Saturday, December 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBộ 'ôm' nhiều việc, dự án bị nghẽn: Cơ quan chuyên môn...

Bộ ‘ôm’ nhiều việc, dự án bị nghẽn: Cơ quan chuyên môn chỉ quản dự án đặc thù

“Thay vì phân cấp dựa trên phân loại nhóm dự án (A, B, C), cần nghiên cứu theo hướng những dự án đã có tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng thì phân cấp tối đa. Cơ quan chuyên môn về xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định các dự án lần đầu tiên triển khai ở VN hoặc mang tính chất đặc thù, chuyên ngành”, đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 15/2021 chiều qua 28.8.

Hiện nay nhiều dự án đang bị chậm tiến độ do vướng thủ tục

Bộ Xây dựng quản công trình cấp 1, thuộc nhóm A
Theo đó, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15 của Chính phủ nhằm mục tiêu tiếp tục thể chế hóa nhiệm vụ cụ thể tại Nghị quyết số 105 của Chính phủ về “Tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đảm bảo cải cách, đơn giản thủ tục hành chính”. Tháo gỡ vướng mắc thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đổi mới nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bộ Xây dựng cho biết dự thảo Nghị định hướng đến phân cấp toàn bộ cho cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở trừ dự án nhóm A có công trình cấp I có yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Bộ cũng đang phối hợp với các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành để rà soát, sửa đổi Thông tư 06 về phân cấp công trình xây dựng theo hướng đưa một số công trình cấp I xuống cấp II phù hợp về mức độ phức tạp để đồng bộ với việc phân cấp và yêu cầu quản lý.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về xác định thẩm quyền thẩm định theo quy mô đối với các dự án được triển khai theo dự án thành phần; theo quy mô đối với dự án sửa chữa cải tạo để phân cấp thẩm quyền thẩm định các dự án có tổng mức đầu tư lớn nhưng nội dung đầu tư, tính chất công trình đơn giản.

Cắt giảm số lượng dự án phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng thông qua việc tăng quy mô các dự án chỉ cần lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật dự án bảo trì, duy tu, bảo dưỡng nhóm C và điều chỉnh từ 15 tỉ đồng lên 20 tỉ đồng đối với các dự án còn lại. Quy định rõ các trường hợp điều chỉnh dự án, thiết kế có nội dung đơn giản thì không yêu cầu quay lại thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng.

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định thành phần hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, nội dung hồ sơ thiết kế theo từng giai đoạn để giảm thiểu phải trình hồ sơ thẩm định nhiều lần do thiếu hoặc không đáp ứng đủ điều kiện thẩm định. Quy định rõ các tiêu chí định lượng để làm thước đo khi thẩm định, đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng, rút ngắn thời gian thẩm định và nâng cao chất lượng kết quả thẩm định.

Hiện nay quy định cấp giấy phép xây dựng trên cơ sở vị trí hướng tuyến, tổng mặt bằng được chấp thuận trong trường hợp không có quy hoạch xây dựng đối với công trình xây dựng ngoài đô thị đã có. Tuy nhiên chưa quy định thẩm quyền chấp thuận nội dung này. Dự thảo Nghị định nghiên cứu bổ sung quy định giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện để có đủ cơ sở thực hiện.

Bộ chỉ nên quản dự án lần đầu tiên triển khai ở VN
Đóng góp cho dự thảo, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định cần cụ thể hơn nữa quy định phân cấp, phân quyền, bảo đảm cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. Đồng thời, cần làm rõ thẩm quyền, trình tự trong cấp phép điều chỉnh thiết kế cơ sở cho cơ quan chuyên môn về xây dựng; chú ý sửa đổi, bổ sung các quy định về xác định thẩm quyền thẩm định theo quy mô dự án thành phần đối với các dự án được triển khai theo dự án thành phần…

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục, hồ sơ thiết kế, thẩm định dự án hiện đang còn rườm rà, tốn nhiều thời gian, công sức trong quá trình lập, triển khai thực hiện các dự án. Ngoài ra, cũng cần có quy định rõ hơn về tiêu chí đối với các dự án đầu tư xây dựng, nhất là những tiêu chí về tầm quan trọng, quy mô vốn, độ phức tạp của dự án…

Bởi theo khoản 4 (a) điều 13 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP, đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác (không thuộc diện dự án đầu tư công, dự án PPP, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công) thì “Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A; dự án nhóm B có công trình cấp đặc biệt, cấp I; dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của 2 tỉnh trở lên”.

Với quy định này, khối lượng báo cáo nghiên cứu khả thi của tất cả các dự án nhóm A và dự án án nhóm B có công trình cấp I trên cả nước được chuyển lên bộ chuyên ngành thẩm định (trong đó có Bộ Xây dựng) rất lớn, từ 800 – 1.000 hồ sơ mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng cán bộ chuyên trách của Bộ chỉ khoảng 30 người, dẫn đến việc kéo dài thời gian xử lý hồ sơ từ 60 – 120 ngày, thậm chí 6 tháng – 1 năm, gây ra sự chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Trong khi đó, luật Xây dựng 2020 quy định thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 35 ngày đối với dự án nhóm A và dự án nhóm B không quá 25 ngày.

Mặc dù các quy định đã phần nào được sửa đổi tại Nghị định số 35/2023/NĐ-CP và mới đây, Dự thảo Nghị định 15 sửa đổi tiếp tục phân cấp thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Cụ thể cơ quan chuyên môn thuộc bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với dự án nhóm A có công trình cấp I trở lên. Tuy nhiên, việc phân cấp theo tiêu chí kết hợp như trên vẫn chưa triệt để, bởi trên thực tế hầu hết các dự án xây dựng dân dụng từ 800 tỉ đồng trở lên (dự án nhóm A) đều có công trình cấp I. Do vậy, khối lượng hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi chuyển lên cơ quan xây dựng thuộc bộ sẽ không thay đổi nhiều.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo đã xây dựng dự thảo Nghị định đảm bảo tính kế thừa và đề xuất sửa đổi, bổ sung những điều khoản không còn phù hợp với thực tế. Tuy nhiên Phó thủ tướng lưu ý cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu các nghị định liên quan, nếu phát sinh vướng mắc có thể xem xét nghiên cứu, đưa vào nghị định này, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính.

Bộ Xây dựng đẩy mạnh phạm vi phân cấp thẩm quyền cho bộ, ngành, địa phương trong thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật. Bỏ những khâu, thủ tục rườm rà, không cần thiết. Thay vì phân cấp dựa trên phân loại nhóm dự án (A, B, C), Bộ Xây dựng cần nghiên cứu theo hướng những dự án đã có tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng thì phân cấp tối đa, còn cơ quan chuyên môn về xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định các dự án lần đầu tiên triển khai ở VN hoặc mang tính chất đặc thù, chuyên ngành.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới