giá đất tại khu thương mại Daun Penh đã được trích dẫn trong các tờ báo địa phương là mức 9.000 USD/m², gần gấp 3 lần so với năm 2014. Nguồn cung căn hộ ở Phnom Penh tiếp tục tăng gấp đôi trong vài năm qua lên hơn 20.000 căn.
Đối với quốc gia nghèo thứ hai ở Đông Nam Á, một số dự án được phê duyệt là quá sức hoành tráng. Harbour Bay của Guangzhou Yueta xây 24 tòa nhà cao tầng dọc theo bờ sông của thành phố. Trong khi tập đoàn Sun Kian có trụ sở tại Ma Cao muốn xây dựng trung tâm thương mại thế giới Twin Tower gồm 133 tầng với giá 2,7 tỷ USD, sẽ là một trong những tòa nhà cao nhất thế giới. Thậm chí, nhiều tham vọng hơn là kế hoạch của chính phủ cho một thủ đô mới trị giá 80 tỷ USD ở phía bắc thành phố, được gọi là “thành phố Rồng Samdech Techo”.
Giống như các địa điểm khác trong sáng kiến Vành đai và Con đường, kinh phí dự án thường đến từ Trung Quốc, vốn đã trở thành người cho vay, đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn nhất của Campuchia, nắm giữ gần một nửa số nợ nước ngoài 6 tỷ USD của quốc gia Đông Nam Á. Campuchia hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc, nhưng lo ngại về sự phụ thuộc ngày càng tăng vào quốc gia này, theo lời Mey Kalyan, cố vấn cấp cao của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Tối cao. “Chúng tôi phải đưa ra các chiến lược để quản lý khoản đầu tư này để tránh các vấn đề trong tương lai. Chúng ta không nên cho phép một quốc gia đầu tư quá nhiều”, ông nói.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Campuchia gần gấp đôi lên 6,3 tỷ USD vào năm 2017, theo Hội đồng Phát triển Campuchia, với Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất trong 5 năm qua. Đầu năm nay, các công ty Trung Quốc đã cam kết thêm 7 tỷ USD cho các dự án mới, bao gồm một đường cao tốc nối Phnom Penh với Sihanoukville. Hầu hết các căn hộ chung cư mới được mua bởi các nhà đầu tư Trung Quốc, những người không sống ở Campuchia cũng không thuê các căn hộ, khiến cho một số khu phát triển, như khu vực ven sông chính của Tonle Bassac, vẫn không có ánh đèn bất chấp hàng tá tòa nhà cao tầng đã hoàn thành.
Các nhà phát triển Trung Quốc xây dựng và chờ đợi, bởi vì họ không quan tâm liệu họ có được mua bởi người địa phương hay không. Trong khi đó, đường chân trời mới của Phnom Penh vẫn tiếp tục chuyển đổi. Trước năm 2011, thành phố không có tòa nhà nào cao trên 15 tầng. Các doanh nghiệp làm việc trong các biệt thự cũ hoặc các shophouse, xen lẫn với các ngôi chùa Phật giáo và những kỳ quan hiện đại từ một sự hồi sinh kiến trúc hai thập kỷ kết thúc vào năm 1975, khi thủ đô rơi vào vòng kiểm soát của Khmer Đỏ.
Một số người nghèo nhất thành phố đã phải gánh chịu sự thay đổi. Hàng ngàn gia đình đã bị đuổi ra khỏi khu vực xung quanh Boeung Kak, một hồ nước trước đây ở trung tâm thành phố, gấp 10 lần kích thước của hồ Central Park trước khi nó được lấp đầy bằng cát để phát triển bất động sản. Campuchia đã chọn Trung Quốc làm đối tác chính vì hấp dẫn bởi khoản tiền trợ cấp đầu tư khổng lồ, nhưng Campuchia có nguy cơ phải lãnh hậu quả bởi sự phát triển quá nóng, quá nhanh, thiếu sự bền vững, trong khi kinh tế đất nước vẫn còn kém phát triển.
T.P