Vụ án bà Trương Mỹ Lan thao túng ngân hàng SCB và bi kịch nghìn tỷ khiến cơ quan quản lý nghiêm túc đánh giá việc sở hữu cổ phần của các cổ đông lớn tại các TCTD. Theo đó, quy định sở hữu cổ phần tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ 1/7/2024 là một sự tiến bộ.
Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 ngăn chặn thao túng ngân hàng
Đại án Vạn Thịnh Phát còn chưa ráo mực và câu chuyện bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB hơn 677.000 tỷ đồng dù không quản lý điều hành trực tiếp nhưng lại có vai trò cao nhất, có quyền quyết định toàn bộ tại SCB. Điều đó nói lên việc sở hữu cổ phần chi phối của bà Trương Mỹ Lan tại SCB đã dẫn đến bị kịch nghìn tỷ và hậu quả đối với ngân hàng SCB, đến nay chưa thể khắc phục.
Bài học đau lòng đó đã buộc cơ quan quản lý nghiêm túc đánh giá lại việc sở hữu cổ phần của các cổ đông lớn tại các tổ chức tín dụng và cần phải có những quy định chặt chẽ hơn. Theo đó, Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024 được sửa đổi và bổ sung có hiệu lực từ 1/7 quy định: Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn của một TCTD. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD. Cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một TCTD khác.
Đối với các cổ đông đang sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ so với quy định mới, kể từ ngày Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ sở hữu cổ phần quy định mới được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỉ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật Các TCTD năm 2024, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Nhận định về quy định này, nhiều chuyên gia đánh giá việc giảm tỉ lệ sở hữu vốn sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc cơ cấu tổ chức, quản trị nội bộ của các TCTD. Tuy nhiên, quy định mới này sẽ góp phần giải quyết hạn chế việc sở hữu chéo, thao túng giữa các TCTD và đồng thời ngăn chặn hành vi lũng đoạn thị trường tài chính.
Sau khi Luật các TCTD năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, hàng loạt ngân hàng đã công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Theo đó, các doanh nghiệp là cổ đông lớn sở hữu từ 10% cổ phần tại ngân hàng cũng minh bạch và rõ ràng hơn.
Cùng với Luật các TCTD 2024 có hiệu lực, Eximbank cũng có sự chuyển biến về cơ cấu cổ đông. Theo đó, bên cạnh những cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% thì nhiều thương hiệu tiếng tăm đã xuất hiện như Tập đoàn Bamboo Capital, Tập đoàn Gelex là những cổ đông lớn với tỷ lệ chi phối từ 10% trở lên và họ bắt tay nhau tái lập lại vị thế của Eximbank trên thị trường.