Thursday, December 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHậu quả vì nạn “ngại đẻ” ở TQ

Hậu quả vì nạn “ngại đẻ” ở TQ

20.000 trường học đóng cửa trong 2 năm, Trung Quốc vội vã tìm phương án giải quyết trước viễn cảnh lực lượng lao động sụt giảm.

Tỷ lệ sinh giảm

Trường mẫu giáo Angels, một trường mẫu giáo quốc tế tư thục ở vùng ngoại ô phía tây quận Thanh Phố của Thượng Hải, từng tự hào vì hệ thống cơ sở vật chất với 16 phòng học, hai sân chơi lớn, đội ngũ y tế riêng và giáo viên nước ngoài cho chương trình giảng dạy song ngữ. Nhưng hiện tại, trường đã đóng cửa vĩnh viễn.

Trong một lần khảo sát gần đây, khuôn viên trường mẫu giáo đã bị bỏ hoang và đóng cửa sau 18 năm hoạt động. Cỏ nhân tạo được gỡ bỏ khỏi các sân chơi nằm trước tòa nhà nhiều tầng đầy màu sắc của trường.

Giữa lúc Trung Quốc chuẩn bị cho năm học mới bắt đầu vào tuần tới, trường mẫu giáo Angels đã trở thành một trường hợp điển hình, gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nhà hoạch định giáo dục và kinh tế của đất nước tỉ dân. Tình trạng trường mẫu giáo đóng cửa đang gia tăng ở khắp các thành phố.

Tại Trung Quốc, các cơ sở mẫu giáo tiếp nhận trẻ em ở nhiều độ tuổi cho đến khi bắt đầu giáo dục tiểu học bắt buộc, thường là sáu tuổi. Nhưng theo Bộ Giáo dục nước này, số lượng trường mẫu giáo trong cả nước đã giảm 20.000 trường từ năm 2021 đến năm 2023, từ 294.832 xuống còn 274.480 trường. Trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm, triển vọng việc làm ảm đạm hơn đối với những người trẻ tuổi tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và động thái siết chặt nền giáo dục chạy theo lợi nhuận, phần lớn các trường đóng cửa đều là trường tư thục.

Phụ huynh thường xếp hàng trước cổng trường, đôi khi là cả đêm, để nộp đơn vào những trường mẫu giáo nổi tiếng nhất. Giờ đây, các trường đang phải vật lộn để lấp đầy các lớp học trước năm học mới. Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc, số trẻ em theo học giáo dục mầm non đã giảm 5 triệu vào năm 2023 xuống còn 40,92 triệu, con số thấp nhất kể từ năm 2014, trong khi hơn 170.000 việc làm giáo viên mầm non toàn thời gian đã biến mất vào năm ngoái.

Tiền bạc là một vấn đề đối với Li, một người mẹ ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Li hiện đang tranh luận với chồng xem có nên cho con gái 2 tuổi vào trường mẫu giáo công hay tư. “Mặc dù chất lượng giáo dục rất quan trọng đối với chúng tôi”, cô cho biết, “nhưng chúng tôi đã chi hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng 35 triệu đồng) cho con gái mỗi tháng. Hiện tại, tôi không đủ khả năng để sinh đứa con thứ hai hoặc thứ ba”.

Khi các bậc phụ huynh và nhà giáo dục phải đối mặt với chi phí và gánh nặng tăng do ngày càng ít trẻ em đi học, thì ở một khía cạnh khác, Trung Quốc đang phải đối đầu với một vấn đề nghiêm trọng: lực lượng lao động tương lai có xu hướng thu hẹp trong khi những nỗ lực của chính phủ nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và phát triển lực lượng lao động có trình độ cao, có giá trị cao gặp nhiều trở ngại.

Chính sách muộn

Yuki Katayama, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI có trụ sở tại Tokyo, cho biết còn quá sớm để đánh giá các biện pháp của Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề này, vì Bắc Kinh mới chỉ bắt đầu chính sách khuyến khích sinh con vào năm 2021.

Lấy ví dụ về tình trạng già hóa dân số ở Nhật Bản, quốc gia “dẫn đầu” trong số các quốc gia đang gặp vấn đề về dân số suy giảm, bà Katayama cảnh báo không nên ưu tiên chăm sóc người già và coi nhẹ các chính sách chăm sóc trẻ em.

“Nhật Bản đã ưu tiên các chính sách để đảm bảo hệ thống an sinh xã hội cho người già, chẳng hạn như chăm sóc người già, và các biện pháp giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh giảm được cho là quá ít và quá muộn”, bà nói. “Trung Quốc có thể phải đối mặt với vấn đề tương tự”.

Khi các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc tìm cách đảo ngược tình trạng giảm tỷ lệ sinh trong dài hạn, các sáng kiến ​​tiềm năng được đưa ra bao gồm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cặp đôi kết hôn – và “gây khó khăn” trong việc ly hôn.

Tháng 7 vừa qua, Bắc Kinh đã vạch ra kế hoạch chi tiết cho tương lai của đất nước với lời kêu gọi cấp bách về tỷ lệ sinh đang giảm. Trong số các hướng dẫn chính sách mới của Trung Quốc, có thể thấy những quyết sách như “cải thiện chính sách hỗ trợ sinh con và các ưu đãi để xây dựng một xã hội thân thiện với việc sinh con” và “giảm hiệu quả chi phí sinh nở, nuôi dạy trẻ em và giáo dục”.

Liệu những động thái như vậy có hiệu quả hay không vẫn còn phải chờ xem. Nhưng chính phủ Trung Quốc đã có những hành động cụ thể như tăng cường mở rộng trường công, cung cấp trợ cấp cho các trường tư đáp ứng một số điều kiện nhất định và khuyến khích nhiều trường hơn chấp nhận trẻ em dưới 3 tuổi vào các lớp học dành cho trẻ mới biết đi.

Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, chỉ có 2,2 triệu trẻ em đăng ký vào các lớp học dành cho trẻ mới biết đi vào năm 2022, chỉ chiếm 5% tổng số trẻ em đăng ký vào trường mẫu giáo. Các bậc cha mẹ đi làm ở Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào ông bà nội ngoại để chăm sóc trẻ sơ sinh vào ban ngày.

Nhưng tính bền vững của hoạt động này cũng đang bị đặt dấu hỏi khi Trung Quốc đang có kế hoạch tăng độ tuổi nghỉ hưu, hiện tại là 50 tuổi đối với nữ giới lao động chân tay, 55 đối với nữ giới làm việc văn phòng và 60 tuổi đối với nam giới.

“Cha mẹ ngày nay thường khác với cha mẹ của họ về triết lý nuôi dạy con cái và muốn nuôi dạy con cái bằng các phương pháp khoa học”, Sun Yi, phó giáo sư tại Viện nghiên cứu Châu Á – Nhật Bản của Đại học Ritsumeikan, cho biết. “Cho đến nay, nhiều trung tâm chăm sóc trẻ em tư nhân chất lượng thấp khiến các bậc phụ huynh ngần ngại sử dụng “.

Nỗ lực bất thành

Các nhà nghiên cứu cho biết những thách thức với các trường mẫu giáo mang đến cơ hội cho Trung Quốc, nơi chi phí nuôi dạy trẻ em vẫn còn cao so với thu nhập, để thúc đẩy dịch vụ chăm sóc trẻ em chuyên nghiệp với giá cả phải chăng.

Theo một báo cáo được công bố vào tháng 2 bởi Viện nghiên cứu dân số Yuwa, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh, chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ từ khi sinh ra đến 18 tuổi là 6,3 lần GDP bình quân đầu người. Trong số 13 quốc gia mà họ so sánh tỷ lệ này, chỉ có Hàn Quốc có con số cao hơn, ở mức 7,79. Con số này là 2,08 lần ở Úc, 4,11 lần ở Mỹ và 4,26 lần ở Nhật Bản.

Số lượng trường mẫu giáo tư thục tăng gấp ba lần từ năm 2003 đến năm 2019, khi đạt đỉnh là 173.200. Yeh Hsueh, giáo sư tại Đại học Memphis, cho biết sự tăng trưởng này là do các chính sách hồi năm 2000 nhằm chuyển đổi các trường mẫu giáo công lập và tập thể thành trường tư thục có chủ sở hữu cá nhân. Đây là nỗ lực mở rộng hệ thống trường ở các vùng nông thôn, nơi thiếu cơ sở hạ tầng chăm sóc trẻ em. Các trường chuyển đổi cũng nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của người lao động nhập cư, bao gồm cả những người ở các thành phố lớn trở về trung tâm thị trấn hoặc quận gần làng của họ để tìm việc làm.

Nhưng ngay cả sau khi Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con vào năm 2016, tỷ lệ sinh đã giảm trong bảy năm liên tiếp cho đến năm 2023 và dân số đã giảm trong hai năm qua.

“Các tổ chức đầu tư vào trường mẫu giáo có kỳ vọng tích cực về tỷ lệ sinh của Trung Quốc, trước đây luôn tăng hàng năm”, Mengxi Jiang, trưởng dự án tại Daxue Consulting có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến lĩnh vực giáo dục mầm non là đợt siết chặt các hoạt động nhằm kiếm lợi nhuận trong giáo dục. Năm 2018, Quốc vụ viện Trung Quốc đã cấm các nhà điều hành trường mẫu giáo tư thục niêm yết cổ phiếu của họ trên thị trường chứng khoán và cấm các công ty niêm yết đầu tư vào các trường này.

Tuy nhiên, trường tư thục vẫn thu hút sự quan tâm của những người có khả năng chi trả và không thích những gì họ cho là “sự cứng nhắc” trong hệ thống trường công.

Nhưng dù là trường công hay trường tư, các trường vẫn phải chịu ảnh hưởng từ tỷ lệ sinh giảm.

Quay trở lại với câu chuyện ở phía tây Thượng Hải, bất kỳ tiến triển nào mà Trung Quốc đạt được trong việc đảo ngược xu hướng này cũng đều là quá muộn đối với Trường mẫu giáo Angels.

Vào tháng 5, trường đã thông báo với phụ huynh rằng trường sẽ đóng cửa, “không còn đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà và chi phí hoạt động khổng lồ” sau khi hợp đồng thuê hết hạn vào ngày 30/6.

Một quảng cáo in gần cổng trường với nội dung “có thể cho thuê dài hạn hoặc ngắn hạn”, nhưng dường như chẳng có mấy người trong ngành mẫu giáo đặt cược vào lĩnh vực đầu tư đã hết triển vọng này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới