Điện thoại di động Trung Quốc đã chiếm gần 80% thị trường Nga, đồng thời cũng có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ tại nhiều thị trường khác trên thế giới.
Điện thoại Trung Quốc chiếm gần 80% thị phần tại Nga
Theo dữ liệu được tờ China News đăng tải, điện thoại Trung Quốc chiếm 79% số điện thoại thông minh nhập khẩu của Nga vào năm 2023, tăng 4% so với năm 2022 và cao hơn 29% so với năm 2021.
Trong số đó, Xiaomi là thương hiệu smartphone có số lượng nhập khẩu vào Nga lớn nhất, chiếm gần 30% tổng lượng nhập khẩu (9,1 triệu chiếc). Các thương hiệu Tecno và Infinix, thuộc sở hữu của Transsion, xếp thứ 2 và thứ 4 với nguồn cung lần lượt là 4,5 triệu và 3 triệu chiếc, chiếm lần lượt 13,8% và 9,6% trong tổng lượng nhập khẩu.
Theo các báo cáo ở nước ngoài trích dẫn trang web 3D News Daily Digital Digest của Nga, trong nửa đầu năm 2024, doanh số bán điện thoại thông minh của Nga là 14,3 triệu chiếc, hầu hết được thúc đẩy bởi 4 thương hiệu điện thoại di động Trung Quốc có doanh số bán hàng cao nhất là Redmi, Tecno và Realme và Infinix.
Nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng này là do các thương hiệu phương Tây đã rút hoặc giảm nguồn cung tại thị trường Nga, để lại không gian thị trường cho các thương hiệu Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 3/2022, gã khổng lồ công nghệ Mỹ Apple tuyên bố sẽ đình chỉ toàn bộ việc bán sản phẩm tại Nga. Sau đó, Samsung cũng tuyên bố sẽ ngừng cung cấp các sản phẩm điện tử tiêu dùng từ chip cho đến smartphone sang Nga.
Kể từ đó, điện thoại di động Trung Quốc đã trở thành mặt hàng chính ở Nga. Theo tờ Thời báo Chứng khoán (STCN), điện thoại di động thương hiệu Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 30% thị phần tại Nga vào năm 2016 và chiếm khoảng 50% thị phần vào năm 2021. Đến năm 2023, con số này đã tăng lên khoảng 80%.
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp điện thoại Trung Quốc cũng rất biết cách “chiều lòng” các khách hàng ngoại khi tiến hành nghiên cứu về thị trường Nga và tung ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Điển hình như việc Redmi đưa ra những sản phẩm có màn hình cỡ lớn, độ phân giải cao, thời lượng pin dài, hay thương hiệu Tecno của Transsion thu hút người tiêu dùng Nga nhờ lợi thế đáng kể trong việc kiểm soát chi phí và quản lý chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, ông Liang Zhenpeng, nhà phân tích ngành thiết bị gia dụng, cho biết điện thoại di động Trung Quốc có lợi thế là giá rẻ và có thể phù hợp với tình hình kinh tế của người tiêu dùng Nga. Sự đổi mới công nghệ và trải nghiệm người dùng của điện thoại di động Trung Quốc cũng đã được người tiêu dùng Nga ghi nhận.
Hướng tới châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh
Doanh số bán điện thoại di động tăng vọt ở Nga chỉ là một trong những ví dụ tiêu biểu trong quá trình điện thoại di động Trung Quốc thâm nhập thị trường toàn cầu. Năm 2024, doanh số bán điện thoại di động của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều thị trường nước ngoài.
Theo dữ liệu của Canalys, trong quý II/2024, thị trường điện thoại thông minh châu Phi tăng trưởng nhẹ, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 17,8 triệu chiếc.
Trong số đó, thương hiệu Trung Quốc Transsion đã chiếm 51% thị phần với 9,2 triệu lô hàng điện thoại di động, đứng đầu ở châu Phi.
Cùng kỳ, trong khi doanh số điện thoại di động của Samsung giảm 25% so với năm ngoái thì doanh số điện thoại di động của Xiaomi, Realme và OPPO tại thị trường châu Phi tăng lần lượt 45%, 137% và 39%.
Tại thị trường Ấn Độ, Xiaomi cũng đã lấy lại vị trí dẫn đầu về doanh số khỏi tay Samsung. Theo dữ liệu của Canalys, trong quý II, Xiaomi đã giành lại vị trí dẫn đầu trên thị trường điện thoại di động Ấn Độ với 6,7 triệu chiếc được xuất xưởng và thị phần là 18%.
Đây là lần trở lại đầu tiên của hãng sau khi đánh mất “vương miện doanh số” trong 6 quý liên tiếp. Các lô hàng của Samsung giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các lô hàng của Vivo, Realme và OPPO đều tăng.
Tại thị trường Đông Nam Á, Samsung vẫn đứng đầu với doanh số 4,4 triệu chiếc và lượng xuất xưởng tăng 5% so với quý II năm ngoái. Nhưng xếp ngay sau “ông lớn” Hàn Quốc là OPPO, xuất xưởng 4,2 triệu chiếc, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các lô hàng của Xiaomi và Vivo, xếp lần lượt thứ ba và thứ tư, đều tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái và các lô hàng của Transsion tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thị trường Mỹ Latinh, Xiaomi đã xuất xưởng 6,2 triệu chiếc trong quý II/2024, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, lập mức cao kỷ lục và xếp thứ hai.
Các thương hiệu Transsion và Honor đã nhảy lên top 5, với doanh số tăng lần lượt 52% và 47%.
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng toàn cầu của điện thoại di động thương hiệu Trung Quốc vượt trội so với các đối tác nước ngoài.
Giành lại vị trí đã mất?
Các chuyên gia tin rằng các thương hiệu điện thoại Trung Quốc đang cố nắm bắt cơ hội tăng trưởng tại các thị trường mới nổi như châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam Á – những khu vực ngày càng quan trọng trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu.
Để làm được điều này, các nhà sản xuất của Bắc Kinh liên tục đổi mới công nghệ cũng như các chiến lược tiếp thị, “địa phương hoá” sản phẩm.
Ông Liang Zhenpeng cho rằng, lợi thế cạnh tranh chính của điện thoại di động Trung Quốc ở thị trường nước ngoài là danh tiếng thương hiệu, sự gắn bó của người dùng, lợi thế chuỗi cung ứng và đổi mới công nghệ liên tục.
Nhìn ra thị trường toàn cầu, ngành điện thoại di động hiện đang có sự phục hồi về doanh số.
Theo dữ liệu từ tổ chức phân tích thị trường TechInsights, lượng xuất xưởng điện thoại thông minh toàn cầu trong quý II/2024 đạt xấp xỉ 290 triệu chiếc, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, 2 vị trí top đầu vẫn là Samsung và Apple, nhưng những thương hiệu Trung Quốc cũng đang cho thấy vị thế đáng gờm khi chiếm tới 8 trong 10 vị trí hàng đầu về doanh số, bao gồm Xiaomi, vivo, Transsion, OPPO (OnePlus), Honor, Lenovo-Motorola, Huawei.
Tuy nhiên, nếu xem xét một cách kỹ càng, điện thoại Trung Quốc dường như chỉ đang giành lại vị trí họ từng chiếm lĩnh, và từng bước “khuếch đại” hơn nữa tầm ảnh hưởng của mình.
T.P